Ống thông tai không hiệu quả hơn thuốc kháng sinh trong điều trị viêm tai giữa ở trẻ nhỏ
Kết quả của thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng cho thấy rằng các ống thông tai không làm giảm đáng kể tỷ lệ các đợt cấp so với thuốc kháng sinh và các chỉ định điều trị không làm tăng tình trạng kháng kháng sinh – theo nghiên cứu Hoberman và các cộng sự công bố trên The New England Journal of Medicine.
Tiến sĩ Ricky Lewis
Ngày 13 tháng 5 năm 2021
Tranh cãi về việc sử dụng ống thông tai hay thuốc kháng sinh đối với bệnh viêm tai giữa cấp tính tái phát (AOM) ở trẻ nhỏ đã tồn tại từ lâu. Hiện tại, kết quả của thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng cho thấy rằng các ống thông tai không làm giảm đáng kể tỷ lệ các đợt cấp so với thuốc kháng sinh và các chỉ định điều trị không làm tăng tình trạng kháng thuốc kháng sinh.
“Chúng tôi không tìm thấy bằng chứng về sự kháng thuốc của vi sinh vật khi điều trị bằng kháng sinh. Nếu không có tác động đến sự kháng thuốc, tại sao cần phẫu thuật để rồi xảy ra những biến chứng không cần thiết?” tác giả chính Alejandro Hoberman, MD, từ Bệnh viện Nhi đồng Pittsburgh, Pittsburgh, Pennsylvania, trả lời phỏng vấn Medscape Medical News .
Nghiên cứu của Hoberman và các cộng sự được công bố hôm nay trên The New England Journal of Medicine.
Viêm tai giữa cấp tính AOM là bệnh phổ biến thứ hai ở trẻ em tại Hoa Kỳ sau cảm lạnh thông thường, ảnh hưởng đến 5 trong số 6 trẻ em dưới 3 tuổi. Đây là chỉ định hàng đầu điều trị bằng kháng sinh, và đặt ống thông tai là phẫu thuật nhi khoa được thực hiện nhiều nhất sau thời kỳ sơ sinh.
Các thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng đã được tiến hành vào những năm 1980, nhưng đến những năm 1990, các câu hỏi về việc lạm dụng chỉ định điều trị đã nảy sinh. Tổ chức Phẫu thuật Đầu và Cổ của Viện Tai Mũi Họng Hoa Kỳ đã xuất bản hướng dẫn thực hành lâm sàng đầu tiên vào năm 2013.
Những bậc cha mẹ cần phải cân nhắc giữa ưu và nhược điểm của các phương pháp điều trị. Việc sử dụng ống có thể tránh hoặc trì hoãn phải dùng thuốc, nhưng ống có giá thành cao hơn và có thể có các rủi ro (gây mê, chảy máu khó cầm, bít tắc ống thông, trật khớp hoặc đùn sớm và mất thính giác dẫn truyền thể nhẹ).
“Chúng tôi đã giải quyết các hạn chế của các nghiên cứu trước đó: theo dõi bệnh nhân trong khoảng thời gian dài: trong 2 năm, đánh giá tình trạng nhiễm trùng để xác định tính phù hợp và sử dụng các thang đo đánh giá chất lượng cuộc sống,” Hoberman nói.
Các nhà nghiên cứu đã chỉ định ngẫu nhiên những đứa trẻ được điều trị bằng kháng sinh hoặc phương pháp đặt ống tai. Để đáp ứng đủ điều kiện, trẻ em phải từ 6 đến 35 tháng tuổi và đã có ít nhất ba đợt viêm tai giữa cấp tính AOM trong vòng 6 tháng hoặc ít nhất bốn đợt trong vòng 12 tháng, bao gồm ít nhất một đợt trong vòng 6 tháng trước đó.
Kết quả chính là số đợt viêm tai giữa cấp AOM trung bình mỗi năm của trẻ. Trẻ sẽ được đánh giá trong khoảng thời gian 8 tuần và trong vòng 48 giờ sau khi phát hiện các triệu chứng nhiễm trùng tai. Trẻ được điều trị bằng uống amoxicillin hoặc nếu không hiệu quả thì tiêm bắp ceftriaxone.
Tiêu chí xác định điều trị thất bại bao gồm chảy máu dai dẳng, thủng màng nhĩ, tiêu chảy do kháng sinh, phản ứng với thuốc mê và tái phát viêm tai giữa cấp tính AOM với tần suất bằng tần suất trước khi điều trị kháng sinh.
Khi so sánh ống thông tai với thuốc kháng sinh, Hoberman đề cập, “Chúng tôi không thấy cải thiện về tỷ lệ nhiễm trùng tai trên mỗi trẻ mỗi năm trong khoảng thời gian 2 năm.” Đúng như dự đoán, tỷ lệ viêm giảm khoảng một nửa từ năm thứ nhất xuống năm thứ hai ở tất cả trẻ em.
Nhìn chung, các nhà nghiên cứu không tìm thấy “sự khác biệt đáng kể giữa các nhóm điều trị” về tần suất mắc viêm tai giữa cấp tính AOM, tỷ lệ phần trăm các đợt bệnh nặng lên, mức độ kháng kháng sinh, chất lượng cuộc sống của trẻ em và mức độ stress của cha mẹ.
Trong một phân tích ý định điều trị, tỷ lệ các đợt viêm tai giữa cấp tính AOM mỗi năm của trẻ trong quá trình nghiên cứu là 1,48 ± 0,08 đối với ống thông tai và 1,56 ± 0,08 đối với kháng sinh (P = 0,66).
