MỚI

Viêm cơ tim và điều trị

Ngày xuất bản: 02/05/2023

Viêm cơ tim là tình trạng bệnh lý được đặc trưng bởi các biểu hiện lâm sàng phức tạp từ không có triệu chứng cho đến các dấu hiệu suy tim, rối loạn nhịp tim… rầm rộ nặng nề với tiên lượng tử vong rất cao.

1. Định nghĩa, nguyên nhân

Là tình trạng bệnh lý được đặc trưng bởi các biểu hiện lâm sàng phức tạp từ không có triệu chứng cho đến các dấu hiệu suy tim, rối loạn nhịp tim… rầm rộ nặng nề với tiên lượng tử vong rất cao. Chẩn đoán nghi ngờ dựa vào các biểu hiện lâm sàng và các phương pháp thăm dò không xâm nhập. Chẩn đoán xác định dựa vào các tiêu chuẩn giải phẫu bệnh trên mô bệnh sinh thiết cơ tim.
Điều trị bao gồm các biện pháp điều trị thông thường như điều trị suy tim, điều trị rối loạn nhịp tim và hồi sức cũng như các biện pháp điều trị bằng các thuốc ức chế miễn dịch. Tuy nhiên, vai trò và tác dụng của các thuốc điều trị ức chế miễn dịch vẫn đang còn tranh cãi và chưa được đưa vào trong các khuyến cáo thực hành với mức độ bằng chứng cao.


Viêm cơ tim

Dựa theo nguyên nhân gây bệnh,  gồm một số thể sau:

  • Viêm cơ tim do virus: Đây là thể viêm cơ tim phổ biến nhất. Một số virus có thể gây viêm cơ tim gồm Coxsackie B, CMV, Dengue, Epstein – Barr,…
  • Viêm cơ tim do vi khuẩn: Rickettsia, Treponema pallidum, Leptospira, N. meningitidis, Tropheryma whippelii, Legionella, Salmonella, Psittacosis, Streptococcus,… là một số vi khuẩn gây viêm cơ tim thường gặp
  • Viêm cơ tim do ký sinh trùng: Bệnh lây truyền qua trung gian là bọ rệp thuộc loài Triatoma.
  • Viêm cơ tim do nấm: Đây là thể tương đối hiếm gặp, chủ yếu gặp ở bệnh nhân có bệnh lý ác tính, người đang hóa trị, dùng steroid hoặc đang sử dụng các liệu pháp ức chế miễn dịch. Một số nấm được cho là có liên quan đến viêm cơ tim gồm Actinomyces, Aspergillus, Candida, Cryptococcus, Histoplasma.
  • Viêm cơ tim do nhiễm độc và chuyển hóa: Rất nhiều loại thuốc, chất hóa học, tác nhân vật lý có thể gây viêm cơ tim. Một số trong đó có thể kể đến như Anthracyclines, Cocain, Catecholamine,… Sự thiếu hụt Taurine và Carnitine cũng được cho là có liên quan đến viêm cơ tim.
  • Viêm cơ tim do phản ứng quá mẫn của cơ thể: Đây là phản ứng tự nhiên của miễn dịch tim do dùng thuốc. Tình trạng này có thể gây suy tim rất nhanh, thậm chí là tử vong nhưng rất hiếm gặp trên lâm sàng. Các loại thuốc có thể dẫn đến viêm cơ tim gồm kháng sinh, thuốc chống động kinh, thuốc chống lao, thuốc kháng viêm không steroid, thuốc lợi tiểu,…

