Dịch tễ học Bệnh trĩ: Tần suất bệnh và yếu tố nguy cơ
Đám rối tĩnh mạch trĩ là cấu trúc mạch máu bình thường ở ống hậu môn, bao gồm các mạch máu thông nối với máu tạo thành hai đám rối – tĩnh mạch trĩ trên và tĩnh mạch trĩ dưới. Trong trường hợp sinh lý bình thường, đám rối tĩnh mạch trĩ có vai trò đệm đỡ vùng ống hậu môn trong hoạt động đi tiêu. Khi mạch máu của đám rối trĩ bị phình giãn quá mức thì gọi là bệnh trĩ. Bệnh trĩ là một bệnh phổ biến, có các đặc điểm dịch tễ rất riêng biệt, liên quan mật thiết các yếu tố nguy cơ trong thói quen sống hằng ngày.
1. Phân loại bệnh trĩ
Nội dung bài viết
Dựa vào vị trí và nguồn gốc, các búi trĩ có thể được chia thành 02 loại chính là trĩ nội và trĩ ngoại.
- Trĩ nội là các búi trĩ có vị trí phía trên hay ngay trên đường lược. Trĩ nội có nguồn gốc từ đám rối trong của hệ thống tĩnh mạch trĩ. Các búi trĩ nội được chi phối bởi hệ thống thần kinh tạng nên ít nhạy cảm với cảm giác đau và các kích thích khác. Trĩ nội được chia thành 04 mức độ
- Độ I: Búi trĩ nội quan sát được bằng nội soi hậu môn trực tràng, có thể nhô vào ống trực tràng nhưng không vượt qua đường lược
- Độ II: Búi trĩ nội sa xuống ống hậu môn khi đi đại tiện hay rặn, sau đó tự rút lại được
- Độ III: Búi trĩ nội sa xuống ống hậu môn khi đi đại tiện hay rặn, không tự rút lại được, cần dùng tay đẩy búi trĩ lên.
- Độ IV:Búi trĩ nội sa xuống ống hậu môn và không thể dùng tay đẩy búi trĩ lên được.
- Trĩ ngoại là các búi trĩ có vị trí bên dưới của đường lược. Trĩ ngoại có nguồn gốc từ đám rối ngoài của hệ thống tĩnh mạch trĩ và có chi phối thần kinh cảm giác bản thể nên rất nhạy cảm với cảm giác đau và các kích thích khác.
- Trĩ hỗn hợp – là những búi trĩ trĩ kéo dài từ bên trên và vượt qua đường lược, mang những đặc điểm của cả trĩ nội và trĩ ngoại.
Bài viết chi tiết về giải phẫu chức năng và phân loại trĩ đã được giới thiệu trên chuyên trang VinmecDr.
2. Đặc điểm dịch tễ học của bệnh trĩ
2.1 Tần suất bệnh trĩ
Bệnh trĩ là bệnh vùng hậu môn trực tràng phổ biến nhất và cũng là nguyên nhân thường gặp nhất khiến người bệnh tìm kiếm sự giúp đỡ y tế về các vấn đề liên quan đến vùng hậu môn trực tràng. Tần suất mắc bệnh gia tăng theo tuổi, phần lớn người trưởng thành độ tuổi trung niên đều có một khoảng thời gian mắc bệnh trĩ hoặc có triệu chứng của bệnh trĩ ở ít nhất một giai đoạn nào đó trong đời. Tuy vẫn chưa có nghiên cứu đủ lớn để đưa ra giá trị thống kê về tần suất mắc bệnh trong dân số Việt Nam, dựa trên kết quả của một số nghiên cứu ban đầu cho thấy tần suất mắc bệnh thống kê ở những người trên 50 tuổi là khoảng 50%. Bệnh hiếm gặp ở những người dưới 20 tuổi.
Tuy nhiên rất khó để đánh giá chính xác tần suất mắc thực sự của dân số đối với bệnh trĩ. Do rằng một phần không nhỏ các bệnh nhân thường nghĩ các triệu chứng vùng hậu môn trực tràng là do trĩ. Thực ra còn có những nguyên nhân khác như rò hậu môn, nứt hậu môn và mụn cóc sinh dục…có thể cho các triệu chứng khá giống với trĩ. Nên số liệu ở các nghiên cứu khác nhau có thể cho các kết quả rất mâu thuẫn. Một nghiên cứu cắt ngang khảo sát dịch tễ bệnh trĩ thực hiện tại Thành Phố Hồ Chí Minh của tác giả Trần Thiện Hoài thực hiện năm 2006, khảo sát ngẫu nhiên các đối tượng trên 50 tuổi ở tất cả các quận huyện của thành phố, chẩn đoán xác định bằng thăm khám trực tiếp bởi bác sĩ cho kết quả như sau: Tỷ lệ hiện mắc bệnh trĩ nội và bệnh trĩ ngoại trong cộng đồng là 25,13%, nam có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 1,36 lần so với nữ. Nhóm tuổi mắc trĩ cao nhất trong mẫu nghiên cứu là 65-69 tuổi và có sự giảm nhẹ tỷ lệ sau tuổi 75.
Nghiên cứu bên trên cũng chỉ ra mối liên quan giữa tần suất mắc bệnh trĩ và các yếu tố nguy cơ như: táo bón (OR = 1,80, khoảng tin cậy 95%) và bệnh hô hấp mạn tính gây ho nhiều (OR = 1,40, khoảng tin cậy 95%).
Bệnh trĩ có liên quan đến nhiều yếu tố dịch tễ
2.2 Yếu tố nguy cơ của bệnh trĩ
Như đã đề cập ở trên, một số yếu tố nguy cơ đã được quan sát cho thấy góp phần dẫn đến tần suất mắc cao của bệnh trĩ, thường gặp nhất là táo bón và các bệnh lý hô hấp mạn tính gây ho nhiều. Ngoài ra còn có thể kể đến một số yếu tố nguy cơ khác được cho là có liên quan đến sự hình thành của bệnh trĩ như:
- Thói quen ngồi nhiều
- Tiêu chảy kéo dài
- Có thai
- Di truyền
- Các bệnh lý tim và gan, đặc biệt là xơ gan
Ngoài ra còn có một số yếu tố có liên quan đến khởi phát hay làm nặng các triệu chứng của bệnh trĩ: lớn tuổi, các khối u vùng chậu, tiểu khung, khối u phần phụ, sử dụng các loại thuốc chống đông hay các thuốc chống kết tập tiểu cầu. Tuy nhiên vẫn còn chưa có bằng chứng đầy đủ về sự tương quan rõ ràng về các đặc điểm dịch tễ của bệnh trĩ và các yếu tố nguy cơ kể trên.
Xem thêm: Bệnh trĩ: Phân loại, nguyên nhân, triệu chứng, điều trị