MỚI
load

Chụp CT ngực liều thấp (LDCT) – Giải pháp giảm tử vong do ung thư phổi tại Việt Nam

Ngày xuất bản: 05/07/2025
Tác giả: Nguyễn Thanh Hải, Nguyễn Thị Nhân – Bác sĩ khoa Chẩn đoán hình ảnh – Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec Times City.
  1. Tại sao phải sàng lọc ung thư phổi?
Tại Việt Nam, ung thư phổi là loại ung thư có tỷ lệ mắc cao thứ hai sau ung thư gan, nhưng lại là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các loại ung thư, chủ yếu do phát hiện muộn và can thiệp điều trị không kịp thời. Theo số liệu ghi nhận, mỗi năm cả nước có khoảng 25.000–30.000 trường hợp mắc mới và hơn 20.000 ca tử vong do ung thư phổi. Điều đáng báo động là phần lớn người bệnh chỉ được chẩn đoán khi đã ở giai đoạn muộn, bệnh tiến triển hoặc di căn, làm giảm đáng kể khả năng đáp ứng điều trị và cơ hội sống sót lâu dài. Trong khi đó, theo các nghiên cứu lớn nếu ung thư phổi được phát hiện ở giai đoạn sớm thông qua sàng lọc, bệnh nhân có thể tiếp cận điều trị triệt để như phẫu thuật, xạ trị hoặc điều trị nhắm trúng đích có thể đạt tới tỷ lệ sống sau 5 năm từ 60-80%, cao hơn gấp nhiều lần so với phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, tỷ lệ này giảm mạnh chỉ còn dưới 10%.
Sàng lọc ung thư phổi bằng CT liều thấp (Low-Dose Computed Tomography – LDCT) là phương pháp đã được chứng minh hiệu quả qua các thử nghiệm lớn. Tại Mỹ, nghiên cứu NLST cho thấy LDCT giúp giảm 20% tử vong do ung thư phổi so với chụp X-quang. Tại châu Âu, nghiên cứu NELSON (Hà Lan–Bỉ) cũng cho thấy sàng lọc giúp giảm tới 26% tử vong ở nam và 39–61% ở nữ. Do đó, sàng lọc ung thư phổi bằng kỹ thuật hiện đại như CT liều thấp là một bước đi cần thiết và cấp bách nhằm nâng cao hiệu quả điều trị và giảm gánh nặng tử vong do bệnh ung thư gây ra tại Việt Nam.
  1. Chụp CT liều thấp (LDCT): An toàn, hiệu quả, dễ tiếp cận
Khác với chụp CT thông thường, chụp CT liều thấp (LDCT) sử dụng mức tia X thấp hơn đáng kể, giúp giảm thiểu phơi nhiễm bức xạ cho người bệnh khi thực hiện định kỳ. Theo các số liệu hiện hành, một lần chụp LDCT trung bình sử dụng liều tia khoảng 1–1,5 millisievert (mSv), thấp hơn nhiều so với CT ngực tiêu chuẩn (khoảng 7–8 mSv), và chỉ tương đương 10–15 lần chụp X-quang ngực thông thường (khoảng 0,1–0,2 mSv mỗi lần). Điều này giúp giảm thiểu tối đa nguy cơ phơi nhiễm bức xạ cho người bệnh, đặc biệt khi áp dụng lặp lại hàng năm.
Mặc dù liều tia thấp hơn nhiều so với liều chụp CT tiêu chuẩn, LDCT vẫn đảm bảo chất lượng hình ảnh đủ cao để phát hiện chính xác các nốt nhỏ, đặc biệt là nốt phổi dưới 1 cm – vốn có thể là dấu hiệu sớm của ung thư. Toàn bộ quy trình chụp diễn ra nhanh chóng, không gây đau, không xâm lấn, không cần tiêm thuốc cản quang và thường chỉ mất từ 5 đến 10 phút để hoàn thành. Với độ an toàn cao, tính chính xác tốt và sự thuận tiện trong thực hiện, LDCT được xem là phương pháp sàng lọc tối ưu và phù hợp để triển khai thường niên ở những đối tượng có nguy cơ cao mắc ung thư phổi.
