Tính chất đa yếu tố của tiên lượng trong điều trị nội nha
Ngày xuất bản: 04/05/2023
Tiên lượng là những nhận định của nhà lâm sàng về việc bệnh nhân sẽ hồi phục như thế nào từ khi bị bệnh hoặc là bị thương. Đó là những tiên đoán về khả năng hồi phục có thể xảy ra cho bất kỳ 1 bệnh nào sau khi đã xem xét và đánh giá trường hợp bệnh đó. Tiên lượng bệnh tốt sẽ dẫn đến một kết quả tốt cho bệnh nhân và ngược lại. Cùng tìm hiểu về tính chất đa yếu tố của quá trình tiên lượng đối với điều trị nội nha.
1. Khái niệm về tiên lượng và kết quả trong điều trị Nội nha
Nội dung bài viết
Thuật ngữ tiên lượng và kết quả thường được sử dụng trong y khoa và nha khoa. Chúng thường được dùng để tiên đoán và đánh giá kết quả của cuộc điều trị, thường là những dự đoán về khả năng có thể xảy ra của việc hồi phục sau điều trị. Trong nội nha, đó là những dự đoán về tình trạng của mô quanh chóp sau điều trị. Tiên lượng được các nhà lâm sàng tóm tắt và thông báo cho bệnh nhân, để bệnh nhân biết khả năng hồi phục như thế nào từ tình trạng bị bệnh hoặc bị thương ban đầu của họ. Kết quả, hay nói cách khác, là thước đo độ thành công của điều trị, là một hoạt động hoặc một quá trình, hệ quả từ những quyết định được thực hiện trong suốt cuộc điều trị.
Có rất nhiều nghiên cứu được thực hiện một cách tỉ mỉ đã làm sáng tỏ những yếu tố tiên lượng gây ảnh hưởng đáng kể đến kết quả điều trị nội nha. Ngược lại, những thông tin đó cũng có thể được sử dụng để đưa ra tiên lượng và dự đoán kết quả cuối cùng của phương pháp điều trị được đề xuất.
Nhà lâm sàng có thể đánh giá một cách hệ thống những yếu tố tiên lượng để hướng dẫn bệnh nhân trong việc ra quyết định, đề xuất những lựa chọn điều trị tốt nhất để đạt kết quả tối ưu. Theo nguyên tắc trong nha khoa, bệnh nhân cũng là một thành viên của đội ngũ lập kế hoạch điều trị, bệnh nhân có quyền được biết những tiên lượng và kết quả tiên đoán sau cùng trước khi bắt tay vào điều trị. Cung cấp thông tin cho bệnh nhân giúp họ xem xét ý kiến bản thân, đưa ra quyết định dựa trên nhu cầu và mong muốn của mình.
Kế hoạch điều trị nha khoa tối ưu đòi hỏi phải đánh giá đúng kết quả của phương pháp điều trị được đề xuất. Tuy nhiên sự đánh giá này còn phụ thuộc vào hiểu biết đúng đắn về những yếu tố đa dạng ảnh hưởng đến kết quả, phải được thực hiện với cả tính hiệu lực và độ tin cậy cao. Trong khi đánh giá có thể cung cấp cho bệnh nhân một loạt các phương pháp điều trị nội nha thích hợp.
2. Tính chất đa yếu tố của tiên lượng trong điều trị nội nha
Tính chất đa yếu tố của điều trị nội nha đã được chứng minh trong nhiều nghiên cứu về hàng loạt các yếu tố có nguy cơ ảnh hưởng tiềm tàng đến kết quả điều trị. Kết quả của các nghiên cứu và những bài viết tổng quan hệ thống gần đây cho thấy các yếu tố liên quan đến sinh học và điều trị cũng như các yếu tố phục hồi là những yếu tố tiên lượng ảnh hưởng lên kết quả điều trị nội nha đối với liệu pháp nội nha đương đại. Những nghiên cứu này áp dụng các phương pháp thống kê tiên tiến để đánh giá vai trò mà những yếu tố nguy cơ đã xác định đó gây ảnh hưởng đến kết quả. Do đó, các yếu tố tiên lượng thường nhiều và đan xen trong các mối quan hệ phức tạp. Tổng quan về các biến số có liên hệ với nhau và mối quan hệ giữa chúng được mô tả trong hình dưới đây.
