MỚI

Phẫu thuật kết hợp xương trong gãy hở xương cẳng chân

Ngày xuất bản: 01/05/2023

Gãy hở xương cẳng chân là loại gãy xương dài thường gặp nhất, chiếm 18% các loại gãy xương. Phẫu thuật kết hợp xương trong gãy hai xương cẳng chân là phẫu thuật nắn chỉnh diện gãy xương chày và cố định xương gãy bằng phương tiện kết hợp xương. Trong một số trường hợp có thể kèm theo kết hợp xương diện gãy xương mác.

Phẫu thuật kết hợp xương trong gãy hở xương cẳng chân

1. Phẫu thuật gãy hở xương cẳng chân – Độ I

Gãy hở xương cẳng chân độ I theo Gustilo tức là gãy xương có vết thương sạch, cơ dập ít, rách da <1cm, đường gãy xương đơn giản, gãy ngang hoặc chéo ngắn, chủ yếu là do gãy hở từ trong ra.

1.1. Chỉ định:

  • Di lệch ngang quá 1/3 chiều ngang thân xương.
  • Gãy chéo xoắn, gãy nhiều tầng, nhiều mảnh.
  • Mọi di lệch xoay.
  • Trục xương gập góc trên 10º, nhất là gập góc sang bên.

1.2. Chống chỉ định:

  • Vết thương phần mềm viêm nhiễm.
  • Còn rối loạn dinh dưỡng nặng: sưng nề nhiều, nhiều nốt phỏng.
  • Có bệnh toàn thân nặng như tim mạch, đái tháo đường… cần được điều trị ổn định trước khi tiến hành phẫu thuật.

1.3. Chuẩn bị:

1.3.1. Người thực hiện:

Phẫu thuật viên là bác sĩ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình đã được đào tạo.

1.3.2. Người bệnh và gia đình:

  • Được giải thích đầy đủ về cuộc phẫu thuật và các tai biến có thể gặp.
  • Tắm rửa, vệ sinh, cắt móng tay, móng chân, thay băng, vệ sinh vết thương. Nhịn ăn uống 6 giờ trước phẫu thuật.

1.3.3. Phương tiện:

  • Bộ dụng cụ kết hợp xương cẳng chân.
  • Ga rô, đinh nội tủy, khoan xương, nẹp, vít các cỡ.

1.3.4. Hồ sơ bệnh án:

Ghi đầy đủ, chi tiết các lần thăm khám, hội chẩn, giải thích cho người bệnh và gia đình.

1.4. Các bước tiến hành:

1.4.1. Tư thế:

Người bệnh nằm ngửa, garo gốc chi.

1.4.2. Vô cảm:

Gây mê nội khí quản hoặc gây tê tủy sống.

1.4.3. Kỹ thuật tiến hành:

  • Cắt lọc, làm sạch vết thương.
  • Đường rạch: Rạch da dọc phía ngoài mào chày chừng 1cm, dài 10 – 12cm tùy theo vị trí gãy và phương tiện kết hợp xương.
  • Tránh bóc tách phần mềm và màng xương nhiều.
  • Làm sạch diện gãy.
  • Đặt lại ổ gãy.
  • Phương pháp cố định: Đinh nội tủy hoặc nẹp vít.
  • Bơm rửa vùng mổ.
  • Bỏ ga rô, cầm máu. Đặt 1 dẫn lưu (nếu cần)
  • Đóng vết mổ theo các lớp giải phẫu.

Xem thêm: Phân loại gãy đầu dưới của xương đùi

1.5. Theo dõi và xử trí tai biến:

1.5.1. Theo dõi:

  • Mạch, nhiệt độ, nhịp thở.
  • Tình trạng vết mổ: Chảy máu, sưng nề, nhiễm trùng…
  • Dùng kháng sinh 5 – 7 ngày, thuốc giảm đau sau mổ.
  • Rút dẫn lưu sau 48 giờ.
  • Nếu kết hợp xương vững: cho cử động sớm các khớp lân cận. Tập đi có nạng sau 6 tuần, sức đè nặng lên chân đau tăng dần. Bỏ nạng sau 4 tháng, đi có gậy chống. Bỏ gậy sau phẫu thuật 6 tháng.

1.5.2. Xử trí :

  • Tụ máu: Tách chỉ vết mổ, lấy máu tụ
  • Nhiễm khuẩn: Tách chỉ, làm sạch, nạo viêm, lấy bỏ dụng cụ kết hợp xương (tùy mức độ nhiễm trùng).