  1. Ai nên tham gia sàng lọc ung thư phổi?
Sàng lọc ung thư phổi có hiệu quả cao nhất khi được áp dụng cho những người thuộc nhóm nguy cơ cao – tức là những cá nhân có khả năng mắc bệnh nhiều hơn đáng kể so với dân số chung. Theo khuyến cáo của Lực lượng Đặc nhiệm Dịch vụ Dự phòng Hoa Kỳ (USPSTF), Mạng lưới ung thư Quốc gia Mỹ NCCN và các tổ chức y khoa quốc tế uy tín khác, những người sau đây nên được cân nhắc tham gia chương trình sàng lọc bằng chụp CT liều thấp (LDCT):
  • Độ tuổi từ 50 đến 80
  • Có tiền sử hút thuốc lá từ 20 gói-năm trở lên (ví dụ: hút 1 gói/ngày trong 20 năm, hoặc 2 gói/ngày trong 10 năm)
  • Đang hút thuốc hoặc đã bỏ hút trong vòng 15 năm gần đây
Việc xác định đúng đối tượng nguy cơ cao giúp chương trình sàng lọc đạt hiệu quả tối ưu, tránh lãng phí tài nguyên y tế và hạn chế các can thiệp không cần thiết. Thay vì chờ đến khi có triệu chứng – thường là ở giai đoạn bệnh đã tiến triển – sàng lọc chủ động giúp phát hiện sớm các tổn thương nghi ngờ, tạo điều kiện can thiệp kịp thời, nâng cao khả năng điều trị triệt để và cải thiện tiên lượng sống. Đồng thời, chương trình còn hỗ trợ tư vấn lối sống, theo dõi sát nhóm có nguy cơ cao và góp phần giảm chi phí y tế lâu dài.
  1. Sàng lọc ung thư phổi được thực hiện như thế nào?
Công cụ chính đóng vai trò nòng cốt trong sàng lọc ung thư phổi là kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính ngực liều thấp (LDCT). Đây là phương pháp sử dụng tia X với mức liều phóng xạ thấp hơn nhiều so với CT chẩn đoán thông thường nhưng vẫn đủ độ phân giải để phát hiện các bất thường nhỏ trong mô phổi.
Khi thực hiện, bệnh nhân sẽ được yêu cầu nằm ngửa trên bàn máy CT, hai tay đưa lên đầu để tránh nhiễu ảnh. Máy sẽ di chuyển nhanh qua vùng ngực và ghi nhận hình ảnh theo từng lát cắt. Trong suốt quá trình chụp, bệnh nhân chỉ cần nín thở trong khoảng 5–10 giây. Không cần tiêm thuốc cản quang, không gây đau hay khó chịu.
Toàn bộ quy trình thường chỉ kéo dài từ 5 đến 10 phút, không cần thời gian hồi phục sau đó. Kết quả hình ảnh sẽ được bác sĩ chẩn đoán hình ảnh đánh giá và phân loại theo hệ thống chuẩn như Lung-RADS để đưa ra hướng theo dõi hoặc can thiệp tiếp theo nếu cần thiết.
Các thông số chụp LDCT được thiết lập tối ưu nhằm mục đích vừa đảm bảo hiệu quả phát hiện tổn thương sớm, vừa hạn chế tối đa nguy cơ phơi nhiễm tia X tích lũy cho người bệnh khi được sử dụng lặp lại hàng năm trong quá trình sàng lọc.
  1. Lợi ích và rủi ro: Hiểu đúng để quyết định đúng
Sàng lọc ung thư phổi bằng chụp CT liều thấp (LDCT) mang lại nhiều lợi ích rõ rệt nhưng cũng tiềm ẩn một số rủi ro cần được hiểu đúng và cân nhắc kỹ lưỡng. Dưới đây là phân tích cụ thể dựa trên các số liệu nghiên cứu lớn:
Lợi ích chính:
  • Giảm tỷ lệ tử vong: Theo kết quả nghiên cứu NLST tại Mỹ, sàng lọc bằng LDCT giúp giảm đến 20% tử vong do ung thư phổi so với chụp X-quang ngực. Tại châu Âu, nghiên cứu NELSON (Hà Lan–Bỉ) cũng cho thấy sàng lọc bằng phương pháp này giúp giảm tới 26% tử vong ở nam và 39–61% ở nữ.
  • Phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm: Khoảng 70% các ca ung thư phổi phát hiện nhờ LDCT nằm ở giai đoạn I hoặc II – khi khả năng điều trị khỏi rất cao. Tỷ lệ sống sau 5 năm ở giai đoạn I có thể đạt 60–80%.
