Nội dung bài viết
Medrol : Công dụng và những điều cần lưu ý
Thuốc Medrol có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn trên hệ nội tiết, miễn dịch, hệ thần kinh, tâm thần, mắt, tim, gan mật, tiêu hóa, cơ xương, chuyển hóa và dinh dưỡng, thận và tiết niệu. Triệu chứng thường gặp có thể kể đến như:
- Phù tay chân
- Chóng mặt, đầu óc quay cuồng
- Thay đổi chu kỳ kinh nguyệt
- Đau đầu
- Đau hoặc yếu cơ
- Bụng khó chịu
- Đầy hơi
Một số tác dụng phụ nghiêm trọng như:
- Khó thở khi gắng sức nhẹ
- Tăng cân nhanh chóng
- Sưng phù
- Da mỏng, vết thương lâu lành
- Mắt mờ, đau mắt, tầm nhìn đường hầm, thấy vầng sáng cầu vồng xung quanh mắt
- Thay đổi hành vi thất thường, suy nghĩ và tính cách thất thường, trầm cảm nặng
- Xuất hiện cơn đau bất thường tại tay hoặc chân, lưng
- Đi ngoài ra máu hoặc phân màu hắc ín, nôn ra máu hoặc dịch có màu như bã cà phê, ho ra máu
- Co giật
- Hạ kali máu với triệu chứng chuột rút chân, táo bón, đánh trống ngực, rối loạn nhịp tim, tê ngứa, khát và đi tiểu nhiều.
Thuốc Medrol được bào chế dưới dạng viên nén với hàm lượng 4mg hoặc 16mg methylprednisolone. Liều lượng sử dụng sẽ phụ thuộc vào tuổi và tình trạng bệnh của người bệnh. Liều khởi đầu khi dùng thuốc Medrol có thể thay đổi từ 4-48mg/ngày phụ thuộc vào bệnh đặc hiệu cần điều trị như:
- Phù não: 200-1000mg/ngày
- Đa xơ cứng: 200mg/ngày
- Ghép cơ quan: 7mg/kg/ngày
Một số lưu ý khi sử dụng Medrol bao gồm:
- Thông báo tiền sử dị ứng với Medrol hay bất kỳ dị ứng nào khác. Medrol có thể chứa các thành phần của thuốc không hoạt động và có thể gây ra phản ứng dị ứng hoặc các vấn đề nghiêm trọng khác.
- Thông báo các loại thuốc bạn đang sử dụng bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa, thảo dược và thực phẩm chức năng, các loại thực phẩm, thuốc nhuộm hay chất bảo quản.
- Chống chỉ định sử dụng thuốc Medrol với người bệnh có tiền sử mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
- Không khuyến cáo sử dụng thuốc Medrol cho trẻ em, bởi vì Medrol liều cao có thể ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ nhỏ. Nếu có sử dụng cũng phải tuyệt đối tuân thủ chỉ định của bác sĩ.
- Nếu người bệnh điều trị bằng thuốc Medrol dài ngày mà muốn dừng lại thì phải giảm liều từ từ và không được dừng thuốc đột ngột.
- Bệnh nhân có thể điều trị xen kẽ, tức là sử dụng liều corticoid gấp đôi thường dùng hàng ngày vào buổi sáng cách ngày. Mục đích của cách điều trị này là giúp cho bệnh nhân sử dụng liều dược lý dài ngày mà hạn chế được tối thiểu tác dụng không mong muốn.
- Đối với phụ nữ đang mang thai hoặc có dự định mang thai và cho con bú trước khi sử dụng thuốc thì cần tham khảo ý kiến của bác sĩ. Bởi vì hiện nay chưa có đầy đủ nghiên cứu trên người về những tác dụng không mong muốn của thuốc Medrol đối với phụ nữ mang thai. Đối với trẻ sơ sinh có mẹ đang sử dụng corticosteroid với liều đáng kể trong khi mang thai cần được đánh giá và theo dõi về dấu hiệu suy thượng thận. Corticosteroid có thể bài tiết qua sữa mẹ, do vậy bạn chỉ nên sử dụng thuốc trước khi cân nhắc nguy cơ cho trẻ.
- Thận trọng sử dụng thuốc Medrol ở những bệnh nhân nhiễm nấm, nhiễm virus herpes tại mắt, viêm loét đại tràng, dạ dày hoặc viêm ruột thừa, rối loạn tâm thần hoặc trầm cảm, bệnh gan đặc biệt là xơ gan, loãng xương, huyết áp cao, nhược cơ, đái tháo đường, đa xơ cứng.
- Ngoài ra, corticosteroid có thể làm suy giảm hệ thống miễn dịch mà mất đi một số dấu hiệu nhiễm trùng hoặc làm tình trạng nhiễm trùng nặng hơn so với trước kia. Do vậy, hãy thông báo những vấn đề nhiễm trùng mà người bệnh gặp phải trong thời gian trước đó.
- Trong thời gian điều trị bằng thuốc Medrol không được phép tiêm vắc xin sống giảm độc lực, bởi vì trong thời gian này vaccine có thể không đạt được hiệu lực bảo vệ như mong đợi.
- Thuốc Medrol có thể ảnh hưởng tới kết quả xét nghiệm, do vậy cần thông báo với bác sĩ trước khi thực hiện xét nghiệm đặc biệt là máu và nước tiểu.
- Không sử dụng thuốc Medrol chung với nước ép bưởi nhưng nên uống thuốc với sữa hoặc thức ăn khác để làm giảm bớt tác dụng phụ trên dạ dày.
- Thực hiện chế độ ăn ít muối, giàu chất đạm và kali