Điều trị kháng sinh trong 7 ngày so với 14 ngày ở bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết
Nghiên cứu mới trên tạp chí The New England Journal of Medicine về một chủ đề không mới, nhưng là một khoảng trống trong điều trị nhiễm khuẩn huyết, tác động đến thực hành lâm sàng. Ở bệnh nhân nhập viện bị nhiễm khuẩn huyết, điều trị kháng sinh trong 7 ngày không kém hiệu quả so với điều trị 14 ngày về mặt tỷ lệ tử vong sau 90 ngày, đồng thời có thể giảm thiểu việc sử dụng kháng sinh kéo dài không cần thiết
Tác giả: BALANCE Investigators, thuộc Canadian Critical Care Trials Group, Association of Medical Microbiology and Infectious Disease Canada Clinical Research Network, Australian and New Zealand Intensive Care Society Clinical Trials Group, Australasian Society for Infectious Diseases Clinical Research Network.
Nguồn và thời gian đăng báo
- The New England Journal of Medicine, Tập 392, Số 11 (2025): 1065–1078
- Ngày xuất bản: 10/11/2024
- DOI: 10.1056/NEJMoa2404991
Tổng quan và Mục tiêu
Nội dung bài viết
Nhiễm khuẩn huyết là một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng liên quan đến tỷ lệ tử vong và để lại di chứng cao. Mặc dù điều trị kháng sinh sớm và phù hợp là yếu tố quan trọng, nhưng thời gian điều trị tối ưu vẫn chưa được xác định rõ. Nghiên cứu này nhằm so sánh hiệu quả giữa hai chiến lược điều trị kháng sinh kéo dài 7 ngày và 14 ngày ở bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết nhập viện.
Phương pháp
Đây là một thử nghiệm đa trung tâm, ngẫu nhiên, thiết kế không kém hơn, thực hiện tại 74 bệnh viện thuộc 7 quốc gia. Bệnh nhân nhập viện (bao gồm cả bệnh nhân hồi sức tích cực) bị nhiễm khuẩn huyết được phân nhóm ngẫu nhiên để nhận điều trị kháng sinh trong 7 ngày hoặc 14 ngày. Lựa chọn thuốc, liều dùng và đường dùng do nhóm điều trị quyết định.
Các trường hợp bị loại trừ gồm: bệnh nhân suy giảm miễn dịch nặng, ổ nhiễm cần điều trị kéo dài, mẫu cấy nghi tạp nhiễm hoặc dương tính với Staphylococcus aureus.
Tiêu chí chính là tử vong do mọi nguyên nhân trong vòng 90 ngày sau chẩn đoán, với ngưỡng không kém hơn là 4 điểm phần trăm.
Kết quả
Tổng cộng 3.608 bệnh nhân được đưa vào phân tích intention-to-treat, trong đó 1.814 bệnh nhân được điều trị kháng sinh trong 7 ngày và 1.794 bệnh nhân trong 14 ngày. Tại thời điểm thu tuyển, 55% đang nằm ICU và 45% ở các khoa nội trú.
Các nguồn nhiễm khuẩn chủ yếu là: tiết niệu (42,2%), ổ bụng (18,8%), phổi (13,0%), catheter mạch máu (6,3%), da và mô mềm (5,2%).
Sau 90 ngày, tỷ lệ tử vong là 14,5% ở nhóm 7 ngày và 16,1% ở nhóm 14 ngày (chênh lệch: −1,6 điểm phần trăm; khoảng tin cậy 95%: −4,0 đến 0,8), chứng minh rằng thời gian điều trị 7 ngày không kém hiệu quả hơn.
Tỷ lệ bệnh nhân dùng thuốc dài hơn thời gian chỉ định là 23,1% ở nhóm 7 ngày và 10,7% ở nhóm 14 ngày. Phân tích theo phác đồ vẫn cho kết quả tương tự (chênh lệch −2,0 điểm phần trăm; khoảng tin cậy 95%: −4,5 đến 0,6). Kết quả này phù hợp với các phân tích phụ và phân nhóm định trước.
Kết luận
Ở bệnh nhân nhập viện bị nhiễm khuẩn huyết, điều trị kháng sinh trong 7 ngày không kém hiệu quả so với điều trị 14 ngày về mặt tỷ lệ tử vong sau 90 ngày, đồng thời có thể giảm thiểu việc sử dụng kháng sinh kéo dài không cần thiết.
Người biên soạn:
BSNT. BSCKI. Nguyễn Duy Nghĩa
Viện Khoa Học Sức Khỏe, Đại học VinUni
Bệnh viện Vinmec Smart City