Quy trình lấy máu thai nhi qua tĩnh mạch rốn
Quy trình lấy máu thai nhi qua tĩnh mạch rốn áp dụng cho khoa Sản, khoa Gây mê giảm đau, khoa Xét nghiệm, khoa Chẩn đoán hình ảnh tại các bệnh viện, Viện nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ Gen.
Người thẩm định: Nguyễn Đức Hinh Người phê duyệt: Phùng Nam Lâm Ngày phát hành lần đầu: 24/06/2020
1. Quy định chung
Nội dung bài viết
- Lấy máu thai nhi qua tĩnh mạch rốn là thủ thuật lấy mẫu máu thai nhi qua 1 kim qua đường bụng chọc vào tĩnh mạch rốn của thai nhi dưới hướng dẫn của siêu âm để xét nghiệm di truyền hoặc đánh giá tình trạng bệnh lý của thai.
1.1. Chỉ định:
- Nhằm mục đích xét nghiệm di truyền khi kết quả chọc ối hoặc sinh thiết gai rau không khẳng định được.
- Xét nghiệm huyết học, hóa sinh, vi sinh đánh giá tình trạng bệnh lý của thai.
1.2. Chống chỉ định:
- Thai bất thường đã có chỉ định chấm dứt thai kỳ.
- Thai phụ nhiễm HIV, viêm gan B tiến triển, viêm gan C.
- Thai phụ đang có tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc cấp.
- Sẹo mổ cũ có dính ruột, bàng quang vào cơ tử cung.
- Thai trước 18 tuần
1.3. Tai biến của kỹ thuật lấy máu thai nhi qua tĩnh mạch rốn
- Sảy thai, dọa sảy thai
- Dọa sinh non
- Thai chết
- Rỉ ối
- Nhiễm trùng
- Máu tụ dây rốn
- Chảy máu tại vị trí chọc dây rốn
1.4. Dự phòng và xử trí tai biến
- Các trường hợp rỉ ối, sảy thai, thai chết phải được điều trị theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh lý Sản phụ khoa năm 2015 của Bộ Y tế.
1.5. Điều kiện để áp dụng lấy máu thai nhi qua tĩnh mạch rốn:
- Bác sĩ ra chỉ định lấy máu thai nhi qua tĩnh mạch rốn phải ghi rõ chỉ định, ký xác nhận vào hồ sơ bệnh án, đồng thời chỉ định các xét nghiệm thích hợp phục vụ mục đích chẩn đoán.
- Thai phụ và chồng phải được giải thích rõ về mục đích thực hiện thủ thuật, cách thực hiện, lợi ích và nguy cơ có thể xảy ra với mẹ và thai nhi và ký xác nhận vào tờ cam kết thực hiện thủ thuật.
- Thực hiện thủ thuật lấy máu thai nhi qua tĩnh mạch rốn tại phòng mổ hoặc phòng thủ thuật vô khuẩn.Tiến hành tại nhà mổ nếu thai trên 28 tuần.
- Sau khi thực hiện thủ thuật, cần theo dõi thai phụ nhằm phát hiện các biến chứng cho mẹ và thai nhi.
2. Quy trình cụ thể
2.1. Đối với bác sĩ, điều dưỡng khoa Phụ Sản
- Chuẩn bị thủ thuật:
- Hoàn thiện hồ sơ thủ tục hành chính trước khi chuyển phòng mổ: Bệnh án, giấy cam kết thủ thuật, biên bản hội chẩn (nếu là trường hợp đặc biệt đã nêu ở trên), tờ chuẩn bị người bệnh trước mổ, chỉ định y lệnh thuốc kháng sinh dự phòng nhiễm trùng, thuốc giảm co, nội tiết (nếu cần).
- Dùng corticoid trước khi thủ thuật ít nhất 24h
- Kháng sinh 30-60 phút trước thủ thuật
- Đặt lịch trên E-Hos hoặc báo hotline phòng mổ theo đúng quy định đặt lịch mổ.
- Điều dưỡng chuẩn bị người bệnh theo đúng quy định trước chuyển mổ: Thay quần áo người bệnh, vệ sinh cá nhân, đi tiểu ngay trước khi chuyển phòng mổ, đeo vòng tay, lưu ý người bệnh không cần nhịn ăn, nhịn uống trước thủ thuật, thực hiện y lệnh trước phẫu thuật.
- Điều dưỡng báo bác sĩ chẩn đoán hình ảnh đưa máy siêu âm vào phòng mổ trước khi chuyển thai phụ.
- Chuyển phòng mổ hoặc phòng thủ thuật theo đúng giờ đặt hẹn.
- Kỹ thuật lấy máu thai nhi qua tĩnh mạch rốn:
- Người bệnh nằm ngửa, sát trùng bụng, trải toan.
- Siêu âm xác định vị trí chọc kim
- Đâm kim dưới hướng dẫn của siêu âm vào buồng ối, vào cuống rốn, rút xylanh tạo áp lực âm để hút máu (số lượng dịch tùy thuộc mục đích chẩn đoán).
- Máu cuống rốn sẽ được phòng xét nghiệm xử lý, phân tích bằng nhiều loại phương pháp khác nhau như QF-PCR, nuôi cấy nhiễm sắc đồ, microarray, Real Time-PCR, các xét nghiệm hóa sinh…
- Nếu nghi ngờ lẫn máu mẹ: Xét nghiệm công thức máu hoặc beta hCG.
- Thực hiện thủ thuật:
- Bác sĩ thực hiện thủ thuật chuẩn bị các dụng cụ, thiết bị để thực hiện thủ thuật phù hợp với từng người bệnh cụ thể.
