Đặt mắc cài – Khái niệm và vấn đề cần lưu ý
Đặt mắc cài là khâu quan trọng nhất trong điều trị, sau việc chẩn đoán đúng và lập kế hoạch điều trị. Gắn band và gắn mắc cài là vấn đề không thể tách rời và nên được thực hiện bởi chính tay các Bác sĩ chỉnh nha để đảm bảo tính chính xác trong việc đặt khí cụ.
1. Giới thiệu
Nội dung bài viết
Sự chính xác cần thiết
Sự chính xác của vị trí mắc cài là rất quan trọng để các thông số trên mắc cài có thể thể hiện được sự hoàn toàn và hiệu quả. Điều này giúp cho cơ chế điều trị và cải thiện độ ổn định của kết quả điều trị.
Điều trị bệnh nhân
Đặt mắc cài phải được thực hiện ở trong một môi trường yên tĩnh và tiến hành các bước không vội vàng, giúp giảm thiểu lo lắng và khó chịu cho bệnh nhân. Điều này sẽ tạo nên sự tin tưởng cho bệnh nhân, giúp tăng sự hợp tác của bệnh nhân trong quá trình điều trị sau này.
Sử dụng hệ thống quang trùng hợp để gắn mắc cài và gắn band là rất có hiệu quả. Điều này giảm áp lực về thời gian cho các bác sĩ chỉnh nha trong những lần gắn mắc cài. Nên dùng chất gắn tuân theo đúng quy trình hướng dẫn của nhà sản xuất. Nhẹ nhàng và chính xác sẽ đảm bảo cho việc gắn dính tốt, giảm nguy cơ bong sau khi gắn.
2. Lưu ý khi đặt mắc cài
Đặt mắc cài toàn phần hay từng phần?
Với đa số bệnh nhân chúng ta nên gắn mắc cài và khâu một lần ngay từ lúc bắt đầu điều trị vì sẽ chỉ làm cho bệnh nhân khó chịu một lần, tất cả các răng cần phải được gắn mắc cài ở vị trí chính xác ngay từ đầu. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp liệt kê dưới đây có thể chỉ gắn mắc cài bán phần. Để lại một răng hay một nhóm răng không gắn mắc cài.
Đối với các răng bị kẹt
Những răng nằm tách hẳn ngoài cung hàm theo mặt phẳng ngang và mặt phẳng đứng, thì chưa nên gắn mắc cài cho đến khi những chiếc răng khác đã thẳng hàng và tạo đủ khoảng trống.
Răng nanh bên phải hàm trên mọc lệch ngoài cung, không được gắn mắc cài khi mới bắt đầu điều trị. Cần tạo đủ chỗ cho răng nanh trước khi bắt đầu đưa nó về vị trí đúng trên cung răng.
Những trường hợp khớp cắn sâu
Trong một số trường hợp, khi đã quyết định không sử dụng miếng cắn hoặc chất tạo khớp cắn thì nên bắt đầu điều trị bằng gắn mắc cài chỉ cung hàm trên. Sau đó, khi độ cắn chìa đã được điều chỉnh đúng, khi đó chúng ta mới tiến hành gắn mắc cài răng cho cửa hàm dưới thì sẽ không gây khó chịu cho bệnh nhân và tránh được nguy cơ phá hủy men răng hay những mắc cài mới đặt.
Trường hợp cần cắt kẽ răng
Thông thường cần tiến hành mài chỉnh hình thể các răng cửa có hình tam giác.
Những răng cửa hình tam giác thường cần mài chỉnh một ít men răng để tránh tạo ra tam giác đen thiếu thẩm mỹ giữa 2 răng. Có thể sẽ tốt hơn nếu ta gắn mắc cài chậm lại cho các răng cửa hàm dưới, để giảm hiện tượng các răng cửa dưới bị đưa ra trước. Cơ chế điều trị sẽ dễ hơn nếu những răng cửa hàm dưới hình tam giác được mài chỉnh hình thể lại trước khi đặt mắc cài.
Có thể sẽ tốt hơn nếu ta gắn mắc cài chậm lại cho các răng cửa, đặc biệt đối với cung hàm dưới. Nếu các răng cửa dưới được gắn mắc cài ngay từ khi bắt đầu điều trị, thì chắc chắn chúng sẽ bị đẩy chìa về phía trước lại một ít trong quá trình làm thẳng hàng răng, đặc biệt trong những trường hợp không nhổ răng. Sau đó, khi mài kẽ răng sẽ làm các răng ngả về lại phía trong, đây là một dạng chuyển động tới lui. Đây là một hiệu ứng không mong muốn trong chỉnh nha, và ta có thể tránh được bằng cách không đặt mắc cài cho răng cửa hàm dưới khi bắt đầu điều trị.
Trường hợp cần cơ chế trượt và trường hợp hàm răng hỗn hợp
Những răng cối nhỏ hàm trên và đôi khi cả những răng nanh hàm trên thường không được gắn mắc cài khi bắt đầu điều trị trong trường hợp cần sử dụng cơ chế trượt để di xa răng 6, 7.
Trong một số trường hợp điều trị hàm răng hỗn hợp, chỉ có những răng vĩnh viễn mới được gắn mắc cài. Trong một số trường hợp có thể gắn mắc cài trên răng sữa để tăng sức mạnh và độ ổn định của khí cụ hoặc cải thiện tư thế của răng sữa.
