Quy trình nội soi thực quản-dạ dày-tá tràng có sinh thiết
Nội soi thực quản- dạ dày- tá tràng có sinh thiết là đưa ống soi dạ dày qua đường miệng vào thực quản rồi xuống dạ dày và tá tràng nhằm mục đích chẩn đoán và điều trị những bệnh lý của thực quản, dạ dày và tá tràng. Trong quá trình này có lấy các mảnh thực quản, dạ dày hoặc tá tràng bằng kìm sinh thiết để làm xét nghiệm mô bệnh học. Nội soi thực quản-dạ dày-tá tràng có sinh thiết giúp quá trình chẩn đoán và điều trị bệnh được chính xác và kịp thời, hỗ trợ trong việc phát hiện ra các bệnh lý về thực quản, dạ dày, tá tràng một cách sớm nhất.
Nội soi thực quản
1. Chỉ định
Nội dung bài viết
– Đau thượng vị, nôn không rõ nguyên nhân, hội chứng trào ngược
– Thiếu máu, gầy sút cân
– Đau ngực sau khi đã kiểm tra tim mạch bình thường
– Nuốt nghẹn
– Hội chứng kém hấp thu
– Tiền sử dùng thuốc chống viêm, giảm đau
– Cắt 2/3 dạ dày sau 10 năm
– Bệnh Crohn
2. Chống chỉ định
2.1. Chống chỉ định tuyệt đối
– Các bệnh lý có rối loạn đông cầm máu như: Hemophilia, Lơ xê mi, Xuất huyết giảm tiểu cầu…
– Các bệnh lý ở thực quản có nguy cơ làm thủng thực quản như bỏng thực quản do hóa chất và thuốc gây hẹp thực quản.
– Phình động mạch chủ ngực
– Suy tim, nhồi máu cơ tim, cơn tăng huyết áp
– Suy hô hấp, khó thở do bất cứ nguyên nhân gì, ho nhiều
2.2. Chống chỉ định tương đối
– Người bệnh tâm thần không phối hợp được.
– Tụt huyết áp.
3. Chuẩn bị
3.1. Người thực hiện:
01 bác sĩ chuyên khoa nội soi tiêu hóa, 02 điều dưỡng hoặc kỹ thuật viên.
3.2. Phương tiện
– Máy nội soi thực quản – dạ dày – tá tràng ống mềm, loại cửa sổ thẳng và các dụng cụ đi kèm máy nội soi
– Nguồn sáng
– Máy hút
– Ống ngậm miệng
– Kìm sinh thiết
– Ống nhựa, dung dịch cố định mẩu sinh thiết (phóc môn )
– Nước cất để bơm rửa khi cần thiết trong quá trình nội soi
– Chất bôi trơn đầu máy soi: K- Y
– Thuốc gây tê vùng họng: Xylocain 2% hoặc Lidocain 10 %.
– Găng, gạc, bơm tiêm 20 ml.
3.3. Người bệnh
– Nhịn ăn tối thiểu 6 giờ trước nội soi. Người bệnh phải được giải thích kỹ về lợi ích và tai biến của thủ thuật và đồng ý soi.
– Nếu người bệnh nội trú phải có bệnh án
Xem thêm >>> Quy trình nội soi đại trực tràng ống mềm của Bộ Y tế
4. Các bước tiến hành
4.1. Kiểm tra hồ sơ bệnh án:
Nếu người soi là người bệnh nội trú
4.2. Kiểm tra người bệnh:
Đúng họ tên, tuổi, giới, địa chỉ. Người bệnh nằm nghiêng trái, chân phải co, chân trái duỗi.
4.3. Thực hiện kỹ thuật
4.3.1. Chuẩn bị và kiểm tra máy soi
4.3.2. Gây tê vùng hầu họng:
Bằng Xylocain 2% hoặc Lidocain 10%
4.3.3. Đặt ống ngậm miệng:
vào giữa 2 cung răng và bảo người bệnh ngậm chặt
4.3.4. Đưa máy soi qua miệng, họng vào thực quản, dạ dày, tá tràng:
Bơm hơi và quan sát.
4.3.5. Khi phát hiện vùng tổn thương nghi ngờ:
Điều dưỡng đưa kìm sinh thiết qua kênh của máy và bác sĩ nội soi dùng kìm sinh thiết bấm từ 4 đến 6 mảnh gửi cho và ống đựng phóc môn để gửi xét nghiệm mô bệnh học
4.3.6. Rút máy và tẩy uế khử khuẩn máy soi theo đúng quy định sau:
– Rửa máy: Dùng 500 ml dung dịch xà phòng trung tính 0,5 %, van bơm tăng cường để rửa sạch phần ngoài của máy và các đường bên trong máy.
– Thử hơi: Dùng dụng cụ thử hơi kèm máy soi để xem vỏ cao su của máy có bị rách không, nếu rách không được ngâm máy vào dung dịch tẩy uế mà phải gửi máy đi sửa ngay.
– Tẩy uế: chỉ tiến hành khi máy soi không bị rách
+ Dùng 5 lít xà phòng trung tính 0,5%, bàn chải, van 3 chiều để tẩy uế
+ Ngâm toàn bộ máy vào dung dịch tẩy uế, dùng bàn chải, van 3 chiều để rửa sạch phần ngoài và các đường bên trong của máy
4.3.7. Sát khuẩn
– Dùng 5 lít dung dịch sát khuẩn Glutaraldehyde 2%, van 3 chiều để sát khuẩn máy.
– Ngâm toàn bộ máy vào dung dịch sát khuẩn để rửa sạch các đường bên trong của máy.
4.3.8. Sấy khô máy: dùng van bơm tăng cường, bộ phận bơm khí của nguồn sáng, máy hút để làm khô các đường bên trong của máy trước khi cất máy.
4.3.9. Rửa, tẩy uế và khử khuẩn kìm sinh thiết với các dung dịch như với máy nội soi
5. Theo dõi
Tình trạng chung của người bệnh, mạch, huyết áp nếu người bệnh có chảy máu
6. Tai biến và xử trí
– Nếu có chảy máu tại nơi vừa sinh thiết: tiêm cầm máu tại chỗ bằng Adrenalin 1/ 10000. Nếu tiếp tục chảy máu có thể dùng kẹp Clip để cầm máu.
– Các tai biến khác và xử trí giống nội soi dạ dày không sinh thiết.
Tóm lại, nội soi thực quản – dạ dày – tá tràng là một kỹ thuật y tế sử dụng thiết bị nội soi để kiểm tra và chẩn đoán các vấn đề trong đường tiêu hóa. Kỹ thuật này còn cho phép lấy mẫu sinh thiết từ các vùng bị nghi ngờ để phân tích và giúp chẩn đoán bệnh chính xác hơn. Nội soi thực quản – dạ dày – tá tràng có sinh thiết là một phương pháp không thể thiếu trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý tiêu hóa, Phương pháp này giúp đảm bảo chẩn đoán chính xác, điều trị kịp thời và giảm nguy cơ bệnh tật phát triển nặng hơn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Soi dạ dày- tá tràng. Hướng dẫn quy trình kỹ thuật bệnh viện Tập I. Nhà xuất bản y học 1999, 506 – 507.
- Phạm Thị Bình. Soi dạ dày- tá tràng. Ứng dụng nội soi trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý tiêu hóa. Bệnh viện Bạch mai. 2001, 14 – 30.
- Mark Topazian. Upper endoscopy. Harrison,s Gastroenterology and Hepatology. 2010: 94.