Bệnh trĩ: Chỉ định điều trị ngoại khoa
Đám rối tĩnh mạch trĩ là cấu trúc mạch máu bình thường ở ống hậu môn-trực tràng, bao gồm các mạch máu thông nối với máu tạo thành hai đám rối – tĩnh mạch trĩ trên và tĩnh mạch trĩ dưới. Trong trường hợp sinh lý bình thường, đám rối tĩnh mạch trĩ có vai trò đệm đỡ vùng ống hậu môn trong hoạt động đi tiêu. Khi mạch máu của đám rối trĩ bị phình giãn quá mức thì gọi là bệnh trĩ. Bệnh trĩ có thể được điều trị bảo tồn nhằm làm giảm các triệu chứng của bệnh, trong một số trường hợp việc chỉ định can thiệp ngoại khoa để điều trị bệnh trĩ là cần thiết.
1. Phân loại và triệu chứng của bệnh trĩ
Nội dung bài viết
Dựa vào vị trí và nguồn gốc mạch máu, các búi trĩ có thể được chia thành 02 loại chính là trĩ nội và trĩ ngoại.
- Trĩ nội là các búi trĩ có vị trí phía trên hay ngay trên đường lược. Trĩ nội có nguồn gốc từ đám rối trong của hệ thống tĩnh mạch trĩ. Các búi trĩ nội được chi phối bởi hệ thống thần kinh tạng nên ít nhạy cảm với cảm giác đau và các kích thích khác. Trĩ nội được chia thành 04 mức độ:
- Độ I: Búi trĩ nội quan sát được bằng nội soi hậu môn trực tràng, có thể nhô vào ống trực tràng nhưng không vượt qua đường lược
- Độ II: Búi trĩ nội sa xuống ống hậu môn khi đi đại tiện hay rặn, sau đó tự rút lại được
- Độ III: Búi trĩ nội sa xuống ống hậu môn khi đi đại tiện hay rặn, không tự rút lại được, cần dùng tay đẩy búi trĩ lên.
- Độ IV:Búi trĩ nội sa xuống ống hậu môn và không thể dùng tay đẩy búi trĩ lên được.
- Trĩ ngoại là các búi trĩ có vị trí bên dưới của đường lược. Trĩ ngoại có nguồn gốc từ đám rối ngoài của hệ thống tĩnh mạch trĩ và có chi phối thần kinh cảm giác bản thể nên rất nhạy cảm với cảm giác đau và các kích thích khác.
- Trĩ hỗn hợp – là những búi trĩ trĩ kéo dài từ bên trên và vượt qua đường lược, mang những đặc điểm của cả trĩ nội và trĩ ngoại.
Khoảng 40% bệnh nhân mắc trĩ không triệu chứng. Tùy thuộc vào loại trĩ và mức độ, triệu chứng của bệnh trĩ có thể rất khác nhau ở các bệnh nhân. Một số triệu chứng thường gặp của bệnh trĩ bao gồm: Tiêu máu, cảm giác ẩm ướt vùng hậu môn, ngứa hậu môn, đau vùng hậu môn và sờ thấy khối phồng vùng hậu môn.
Bệnh trĩ có thể chỉ cần điều trị bảo tồn nhắm vào làm giảm các triệu chứng của bệnh. Việc điều trị bảo tồn bao gồm xác định triệu chứng cần điều trị và lựa chọn biện pháp điều trị phù hợp. Các biện pháp điều trị bảo tồn bệnh trĩ bao gồm:
- Thay đổi chế độ ăn
- Sử dụng các loại thuốc bôi giảm đau, kháng viêm, kháng sinh phù hợp
- Sử dụng các thuốc cải thiện trương lực mạch máu trĩ
- Sử dụng các thuốc giúp làm giảm trương lực cơ vòng hậu môn
- Ngâm nước ấm
Lựa chọn cụ thể hoặc phối hợp các thuốc này trong điều trị bệnh trĩ được giới thiệu trong bài viết về điều trị bảo tồn theo triệu chứng của bệnh, có trên chuyên trang VinmecDr.
Trong một số trường hợp, chỉ định ngoại khoa để điều trị bệnh trĩ là cần thiết. Được ưu tiên hơn sử dụng đơn độc hoặc phối hợp các biện pháp bảo tồn.
2. Chỉ định điều trị ngoại khoa
Các biện pháp ngoại khoa điều trị bệnh trĩ thường rất hiệu quả trong quản lý các bệnh nhân trĩ có triệu chứng. Nhìn chung, các bệnh nhân trĩ nội mức độ nặng, trĩ có triệu chứng không đáp ứng hoặc đáp ứng kém với điều trị bảo tồn, bệnh nhân không dung nạp, có các bệnh đồng mắc nguy hiểm và sử dụng kháng đông nên được cân nhắc điều trị bằng các phương pháp ngoại khoa.
2.1 Chỉ định ngoại khoa điều trị trĩ ngoại
- Trĩ ngoại có triệu chứng nhưng không đáp ứng với điều trị bảo tồn.
- Trĩ ngoại có triệu chứng nhưng không đáp ứng, hoặc bệnh nhân không dung nạp với các biện pháp điều trị ít xâm lấn hơn.
- Trĩ ngoại lớn có triệu chứng nặng (đau nhiều, ngứa nhiều, không đảm bảo vệ sinh vùng trĩ)
- Trĩ hỗn hợp
- Trĩ ngoại có triệu chứng đồng mắc với các bệnh lý vùng hậu môn trực tràng khác cần thực hiện can thiệp ngoại khoa
2.2 Chỉ định ngoại khoa điều trị trĩ nội
- Trĩ nội độ III trở lên
- Trĩ nội sa nghẹt
- Trĩ nội có triệu chứng (đau hay có hình thành huyết khối) không đáp ứng với điều trị bảo tồn
- Trĩ ngoại có triệu chứng nhưng không đáp ứng, hoặc bệnh nhân không dung nạp với các biện pháp điều trị ít xâm lấn hơn như cuộc vòng dây cao su thắt búi trĩ.
- Trĩ hỗn hợp
- Trĩ ngoại có triệu chứng đồng mắc với các bệnh lý vùng hậu môn trực tràng khác cần thực hiện can thiệp ngoại khoa
Minh họa điều trị bệnh trĩ bằng phương pháp ngoại khoa
Một số phương pháp điều trị trĩ thường được sử dụng gồm: cắt trĩ thông thường, cắt trĩ bằng stapler (phương pháp Longo hay PPH), cắt trĩ bằng sóng cao tần, cắt trĩ bằng tia laser, thắt động mạch của đám rối trĩ….
Việc lựa chọn phương pháp điều trị và thời gian cụ thể cần được cá nhân hóa, phối hợp dựa trên loại trĩ, mức độ bệnh của bệnh nhân, đặc điểm lâm sàng, các bệnh lý đồng mắc, nguyện vọng của bệnh nhân và điều kiện cơ sở y tế mà bệnh nhân đang điều trị.