Đại cương về nội soi dạ dày – tá tràng
Nội soi dạ dày – tá tràng là phương pháp chẩn đoán và điều trị các bệnh lý của ống tiêu hóa từ thực quản đến DII của tá tràng bằng máy nội soi ống mềm. Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, máy soi cũng có cải tiến vượt bậc nhằm phục vụ cho việc chẩn đoán và điều trị.
1. Đại cương
Nội dung bài viết
Từ thập kỷ 60 của thế kỷ XX, máy nội soi ống mềm ra đời đã mở ra một kỷ nguyên mới cho chuyên ngành nội soi tiêu hóa và từ thập kỷ 90, khi máy nội soi ống mềm có video ra đời đã tạo ra một bước chuyển biến lớn lao cho ngành nội soi và máy nội soi ngày càng được phát triển áp dụng các tiến bộ mới cải tiến kích thước, tính năng kỹ thuật nhằm phục vụ cho việc chẩn đoán sớm các dạng tổn thương của niêm mạc thực quản – dạ dày – tá tràng, nhất là vai trò trong chẩn đoán sớm ung thư cũng như giúp cho nội soi điều trị (nội soi can thiệp), với mục đích là giảm tỷ lệ bệnh nhân phải chịu phẫu thuật.
Trong thập kỷ 60 – 90 của thế kỷ XX có 2 tiến bộ rất quan trọng của nội soi tiêu hóa là nội soi có video, nội soi siêu âm. Sự ra đời của nội soi có video với độ phân giải cao do được gắn một camera nhỏ ở đầu máy soi kết hợp với kỹ thuật số và máy tính nên cho hình ảnh rõ nét có thể quan sát được những tổn thương nhỏ, nội soi siêu âm có gắn đầu dò siêu âm nên có thể quan sát được những tổn thương ở dưới niêm mạc.
- Nội soi nhuộm màu: là phương pháp nội soi có kết hợp với các chất nhuộm màu như: lygol, xanh methylen, indigo carmine, đỏ congo và đỏ phenol, dựa trên các cơ chế hấp thu chất nhuộm màu, cơ chế tương phản và cơ chế phản ứng. Với phương pháp nội soi nhuộm màu sẽ xác định rõ vùng tổn thương, giúp cho sinh thiết đúng vị trí phục vụ cho chẩn đoán chính xác nhất là chẩn đoán ung thư sớm.
- Nội soi khuếch đại: máy nội soi được trang bị thêm bộ phận phóng đại hình ảnh lên tới 80 – 120 lần, giúp cho bác sĩ quan sát được chi tiết các thay đổi nhỏ của niêm mạc đường tiêu hóa. Nội soi khuếch đại kết hợp với nội soi nhuộm màu có thể đánh giá được chính xác loại tổn thương.
Từ đầu thế kỷ XXI đã có một số phương pháp nội soi đặc biệt được áp dụng, không những phát hiện được tổn thương trên bề mặt của niêm mạc mà còn cả những tổn thương dưới lớp niêm mạc như loạn sản, phát hiện Helicobacter pylori:
- Phương pháp nội soi sử dụng ánh sáng chọn lọc: máy nội soi được trang bị thêm thiết bị có chức năng lọc ánh sáng trắng, ưu tiên sử dụng loại ánh sáng xanh có bước sóng ngắn, khả năng đâm xuyên trong mô kém, do đó có thể quan sát rõ các tổn thương nông trên bề mặt niêm mạc và những cấu trúc mạch ngay dưới niêm mạc. Phương pháp này có tác dụng gần giống như phương pháp nhuộm màu, nhưng có ưu điểm hơn là không chịu ảnh hưởng của các chất nhầy bám trên bề mặt niêm mạc.
- Phương pháp nội soi có kết hợp với laser: máy nội soi được gắn thêm một bộ phận phát và thu laser, ngoài quan sát được niêm mạc như máy nội soi bình thường, máy nội soi này còn cho phép hình ảnh vi thể phóng đại tới hàng nghìn lần, nên có thể phát hiện tổn thương loạn sản, dị sản, hình ảnh ung thư sớm giúp cho sinh thiết được chính xác. Phương pháp này còn có khả năng phát hiện được Helicobacter pylori.