2. Phẫu thuật gãy hở xương cẳng chân: độ II

Gãy hở độ II theo Gustilo tức là gãy xương có tổn thương phần mềm rộng, tróc da có thể còn cuống hoặc tróc hẳn vạt da, cơ dập nhẹ đến vừa, có thể xuất hiện tình trạng chèn ép khoang, rách da: 1cm < rách da < 10cm, xương gãy ngang đơn giản hoặc chéo ngắn kèm mảnh rời nhỏ.

2.1. Chỉ định:

  • Chỉ định phẫu thuật với tất cả các trường hợp gãy hở độ II hai xương cẳng chân.
  • Chỉ định kết hợp xương bên trong khi: người bệnh đến sớm trước 6 giờ, vết thương gọn sạch, phẫu thuật viên kinh nghiệm, trang thiết bị đảm bảo.
  • Nếu không đảm bảo những điều kiện trên: Cắt lọc, làm sạch, bất động bằng bột; kéo liên tục qua xương gót hoặc khung cố định ngoài.

2.2. Chống chỉ định:

Không có chống chỉ định tuyệt đối. Trong bệnh cảnh đa chấn thương nặng, cần lựa chọn biện pháp hợp lý.

2.3. Chuẩn bị:

2.3.1. Người thực hiện:

Phẫu thuật viên là bác sĩ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình đã được đào tạo.

2.3.2. Người bệnh và gia đình:

  • Được giải thích đầy đủ về cuộc phẫu thuật và các tai biến có thể gặp.
  • Vệ sinh, cắt móng tay, móng chân, thay băng, vệ sinh vết thương. Nhịn ăn uống 6 giờ trước phẫu thuật.

2.3.3. Phương tiện:

  • Bộ dụng cụ kết hợp xương cẳng chân.
  • Ga rô, đinh nội tủy, khoan xương, nẹp, vít các cỡ, kim Kirschner, khung cố định ngoài, bột.

2.3.4. Hồ sơ bệnh án:

Ghi đầy đủ, chi tiết các lần thăm khám, hội chẩn, giải thích cho người bệnh và gia đình.

2.4. Các bước tiến hành:

2.4.1. Tư thế:

Người bệnh nằm ngửa, garo gốc chi.

2.4.2. Vô cảm:

Gây mê nội khí quản hoặc gây tê tủy sống.

2.4.3. Kỹ thuật:.

  • Đường rạch: Tùy vào vị trí vết thương.
  • Cắt lọc tổ chức dập nát.
  • Tránh bóc tách phần mềm và màng xương nhiều.
  • Làm sạch diện gãy.
  • Đặt lại ổ gãy.
  • Các phương pháp cố định: kết hợp xương bên trong bằng đinh nội tủy hoặc nẹp vít (theo chỉ định), khung cố định ngoài, xuyên kim qua xương gót kéo liên tục.
  • Bơm rửa vùng mổ.
  • Bỏ ga rô, cầm máu.
  • Đặt 1 dẫn lưu.
  • Đóng vết mổ theo các lớp giải phẫu.
  • Băng vết mổ.
  • Bột đùi cẳng bàn chân rạch dọc (trong trường hợp bất động bằng bột).

2.5. Theo dõi và xử trí tai biến:

2.5.1. Theo dõi:

  • Mạch, nhiệt độ, nhịp thở.
  • Tình trạng vết mổ: chảy máu, sưng nề, nhiễm trùng…
  • Dùng kháng sinh 5 – 7 ngày, thuốc giảm đau sau mổ.
  • Rút dẫn lưu sau 48 giờ.
  • Kết hợp xương thì 2 khi phần mềm ổn định nếu thì 1 bất động bằng bột, xuyên kim qua xương gót kéo liên tục hoặc khung cố định ngoài.
  • Nếu kết hợp xương vững: cho cử động sớm các khớp lân cận. Tập đi có nạng sau 6 tuần, sức đè nặng lên chân đau tăng dần. Bỏ nạng sau 4 tháng, đi có gậy chống. Bỏ gậy sau phẫu thuật 6 tháng.

2.5.2 Xử trí :

  • Tụ máu: Tách chỉ vết mổ, lấy máu tụ.
  • Nhiễm khuẩn: Tách chỉ, làm sạch, nạo viêm, lấy bỏ dụng cụ kết hợp xương (tùy mức độ nhiễm trùng).

Nguồn: Quy trình phẫu thuật chấn thương của bộ y tế.
Xem thêm: Hãm sụn phát triển đầu trên xương mác 

facebook
25

Bài viết liên quan

Thuốc liên quan

Bình luận0

Đăng ký
Thông báo về
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận

Bài viết cùng chuyên gia