Quy trình kỹ thuật điều trị phục hồi chức năng người bệnh liệt nửa người do tai biến mạch máu não
Quy trình kỹ thuật điều trị phục hồi chức năng người bệnh liệt nửa người do tai biến mạch máu não theo chương trình áp dụng cho Bác sĩ, Điều dưỡng khoa Phục hồi chức năng.
Tác giả : Dương Thế Vinh, Nguyễn Thị Thanh Bình Người thẩm định : Nguyễn Tường Vân Người phê duyệt : Phùng Nam Lâm Ngày phát hành : 09/06/2020
1. Mục đích
Nội dung bài viết
Cung cấp cho bác sĩ, kỹ thuật viên chuyên ngành Phục hồi chức năng những kiến thức và kỹ năng cơ bản để chẩn đoán, điều trị và phục hồi chức năng cho người bệnh liệt nửa người di chứng tai biến mạch máu não.
2. Định nghĩa
- Liệt nửa người là liệt một tay và một chân cùng bên. Tai biến mạch máu não (Đột quỵ) là tình trạng rối loạn khu trú chức năng não tiến triển nhanh trên lâm sàng thường do mạch máu nuôi dưỡng một vùng não bị tắc hoặc vỡ làm vùng não đó bị tổn thương, hậu quả là phần cơ thể do vùng não đó chi phối bị rối loạn hoạt động.
- Tai biến mạch máu não là loại bệnh lý thường gặp, thường xảy ra ở người trên 45 tuổi trong đó 2/3 xảy ra ở người tuổi trên 65, nam thường nhiều hơn nữ. Tai biến mạch máu não có thể gây tử vong nhanh, có tỷ lệ tử vong cao đứng hàng đầu trong các bệnh thần kinh và là nguyên nhân gây tử vong thứ hai sau các bệnh tim mạch. Tai biến mạch máu não cũng để lại nhiều di chứng ở các mức độ khác nhau và dẫn đến tàn tật nhiều nhất.
3. Chỉ định phục hồi chức năng người bệnh liệt nửa người do tai biến mạch máu não
Hướng dẫn chẩn đoán điều trị phục hồi chức năng cho người bệnh liệt nửa người do tai biến mạch máu não được viết dựa trên cơ sở Quyết định số 3109/QĐ-BYT ngày 19 tháng 08 năm 2014 của Bộ y tế về việc ban hành tài liệu chuyên môn”Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị chuyên ngành Phục hồi chức năng”.
4. Hướng dẫn chẩn đoán
4.1. Các công việc của chẩn đoán:
- Hỏi bệnh: Các yếu tố nguy cơ: tuổi, giới, tiền sử gia đình, tăng huyết áp, các bệnh lý tim, rối loạn lipit máu, béo phì, đái tháo đường, nghiện thuốc lá, uống rượu, uống thuốc ngừa thai, tăng axit uric máu. Hỏi các triệu chứng rối loạn cảm giác, rối loạn vận động nửa người, rối loạn thị lực, rối loạn ngôn ngữ, rối loạn tri giác.
- Khám lâm sàng: Phát hiện rối loạn vận động, rối loạn cảm giác, tri giác, nhận thức, ngôn ngữ, giác quan (thị lực, thị trường…).
- Chỉ định xét nghiệm cận lâm sàng: Chụp CT hoặc MRI sọ não, điện tâm đồ, X Quang tim phổi, siêu âm tim, các xét nghiệm sinh hóa, huyết học, đông máu, siêu âm mạch cảnh, chụp động mạch não.
4.2. Chẩn đoán xác định:
Khởi phát đột ngột và diễn biến nhanh, có các dấu hiệu thần kinh khu trú kéo dài quá 24 giờ. Chụp CT hoặc MRI não.
