MỚI

Trường hợp đầu tiên chữa khỏi HIV bằng phương pháp truyền tế bào gốc kép

Ngày xuất bản: 02/06/2023

Tháng 2/2022 tại Hội nghị lần thứ 29 về Retrovirus và  Nhiễm trùng cơ hội (CROI 2022), Tổ chức Mạng lưới thử nghiệm lâm sang AIDS ở trẻ em và phụ nữ (IMPAACT) đã báo cáo về nghiên cứu IMPAACT P1107: trường hợp bệnh nhân đầu tiên chữa khỏi HIV bằng ghép tế bào gốc kép (haplo-cord transplant)  .Bệnh nhân đã mắc HIV trước đó dẫn đến mắc ung thư bạch cầu dòng tủy cấp tính và đã được ghép tế bào gốc máu cuống  rốn kết hợp với ghép tế bào gốc từ tủy xương để điều trị cả HIV và ung thư bạch cầu.. Đối tượng tham gia nghiên cứu là một phụ nữ đến từ New York (Mỹ) đã ngừng điều trị bằng thuốc kháng vi-rút (ART) sau ghép tế bào gốc 37 tháng và không phát hiện HIV trong 14 tháng. Kết quả này hứa hẹn mở rộng nguồn tế bào gốc có sẵn để cứu chữa HIV ở những bệnh nhân cần cấy ghép cho các tình trạng y tế khác nhau [1].

HIV là loại virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người. Khi cơ thể người bị virus HIV tấn công, bạch cầu, hồng cầu sẽ bị phá huỷ cùng sự suy giảm sức đề kháng và khả năng miễn dịch nghiêm trọng. Hiện nay có khoảng 37 triệu người trên thế giới đang mắc virus này[2]. HIV có thể trực tiếp tổn thương não, hệ sinh dục, thận và tim, gây suy giảm nhận thức, giảm hóc môn sinh dục, suy thận và bệnh cơ tim. Các biểu hiện bao gồm từ triệu chứng không điển hình đến hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS), được xác định bởi các bệnh nhiễm trùng cơ hội nghiêm trọng hoặc ung thư.

Trước đây HIV là bệnh không thể chưa khỏi nhưng đến nay trên thế giới đã có 3 ca được báo cáo đã khỏi HIV và các ca này đều là những trường hợp bệnh nhân mắc  đồng thời HIV và ung thư leukemia hoặc lymphoma. Trường hợp đầu tiên, được đặt tên là “bệnh nhân Berlin” để bảo vệ danh tính (một người đàn ông mắc bệnh bạch cầu dòng tủy cấp tính), được báo cáo vào năm 2009. “Bệnh nhân Berlin” đã được ghép tế bào gốc tủy xương và đã thuyên giảm HIV trong 12 năm[6]. Anh ta chết vì bệnh bạch cầu tái phát vào tháng 9 năm 2020. Trường hợp thứ hai, được gọi là “bệnh nhân London” (một người đàn ông mắc bệnh ung thư hạch Hodgkin), được báo cáo gần đây hơn và đã thuyên giảm HIV trong hơn 30 tháng sau khi ghép tế bào gốc tủy xương[7]. Tất cả những người hiến tặng tế bào gốc đều mang Đột biến dịch khung CCR5 Δ32 đồng hợp tử xóa 32 cặp cơ sở (CCR5Δ32/Δ32) trong vùng mã hóa sẽ loại bỏ biểu hiện bề mặt tế bào của CCR5, tạo ra khả năng kháng HIV[3][4]. CCR5 là một thụ thể mà HIV sử dụng để lây nhiễm các tế bào lympho T CD4+ của con người là các tế bào đích chính của chúng (Hình 1). Nhưng đột biến CCR5Δ32/Δ32 này rất hiếm (khoảng 1% dân số nói chung) [5], cơ hội tìm được người hiến tế bào gốc phù hợp là rất thấp, đặc biệt đối với những bệnh nhân không phải chủng người Bắc Âu da trắng.


Cơ chế kháng virus HIV của tế bào mang đột biến CCR5Δ32/Δ32[1]

Tháng 3 vừa qua tại Hội nghị lần thứ 29 về Retrovirus và Nhiễm trùng cơ hội (CROI 2022) đã báo cáo trường hợp đầu tiên chữa khỏi HIV ở một phụ nữ nhiễm HIV được ghép tế bào gốc kép (tức là ghép tế bào gốc máu cuống rốn kết hợp với ghép tế bào gốc tủy xương) để điều trị đồng thời cả bệnh bạch cầu dòng tủy cấp tính và HIV. 

Trường hợp này là một phụ nữ trung niên đến từ New York  là con lai và mắc cả HIV và bệnh bạch cầu tiến triển nhanh hay còn gọi là bệnh bạch cầu cấp tính (AML) sau 4 năm điều trị HIV bằng thuốc kháng virus. Do khó tìm được người hiến tặng trưởng thành tương thích, ca cấy ghép đã được quyết định dùng tế bào gốc từ máu cuống rốn có đột biến CCR5Δ32/Δ32 được lưu trữ trong ngân hàng. Các tế bào gốc từ máu cuống rốn có thể ghép thành công ngay cả khi các mảnh ghép chỉ phù hợp một phần HLA, không yêu cầu phù hợp cao như tế bào gốc trưởng thành. Nếu thành công, phương pháp này có thể mở rộng nguồn tế bào gốc CCR5 Δ32 dành cho những người nhiễm HIV.[1]