2. Điều trị

2.1. Điều trị suy tim

Điều trị các bệnh nhân suy tim có phân số tống máu giảm và huyết động ổn định bằng các thuốc như lợi tiểu, sử dụng sớm ức chế men chuyển hoặc ức chế thụ thể angiotensin và chẹn beta giao cảm. Trong trường hợp bệnh nhân sử dụng các thuốc trên còn triệu chứng suy tim, có thể kết hợp thêm với thuốc kháng aldosteron để tăng hiệu quả tác dụng.
Ức chế men chuyển và chẹn beta giao cảm có thể có lợi ích đặc biệt ở những bệnh nhân viêm cơ tim có phân số tống máu giảm. Các thuốc sẽ giúp cải thiện tử vong và các biến cố tim mạch khác. Một nghiên cứu trên chuột cho thấy sử dụng captopril vào ngày thứ 3 ở chuột viêm cơ tim do coxsackie virus sẽ giúp giảm hoại tử cơ tim. Mặt khác, sử dụng chẹn beta giao cảm sẽ cải thiện các biến cố tim mạch ở chuột viêm cơ tim do coxsackie virus.
Mặc dù digoxin có tác dụng cải thiện triệu chứng ở bệnh nhân suy tim có phân số tống máu giảm nhưng hiệu quả trên biến cố tim mạch và an toàn vẫn chưa được chứng minh thậm chí digoxin làm tăng nguy cơ tử vong ở chuột viêm cơ tim.
Những bệnh nhân có huyết động không ổn định có thể cần hỗ trợ tuần hoàn ngoài cơ thể bằng thiết bị hỗ trợ thất hoặc ECMO (extracorporeal membrane oxygenation).

2.2. Hỗ trợ thất trái

Hỗ trợ thất trái được chỉ định khi suy tim cấp mức độ nặng hoặc trường hợp sốc tim không đáp ứng điều trị nội khoa. Trong một số trường hợp, các thiết bị này như cầu nối giúp bệnh nhân hồi phục sau giai đoạviêm cơ tim cấp mức độ nặng.

2.3. Điều trị rối loạn nhịp tim

Bệnh nhân có thể gặp các rối loạn nhịp nhanh hoặc rối loạn nhịp chậm.

2.3.1. Các rối loạn nhịp nhanh bao gồm: Nhịp nhanh trên thất và nhịp nhanh thất.

Cơn nhịp nhanh trên thất: có thể là khởi đầu của tình trạng suy tim hoặc là tác nhân gây suy tim nặng thêm:

  • Chuyển nhịp xoang là ưu tiên hàng đầu trong điều trị các cơn tim nhanh trên thất này.
  • Chiến lược chuyển nhịp xoang, kiểm soát tần số thất tương tự như chiến lược xử trí cơn tim nhanh trên thất.
  • Đối với cơn tim nhanh thất:
  • Các cơn nhịp nhanh thất không bền bỉ có triệu chứng có thể sử dụng các thuốc điều trị rối loạn nhịp.
  • Đối với nhịp nhanh thất có triệu chứng cần xử trí bằng sốc điện, đối với rối loạn nhịp tái phát nên được điều trị ngay bằng thuốc chống rối loạn nhịp.

2.3.2. Đối với các rối loạn nhịp chậm có triệu chứng hoặc block nhĩ thất hoàn toàn

Cần đặt máy tạo nhịp tạm thời và theo dõi tình trạng nhịp tim, các rối loạn nhịp này thường chỉ tạm thời và có thể hồi phục.

2.4. Sử dụng thuốc chống đông

Chỉ định dùng thuốc chống đông  bao gồm:

  • Các chỉ định thường quy như có bằng chứng của tắc mạch hệ thống hoặc huyết khối trong thất trái.
  • Đối với các bệnh nhân rung nhĩ cần đánh giá nguy cơ tắc mạch để chỉ định dùng chống đông.
  • Cần đánh giá lại việc dùng chống đông nếu hồi phục hoàn toàn tình trạng rung nhĩ và suy tim.

Lưu ý: Bệnh nhân suy tim nhịp xoang có hoặc không có tình trạng giảm phân suất tống máu không có chỉ định dùng thuốc chống đông.

facebook
15

Bài viết liên quan

Thuốc liên quan

Bình luận0

Đăng ký
Thông báo về
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận

Bài viết cùng chuyên gia