MỚI

Epoetin Alfa: Công dụng và những điều cần lưu ý

Ngày xuất bản: 13/04/2022
Dạng bào chế - Biệt dược

Dung dịch tiêm: Eprex 2 000 UI/0,5 ml và 4 000 UI/0,4 ml.

Nhóm thuốc - Tác dụng

Erythropoietin người tái tổ hợp - Thuốc kích hồng cầu.

Chỉ định

Thiếu máu do suy thận mạn ở NB lọc máu, do điều trị hóa chất ung thư, không phải ung thư tủy xương. Thiếu máu ở NB nhiễm HIV đang điều trị bằng zidovudine có mức erythopoietin nội sinh ≤ 500mU/ml. Chuẩn bị lấy máu tự thân và giảm nguy cơ truyền máu dị thân ở NB có haematocrit 33 - 39%, được lên chương trình cho 1 cuộc phẫu thuật lớn, dự kiến cần truyền nhiều máu. NB thiếu máu từ nhẹ tới trung bình (Hb 100 - 130 g/lít) được lên chương trình cho một cuộc phẫu thuật có dự kiến mất máu trung bình (2 - 4 đơn vị hoặc 900 - 1800 ml).

Chống chỉ định

Bất sản nguyên hồng cầu do tạo kháng thể sau khi điều trị bằng bất cứ loại erythopoetin nào. Tăng HA không kiểm soát được. NB lên chương trình phẫu thuật chỉnh hình lớn, không tham gia chương trình hiến máu tự thân, có bệnh mạch vành nặng, bệnh động mạch ngoại vi, bệnh động mạch cảnh, bệnh mạch não, bao gồm nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não trong vòng 1 tháng trước đó. NB phẫu thuật không được phòng ngừa huyết khối đầy đủ.

Thận trọng

Bệnh mạch máu, ung thư ác tính.

Tác dụng phụ

Thường gặp: Tăng HA (đặc biệt khi Hb tăng nhanh), đau đầu, triệu chứng giả cúm, đau xương, yếu cơ, sốt, ban đỏ, hạ HA, phù ngoại vi, nôn, buồn nôn, tiêu chảy, khó thở, các biến chứng do huyết khối như huyết khối tắc mạch ở NB lọc máu, huyết khối TM sâu, thay đổi lượng tiểu cầu, đau tại chỗ. 

Hiếm gặp: Bệnh lý não do tăng HA bao gồm co giật, quá mẫn (phù mạch, sốc phản vệ), giảm nguyên hồng cầu, nhồi máu cơ tim, nhồi máu não, thiếu máu não thoáng qua. Rất hiếm gặp: Hội chứng bất sản hồng cầu đơn thuần.

Liều và cách dùng

Người lớn:

- Thiếu máu ở NB suy thận mạn:

+ Khởi đầu: Tiêm TM 50 UI/kg × 3 lần/tuần

+ Hiệu chỉnh:

Hb tăng < 10 g/lít trong 4 tuần: Thêm 25 UI/kg/liều sau mỗi tháng. Tối đa 200 UI/kg × 3 lần/tuần.

Hb tăng > 10 g/lít mỗi 2 tuần, hoặc đạt 120 g/lít, giảm 25% liều.

Hb > 120 g/lít, ngừng thuốc cho tới khi Hb giảm dưới 120 g/lít, bắt đầu tiêm tiếp với liều giảm 25% so với trước đó.

+ Duy trì: Tiêm 1 - 3 lần/tuần mức liều giúp đạt nồng độ Hb mong muốn (không quá 120 g/lít). Thông thường, tổng liều là 75 - 300 UI/kg/tuần.

- Thiếu máu do hóa chất ung thư, trừ ung thư tủy xương (dùng liều thấp nhất có thể, ngừng ngay khi kết thúc điều trị hóa chất).

+ Khởi đầu khi Hb < 100 g/lít: Tiêm dưới da 150 UI/kg × 3 lần/tuần × 4 tuần.

+ Hiệu chỉnh liều:

Hb tăng dưới 10 g/lít hoặc tế bào lưới tăng < 40000 tế bào/microlit, tăng liều tới 300 UI/kg × 3 lần/tuần. Nếu tăng liều vẫn không đạt hiệu quả lâm sàng, tiếp tục điều trị có thể không mang lại hiệu quả.

HB tăng > 10 g/lít mỗi 2 tuần hoặc 20 g/lít mỗi tháng hoặc Hb đạt 120 g/lít, giảm liều đi 25 - 50%.

Ngừng thuốc khi Hb > 120 g/lít, chỉ dùng lại khi Hb < 120 g/lít và bắt đầu lại ở liều thấp hơn 25%.

