Bệnh phổi kẽ: Phương pháp điều trị không dùng thuốc
Bệnh phổi kẽ (interstitial lung disease – ILD) là một bệnh phổi mãn tính rất phổ biến, có tiềm ẩn nguy cơ gây ra tử vong và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Điều trị bệnh phổi kẽ nhằm giảm các triệu chứng và ngăn chặn sự tiến triển của bệnh. Các biện pháp điều trị bệnh không dùng thuốc giúp cải thiện triệu chứng của bệnh và hỗ trợ hô hấp cho bệnh nhân.
1. Hỗ trợ hô hấp trong điều trị bệnh phổi kẽ
Nội dung bài viết
1.1. Điều trị thở oxy
1.1.1. Cho đợt cấp ILD:
+ Chỉ định: Khi người bệnh có tình trạng giảm oxy máu như SpO2 < 90% hoặc PaO2 < 60 mmHg.
+ Điều chỉnh lưu lượng oxy: Điều chỉnh lưu lượng oxy để đạt mục tiêu điều trị với SpO2 ≥ 90% hoặc PaO2 ≥ 60 mmHg. Nếu người bệnh có nguy cơ tăng CO2, mục tiêu SpO2 chỉ cần từ 88-92%. Dựa vào nhu cầu oxy mà điều chỉnh nồng độ oxy trong khí hít vào (FiO2) theo phương thức phù hợp.
Điều trị thở oxy là biện pháp điều trị hỗ trợ hô hấp cho bệnh nhân bị bệnh phổi kẽ
1.1.2. Cho suy hô hấp mạn:
+ Chỉ định: trong các trường hợp giảm oxy máu khi nghỉ hoặc khi gắng sức. Ngưỡng để xem xét bắt đầu oxy dài hạn là SpO2 < 88% (hoặc PaO2 < 55mmHg) lúc nghỉ. Oxy lưu động được chỉ định khi người bệnh có giảm oxy máu khi gắng sức (SpO2 < 88%) kèm với điều kiện SpO2 tăng khi người bệnh thở oxy lưu động và người bệnh giảm khó thở hoặc tăng khả năng vận động (khoảng cách đi bộ 6 phút tăng ≥ 20-25% so với thở khí trời). Oxy lưu động cho người bệnh ILD có giảm oxy máu khi gắng sức sẽ giúp giảm mức độ khó thở, cải thiện khả năng vận động và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
+ Điều chỉnh lưu lượng oxy: điều chỉnh với biện pháp hỗ trợ oxy qua gọng mũi để đạt SpO2 mục tiêu từ 88-92%. Hướng dẫn người bệnh cách điều chỉnh lưu lượng oxy để đạt SpO2 mục tiêu nhằm tránh gia tăng nhanh hơn nữa tình trạng xơ phổi do dùng oxy liều cao kéo dài.
1.2. Điều trị thở máy
1.2.1. Thở máy không xâm nhập:
+ Chỉ định: nên chỉ định sớm ở một số người bệnh có SpO2 < 90% hoặc PaO2 < 60 mmHg dù đã thở oxy qua gọng mũi hoặc qua mặt nạ, nhất là với những trường hợp đợt bệnh cấp tính do yếu tố có thể điều trị được ví dụ như bội nhiễm . Thở máy không xâm nhập ban đêm được chỉ định cho người bệnh ILD có suy hô hấp mạn tính tăng CO2 vì nó giúp giảm PaCO2 và tăng PaO2 ban ngày.
+ Chống chỉ định: rối loạn tri giác hoặc kích thích, rối loạn huyết động, ngưng tim, PaO2/FiO2 < 100, tràn khí màng phổi, thuyên tắc động mạch phổi, chấn thương vùng mặt.
+ Cài đặt máy thở: Dùng kiểu thở BiPAP; điều chỉnh EPAP, IPAP và FiO2 để PaO2 ≥ 60 mmHg. Áp lực hỗ trợ nên ≤ 25 cmH2O để tránh chấn thương phổi do máy thở; EPAP nên ≤ 6-8 cmH2O để tránh tràn khí màng phổi.
1.2.2. Thở máy xâm nhập:
+ Chỉ định: khi PaO2 vẫn chưa đạt ≥ 60 mmHg dù đã thở oxy qua mặt nạ với FiO2 dao động từ 40-80% hoặc đã thở máy không xâm lấn hoặc đã thở HFNC; khi PaCO2 > 45 mmHg khiến pH < 7,25-7,30 hoặc NB thay đổi tri giác
+ Chống chỉ định: do tỉ lệ tử vong cao ở người bệnh ILD cần hỗ trợ thở máy xâm nhập nên việc quyết định cho người bệnh thở máy cần thảo luận với người nhà về tiên lượng. Yếu tố liên quan đến tỷ lệ tử vong cao khi thở máy xâm lấn là có tăng áp động mạch phổi trước đó, có tổn thương xơ lan rộng hoặc có tổn thương UIP trên HRCT.
2. Phục hồi chức năng hô hấp trong điều trị bệnh phổi kẽ
– Các nghiên cứu cho thấy phục hồi chức năng hô hấp (PHCNHH) có hiệu quả cải thiện khả năng gắng sức và chất lượng cuộc sống trên toàn bộ các người bệnh bệnh phổi kẽ và có thể chỉ định cho các người bệnh có triệu chứng khi gắng sức, bất kể chẩn đoán bệnh phổi kẽ loại nào.
– Việc chỉ định PHCNHH sớm có thể mang lại nhiều lợi ích hơn cho người bệnh. Viện Quốc gia về nâng cao sức khoẻ và chăm sóc Anh (NICE) khuyến cáo đánh giá các người bệnh xơ phổi vô căn cho chương trình PHCNHH ở thời điểm chẩn đoán bệnh và lặp lại mỗi 6-12 tháng .
– Chưa có khuyến cáo đồng thuận về khoảng thời gian thực hiện PHCNHH lý tưởng cho người bệnh phổi kẽ. Hướng dẫn của Anh về PHCNHH khuyến nghị chương trình kéo dài 6-12 tuần, nhưng không có khuyến nghị cụ thể cho bệnh phổi kẽ. Một chương trình PHCNHH dài hơn có thể hỗ trợ duy trì các lợi ích .
– Các thành phần của một chương trình phục hồi chức năng hô hấp: theo ATS/ERS: PHCNHH là sự can thiệp toàn diện của các liệu pháp điều trị phù hợp với người bệnh, bao gồm nhưng không chỉ giới hạn ở luyện tập thể chất (exercise training), giáo dục sức khoẻ và thay đổi hành vi. Trong đó, luyện tập thể chất là một thành phần thiết yếu của PHCNHH, bao gồm luyện tập tăng cường sức mạnh và sức bền (resistance and endurance training); các thành phần ngoài tập luyện trong PHCNHH có thể bao gồm giáo dục sức khoẻ, hỗ trợ tâm lý và liệu pháp dinh dưỡng, cùng với những bài tập hành vi sẽ giúp quản lý bệnh phổi kẽ tối ưu. Việc đánh giá kết quả cũng là một thành phần thiết yếu của chương trình PHCNHH để khẳng định hiệu quả của chương trình.
Việc ngăn ngừa và điều trị bệnh phổi kẽ là rất quan trọng để giảm thiểu tác động của bệnh trên sức khỏe của bệnh nhân và cải thiện chất lượng cuộc sống của họ. Ngoài ra, việc giảm thiểu tiếp xúc với các chất độc hại và dừng hút thuốc lá cũng là cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa sự phát triển của bệnh phổi kẽ.
Nguồn tham khảo: Bộ Y tế