Tìm hiểu thêm >>>> Những phương pháp kiểm soát trẻ khi khám răng
Lý thuyết về vị trí mắc cài – Tránh sai sót
Phải luôn cố gắng để đặt mắc cài chính xác. Nếu đặt mắc cài tốt thì trên lâm sàng sẽ thấy khớp cắn đúng, và làm cho giai đoạn hoàn thiện dễ dàng. Điều này sẽ giúp ích cho chúng ta rất nhiều trong công việc nắn chỉnh nha bận rộn.
Với khí cụ Edgewise truyền thống việc đặt mắc cài được tiến hành với thước đo và khoảng cách milimet chuẩn từ rìa cắn đến khe mắc cài mỗi răng, bất luận kích thước răng. Với cách làm này, những bệnh nhân có răng cửa to thì mắc cài sẽ gần phía rìa cắn hơn những bệnh nhân có răng cửa nhỏ, như vậy mắc cài sẽ được đặt vào phần bề mặt có độ vồng khác nhau, làm thay đổi độ xoay và độ lệch trong ngoài của mắc cài. Tuy nhiên, do chúng ta phải uốn dây cung cho mọi trường hợp sử dụng khí cụ Edgewise nên điều này là chấp nhận được.
Andrew đã giới thiệu khái niệm “trung tâm của thân răng lâm sàng” như là một lý thuyết đặt mắc cài tin cậy hơn để sử dụng khí cụ dây thẳng, với cánh mắc cài song song với trục của thân răng lâm sàng. Như vậy đã khắc phục được các nhược điểm của phương pháp Edgewise truyền thống đối với độ xoay và lệch trong – ngoài của mắc cài. Tuy nhiên, như mô tả dưới đây – khó có thể đạt được vị trí chính xác theo chiều đứng nếu chỉ dựa vào trung tâm của thân răng lâm sàng, vì thường xảy ra nhiều sai sót theo chiều dọc, cho nên nhiều tác giả đề nghị sử dụng thước đo với sơ đồ vị trí mắc cài riêng. Cách gắn này tuân theo các nguyên tắc của Andrew về trung tâm thân răng lâm sàng nhưng đảm bảo độ chính xác theo chiều đứng hơn và ít phải đặt lại mắc cài.
Khi gắn mắc cài trực tiếp, chúng ta nên tránh nhìn mắc cài lệch góc theo chiều gần xa và trên dưới. Để đảm bảo được góc nhìn đúng thì trong khi gắn mắc cài, chúng ta phải xoay đầu bệnh nhân, và bác sĩ phải liên tục thay đổi vị trí ghế ngồi.
Khi gắn mắc cài, góc nhìn răng chuẩn rất quan trọng
Đặt chính xác mắc cài theo chiều ngang
Răng cửa và răng hàm có mặt ngoài tương đối phẳng, và những sai sót nhỏ ảnh hưởng không đáng kể đến vị trí các răng này.
Sai sót trong việc đặt mắc cài theo chiều ngang gây xoay răng
Răng nanh và răng cối nhỏ có bề mặt vồng hơn, vì thế độ chính xác là rất quan trọng, bởi vì sai số trong vị trí mắc cài theo chiều ngang sẽ gây xoay răng. Quan sát răng nanh, cối nhỏ, cối lớn và những răng cửa bị xoay từ phía cắn bằng gương sẽ giúp cho việc đặt mắc cài chính xác theo trục dọc của thân răng.
Độ chính xác theo mặt phẳng ngang của răng nanh cối nhỏ, cối lớn sẽ được kiểm tra với gương nha khoa.
Mắc cài răng nanh dưới cần đặt ở chính giữa trục dọc của thân răng hoặc hơi về phía gần để đảm bảo tiếp xúc tốt với răng cửa bên.
Trong trường hợp này, mắc cài răng nanh dưới được gắn hơi lệch về phía xa trục dọc răng. Làm cho tiếp điểm giữa răng cửa bên và răng nanh không được tốt, đặc biệt là ở phía bên trái.
Đối với những răng cửa bị xoay
Nên đặt mắc cài trên các răng cửa xoay hơi lệch một chút về phía gần hoặc xa. Trên những răng bị xoay mắc cài nên gắn lệch gần hoặc xa, đôi khi gắn thừa một ít chất gắn ở phía gần hoặc xa dưới nền của mắc cài. Bằng cách này, cho phép nắn chỉnh hoàn toàn độ xoay mà không cần một giải pháp đặc biệt nào.
Trên răng bị xoay mắc cài được gắn lệch về phía gần hoặc xa. Theo cách này có thể điều chỉnh hoàn toàn các răng xoay.
Chính xác theo trục răng
Cần phải có góc nhìn đúng theo trục dọc thân răng lâm sàng của mỗi răng để đạt được độ chính xác, bởi vì sai số sẽ làm thay đổi độ nghiêng gần xa của răng. Cánh mắc cài cần đặt song song với trục răng thậm chí trùng với trục răng. Điều này cho phép ta không cần để ý đến rìa cắn răng cửa.
Để đạt được độ chính xác theo trục răng thì cần nhìn rõ trục thân răng của mỗi chiếc răng.
Chính xác về chiều đứng
Đây là điều khó nhất trong việc đặt mắc cài. Việc sử dụng thước đo và sơ đồ vị trí mắc cài riêng biệt giúp cải thiện đáng kể độ chính xác. Điều này sẽ giải quyết được những khó khăn như sai lệch về chiều trường hợp thân răng, trong trường hợp chân răng nằm lệch má, lưỡi, răng mọc chưa hết, lợi phì đại như đã mô tả trước đây.
Chính xác theo chiều đứng là điều khó khăn nhất trong đặt mắc cài.
Theo: Systemized Orthodontic Treatment Mechanics – Richard P. McLaughlin BS DDS