4.3. Chẩn đoán phân biệt:
- Cơn thiếu máu não thoáng qua (các rối loạn chức năng kéo dài không quá 24 giờ)
- Chấn thương sọ não
- U não
- Viêm não, màng não
- Xơ cứng rải rác
4.4. Chẩn đoán nguyên nhân:
- Tai biến mạch máu não do chảy máu não: Thường xảy ra ở người cao tuổi (liên quan đến tăng huyết áp), hoặc người trẻ tuổi (liên quan đến dị dạng mạch máu não)
- Tai biến mạch máu não do thiếu máu cục bộ: có 03 loại:
- Tắc mạch do huyết khối: Huyết khối hình thành tại các mảng vữa xơ động mạch lớn dần gây lấp lòng mạch và tắc mạch.
- Tắc mạch do cục tắc di chuyển từ nơi khác đến: Hay gặp nhất là huyết khối trong tâm nhĩ ở người bệnh bị rung nhĩ. Có thể là mảng xơ vữa từ quai động mạch chủ hoặc cục sùi do viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn.
- Thiếu máu não cục bộ cũng có thể xảy ra khi mạch máu bị xơ vữa gây hẹp nhưng chưa tắc hẳn.

5. Phục hồi chức năng và điều trị
5.1. Nguyên tắc phục hồi chức năng và điều trị
- Đảm bảo thông khí
- Nằm nghiêng: Loại bỏ dị vật trong miệng; hút đờm dãi khi cần.
- Người bệnh hôn mê Glasgrow < 8 điểm, có ứ đọng đờm dãi phải đặt nội khí quản, thở máy.
- Theo dõi sát các chỉ số sinh tồn để có biện pháp xử trí kịp thời.
- Kiểm soát huyết áp: Với người bệnh xuất huyết não khi huyết áp bằng hoặc trên 200/120mmHg cần hạ huyết áp. Với người bệnh thiếu máu cục bộ chỉ nên hạ huyết áp vừa phải, nên duy trì huyết áp ở mức 150/90mmHg.
- Chăm sóc toàn diện: Đảm bảo dinh dưỡng, chống loét, điều chỉnh nước, điện giải, đường máu, chống nhiễm trùng.
- Phục hồi chức năng phải được bắt đầu càng sớm càng tốt ngay sau đột qụy, mỗi giai đoạn có các kỹ thuật khác nhau phù hợp với tình trạng cụ thể của người bệnh trong giai đoạn đó.
- Cơ thể là một khối thống nhất nên trong quá trình tập phải chú ý đến toàn bộ cơ thể với các bài tập cân xứng cả hai bên hướng theo mẫu vận động bình thường, không dùng bên lành bù trừ hoặc thay cho bên liệt.
- Bằng mọi cách có thể phải làm cho trương lực cơ trở lại mức bình thường hoặc gần bình thường trước khi tập vận động, đảm bảo các vận động được dễ dàng hơn theo các mẫu vận động bình thường mà người bệnh đã sử dụng trước khi bị liệt.
- Tập và hướng dẫn người bệnh vận động theo các cách mà trước khi bị liệt họ đã làm với các mẫu vận động bình thường, sử dụng các bài tập, các kỹ thuật vận động, các dụng cụ trợ giúp cần thiết , phù hợp, gần gũi với cuộc sống và sinh hoạt thường ngày của người bệnh tại gia đình và cộng đồng.
- Khả năng phục hồi tốt nhất của người bệnh trong khoảng thời gian từ 01 đến 06 tháng sau khi bị liệt. Trong khi tập cần phát huy tính tích cực và chủ động của người bệnh và gia đình, hướng dẫn người bệnh và gia đình để họ có thể tự thực hiện được các bài tập.
5.2. Các phương pháp và kỹ thuật phục hồi chức năng
- Giai đoạn đầu (liệt mềm):
- Các kỹ thuật vị thế: Đặt người bệnh nằm trên giường, ngồi trên giường, ngồi trên ghế, ngồi trên xe lăn theo tư thế đúng.
