MỚI

Sporal: Công dụng và những điều cần lưu ý

Ngày xuất bản: 28/11/2022
Dạng bào chế - Biệt dược
Dạng viên nang hàm lượng 100mg.
Nhóm thuốc - Tác dụng
 Thuốc kháng nấm nhóm azole.
Chỉ định

Thuốc Sporal được sử dụng để điều trị:

- Lang ben;

- Nấm Candida ở miệng, họng, âm hộ và âm đạo;

- Nấm da chân, da thân, da bẹn, da kẽ tay, nấm móng tay, nấm móng chân, nấm Blastomyces phổi và ngoài phổi, nấm Histoplasma (gồm bệnh ở khoang phổi và bệnh nấm rải rác không ở màng não), nấm Aspergillus ở phổi và ngoài phổi (ở bệnh nhân không dung nạp với amphotericin B);

- Điều trị duy trì cho bệnh nhân nhiễm HIV, phòng ngừa nhiễm nấm tiềm ẩn tái phát;

- Phòng ngừa nhiễm nấm trong thời gian giảm bạch cầu trung tính kéo dài, phác đồ điều trị thông thường không hiệu quả.

Chống chỉ định

Thuốc Sporal chống chỉ định cho các trường hợp sau:

- Mẫn cảm với itraconazole, các azole khác hoặc thành phần khác có trong thuốc;

- Dùng đồng thời với các thuốc hạ lipid máu, thuốc chống loạn nhịp, astemizol, terfenadin, triazolam dạng uống, midazolam dạng uống, cisaprid,...;

- Điều trị nấm móng cho phụ nữ mang thai hoặc có dự định có thai.

Thận trọng

Một số lưu ý khi dùng thuốc Sporal gồm:

- Thuốc Sporal có liên quan tới tình trạng suy tim sung huyết. Vì vậy, không dùng Sporal ở bệnh nhân bị suy tim sung huyết, có tiền sử suy tim sung huyết, có yếu tố nguy cơ,...;

- Thận trọng khi dùng thuốc Sporal cho những bệnh nhân nhạy cảm với các loại thuốc thuộc nhóm Azole khác;

- Nếu xuất hiện bệnh lý thần kinh có thể do thuốc Sporal, nên ngưng dùng thuốc;

- Bệnh nhân sử dụng thuốc Sporal có thể bị mất khả năng nghe tạm thời hoặc vĩnh viễn. Mất thính lực có thể hồi phục khi ngưng dùng thuốc hoặc có thể kéo dài ở một số bệnh nhân;

- Không sử dụng thay thế giữa viên nang Sporal và dung dịch uống;

- Nên theo dõi chức năng gan ở người dùng thuốc Sporal. Nếu có biểu hiện như biếng ăn, buồn nôn, nôn ói, đau bụng, mệt mỏi, nước tiểu sậm màu,... thì cần ngừng dùng thuốc và xét nghiệm chức năng gan ngay;

- Sự hấp thu itraconazole từ thuốc Sporal sẽ kém khi bị giảm acid dạ dày. Do đó, ở người bị giảm acid dạ dày, nên uống thuốc Sporal với đồ uống có tính acid. Đồng thời, nên theo dõi tác dụng kháng nấm và có thể tăng liều nếu cần thiết;

- Thận trọng khi dùng thuốc Sporal ở trẻ em và người cao tuổi;

- Thận trọng khi dùng thuốc Sporal ở người bị bệnh suy thận, có thể cần điều chỉnh liều;

- Đối với một số bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch, sinh khả dụng đường uống của thuốc Sporal có thể bị giảm;

- Không khuyến cáo sử dụng thuốc Sporal để điều trị khởi đầu cho những bệnh nhân bị nhiễm nấm toàn thân đe dọa tới tính mạng;

- Cân nhắc điều trị suy trì thuốc Sporal kháng nấm toàn thân ở bệnh nhân AIDS;

- Thận trọng khi dùng thuốc Sporal ở người bị xơ nang;

- Lưu ý khi dùng thuốc Sporal ở người lái xe, vận hành máy móc vì thuốc có thể gây ra một số phản ứng bất lợi như chóng mặt, mất thính lực, rối loạn thị giác,...;

- Chưa có nghiên cứu về thuốc Sporal trên phụ nữ mang thai nên chỉ dùng thuốc khi thực sự cần thiết;

- Thuốc Sporal có đi vào sữa mẹ nên cần cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ trước khi chỉ định thuốc cho bà mẹ đang nuôi con bú.

