MỚI

Oxacillin và cefazoline trong điều trị viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn

Ngày xuất bản: 02/05/2023

Oxacillin và cefazoline là kháng sinh thường được sử dụng trong quá trình điều trị viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn. Bài viết dưới đây đề cập đến 2 loại kháng sinh quan trọng

 

Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn trên siêu âm

1. Oxacillin

1.1 Lịch sử

Đây là kháng sinh thuộc nhóm isoxazolyl penicillin có đặc điểm đề kháng với beta-lactamase của tụ cầu. Thuốc được đăng ký bằng sáng chế từ năm 1960 và được sử dụng tập trung để điều trị tụ cầu từ năm 1962. Methicillin cũng là penicillin bán tổng hợp nhưng không còn dùng trên lâm sàng do độc tính mà chỉ dùng trong lĩnh vực xét nghiệm mức độ nhạy cảm của tụ cầu.

1.2. Dược lực học và dược động học

Phổ kháng khuẩn của thuốc là tụ cầu vàng nhạy cảm với methicillin (MSSA), S. epidermidis, S. lugdunensis và các tụ cầu không sinh coagulase còn nhạy cảm. Ngoài ra thuốc cũng có tác dụng với phế cầu và liên cầu. Cơ chế tác dụng cũng là ức chế tổng hợp vách vi khuẩn như các thuốc beta-lactam khác. Nồng độ đỉnh huyết thanh đạt được sau tiêm bắp 30 phút, sau tiêm tĩnh mạch 5 phút.

Phân bố được tới dịch mật, nước ối và dịch màng phổi, nhưng chỉ đạt được nồng độ không đáng kể trong dịch não tủy và thủy dịch của mắt. Gắn protein huyết thanh tới 94% (chủ yếu gắn albumin).
Thời gian bán thải 20-30 phút, kéo dài khi suy thận. Ở trẻ sơ sinh 8-15 ngày, thời gian này là 1,6h còn ở trẻ nhỏ dưới 2 tuổi thời gian bán thải là 0,9-1,8h.
Thuốc chuyển hóa qua gan và thải trừ qua nước tiểu và dịch mật (dưới dạng thuốc không biến đổi).

1.3. Chỉ định, chống chỉ định, liều dùng, cách dùng

VNTMNK do tụ cầu vàng nhạy methicillin (MSSA): 12 g/24h tiêm tĩnh mạch chậm hoặc truyền tĩnh mạch. Đối với van tự nhiên chia đều 4-6 lần/24h dùng trong 2 tuần nếu tổn thương tim phải không biến chứng, trong 6 tuần nếu tổn thương tim phải có biến chứng hoặc tổn thương tim trái. Đối với van nhân tạo chia đều 6 lần/24h điều trị kết hợp với rifampicin trong ít nhất 6 tuần, trong đó 2 tuần đầu kết hợp thêm với gentamicin.
Không nên sử dụng oxacillin cho những trường hợp vi khuẩn nhạy cảm có thể điều trị được bằng penicillin G hoặc ampicillin.

1.4. Tác dụng phụ và xử trí

Nên tiêm chậm (trong vòng 30 phút) trên đường truyền có sẵn để giảm thiểu nguy cơ viêm tĩnh mạch quanh vị trí tiêm truyền.
Dùng liều cao có thể xuất hiện tổn thương gan. Men gan thường tăng sau điều trị vài ngày và giảm xuống sau khi ngừng điều trị.

1.5. Ý nghĩa lâm sàng

Do methicillin gắn liền với tụ cầu như một chỉ điểm nhạy cảm kháng sinh, nhiều thầy thuốc ưa dùng oxacillin hơn các beta-lactam khác để điều trị tụ cầu. Tuy vậy, trên lâm sàng còn nhiều lựa chọn beta-lactam thay thế khác cho oxacillin, ví dụ như các cephalosporine.

2. Cefazolin

2.1. Lịch sử

Cefazoline là kháng sinh cephalosporine thế hệ 1 đăng ký bằng sáng chế từ năm 1967 và lưu hành thị trường từ năm 1971.