- Vận động trị liệu: Tập vận động thụ động các khớp bên liệt:
- Khớp vai: Gấp, duỗi, dạng, khép, xoay trong, xoay ngoài
- Khớp khuỷu: Gấp, duỗi khớp khủy, quay sấp, quay ngửa cẳng tay
- Khớp cổ tay: Gấp, duỗi, nghiêng trong, nghiêng ngoài, xoay
- Các ngón tay: Gấp, duỗi, dạng, khép, đối chiếu
- Khớp háng: Gấp, duỗi, dạng, khép, xoay trong, xoay ngoài
- Khớp gối: Gấp, duỗi
- Khớp cổ chân: Gấp, duỗi, nghiêng ngoài, nghiêng trong
- Các ngón chân: Gấp, duỗi, dạng, khép
- Vật lý trị liệu: Nhiệt trị liệu, điện trị liệu
- Ngôn ngữ trị liệu: Phục hồi chức năng nói và nuốt
- Hoạt động trị liệu
- Tâm lý liệu pháp
- Giai đoạn sau (Liệt cứng)
- Vận động trị liệu:
- Tập theo tầm vận động: Tập vận động có trợ giúp, vận động chủ động
- Tập vận động ở các tư thế: Nằm, ngồi, đứng, đi
- Tập luyện dáng đi
- Tập thăng bằng (các tư thế)
- Tập vận động với các dụng cụ trợ giúp
- Hoạt động trị liệu: Tập thực hiện các hoạt động tự chăm sóc trong sinh hoạt hàng ngày (ADL)
- Ngôn ngữ trị liệu: Tập giao tiếp, tập nói, tập nuốt
- Vật lý trị liệu: Nhiệt trị liệu, điện trị liệu
- Dụng cụ chỉnh trực, dụng cụ trợ giúp
- Tập vật lý trị liệu: Thích nghi với thực trạng của người bệnh
- Vận động trị liệu:
- Giai đoạn hòa nhập (Sau bệnh viện):
- Tư vấn cho người bệnh và gia đình: Phòng ngừa di chứng và tai biến tái phát.
- Cải tạo nhà ở và môi trường xung quanh cho phù hợp với người bệnh.
- Các dụng cụ trợ giúp cần thiết trong sinh hoạt hàng ngày: Vệ sinh cá nhân, tham gia các hoạt động của gia đình và cộng đồng, tiếp cận các dịch vụ công cộng, các hoạt động hòa nhập cộng đồng.
- Hỗ trợ người bệnh và gia đình về tâm lý sau tai biến: Chấp nhận và thích nghi với những chức năng không phục hồi, chấp nhận tình trạng khuyết tật.
- Việc làm và thu nhập: Khả năng tiếp tục với nghề cũ, học nghề mới, các hoạt động tạo thu nhập.
5.3. Các điều trị khác
- Thuốc:
- Chống phù não (nếu có)
- Kiểm soát huyết áp
- Thuốc chống đông và ức chế tiểu cầu (với người bệnh thiếu máu não cục bộ)
- Thuốc tiêu huyết khối: Chỉ dùng khi người bệnh đến sớm trước 03 giờ kể từ khi khởi phát với chẩn đoán chắc chắn là TBMMN do thiếu máu não cục bộ và không có xuất huyết não.
- Thuốc bảo vệ thần kinh
- Thuốc điều trị co cứng cơ
- Thuốc điều trị trầm cảm (nếu có)
- Các điều trị khác:
- Ô xy cao áp, Lokomat, thủy trị liệu
- Phòng ngừa tai biến mạch máu não:
- Thay đổi lối sống: loại bỏ các yếu tố nguy cơ như thuốc lá, rượu, béo phì
- Tăng cường vận động thể lực, thể dục, thể thao
- Sống vui, sống khỏe, tránh căng thẳng
- Phát hiện và điều trị sớm các bệnh tim mạch, huyết áp, đái tháo đường…
6. Theo dõi và tái khám
Tiếp tục tập luyện Phục hồi chức năng tại nhà trong chương trình Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng. Khám lại 06 tháng một lần tại các cơ sở y tế hoặc phục hồi chức năng gần nhất.
