MỚI

Vấn đề sức khoẻ nào là chống chỉ định trong Implant?

Ngày xuất bản: 02/05/2023

Bài viết này nhằm giải đáp thắc mắc đối với câu hỏi: Vấn đề sức khoẻ nào là chống chỉ định trong quá trình cấy ghép Implant nha khoa bằng các tài liệu tham khảo uy tín. Sau khi nắm được nội dung chính bài viết này, Nha sĩ có thể tự tin phần nào loại trừ được những trường hợp chống chỉ định trong quá trình thực hành lâm sàng Implant của mình. Cùng tìm hiểu.

Cấy ghép Implant
Cấy ghép Implant

1. Vấn đề sức khoẻ nào là chống chỉ định trong quá trình cấy ghép Implant nha khoa?

Một bệnh nhân có vấn đề y khoa có thể được mô tả là người có tình trạng thể chất hoặc tinh thần khác biệt so với những người ở cùng độ tuổi. Những bệnh nhân này có nguy cơ ảnh hưởng đến implant cao hơn, nghĩa là có nguy cơ y khoa cao hơn. Khám y khoa kỹ lưỡng và toàn diện không chỉ giúp xác định các chỉ số sức khỏe cần thiết của một bệnh nhân có vấn đề y khoa mà còn giúp dự đoán nguy cơ của bệnh nhân đó.

Hệ thống ASA dành cho bệnh nhân nha khoa thường được sử dụng để xác định nguy cơ của bệnh nhân. Những phân loại này và tiền sử y khoa sẽ cho phép nha sĩ xác định bệnh lý toàn thân và tỷ lệ thành công dự kiến của bệnh nhân có vấn đề y khoa mà sẽ được điều trị cấy ghép nha khoa. Nó giống như việc kiểm soát bệnh lý quan trọng hơn so với bản thân bệnh lý đó. Điều này càng xác thực nhu cầu khám y khoa cá nhân.

2. Phân loại nhóm các yếu tố nguy cơ toàn thân/y khoa

Để đạt và duy trì sự tích hợp xương thành công theo thời gian, đây cũng là mục tiêu và kết quả của điều trị cấy ghép thành công, thì phải cân bằng giữa chỉ định và chống chỉ định trong vấn đề sức khoẻ này một cách cẩn thận. Do đó, lựa chọn bệnh nhân phù hợp là vấn đề chìa khóa khi lên kế hoạch điều trị. Chống chỉ định có thể được chia thành tại chỗ và toàn thân/y khoa. Trong một Hội nghị Đồng thuận gần đây, người ta đề nghị chia các yếu tố nguy cơ toàn thân/y khoa thành 2 nhóm:
  • Nhóm 1 (nguy cơ rất cao). Bệnh nhân có bệnh lý toàn thân nặng (viêm khớp dạng thấp, nhuyễn xương, sinh xương bất toàn), bệnh nhân suy giảm miễn dịch (HIV, sử dụng thuốc ức chế miễn dịch), nghiện ma túy/rượu, và bệnh nhân không hợp tác (rối loạn tâm lý và tâm thần).
  • Nhóm 2 (nguy cơ đáng kể). Bệnh nhân xạ trị, đái tháo đường nặng (đặc biệt là loại 1), rối loạn chảy máu/có khuynh hướng chảy máu nhiều (cơ địa xuất huyết, không đông máu do thuốc), và thói quen hút thuốc lá nhiều.

Các tác giả khác đã đề nghị một số nhóm bệnh nhân hoặc bệnh lý có chống chỉ định tương đối với cấy ghép nha khoa:

  • Trẻ em và thiếu niên
  • Bệnh nhân động kinh
  • Có khuynh hướng chảy máu nhiều
  • Nguy cơ viêm nội tâm mạc
  • Nguy cơ hoại tử xương do xạ trị
  • Nguy cơ nhồi máu cơ tim

Những chống chỉ định tương đối khác được báo cáo gồm có thiếu niên, người cao tuổi, loãng xương, hút thuốc lá, đái tháo đường, kiểu gen interleukin-1 (+), HIV (+), bệnh tim mạch, nhược giáp, và bệnh Crohn’s.

Trong nhiều nghiên cứu gần đây, các bệnh lý và tình trạng sau đã được chứng minh là làm tăng nguy cơ thất bại của điều trị cấy ghép: bệnh xơ cứng bì, hội chứng Sjögren, rối loạn tâm-thần kinh/bệnh Parkinson, lichen phẳng, nhiễm HIV, loạn sản ngoại bì, sử dụng thuốc ức chế miễn dịch trong thời gian dài sau ghép tạng, bệnh tim mạch, bệnh Crohn’s, đái tháo đường, loãng xương, uống bisphosphonate, và xạ trị điều trị ung thư biểu mô tế bào gai vùng miệng.

Các chống chỉ định tuyệt đối của implant (các tình trạng y khoa nghiêm trọng và cấp tính luôn được xem là chống chỉ định) bao gồm: nhiễm trùng cấp, viêm phế quản nặng, khí phế thũng, thiếu máu trầm trọng, đái tháo đường không kiểm soát, cao huyết áp không kiểm soát, chức năng gan bất thường, viêm thận, bệnh tâm thần nặng, các tình trạng có nguy cơ xuất huyết nghiêm trọng, viêm nội tâm mạc, nhồi máu cơ tim và tai biến mạch máu não, phẫu thuật ghép tạng hoặc van tim nhân tạo, ức chế miễn dịch, điều trị bệnh lý ác tính, nghiện ma túy, và tiêm tĩnh mạch bisphosphonate. Tuy nhiên, có rất ít hoặc không có bằng chứng ủng hộ phần lớn những tình trạng kể trên.

Nhìn chung, những bằng chứng về thất bại cấy ghép ở bệnh nhân có vấn đề y khoa còn hạn chế do ít nghiên cứu ngẫu nhiên có nhóm chứng. Do đó, các tổng quan đã cố gắng đánh giá một số bệnh lý được xem là chống chỉ định của điều trị cấy ghép và nguy cơ của chúng đối với biến chứng/thất bại cấy ghép. Những bằng chứng hiện nay nói chung được rút ra từ nhiều nguồn, từ các báo cáo case đến các nghiên cứu đoàn-hệ có nhóm chứng trên cả người lẫn động vật.

Đánh giá kết quả implant được dựa trên kết quả mô học và phim X-quang để đánh giá thất bại của implant và điều trị một cách chủ quan và khách quan. Các chống chỉ định chủ yếu dựa trên nguy cơ biến chứng y khoa liên quan đến phẫu thuật cấy ghép (ví dụ như nguy cơ xuất huyết ở bệnh nhân có rối loạn chảy máu) và tỷ lệ thành công của cấy ghép nha khoa ở những bệnh nhân có vấn đề y khoa (ví dụ như bệnh nhân xạ trị điều trị ung thư đầu-cổ). Các yếu tố nguy cơ y khoa sẽ được phân tích theo những hệ thống phân loại khác nhau (nguy cơ cao, nguy cơ đáng kể, nguy cơ tương đối, và các tình trạng y khoa khác) đã liệt kê ở trên.

Nguồn tài liệu: Clinical Cases in Implant Dentistry, First Edition – Published 2017 by John Wiley & Sons, Inc.

Tim hiểu thêm: Phục hình bắt vít trên Implant – Tổng quan

facebook
3

Bài viết liên quan

Thuốc liên quan

Bình luận0

Đăng ký
Thông báo về
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận

Bài viết cùng chuyên gia