- Đảm bảo tất cả các nguyên tắc vô khuẩn, quy trình trước, trong và sau thủ thuật của phòng mổ.
- Thực hiện thủ thuật an toàn dưới hướng dẫn của siêu âm.
- Theo dõi chặt chẽ tình trạng thai phụ trong quá trình thực hiện thủ thuật, nếu có vấn đề khó khăn cần trao đổi ngay với thai phụ để có hướng xử trí thích hợp.
- Ghi chép đầy đủ thông tin, quá trình làm thủ thuật trong hồ sơ bệnh án.
- Theo dõi sau thủ thuật:
- Theo dõi sát diễn biến thai phụ sau thủ thuật, lưu viện 02 giờ để phát hiện và xử lý các biến chứng sớm của thủ thuật.
- Nếu nghi ngờ chảy máu dây rốn hoặc tụ máu cuống rốn, phải theo dõi monitoring 1-2h sau thủ thuật. Nếu tim thai chậm thì xử trí.
- Đặt lịch khám lại tùy tình trạng sản phụ, thai nhi trước khi ra viện và theo dõi sát quá trình mang thai của thai phụ để phát hiện, xử lý các biến chứng muộn của thủ thuật, cũng như quản lý thai nghén tốt cho thai phụ.
- Thông báo và giải thích kết quả xét nghiệm dịch ối và đề xuất hướng xử trí cho thai phụ.
2.2. Đối với bác sĩ chẩn đoán hình ảnh
- Phối hợp với bác sĩ sản thực hiện thủ thuật an toàn cho thai phụ.
- Phối hợp với bác sĩ sản theo dõi sát các biến chứng của thai nhi và mẹ sau thủ thuật.
2.3. Đối với bác sĩ, điều dưỡng phòng mổ
- Phối hợp với bác sĩ sản chuẩn bị thiết bị, vật tư cho thủ thuật.
- Phối hợp với bác sĩ, điều dưỡng khoa Sản đảm bảo thủ thuật thực hiện an toàn, đúng các quy định của phòng mổ.
- Phối hợp với bác sĩ, điều dưỡng khoa Sản theo dõi và xử trí các tai biến cho thai phụ trong và sau thủ thuật.
2.4. Đối với bác sĩ, kỹ thuật viên trung tâm công nghệ gen
- Tiếp nhận và xử lý bệnh phẩm
- Nhận và xử lý mẫu bệnh phẩm ngay sau khi mẫu được chuyển xuống trung tâm công nghệ gen. Lưu ý mẫu nuôi cấy cần giữ điều kiện mát, vô khuẩn và gửi sớm hoặc thông báo ngay cho trung tâm gen để nhận mẫu.
- Phản hồi sớm với bác sỹ thực hiện thủ thuật để giải thích kịp thời với người bệnh trong trường hợp mẫu bệnh phẩm ít, không đảm bảo kết quả hoặc các vấn đề khác và dự tính thời gian trả kết quả.
- Trả kết quả về khoa Sản theo đúng quy trình về trả kết quả xét nghiệm. Thông báo kết quả trực tiếp cho bác sĩ khoa Sản trong trường hợp kết quả có bất thường di truyền.
2.5. Đối với bác sĩ, kỹ thuật viên khoa xét nghiệm
- Tiếp nhận và xử lý xét nghiệm bệnh phẩm theo chỉ định của bác sỹ sản khoa theo đúng các quy trình về xét nghiệm.
- Thông báo bác sỹ thực hiện thủ thuật để giải thích kịp thời với người bệnh trong trường hợp mẫu bệnh phẩm ít, không đảm bảo kết quả hoặc các vấn đề khác và dự tính thời gian trả kết quả.
- Trả kết quả về khoa sản theo đúng quy trình.
Tài liệu tham khảo
- Bộ Y tế. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh sản phụ khoa, 2015.
- Bệnh viện Từ Dũ. Phác đồ điều trị sản phụ khoa 2015.
- Diana W.B, Timothy M.C, Mary E.D, Fergal D.M. Fetology, diagnosis and management of the fetal position, second edition, 2010.
Từ viết tắt:
- HIV: Human immunodeficiency virus.
Bản quyền và thương hiệu: Thông tin và hình ảnh trên website thuộc quyền sở hữu của Vinmec. Việc sao chép, sử dụng phải được Vinmec chấp thuận trước bằng văn bản. Miễn trừ trách nhiệm: Tất cả những tư liệu được cung cấp trên website này đều mang tính tham khảo. Do đó, nội dung và hình ảnh sẽ được thay đổi, cập nhật và cải tiến thường xuyên mà không phải thông báo trước. Vinmec không bảo đảm về độ chính xác cũng như sự hoàn thiện về thông tin. Chúng tôi không chịu trách nhiệm pháp lý cho những thiệt hại xuất hiện trực tiếp hay gián tiếp từ việc sử dụng hoặc hành động dựa theo những thông tin trên hoặc một số thông tin xuất hiện trên website này. Vinmec không chịu trách nhiệm pháp lý về những sai sót, lỗi chính tả… do nhập liệu cùng với những sự cố khách quan khác như: Nhiễm virus, hành vi phá hoại, ác ý… xảy ra trên website này cũng như các website liên kết, nếu có. Đường link liên kết Vinmec sẽ không chịu trách nhiệm hay có nghĩa vụ pháp lý dưới bất kỳ hình thức nào về nội dung của những website không thuộc Vinmec được liên kết với website www.vinmecdr.com, bao gồm các sản phẩm, dịch vụ và những mặt hàng khác được giới thiệu thông qua những website đó.