MỚI

Điều trị tiêu chảy cấp trẻ em theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO )

Ngày xuất bản: 19/04/2023

Tiêu chảy cấp là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong cho trẻ em các nước đang phát triển. Ước tính hàng năm có tới 1,3 tỷ lượt trẻ em dưới 5 tuổi mắc tiêu chảy và 4 triệu trẻ chết vì bệnh này. Có khoảng 80% trường hợp tử vong do tiêu chảy xảy ra ở nhóm trẻ dưới 2 tuổi, đỉnh cao nhất là 6 – 24 tháng tuổi. Nguyên nhân chính gây tử vong của tiêu chảy cấp tính là do cơ thể bị mất nước và điện giải.

1. Điều trị tiêu chảy cấp ở trẻ em. 

1.1. Phác đồ điều trị A:

Điều trị tiêu chảy tại nhà.

Ba nguyên tắc điều trị tiêu chảy tại nhà:

(NT1) Cho trẻ uống nhiều dịch hơn bình thường phòng mất nước:

– Dung dịch pha chế tại nhà, dung dịch ORS, nước trong.

– Số lượng ORS cần uống sau mỗi lần đi ngoài: Uống theo nhu cầu mất nước.

< 24 tháng: 50 – 100 ml.

2 – 10 tuổi : 100 – 200 ml.

> 10 tuổi: Uống tùy thích.

– Tiếp tục cho uống cho đến khi hết tiêu chảy.

(NT2) Cho trẻ ăn nhiều thức ăn giàu dinh dưỡng để đề phòng suy dinh dưỡng. Tiếp tục cho bú sữa mẹ thường xuyên.

(NT3) Đưa trẻ tới cán bộ y tế nếu không khá lên sau 3 ngày hoặc có một trong các triệu chứng sau:

– Đi tiêu nhiều, phân nhiều nước.

– Ăn hoặc uống kém.

– Sốt.

– Khát nhiều.

– Nôn liên tục.

– Có máu trong phân.

1.2. Phác đồ điều trị B:

Bệnh nhân mất nước trung bình.

– Lượng dung dịch ORS cho uống trong 4 giờ đầu (ml) = Trọng lượng cơ thể của bệnh nhân (kg) x 75. (ml = p x 75)

– Khuyến khích mẹ tiếp tục cho con bú.

– Quan sát trẻ cẩn thận và giúp mẹ cho trẻ uống ORS.Trẻ ói thì cho uống muổng

– Sau 4 giờ đánh giá lại theo bảng đánh giá rồi chọn phác đồ A hay B hay C để điều trị tiếp.

1.3. Phác đồ điều trị C:

Điều trị bệnh nhân mất nước nặng.

– Truyền tĩnh mạch dung dịch Ringer lactat 100ml/kg, chia số lượng và thời gian như sau:

Tuổi

Lúc đầu cho 30 ml/kg trong

Sau đó truyền 70ml/kg trong

Trẻ nhỏ < 12 tháng

1 giờ

5 giờ

Trẻ lớn hơn

30 phút

2 giờ 30 phút

– Ngay khi bệnh nhân có thể uống được, cho uống 10ml/kg/giờ dung dịch ORS.

– Sau 3 giờ (trẻ nhỏ) hoặc 4 giờ (trẻ lớn) đánh giá lại bệnh nhân bằng bảng đánh giá, sau đó chọn phác đồ điều trị phù hợp để tiếp tục điều trị.

– Nếu không thể truyền dịch được có thể bù nước bằng ống thông dạ dày dung dịch ORS 20ml/kg/giờ trong 6 giờ. Cứ 1 – 2 giờ đánh giá lại tình trạng bệnh nhân, nếu sau 3 giờ tình trạng mất nước không tiến triển tốt, chuyển bệnh nhân lên tuyến trên để truyền dịch tĩnh mạch.( dành cho tuyến cơ sở)

1.4. Điều trị tiêu chảy kéo dài:

1.4.1. Dinh dưỡng điều trị:

– Tiếp tục cho bú sữa mẹ

– Giảm tạm thời số lượng sữa động vật (hoặc đường lactose) trong chế độ ăn.

– Cung cấp đầy đủ năng lượng, protein, vitamin, muối khoáng cho cơ thể.

– Tránh cho trẻ những thức ăn hoặc nước uống làm tiêu chảy nặng thêm.

– Đảm bảo chắc chắn cung cấp đầy đủ thức ăn cho trẻ trong thời kỳ lành bệnh để hồi phục tình trạng SDD.

1.4.2. Điều trị thuốc:

– Phân có máu hoặc cấy phân dương tính đối với Shigella nên dùng kháng sinh để điều trị Shigella.

– Nếu thấy kén hoặc các đơn bào ký sinh như Giardia, E. histolytica trong phân phải cho điều trị một đợt kháng đơn bào thích hợp.

2. Dinh dưỡng điều trị  tiêu chảy cấp:

– Trong xử trí bệnh bệnh tiêu chảy, ngoài việc bù nước và chất điện giải, cho ăn là khâu không kém quan trọng để phòng ngừa suy dinh dưỡng. Cách bù dinh dưỡng hữu hiệu nhất là tiếp tục cho trẻ ăn trong lúc tiêu chảy và cho trẻ ăn thêm 1 lần trong hai tuần sau khi đã ngưng tiêu chảy.

– Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy 60% các chất dinh dưỡng vẫn được hấp thu trong giai đoạn cấp của tiêu chảy.