Tài liệu tham khảo
- Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị chuyên ngành Phục hồi chức năng (2014) Nhà xuất bản Y học- Bộ y tế.
- Hướng dẫn Quy trình kỹ thuật chuyên ngành Phục hồi chức năng (2014) Nhà xuất bản Y học- Bộ y tế.
- Nguyến Xuân Nghiên, Cao Minh Châu, Trần Văn Chương, Vũ Thị Bích Hạnh và CS (2010), “Vật lý trị liệu Phục hồi chức năng” Sách chuyên khảo dùng cho cán bộ ngành Phục hồi chức năng, Nhà xuất bản Y học.
- Trần Văn Chương (2010), “ Phục hồi chức năng người bệnh liệt nửa người do tai biến mạch máu não”, Nhà xuất bản Y học.
- Berta Bobath (1990), “Adult Hemiplegia- Evaluation and Treatment”, Butterworth Heinemann.
- Daley et al (1999), “Stroke rehabilitation assessment of movement (STREAM)”, Physical therapy, (79), pp. 20-23.
- Fujitani J, Ishikawa T, Akai M, et al (1999), “Influence of daily activity on changes in physical fitness for people with post-stroke hemiplegia”, Am J Phys Med Rehabil, (78), pp. 540-544.
- Glen Gillen, Ann Burkhardt (1998), “Stroke Rehabilitation. A Function – Based Approach”, Mosby- Year Book.
- Quy trình kỹ thuật chuyên ngành Phục hồi chức năng Ban hành kèm theo Quyết đinh số 54/QĐ-BYT ngày 06/01/2014 của Bộ Y tế.
Từ viết tắt:
- KTV: Kỹ thuật viên
- CT: Chụp cắt lớp vi tính
- MRI: Chụp cộng hưởng từ
- TBMMN: Tai biến mạch máu não
Ghi chú:
- Văn bản được sửa đổi lần thứ 01, thay thế văn bản “Quy trình kỹ thuật điều trị, phục hồi chức năng người bệnh liệt nửa người do tai biến mạch máu não” – phát hành ngày 07/06/2017.
Bản quyền và thương hiệu: Thông tin và hình ảnh trên website thuộc quyền sở hữu của Vinmecdr. Việc sao chép, sử dụng phải được Vinmecdr chấp thuận trước bằng văn bản. Miễn trừ trách nhiệm: Tất cả những tư liệu được cung cấp trên website này đều mang tính tham khảo. Do đó, nội dung và hình ảnh sẽ được thay đổi, cập nhật và cải tiến thường xuyên mà không phải thông báo trước. Vinmecdr không bảo đảm về độ chính xác cũng như sự hoàn thiện về thông tin. Chúng tôi không chịu trách nhiệm pháp lý cho những thiệt hại xuất hiện trực tiếp hay gián tiếp từ việc sử dụng hoặc hành động dựa theo những thông tin trên hoặc một số thông tin xuất hiện trên website này. Vinmecdr không chịu trách nhiệm pháp lý về những sai sót, lỗi chính tả… do nhập liệu cùng với những sự cố khách quan khác như: nhiễm virus, hành vi phá hoại, ác ý… xảy ra trên website này cũng như các website liên kết, nếu có. Đường link liên kết Vinmecdr sẽ không chịu trách nhiệm hay có nghĩa vụ pháp lý dưới bất kỳ hình thức nào về nội dung của những website không thuộc Vinmecdr được liên kết với website www.vinmecdr.com, bao gồm các sản phẩm, dịch vụ và những mặt hàng khác được giới thiệu thông qua những website đó.