Một thách thức với việc cấy ghép tế bào gốc máu cuống rốn là cần có thời gian để các tế bào cấy ghép vào cơ thể khá lâu. Vì vậy, các nhà nghiên cứu đã quyết định dùng phương pháp truyền tế bào gốc kép ( dual stem cell hoặc haplo-cord): tế bào gốc máu cuống rốn (chủ yếu là các tế bào gốc tạo máu HSC) có đột biến CCR5, bổ sung tế bào gốc trưởng thành từ tủy xương của người thân bệnh nhân . Các tế bào gốc tủy xương không mang đột biến CCR5 Δ32 nhưng tương thích một phần với bệnh nhân. Trong phương pháp này, các tế bào gốc trưởng thành từ tủy xương được cấy ghép nhanh chóng nhưng chỉ tồn tại tạm thời. Khoảng thời gian này chúng cung cấp một số chức năng miễn dịch cho đến khi các tế bào gốc máu cuống rốn có khả năng mọc mảnh ghép. Trong vòng hai tuần sau khi cấy ghép các tế bào gốc trưởng thành của thân nhân mọc mảnh ghép nhanh chóng. Nhưng đến tuần thứ 14 sau khi cấy ghép, các tế bào gốc máu cuống rốn đã hoàn toàn chiếm ưu thế ( Hình 2). Một rủi ro chính liên quan đến cấy ghép tế bào gốc là bệnh mảnh ghép chống lại vật chủ – khi các tế bào miễn dịch được cấy ghép tấn công cơ thể người nhận. Nhưng các tế bào gốc máu cuống rốn ít có khả năng làm như vậy và trong trường hợp này, bệnh nhân không mắc phải bệnh mảnh ghép chống lại vật chủ.


Quá trình chiếm ưu thế của tế bào gốc máu cuống rốn mang đột biến CCR5 trong cơ thể bệnh nhân sau cấy ghép [1]

Bệnh bạch cầu của bệnh nhân đã thuyên giảm hơn 5 năm sau khi cấy ghép. Sau khi cấy ghép 100 ngày không phát hiện thấy DNA hoặc RNA của HIV. Khoảng ba năm sau khi cấy ghép, bệnh nhân đã ngừng điều trị bằng thuốc kháng vi-rút. Tại thời điểm viết kết quả nghiên cứu, sau 18 tháng ngừng điều trị, bệnh nhân không còn nhiễm HIV.

Những kết quả này cho thấy rằng cấy ghép tế bào gốc máu dây rốn có thể đã chữa khỏi HIV cho bệnh nhân. Trường hợp này cung cấp thêm bằng chứng về khái niệm chữa khỏi HIV bằng cấy ghép tế bào gốc, nhưng điều quan trọng cần nhấn mạnh là phương pháp này là một thủ thuật y tế xâm lấn, phức tạp và rủi ro, vẫn chưa được coi là một chiến lược khả thi để mở rộng quy mô lớn lên đến hàng triệu người nhiễm như hiện nay. Nó chỉ được xem xét ở một số  trường hợp bệnh nhân HIV mắc bệnh ung thư nguy cơ cao cần phương pháp để điều trị tình trạng nguy cấp tính mạng chẳng hạn như bệnh Leukemia, ung thư U lympho Hodgkin. Mặc dù vậy, ở những người nhiễm HIV cần cấy ghép này, việc sử dụng tế bào gốc từ máu cuống rốn có thể mở rộng khả năng tiếp cận phương pháp điều trị này hơn. Hiện nay ở Việt Nam có Hệ thống Y tế Vinmec có đồng thời cả Ngân hàng Mô lưu trữ máu cuống rốn cùng hệ thống bệnh viện lâm sàng chất lượng cao có kinh nghiệm điều trị các bệnh ung thư máu. Điều này rất thuận tiện cho những bệnh nhân điều trị HIV kết hợp ung thư  như trên, mở ra cơ hội được tiếp cận với những Phương pháp điều trị tiên tiến thế giưới cho những người mắc HIV tại Việt Nam.

Tài liệu tham khảo:

  1. Hsu J, Van Besien K, Glesby MJ, Pahwa S, Coletti A, Warshaw MG, Petz L, Moore TB, Chen YH, Pallikkuth S, Dhummakupt A, Cortado R, Golner A, Bone F, Baldo M, Riches M, Mellors JW, Tobin NH, Browning R, Persaud D, Bryson Y; International Maternal Pediatric Adolescent AIDS Clinical Trials Network (IMPAACT) P1107 Team. HIV-1 remission and possible cure in a woman after haplo-cord blood transplant. Cell. 2023 Mar 16;186(6):1115-1126.e8. doi: 10.1016/j.cell.2023.02.030. PMID: 36931242.
  2. UNAIDS. UNAIDS Data 2017 http://www.unaids.org/en/resources/ documents/2017/20170720_Data_book_2017 (2017).
  3. Hütter, G. et al. Long-term control of HIV by CCR5 Delta32/Delta32 stem-cell transplantation. N. Engl. J. Med. 360, 692–698 (2009). 
  4.  Allers, K. et al. Evidence for the cure of HIV infection by CCR5Δ32/Δ32 stem cell transplantation. Blood 117, 2791–2799 (2011).
  5. J J Martinson , N H ChapmanD C ReesY T LiuJ B Clegg. Global distribution of the CCR5 gene 32-basepair deletion. Nat. Genet. 1997; 16: 100-103
  6. Timothy R B. I Am the Berlin Patient: A Personal Reflection. AIDS Res Hum Retroviruses. 2015 Jan 1; 31(1): 2–3.
  7. Ravindra, K G. Et al. HIV-1 remission following CCR5Δ32/Δ32 haematopoietic stem-cell transplantation. Nature. 2019 Apr ;568(7751):244-248
facebook
26

Bài viết liên quan

Bình luận0

Đăng ký
Thông báo về
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận

Bài viết cùng chuyên gia