2. Hình ảnh nội soi dạ dày – tá tràng bình thường
2.1. Trong khi soi cần quan sát đầy đủ những đặc điểm sau
- Thể tích dạ dày: hẹp, giãn, bình thường.
- Các chất chứa trong dạ dày: dịch dạ dày trong hay còn thức ăn.
- Dịch máu: máu đỏ mới chảy hay máu đen cục.
- Dịch mật màu xanh khi có trào ngược dịch mật từ tá tràng vào dạ dày.
- Dị vật, giun sán, chỉ khâu còn sót lại…
- Nhu động dạ dày.
- Thành dạ dày: mềm hay cứng, có giãn khi bơm hơi hay không.
- Màu sắc niêm mạc: hồng hay nhạt.
- Hệ thống mao mạch của niêm mạc dạ dày.
2.2. Hình ảnh soi dạ dày bình thường
Bình thường: khi nhịn đói, trong dạ dày chỉ có ít dịch trong và nước bọt, niêm mạc dạ dày đỏ hơn và bóng hơn niêm mạc thực quản. Tùy theo từng vị trí giải phẫu mà hình ảnh niêm mạc dạ dày khác nhau và có cấu tạo mô học khác nhau.
- Thực quản: từ cung răng trên tới lổ tâm vị dài khoảng 35 – 40 cm, lổ trên thực quản cách cung răng trên 15 cm, niêm mạc bình thường mềm mại, nhẵn bóng, màu hồng nhạt. Đường Z là đường ranh giới chuyển tiếp giữa niêm mạc thực quản màu hồng nhạt sang niêm mạc dạ dày màu hồng sẫm hơn, chú ý dễ nhầm với hình ảnh viêm thực quản.
- Tâm vị: phần sát thực quản dài khoảng 2-3cm, niêm mạc nhẵn bóng, tâm vị về phía túi hơi có một nếp gấp tạo thành một góc, ở góc đó có một van khi bơm hơi vào dạ dày làm cho van rõ nét, khi dạ dày xẹp góc đó tù, khi dạ dày căng làm cho góc đó trở nên nhọn gây cản trở quan sát tạo thành một vùng gọi là “vùng mù”.
Ngay dưới tâm vị có một hõm là nơi chứa dịch của thực quản chảy vào dạ dày, dịch từ thực quản chứa vào hõm này sau đó mới chảy vào dạ dày tạo thành hình ảnh “thác đổ”. Chổ hõm này có thể thay đổi hình dạng lúc có lúc không, lúc to, lúc nhỏ. Khi soi máy soi hay bị cuộn ở hõm này.
Niêm mạc của vùng tâm vị màu hồng, nếp nhăn chạy theo chiều dọc, kích thước của các nếp niêm mạc bình thường, có thể nhìn thấy một số mao mạch.
- Phình vị: đáy dạ dày (túi hơi) nhìn rõ mạch máu, các nếp niêm mạc vùng này thường chạy không theo một hướng.
- Thân dạ dày: là phần đứng của dạ dày, có nếp niêm mạc chạy song song ở phía bờ cong lớn. Để dễ mô tả vị trí tổn thương, thân vị được chia thành các phần (chia một cách tương đối theo tư thế bệnh nhân nằm nghiêng trái):
Tương ứng với bờ cong lớn, ở vị trí thấp là nơi dịch dạ dày đọng. Phải hút dịch để quan sát. Khi dạ dày co bóp, nhu động sẽ chạy dọc thân dạ dày về phía hang vị và kết thúc ở môn vị, nhu động ở thân dạ dày yếu.
+ Bờ cong nhỏ
Phần đứng là một dải dọc phẳng, nhẵn, co bóp ít, nếp nhăn nhỏ và ít. Phía 12 giờ, nhẵn, không có các nếp niêm mạc
+ Bờ cong lớn
Các nếp niêm mạc chạy dọc, thô, to, khi bơm hơi căng các nếp niêm mạc không giãn hết được. Phía 6 giờ có các nếp niêm mạc chạy song song.
Mặt trước thân vị: bên tay trái của bác sĩ nội soi.
Mặt sau thân vị: bên tay phải của bác sĩ nội soi.
+ Mặt trước dạ dày
Dễ quan sát vì dễ phồng lên khi bơm hơi, các nếp nhăn dày, khi bơm hơi các nếp nhăn thưa hơn. Một phần gan đè vào mặt trước làm cho vùng này lồi vào trong lòng dạ dày.
