MỚI

Hướng dẫn quy trình test chẩn đoán nhược cơ bằng ghi điện cơ sinh lý

Ngày xuất bản: 18/05/2023

Ghi điện cơ là một phương pháp chẩn đoán bệnh nhược cơ bằng cách ghi lại hoạt động điện của cơ bắp. Ghi điện cơ là một phương pháp đơn giản, không đau và an toàn để chẩn đoán bệnh nhược cơ.

Ghi điện cơ trong lâm sàng thần kinh
Ghi điện cơ trong lâm sàng thần kinh

1. Đại cương về ghi điện cơ

Ghi điện cơ (electromyography-EMG) là phương pháp thăm dò được sử dụng để nghiên cứu phản ứng điện của thần kinh và cơ, đánh giá sự mất phân bố thần kinh của cơ. Phương pháp này sử dụng các điện cực để ghi lại tín hiệu điện từ cơ bắp khi chúng hoạt động và phát ra sóng điện. Thông qua phân tích các dấu hiệu điện này, bác sĩ có thể đánh giá tình trạng của cơ bắp và xác định các vấn đề sức khỏe như bệnh nhược cơ, bại liệt, bệnh thần kinh và các vấn đề liên quan đến cơ bắp khác.
Nhược cơ là một bệnh thần kinh – cơ có đặc tính là mỏi và yếu các cơ vân xuất hiện tăng khi gắng sức và giảm khi nghỉ ngơi, do có sự giảm số lượng các thụ thể acetylcholine ở màng cơ sau synap. Sự thay đổi này làm giảm hiệu lực dẫn truyền thần kinh cơ. Sử dụng kích thích lặp lại, kích thích liên tục tác động trên thân của dây thần kinh và ghi điện thế đáp ứng ở cơ đích. Trong bệnh nhược cơ sẽ có sự suy giảm biên độ và diện tích điện thế đáp ứng của cơ do kích thích lặp lại.

2. Chỉ định ghi điện cơ

Phương pháp đo điện cơ được chỉ định để chẩn đoán và theo dõi những rối loạn chỗ nối thần kinh cơ (bệnh nhược cơ, hội chứng nhược cơ).

3. Chống chỉ định ghi điện cơ

Không có chống chỉ định với phương pháp đo điện cơ.

4. Chuẩn bị trước ghi điện cơ

4.1. Người thực hiện

Người thực hiện ghi điện cơ gồm 01 bác sĩ, 01 kỹ thuật viên (KTV).

4.2. Phương tiện, dụng cụ, thuốc

Vật tư sử dụng trong đo điện cơ gồm có:
  • Điện cực ghi bề mặt bộ
  • Điện cực kích thích lưỡng cực cái
  • Điện cực tiếp đất cái
  • Gel tẩy sạch da tuýp
  • Paste dẫn điện lọ
  • Nước muối sinh lý lít
  • Giấy in A4

4.3. Người bệnh

Chuẩn bị người bệnh trước khi đo điện cơ:
  • Người bệnh cần ăn uống trước khi đo.
  • Bệnh nhi cần phải có khăn, tã lót đầy đủ.
  • Người bệnh nhược cơ phải ngưng thuốc kháng men trước đo EMG 24 giờ: Mestinon, Prostigmin.
  • Người bệnh được thăm khám lâm sàng, làm các xét nghiệm thường quy, chuẩn bị tư tưởng, được thông báo và giải thích về cách tiến hành thủ thuật.
  • Hướng dẫn người bệnh phối hợp trong khi ghi điện cơ.

4.4. Hồ sơ bệnh án

Trong hồ sơ bệnh án cần ghi rõ tên tuổi địa chỉ, giới tính, chẩn đoán lâm sàng, ngày giờ đo điện cơ.

5. Các bước tiến hành đánh giá, ghi hồ sơ và báo cáo

5.1. Kiểm tra hồ sơ

Trước khi thực hiện quy trình, cần đối chiếu hồ sơ bệnh án và người bệnh, tránh xảy ra sai sót.

5.2. Kiểm tra người bệnh

Người bệnh ghi điện cơ cần ở tư thế thư giãn cơ và chuẩn bị máy (đã được cài đặt sẵn các thông số như tốc độ quét, độ phóng đại, giới hạn tần số cao và thấp).

5.3. Quy trình thực hiện kỹ thuật

Ghi điện cơ là một phương pháp thăm dò không xâm lấn, đơn giản và dễ thực hiện:
  • Cách đặt điện cực kích thích và ghi kết quả giống như khi ghi điện cơ nhằm đo tốc độ dẫn truyền vận động. Cường độ kích thích trên mức tối đa (120%).
  • Tìm vị trí điện cực để hình dạng sóng rõ ràng nhất. Chờ vài giây sau khi kích thích thử để cho cơ phục hồi lại trạng thái bình thường.
  • Kích thích chuỗi xung (10 xung) và ghi sóng. Thông thường người ta chọn 3 cơ sau để làm test thử: một cơ nhỏ ở bàn tay (ô mô cái hoặc ô mô út), cơ thang hoặc một cơ khác ở vai (ví dụ cơ delta), sau đó là một cơ ở mặt.
  • Kỹ thuật: kích thích lặp lại liên tiếp  chuỗi 10 kích thích bằng xung điện liên tiếp ở tần số 3 Hz (3 kích thích/giây).
Nếu biên độ co cơ thứ 4 hoặc 5 so với biên độ co cơ đầu tiên giảm khoảng 5% thì nghi ngờ bệnh nhược cơ. Nếu suy giảm trên 10% và được thấy ở ít nhất 2 cơ bắp thì coi như chắc chắn bị bệnh nhược cơ. Nếu nghi ngờ có hội chứng nhược cơ có thể thực hiện thêm chuỗi 30-50 kích thích liên tiếp, tần số 50Hz cũng thấy có hiện tượng suy giảm chút ít nhưng sau đó các biên độ co cơ tăng lên (gọi là hiện tượng tăng cường), với đặc điểm càng về sau càng cao hơn trước và sẽ cao hơn cả co cơ đầu tiên trong chuỗi đó. Nếu biên độ co cơ về sau cao hơn biên độ co cơ ban đầu của chuỗi từ 200% trở lên thì chẩn đoán hội chứng Eaton – Lambert.
Sau khi dùng kháng cholinesterase: giảm nhẹ đi hoặc biến mất, càng khẳng định chẩn đoán nhược cơ. Dương tính rõ rệt ở cơ yếu nhất.
Test điện cơ là một công cụ hữu ích giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh nhược cơ và xác định nguyên nhân của nó. Thông qua phân tích các dấu hiệu điện này, bác sĩ có thể đánh giá tình trạng của cơ bắp và xác định các vấn đề sức khỏe như bệnh nhược cơ, bại liệt, bệnh thần kinh và các vấn đề liên quan đến cơ bắp khác. Vì vậy thực hiện đúng quy trình kỹ thuật ghi điện cơ là vô cùng quan trọng để có được những kết quả thăm dò chính xác nhất hỗ trợ chẩn đoán.

facebook
75

Bài viết liên quan

Bình luận0

Đăng ký
Thông báo về
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận

Bài viết cùng chuyên gia