2.1. Nuôi dưỡng trong khi bị tiêu chảy cấp:

Nuôi dưỡng trước khi tiêu chảy

0 – 3 tháng

4 – 5 tháng

> 6 tháng

– Bú mẹ

– Sữa động vật

– Sữa công thức

Tiếp tục

Tiếp tục nhưng pha loãng 1/2 trong 2 ngày

Tiếp tục

Tiếp tục nhưng pha loãng 1/2 trong 2 ngày, nếu không thì cho thức ăn mềm

Tiếp tục

Tiếp tục cho ăn như thường

– Thức ăn mềm hoặc thức ăn đặc (#)

Không

Tiếp tục nếu bình thường đã cho ăn

Tiếp tục hoặc bắt đầu nếu chưa cho ăn

2.2. Nuôi dưỡng trong thời kỳ hồi phục và theo dõi:

Cho trẻ ăn thêm mỗi ngày một bữa trong 2 tuần lễ sau khi bị tiêu chảy cấp. Nếu trẻ bị suy dinh dưỡng (SDD) hoặc tiêu chảy kéo dài đang hồi phục thì cần kéo dài hơn thời gian cho ăn thêm bữa phụ cho tới khi tình trạng SDD được khắc phục.

3. Kháng sinh và các thuốc khác trong tiêu chảy cấp:

3.1. Kháng sinh:

Kháng sinh không được cho một cách thường quy trong tiêu chảy cấp. 95% các trường hợp tiêu chảy ở trẻ em được điều trị thành công chỉ bằng bù dịch bằng đường uống và cho ăn. Kháng sinh được chỉ định trong tiêu chảy do Shigella và trong tả.

– Lỵ trực trùng: Chọn loại thuốc đang còn đáp ứng với vi khuẩn ở tại địa phương: VD: Cotrimoxazol (Bactrim): 50 mg/kg cân nặng/ngày chia 2 lần, trong 5 – 7 ngày hoặc Ciprofloxacine 30mg/kg/ngày chia 2 lần, trong 5 – 7 ngày.

– Tả: Tetracyclin 30 mg/kg/ngày trong 3 ngày hoặc Erythromycin 30 – 40 mg/kg/ngày trong 3 ngày.

3.2. Thuốc chống ký sinh trùng:

Trong tiêu chảy có thể sử dụng những thuốc để điều trị một số bệnh nhiễm trùng khác đi kèm như: viêm phổi, viêm màng não mủ, viêm tai giữa hay sốt rét.

Chỉ điều trị lỵ Amíp khi điều trị lỵ shigella không khỏi hay thấy trong phân có đơn bào amíp ăn hồng cầu.

Điều trị trùng roi (Giardia) khi tiêu chảy kéo dài trên 14 ngày và có kén hay đơn bào trùng roi ở trong phân. Điều trị Giardia: Metronidazole 15 mg/kg/ngày chia 2 lần, trong 7 – 10 ngày.

3.3. Bù Kẽm trong tiêu chảy cấp:

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO ) và UNICEF đã đưa ra khuyến cáo  nên cho trẻ uống kẽm trong điều trị tiêu chảy cấp.

– Liều lượng là 10 – 20 mg / ngày cho trẻ dưới 5 tuổi bị tiêu chảy (10 mg / ngày cho trẻ dưới 6 tháng tuổi, 20 mg cho trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi) uống  trong vòng 14 ngày.

3.4. Các thuốc không nên dùng trong tiêu chảy cấp:

– Các thuốc chống nhu động ruột như: immodium, các thuốc chống nôn như promethazine, các thuốc hấp phụ như actapulgite, smecta, than hoạt là những thuốc không có ích trong điều trị tiêu chảy.

– Các kháng sinh như sulfaguanidine, neomycine, streptomycine, neomycine cũng không có giá trị gì trong điều trị tiêu chảy.

4. Phòng bệnh tiêu chảy cấp:

– Điều trị đúng một trường hợp tiêu chảy gồm phục hồi nước bằng dịch uống (ORS) và nuôi dưỡng có thể làm giảm tác hại của tiêu chảy như mất nước, suy dinh dưỡng và nguy cơ tử vong. Tuy nhiên, dù tần suất các đợt tiêu chảy đã giảm đáng kể thì vẫn cần phải có các biện pháp làm giảm lan truyền vi khuẩn gây tiêu chảy và làm tăng sức đề kháng của cơ thể trẻ, để chống lại các tác nhân gây bệnh.
Xem thêm: Điều trị tiêu chảy kéo dài ở trẻ em

– Có 7 biện pháp được xác định như là những mục tiêu tuyên truyền.

Nuôi con bằng sữa mẹ:

Cải thiện tập quán cho trẻ ăn dặm:

Sử dụng nguồn nước sạch cho vệ sinh và ăn uống:

Rửa tay:

Sử dụng hố xí:

Xử lý an toàn phân trẻ nhỏ:

Tiêm phòng sởi

 * TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1.  QUYẾT ĐỊNH số 4121/QĐ – BYT. Về việc ban hành “ Tài liệu hướng dẫn xử trí tiêu chảy ở trẻ em” ký 28/10/2009 của BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
  2. BS Hoàng Lê Phúc. “ Tiêu chảy cấp” Phác đồ điều trị Bệnh viện nhi đồng 1, (2013) tr 788 – 790. Và “ Lỵ trực trùng ” Phác đồ điều trị Bệnh viện nhi đồng 1, (2013) tr 805 – 807.
  3. BS Phạm Đức Lễ. “ Tiêu chảy kéo dài” Phác đồ điều trị Bệnh viện nhi đồng 1, (2013) tr 793 – 795.
  4. BS Lê Phan Thị Kim Oanh: “Hội chứng lỵ ” Thực hành lâm sàng nhi khoa. Bộ môn Nhi trường Đại học Y – Dược TP. HCM. Tr 263- 264.(2007).
facebook
10

Bình luận0

Đăng ký
Thông báo về
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận

Bài viết cùng chuyên gia