- Mổ theo chương trình: Tiêm dưới da 600 UI/kg/tuần trong 3 tuần trước mổ và trong ngày mổ (VD: 4 liều ngày 21, 14, 7, 0 trước khi phẫu thuật). Hoặc 300 UI/kg/ngày bắt đầu từ 10 ngày trước phẫu thuật tới 4 ngày sau phẫu thuật. Ngừng thuốc nếu Hb > 150 g/lít.

- Hiến máu tự thân: Tiêm TM 300 - 600 UI/kg × 2 lần/tuần trong 3 tuần.

- Thiếu máu do zidovudine ở NB HIV:

+ Khởi đầu: 100 UI/kg × 3 lần/tuần trong 8 tuần. Nếu cần, tăng thêm 50 - 100 UI/kg × 3 lần/tuần trong ít nhất 4 tuần. Nếu NB không đáp ứng với liều 300 UI/kg × 3 lần/tuần thì không đáp ứng với liều cao hơn.

+ Duy trì: Duy trì liều được điều chỉnh để Hematocrit 30 - 35% và Hb không quá 120 g/lít. Ngừng thuốc nếu Hematocrit quá 40%, chỉ điều trị lại khi Hematocrit dưới 36% với liều giảm 25%.

Trẻ em:

- Thiếu máu khi suy thận: Khởi đầu và chỉnh liều tương tự như người lớn. Liều duy trì thông thường là 75 - 150 UI/kg với trẻ < 10 kg; 60 - 150 UI/kg với trẻ 10 - 30 kg; 30 - 100 UI/kg với trẻ > 30 kg.

- Thiếu máu do hóa chất ung thư, trừ ung thư tủy xương: Trẻ 6 tháng-18 tuổi: 25 - 300 UI/kg × 3 - 7 lần/tuần.

- Thiếu máu do zidovudin ở NB nhiễm HIV: Trẻ 8 tháng - 17 tuổi: 50 - 400 UI/kg × 2 - 3 lần/tuần.

Cách dùng:

- Tiêm dưới da: Không quá 1 ml mỗi vị trí tiêm. Không dùng trên NB suy thận mạn tính.

- Tiêm TM: Tiêm TM chậm trong 1 - 5 phút.

Chú ý khi sử dụng

Đánh giá tình trạng sắt, công thức máu, HA của NB, cân nhắc bổ sung sắt nếu cần. Tuyệt đối không pha loãng, truyền TM. Trường hợp có triệu chứng giả cúm, nên tiêm TM chậm (5 phút). Bảo quản từ 2 - 8oC, đưa về nhiệt độ phòng trước khi tiêm. Thuốc đang dùng hoặc chuẩn bị dùng ổn định trong 7 ngày ở nhiệt độ phòng (không quá 25oC).

 

Phụ nữ có thai: C (FDA), B3 (TGA).

Phụ nữ cho con bú: Tránh dùng.

Không cần hiệu chỉnh liều trên NB suy thận.

Ghi chú

TLTK: AMH, NSX, Renal drug handbook, BNFC, AHFS.
Từ viết tắt
NB: Người bệnh.
HA: Huyết áp.
TM: Tĩnh mạch.
B3 (TGA): Thuốc được sử dụng trên số lượng giới hạn phụ nữ có thai và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ mà không làm tăng tần suất dị tật thai nhi hoặc gây bất kỳ ảnh hưởng xấu trực tiếp hoặc gián tiếp nào trên thai nhi được quan sát. Nghiên cứu trên động vật cho thấy tăng nguy hại trên thai nhi, tuy nhiên không có ý nghĩa rõ ràng trên con người.
C (FDA): Nghiên cứu trên động vật cho thấy có nguy cơ trên thai nhi (quái thai, thai chết hoặc các tác động khác) nhưng không có nghiên cứu đối chứng trên phụ nữ có thai. Chỉ nên dùng thuốc cho phụ nữ có thai trong trường hợp lợi ích vượt trội nguy cơ có thể xảy ra với thai nhi.
TLTK: Tài liệu tham khảo.
NSX: Hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất.
AMH: Australian Medicines Handbook - Sổ tay sử dụng thuốc Úc.
AHFS: American Hospital Formulary Service - Hội đồng Dược thư Bệnh viện Hoa Kỳ.
BNFC: British National Formulary for Children - Dược thư Quốc gia Anh dành cho trẻ em.
Nội dung được trích từ Sổ tay sử dụng thuốc Vinmec 2019 do Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec biên soạn, Nhà xuất bản Y học ấn hành tháng 9/2019. Tài liệu thuộc bản quyền của Hệ thống Y tế Vinmec. Nghiêm cấm sao chép dưới mọi hình thức.
Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Thông tin giới thiệu dưới đây dành cho các cán bộ y tế dùng để tra cứu, sử dụng trong công tác chuyên môn hàng ngày. Đối với người bệnh, khi sử dụng cần có chỉ định/ hướng dẫn sử dụng của bác sĩ/ dược sĩ để đảm bảo an toàn và hiệu quả.

facebook
38