2.2. Dược lực học và dược động học

Phổ kháng khuẩn chủ yếu là các cầu khuẩn Gram dương như tụ cầu, liên cầu (không tác dụng với MRSA và các Enterococcus) nhưng thuốc cũng có tác dụng đối với một số trực khuẩn Gram âm như Escherichia coli, Proteus mirabilis và Klebsiella sp. Cơ chế tác dụng ngăn chặn quá trình tổng hợp vách của vi khuẩn khiến vi khuẩn ly giải.
Thuốc dùng đường tiêm với thời gian đạt nồng độ đỉnh huyết thanh sau tiêm bắp 0,5-2h, sau tiêm tĩnh mạch 5 phút.
Thuốc phân bố tốt đến nhiều mô cơ thể như túi mật, gan, thận, xương, đờm, dịch mật, dịch màng phổi và dịch khớp. Tuy nhiên ngấm dịch não tủy kém.
Thời gian bán thải 1,8-2h, kéo dài khi suy thận. Ở trẻ sơ sinh thời gian này là 3 đến 5h.
Thải trừ qua nước tiểu với 70-80% là ở dạng không biến đổi.

2.3. Chỉ định, chống chỉ định, liều dùng, cách dùng

VNTMNK do tụ cầu nhạy cảm methicillin: 2g mỗi 8h tiêm tĩnh mạch chậm hoặc truyền tĩnh mạch. Đối với van tự nhiên điều trị trong 6 tuần. Trường hợp van nhân tạo điều trị kết hợp rifampicin trong ít nhất 6 tuần, trong đó 2 tuần đầu kết hợp thêm gentamicin.
Không nên dùng cefazoline khi đồng thời cũng có nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương (ví dụ áp xe não).
Điều chỉnh liều dùng khi suy thận:

  • Mức lọc cầu thận > 50 mL/phút: không cần điều chỉnh liều
  • Mức lọc cầu thận 10-50 mL/phút: giãn khoảng cách liều dùng mỗi 12h
  • Mức lọc cầu thận < 10 mL/phút: giãn khoảng cách liều dùng mỗi 24h

2.4. Tác dụng phụ và xử trí

Cefazoline không có cùng chuỗi nhánh với các kháng sinh beta-lactam khác nên nguy cơ dị ứng chéo với penicillin cũng như các beta-lactam khác là rất thấp.

2.5. Ý nghĩa lâm sàng

Đối với VNTMNK do tụ cầu nhạy cảm methicillin không có di bệnh hệ thần kinh trung ương thì cefazoline là một lựa chọn hợp lý. Khả năng sẵn có cefazoline còn được tăng thêm khi thuốc được sử dụng rộng rãi trong điều trị dự phòng phẫu thuật. Khoảng cách 8h giữa các lần dùng thuốc giúp đảm bảo việc thực hiện thuốc dễ dàng hơn trong điều kiện nguồn lực hạn chế.

3. Tổng kết

  • Viêm nội tâm mạc là một trong những bệnh lý nguy hiểm và khó điều trị. Việc chọn thuốc kháng sinh phù hợp là rất quan trọng trong quá trình điều trị. Oxacillin và Cefazoline là hai loại kháng sinh được sử dụng khá phổ biến trong điều trị viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn.
  • Oxacillin là một loại kháng sinh thuộc nhóm penicillin, có hoạt tính đối với các vi khuẩn dương tính như Staphylococcus aureus. Tuy nhiên, oxacillin không hoạt động với các vi khuẩn Gram âm. Cefazoline là một loại kháng sinh thuộc nhóm cephalosporin, có hoạt tính rộng đối với cả vi khuẩn Gram dương và Gram âm.
  • Trong điều trị viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn, việc sử dụng oxacillin và cefazoline tùy thuộc vào loại vi khuẩn gây ra nhiễm trùng. Nếu vi khuẩn gây ra nhiễm trùng là Staphylococcus aureus, oxacillin sẽ là lựa chọn phù hợp. Tuy nhiên, nếu vi khuẩn gây ra nhiễm trùng là Gram âm, cefazoline sẽ được ưu tiên lựa chọn.
  • Tổng kết lại, việc sử dụng oxacillin và cefazoline trong điều trị viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn là phù hợp. Tuy nhiên, việc lựa chọn loại kháng sinh phù hợp cần được cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo hiệu quả cao nhất trong quá trình điều trị.

>>> Xem thêm: Góc nhìn chuyên gia của đội ngũ bác sĩ BV Vinmec

facebook
6

Bài viết liên quan

Tương tác thuốc liên quan

Bình luận0

Đăng ký
Thông báo về
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận

Bài viết cùng chuyên gia