  • Quy trình an toàn, không xâm lấn: Không tiêm thuốc cản quang, không gây đau, không cần thời gian nghỉ ngơi hồi phục sau khi chụp.
  • Tăng cơ hội thay đổi hành vi nguy cơ: Người hút thuốc khi tham gia chương trình có xu hướng tăng động lực cai thuốc và cải thiện lối sống.
Rủi ro tiềm ẩn:
  • Dương tính giả: Theo NLST, khoảng 25–30% người được sàng lọc sẽ có kết quả bất thường, nhưng trên 95% trong số đó không phải ung thư thật sự. Thử nghiệm NELSON tại Hà Lan–Bỉ cho thấy tỉ lệ dương tính giả năm đầu tiên là 19.8%, giảm xuống còn 7.1% vào năm thứ 1 và tiếp tục giảm theo mỗi lần sàng lọc — ở năm thứ 3 là khoảng 9.0%, và năm thứ 5 khoảng 3.9% ở nam giới. Nhờ áp dụng phương pháp đo dung tích khối u (volumetric), NELSON đạt được tỉ lệ dương tính giả thấp hơn đáng kể so với NLST, đồng thời cải thiện độ chính xác trong phát hiện tổn thương nguy cơ cao.
  • Chẩn đoán quá mức: Tỷ lệ quá chẩn đoán ước tính khoảng 10–15% tổng số ca phát hiện. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào đặc điểm khối u và thời gian theo dõi, và thường được kiểm soát bởi hệ thống phân loại như Lung-RADS.
  • Phơi nhiễm tia X tích lũy: Một lần chụp LDCT dùng khoảng 1–1.5 mSv – chỉ tương đương 10–15 lần chụp X-quang ngực thường quy. Dù thực hiện mỗi năm, tổng liều tích lũy vẫn ở mức an toàn và thấp hơn nhiều so với CT chẩn đoán thông thường (7–8 mSv).
  • Ảnh hưởng tâm lý: Một số người có thể lo lắng khi được thông báo có bất thường, dù thực tế không phải ung thư. Tuy nhiên, các chương trình sàng lọc hiện nay đều kết hợp tư vấn trước và sau sàng lọc để hỗ trợ tâm lý, giảm thiểu lo âu không cần thiết.
Tóm lại, rủi ro của sàng lọc là hiện hữu nhưng đều ở mức thấp, có thể dự báo và kiểm soát tốt khi thực hiện đúng đối tượng, đúng kỹ thuật chụp và theo dõi chặt chẽ. So với lợi ích vượt trội trong việc giảm tử vong và phát hiện sớm ung thư phổi – một bệnh lý có tiên lượng xấu nếu chẩn đoán muộn – các rủi ro này được đánh giá là hoàn toàn chấp nhận được và không nên là rào cản đối với các cá nhân nguy cơ cao.
  1. Nếu phát hiện bất thường trên kết quả sàng lọc thì sao?
Khi kết quả chụp LDCT phát hiện một nốt bất thường hoặc tổn thương nghi ngờ trong phổi, bác sĩ chẩn đoán hình ảnh sẽ phân loại nốt này theo hệ thống chuẩn hóa Lung-RADS (Lung Imaging Reporting and Data System) – hệ thống phân loại tổn thương trên LDCT do ACR phát triển – giúp đánh giá mức độ nguy cơ ung thư và đưa ra hướng xử trí phù hợp. Các bước tiếp theo sẽ được cá nhân hóa theo từng trường hợp, bao gồm:
  • Theo dõi định kỳ bằng LDCT sau 3 hoặc 6 tháng nếu nốt có đặc điểm lành tính hoặc chưa rõ ràng, giúp theo dõi sự thay đổi kích thước theo thời gian.
  • Chụp PET/CT có thể được chỉ định nếu tổn thương có đặc điểm nghi ngờ ác tính nhằm đánh giá hoạt tính chuyển hóa của nốt.
  • Sinh thiết mô (qua xuyên thành ngực hoặc nội soi phế quản) chỉ được cân nhắc khi nguy cơ ung thư ở mức trung bình đến cao hoặc tổn thương gia tăng về kích thước với thời gian nhân đôi thể tích (VDT) dưới 400 ngày.
  • Nếu được chẩn đoán ung thư: sẽ được xây dựng kế hoạch điều trị phù hợp, có thể gồm phẫu thuật, xạ trị hoặc điều trị nhắm trúng đích.