Tác dụng phụ

Một số tác dụng phụ người bệnh có thể gặp khi sử dụng thuốc Sporal gồm:

- Đau đầu, chóng mặt, sốt, suy nhược;

- Buồn nôn, táo bón, đau bụng, rối loạn tiêu hóa;

- Tăng huyết áp, phù, đau ngực;

- Rối loạn kinh nguyệt;

- Viêm mũi, viêm xoang hoặc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên;

- Phản ứng dị ứng: Ngứa, nổi mày bay, phù mạch;

- Hội chứng Stevens-Johnson, các bệnh thần kinh ngoại vi;

- Rối loạn công thức máu, giảm kali huyết (khi dùng thuốc dài ngày);

- Tăng men gan, viêm gan (sau khi điều trị dài ngày).

Liều và cách dùng

Cách dùng:

- Thuốc được dùng đường uống, uống cả viên thuốc với một lượng nước nhỏ. Bệnh nhân cần dùng thuốc đúng theo hướng dẫn của bác sĩ. Nên uống thuốc Sporal ngay lập tức sau bữa ăn để thuốc được hấp thu tối đa. Thời gian điều trị và liều dùng sẽ được bác sĩ chỉ định tùy thuộc loại nấm và vị trí bị nhiễm trùng.

Liều dùng

Liều dùng ở người lớn:

Nếu điều trị ngắn ngày, liều dùng thuốc Sporal cho người lớn như sau:

- Nấm Candida miệng - họng: Dùng liều 100mg/ngày x 15 ngày. Bệnh nhân AIDS hoặc giảm bạch cầu trung tính dùng liều thuốc Sporal 200mg/ngày x 15 ngày;

- Nấm Candida âm hộ - âm đạo: Dùng liều 200mg/lần x 2 lần/ngày (dùng 1 ngày) hoặc dùng liều 200mg/lần/ngày (dùng 3 ngày);

- Lang ben: Dùng liều 200mg/lần/này x 7 ngày;

- Nấm da: Dùng liều 100mg/lần/ngày x 15 ngày. Nếu bị nấm ở những vùng sừng hóa cao, điều trị thêm 15 ngày với liều dùng 100mg/ngày.

Nếu điều trị dài ngày (nhiễm nấm toàn thân) thì liều dùng như sau:

- Bệnh nấm móng: Dùng liều 200mg/lần/ngày, điều trị 3 tháng;

- Nấm Aspergillus: Dùng liều 200mg/lần/ngày, điều trị từ 2 - 5 tháng. Có thể tăng liều lên 200mg/lần x 2 lần/ngày nếu bệnh lan tỏa;

- Nấm Candida: Dùng liều 100 - 200mg/lần/ngày, điều trị trong 3 tuần - 7 tháng. Có thể tăng liều tới 200mg x 2 lần/ngày nếu bệnh lan tỏa;

- Nhiễm nấm Cryptococcus (không phải viêm màng não): Dùng liều 200mg/lần/ngày, điều trị từ 6 - 12 tháng.

Liều dùng ở trẻ em:

- Hiệu quả và an toàn của thuốc Sporal ở trẻ em chưa được khẳng định. Liều dùng 50mg/ngày (đối với trẻ có cân nặng dưới 20kg) hoặc 100mg/ngày (đối với trẻ có cân nặng từ 20kg trở lên) đã được sử dụng trong điều trị bệnh nấm da đầu.

Liều dùng cho người bị suy giảm chức năng gan, thận:

- Nên thận trọng khi dùng thuốc Sporal cho những đối tượng này.

Chú ý khi sử dụng

Lưu ý khi dùng thuốc Sporal:

- Trường hợp nhiễm nấm Candida toàn thân nghi ngờ đã kháng fluconazol thì có thể kém nhạy cảm với itraconazol. Do đó, cần kiểm tra độ nhạy cảm với thuốc Sporal trước khi điều trị;

- Mặc dù việc dùng thuốc Sporal ngắn ngày không gây rối loạn chức năng gan nhưng cũng không nên dùng loại thuốc này cho người bị bệnh gan hoặc gan đã bị nhiễm độc do sử dụng các thuốc khác. Khi điều trị dài ngày (trên 30 ngày) bằng thuốc Sporal, cần định kỳ theo dõi chức năng gan.

Ghi chú
facebook
4