Mối tương quan giữa các yếu tố tiên lượng ảnh hưởng đến kết quả điều trị nội nha.
Một số yếu tố tiên lượng, ví dụ như sự xuất hiện và phạm vi của tổn thương quanh chóp; độ phức tạp của hệ thống ống tủy, đặc biệt là trong trường hợp có nhiễm trùng chóp; ống tủy tắc do tăng khoáng hóa; tiêu ngót chân răng bệnh lý hoặc tự phát; tiêu ngót chóp chân răng gây ra nhiễm trùng, là những yếu tố không dễ kiểm soát bởi điều trị. Tuy nhiên, hầu hết những tình trạng nói trên đều có thể được nhà lâm sàng hạn chế thông qua việc đánh giá 1 cách hệ thống những nguy cơ, nhờ ứng dụng những nguyên tắc an toàn sinh học và công nghệ kĩ thuật cao để đạt được kết quả điều trị tối ưu. Tình trạng răng phức tạp thường đi kèm với nhiều yếu tố nguy cơ.
Điều quan trọng là, hiểu biết về các yếu tố nguy cơ giúp các nhà lâm sàng đưa ra quyết định đúng đắn khi đề ra các phương pháp điều trị phù hợp. Hơn nữa, nó cũng có ý nghĩa thực hành liên quan đến việc thực hiện điều trị và chuẩn bị trang thiết bị cần thiết để xử trí những tình trạng tồn tại từ trước này. Chẳng hạn như, hình thức điều trị có thể khác nhau giữa răng chưa trưởng thành với răng đã trưởng thành, giữa răng có và không có tổn thương quanh chóp, và để kiểm soát điều trị có phẫu thuật hay không phẫu thuật.
Để phân tích được rõ ràng hơn, các yếu tố tiên lượng được xếp vào 3 nhóm chính: trước điều trị, trong điều trị và sau điều trị.
3. Tổng hợp lại
Tiên lượng và kết quả là 2 thuật ngữ thường được sử dụng trong y khoa và nha khoa để đánh giá công việc điều trị. Tiên lượng là những nhận định của nhà lâm sàng về việc bệnh nhân sẽ hồi phục như thế nào từ khi bị bệnh hoặc là bị thương. Đó là những tiên đoán về khả năng hồi phục có thể xảy ra cho bất kỳ 1 bệnh nào sau khi đã xem xét và đánh giá trường hợp bệnh đó. Kết quả là những gì xảy ra sau cùng của 1 công việc điều trị, là hệ quả của những quyết định điều trị từ nhà lâm sàng. Trong lĩnh vực nội nha, có nhiều yếu tố tiên lượng (thay vì gọi là yếu tố ảnh hưởng đến tiên lượng) là chung cho nhiều bệnh cũng như có những yếu tố duy nhất cho những bệnh đặc biệt, tất cả đều có thể ảnh hưởng đến kết quả điều trị nội nha. Các yếu tố tiên lượng có thể được xếp vào 3 nhóm là trước điều trị, trong điều trị và sau điều trị. Chúng ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả điều trị nội nha thông qua việc kiểm soát nhiễm trùng. Quan trọng là, những hiểu biết về các yếu tố tiên lượng sẽ giúp nhà lâm sàng cũng như bệnh nhân xác định phương pháp điều trị thích hợp nhất, đặc biệt là với những trường hợp có nguy cơ cao như răng có nhiễm trùng chóp, vôi hóa ống tủy, tiêu ngót, và nhiều bệnh lý khác. Điều này được áp dụng trên cả răng chưa trưởng thành và răng đã trưởng thành khi xem xét vấn đề điều trị có phẫu thuật hay không phẫu thuật. Mặc dù không phải yếu tố nào nhà lâm sàng cũng đều có thể kiểm soát được nhưng chúng vẫn có thể phần nào được hạn chế nhờ việc đánh giá tình trạng bệnh, yếu tố nguy cơ của mỗi cá nhân, ứng dụng liệu pháp sinh học bên cạnh những yếu tố kĩ thuật.
Nguồn: Clinical Guide for Optimal Treatment Outcome – Springer International Publishing Switzerland 2017
7
Bài viết liên quan
Thuốc liên quan
Bình luận0
Đăng ký
0 Comments