Việc phát hiện bất thường không đồng nghĩa là ung thư. Trên thực tế, phần lớn các nốt phổi nhỏ phát hiện được qua LDCT là lành tính, đặc biệt ở người hút thuốc lá lâu năm. Tuy nhiên, đây vẫn là cơ hội để theo dõi sát hơn, đảm bảo không bỏ sót những tổn thương nguy hiểm. Điều quan trọng là không nên quá lo lắng – hãy thảo luận kỹ với bác sĩ để hiểu rõ kết quả và lựa chọn hướng xử trí phù hợp. Các nốt nhỏ hoặc tổn thương không điển hình được phân loại nguy cơ dựa trên hệ thống Lung-RADS, từ đó bác sĩ sẽ tư vấn kế hoạch theo dõi phù hợp. Nhiều trường hợp bất thường chỉ là vôi hóa cũ, viêm phổi lành tính hoặc nốt sẹo sau nhiễm trùng, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài.
Quy trình sàng lọc luôn được thiết kế để tối ưu hoá lợi ích, đồng thời giảm thiểu nguy cơ lo âu và can thiệp quá mức. Vì vậy, phát hiện bất thường không đồng nghĩa với chẩn đoán ung thư, mà chính là cơ hội để theo dõi sát hơn và xử lý sớm nếu cần. Điều này nhấn mạnh vai trò tích cực và cần thiết của LDCT trong việc bảo vệ sức khỏe người dân, đặc biệt với nhóm nguy cơ cao. Do đó, người được sàng lọc cần tuân thủ quy trình theo dõi liên tục, không nên hoang mang nếu có kết quả bất thường, vì hầu hết trường hợp đều được kiểm soát an toàn và hiệu quả.
  1. Nếu được chẩn đoán ung thư phổi – Không nên hoang mang
Khi kết quả sàng lọc gợi ý ung thư phổi, người bệnh sẽ được giới thiệu đến bác sĩ chuyên khoa để tiến hành đánh giá toàn diện và lập kế hoạch điều trị. Các bước thường bao gồm:
  • Chẩn đoán xác định: thực hiện thêm các phương pháp như chụp PET/CT, sinh thiết xuyên thành ngực hoặc nội soi phế quản để xác nhận mô học.
  • Đánh giá giai đoạn: xác định mức độ lan rộng của ung thư bằng các kỹ thuật hình ảnh nâng cao, từ đó lên chiến lược điều trị.
  • Hội chẩn đa chuyên khoa: gồm bác sĩ ung bướu, phẫu thuật lồng ngực, xạ trị, và chẩn đoán hình ảnh để đưa ra phác đồ tối ưu.
Việc phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm nhờ sàng lọc bằng LDCT thường mang lại tiên lượng rất tốt. Nếu được điều trị ở giai đoạn I, tỷ lệ sống sau 5 năm có thể lên tới 60–80%, cao hơn nhiều so với các giai đoạn muộn. Phác đồ điều trị có thể bao gồm:
  • Phẫu thuật: lựa chọn hàng đầu trong giai đoạn sớm, đặc biệt với ung thư phổi không tế bào nhỏ (NSCLC).
  • Xạ trị định vị (SBRT): áp dụng cho bệnh nhân không phẫu thuật được.
  • Hóa trị và điều trị nhắm trúng đích hoặc miễn dịch: dành cho giai đoạn tiến xa hoặc di căn.
Phát hiện sớm ung thư phổi không chỉ tăng khả năng chữa khỏi mà còn mở ra nhiều lựa chọn điều trị ít xâm lấn hơn, ít tác dụng phụ hơn đồng thời cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống.
Hai trường hợp thực tế sau đây tại Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec times city đã minh chứng rõ hiệu quả của sàng lọc ung thư phổi bằng LDCT: cả hai đều phát hiện ung thư ở giai đoạn rất sớm sau khi tham gia chương trình khoảng từ 14 tháng đến 4 năm. Nhờ phát hiện kịp thời, các bệnh nhân đã được phẫu thuật triệt căn và hồi phục tốt. Sau theo dõi hơn 3 năm, không ghi nhận dấu hiệu tái phát. Đây là minh họa điển hình cho giá trị của việc phát hiện bệnh khi chưa có triệu chứng, giúp can thiệp sớm, tăng khả năng sống còn. LDCT không chỉ là phương tiện phát hiện mà còn là cơ hội thay đổi tiên lượng sống ở ngay cả những người không có nguy cơ cao, đặc biệt là phụ nữ.  