+ Mặt sau dạ dày vùng thân vị
Nếp niêm mạc thô, các nếp nhăn trông giống như tổ chức não, khi bơm hơi căng các nếp nhăn không thay đổi, có thể thấy nhịp đập của động mạch chủ.
– Hang vị
Có hình chóp đỉnh là lỗ môn vị, khi bơm hơi căng không còn thấy các nếp niêm mạc, hang vị co bóp mạnh, khi co bóp quá mạnh thắt lại dễ nhầm với lổ môn vị. là phần ngang của của dạ dày, nằm giữa môn vị và thân vị. để dễ mô tả vị trí tổn thương, hang vị được chia thành các phần (chia một cách tương đối theo tư thế bệnh nhân nằm nghiêng trái):
Bờ cong lớn của hang vị phía 6 giờ.
Bờ cong nhỏ của hang vị phía 12 giờ.
Mặt trước hang vị bên trái của bác sĩ nội soi.
Mặt sau hang vị bên phải của bác sĩ nội soi.
– Lỗ môn vị
Tròn, luôn luôn co bóp, niêm mạc đỏ, nếu méo mó là dấu hiệu gián tiếp của bệnh lý ở hành tá tràng. Là phần nối dạ dày với hành tá tràng, dài khoảng 0,5 cm.
– Hành tá tràng:
Từ môn vị đến gối trên D1, hành tá tràng là vùng rộng tròn niêm mạc nhẳn màu hồng nhạt, không có các nếp niêm mạc chạy vòng.
Niêm mạc mỏng, khi bơm hơi không còn nếp nhăn. Đỉnh nền hành tá tràng là những vùng khó quan sát.
Mặt trước của hành tá tràng: bên tay trái của bác sĩ nội soi, vùng này dễ quan sát.
Mặt sau của hành tá tràng: bên tay phải của bác sĩ nội soi, vùng này khó quan sát vì đèn soi dễ bị tuột ra dạ dày do đó phải cố định đèn soi để quan sát kỹ vùng này.
Đỉnh hành tá tràng: đoạn chuyển tiếp từ hành tá tràng sang đoạn D1 của tá tràng
Đoạn DI: đoạn nối hành tá tràng với D2 tá tràng, không có các nếp niêm mạc chạy vòng.
Đoạn D2: đoạn nối D1 và D3 tá tràng: các nếp niêm mạc chạy vòng đều nhau. Ở đoạn D2 có bóng Vater.
2.3. Hình ảnh dạ dày sau phẫu thuật
- Sau cắt dây thần kinh X: hình ảnh dạ dày bình thường có thể hơi giãn và nhu động kém.
- Sau phẫu thuật nối dạ dày – hỗng tràng, nếu soi theo kiểu Billroth II có 2 miệng nối, thành của hỗng tràng tạo thành nếp niêm mạc giữa quai đi và quai đến, nếu soi theo kiểu Billroth I có 1 miệng nối.
- Sau mổ cắt dạ dày: nếu cắt 2/3 dạ dày còn quan sát thấy thân vị, nếu cắt ¾ dạ dày chỉ quan sát thấy phần tâm vị và phình vị.
2.4. Sự liên quan của dạ dày với các tạng trong ổ bụng
- Dạ dày có liên quan tới tim, gan, tụy và lách.
- Liên quan đến tụy: tụy đè vào thành sau của dạ dày chổ nối giữa thân dạ dày và hang vị làm cho vùng này lồi vào trong lòng dạ dày.
- Liên quan đến gan: gan đè góc bờ cong nhỏ vị trí 7 – 9 giờ làm cho vùng này hơi lồi vào trong lòng dạ dày.
- Liên quan tới tim: tim đè vào vùng trên trước phình vị và tâm vị, khi tim đập sẽ thấy được gián tiếp qua vùng tâm vị và phình vị.
- Liên quan đến lách: lách tiếp xúc với dạ dày ở vùng trên sau và hai bên dạ dày.
Tài liệu tham khảo
- Nội soi tiêu hoá. Bệnh viện Bạch Mai
- Jean Macr Canard (2011), Gastrointestinal Endoscopy in practice. Elsevier Churchill Livingstone.
>>> Quy trình nội soi dạ dày – tá tràng