Trường hợp thứ nhất:
Hình 1:
Bệnh nhân nữ, 55 tuổi. Chụp LDCT sàng lọc ung thư phổi lần 1 (A) ngày 07.03.2023 phát hiện nốt phổi bán đặc ở ngoại vi thùy dưới phổi phải kích thước 7.1×11.0 mm (mũi tên đỏ). Theo dõi chụp lần 2 (B) ngày 30.05.2024: Nốt trước đây tăng kích thước 9.3×11.2 mm (mũi tên đỏ). Bệnh nhân đã được sinh thiết và phẫu thuật điều trị triệt căn. Kết quả mô bệnh học sau phẫu thuật là ung thư phổi biểu mô tuyến.
Trường hợp thứ hai:
Hình 2:
Bệnh nhân nữ 67 tuổi. Chụp LDCT sàng lọc ung thư phổi lần 1 (A) ngày 05.06.2019: không có bất thường. Chụp định kỳ lần 2 (B) ngày 21.11.2021 phát hiện nốt bán đặc nhỏ ở ngoại vi thùy trên phổi phải kích thước 4.5×5.9 mm (mũi tên đỏ). Theo dõi chụp lần 3 (C). Nốt phát hiện ở lần 2 tăng kích thước 9.7×10.9 mm (mũi tên đỏ). Bệnh nhân đã được sinh thiết và phẫu thuật điều trị triệt căn. Kết quả mô bệnh học sau phẫu thuật là ung thư phổi biểu mô tuyến.

KẾT LUẬN:
Sàng lọc ung thư phổi bằng chụp CT liều thấp (LDCT) là một công cụ hiệu quả giúp phát hiện sớm căn bệnh nguy hiểm này, đặc biệt là ở những người có nguy cơ cao. Nhờ phát hiện ở giai đoạn sớm, người bệnh có cơ hội điều trị triệt để hơn, tiên lượng sống cải thiện rõ rệt và ít biến chứng hơn đồng thời cũng làm giảm gánh nặng tài chính chi phí chữa bệnh. Các rủi ro đi kèm như phơi nhiễm tia, dương tính giả hay quá chẩn đoán hiện nay đều đã được kiểm soát tốt nhờ các tiêu chuẩn phân loại như Lung-RADS và quy trình kỹ thuật chụp LDCT chặt chẽ. Quan trọng nhất, mỗi cá nhân nên chủ động trao đổi với bác sĩ để được tư vấn, tham gia sớm vào sàng lọc ung thư phổi phù hợp với tình trạng sức khỏe và tiền sử của bản thân. Hãy nhớ rằng: sàng lọc sớm là chìa khóa để bảo vệ lá phổi của bạn và những người thân yêu.

Tài liệu tham khảo:
  1. Org. Lung Cancer Screening. Updated March 2024. Available from: https://www.radiologyinfo.org/en/info/screening-lung
  2. S. Preventive Services Task Force (USPSTF). Screening for Lung Cancer: U.S. Preventive Services Task Force Recommendation Statement. JAMA. 2021;325(10):962–970. doi:10.1001/jama.2021.1117
  3. National Lung Screening Trial Research Team. Reduced Lung-Cancer Mortality with Low-Dose Computed Tomographic Screening. N Engl J Med. 2011;365(5):395–409. doi:10.1056/NEJMoa1102873
  4. de Koning HJ, van der Aalst CM, de Jong PA, et al. Reduced Lung-Cancer Mortality with Volume CT Screening in a Randomized Trial. N Engl J Med. 2020;382(6):503–513. doi:10.1056/NEJMoa1911793 (NELSON Trial)
  5. American Cancer Society. Lung Cancer Early Detection. Updated November 2023. Available from: https://www.cancer.org/cancer/lung-cancer/detection-diagnosis-staging/detection.html
  6. American College of Radiology (ACR). Lung CT Screening Reporting & Data System (Lung-RADS) Version 1.1. Released 2019. Available from: https://www.acr.org/Clinical-Resources/Reporting-and-Data-Systems/Lung-Rads
facebook
12

Bình luận 0

Đăng ký
Thông báo về
guest
0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận

Bài viết cùng chuyên gia