Tuy nhiên, việc chọn lọc trẻ trong nghiên cứu chia nhóm điều trị theo 2 phương pháp đã không được thưc sự “ngẫu nhiên”. Mười phần trăm (13 trong số 129) trẻ em dự kiến nhận ống tai đã không được điều trị vì yêu cầu của cha mẹ. Ngược lại, 16% (54 trong số 121) trẻ em trong nhóm kháng sinh đã được đặt ống, 35 (29%) trong số đó phù hợp với phác đồ thử nghiệm vì bệnh tái phát thường xuyên và 19 (16%) là do yêu cầu của cha mẹ.
Trong một phân tích theo phác đồ, tỷ lệ các đợt viêm tai giữa cấp tính AOM mỗi năm của trẻ là 1,47 ± 0,08 đối với ống thông tai và 1,72 ± 0,11 đối với kháng sinh.
Đặt ống có thời gian khởi phát nhiễm trùng tai lần đầu dài hơn so với dùng kháng sinh, với mức trung bình là 4,34 tháng so với 2,33 tháng đối với trẻ được dùng kháng sinh. Tỷ lệ trẻ em trong nhóm dùng ống thất bại trong điều trị nhỏ hơn so với nhóm dùng kháng sinh (45% so với 62%). Trẻ được đặt ống thông tai cũng có biểu hiện nhiễm trùng ngắn hơn so với trẻ trong nhóm dùng kháng sinh (trung bình, 2,00 ± 0,29 ngày so với 8,33 ± 0,59 ngày).
Sự phân bố tần suất của các đợt viêm tai giữa cấp tính AOM, tỷ lệ phần trăm các đợt nặng và tình trạng kháng kháng sinh được phát hiện trong bệnh phẩm hô hấp là như nhau đối với cả hai nhóm.
“Hoberman và các cộng sự đã bổ sung kiến thức của chúng tôi trong việc kiểm soát nhiễm trùng tai tái phát ở trẻ em bằng một thử nghiệm lâm sàng lớn và nghiêm ngặt cho thấy hiệu quả tương đương của việc đặt ống thông tai, với thuốc kháng sinh đối với các trường hợp nhiễm trùng mới thay vì phải chờ đợi theo dõi, với kháng sinh uống ngắt quãng, với các nhiễm trùng tai xuất hiện trong tương lai”Richard M. Rosenfeld, MD, MPH, MBA, giáo sư và giám đốc, Khoa Tai Mũi Họng, Trung tâm Y tế SUNY Downstate, Thành phố New York cho biết.
Tuy nhiên, trong một bài xã luận kèm theo , Ellen R. Wald, MD, từ Trường Y khoa và Y tế Công cộng thuộc Đại học Wisconsin, Madison, Wisconsin, chỉ ra rằng cỡ mẫu của nghiên cứu nhỏ hơn dự tính, do những người tham gia đổi nhóm điều trị.
Ngoài ra, Rosenfeld, tác giả chính của hướng dẫn năm 2013, cho biết nghiên cứu này có khả năng đánh giá thấp hiệu quả của ống tai “bởi vì khoảng 2/3 số trẻ em nhận được ống không bị tràn dịch tai giữa tái diễn và sẽ không thuộc nhóm chỉ định cho điều trị bằng ống tai dựa trên hướng dẫn quốc gia hiện hành về chỉ định đặt ống. “
Rosenfeld cho biết: “Cả hai liệu pháp đặt ống và kháng sinh ngắt quãng đều có hiệu quả để kiểm soát viêm tai giữa AOM tái phát, và cha mẹ của trẻ mắc tràn dịch tai giữa tiếp diễn nên tham gia vào việc ra quyết định với bác sĩ để lựa chọn phương pháp điều trị tốt nhất,” Rosenfeld nói. “Khi nghi ngờ, hãy theo dõi trẻ một cách cẩn thận là tốt nhất, bởi vì nhiều trẻ bị viêm tai giữa cấp tính AOM tái phát tiến triển tốt lên theo thời gian.”
Hoberman sở hữu cổ phần trong Kaizen Bioscience và nắm giữ bằng sáng chế về các thiết bị chẩn đoán và điều trị AOM. Một đồng tác giả cố vấn cho Merck. Wald và Rosenfeld công bố không có các mối quan hệ tài chính liên quan.
N Engl J Med. Published online May 13, 2021.
Abstract, Editorial
Đọc thêm các bài viết khác, theo dõi Medscape trên Facebook, Twitter, Instagram, và YouTube.
Tag: viêm tai giữa cấp tính, AOM, ống thông tai, kháng sinh, viêm tai giữa
Miễn trừ trách nhiệm: Tất cả những tư liệu được cung cấp trên website này đều mang tính tham khảo. Do đó, nội dung và hình ảnh sẽ được thay đổi, cập nhật và cải tiến thường xuyên mà không phải thông báo trước. VinmecDr không bảo đảm về độ chính xác cũng như sự hoàn thiện về thông tin. Chúng tôi không chịu trách nhiệm pháp lý cho những thiệt hại xuất hiện trực tiếp hay gián tiếp từ việc sử dụng hoặc hành động dựa theo những thông tin trên hoặc một số thông tin xuất hiện trên website này. VinmecDr không chịu trách nhiệm pháp lý về những sai sót, lỗi chính tả… do nhập liệu cùng với những sự cố khách quan khác như: nhiễm virus, hành vi phá hoại, ác ý… xảy ra trên website này cũng như các website liên kết, nếu có.
Đường link liên kết
VinmecDr sẽ không chịu trách nhiệm hay có nghĩa vụ pháp lý dưới bất kỳ hình thức nào về nội dung của những website không thuộc VinmecDr đựợc liên kết với website www.vinmecdr.com, bao gồm các sản phẩm, dịch vụ và những mặt hàng khác được giới thiệu thông qua những website đó.
Nguồn tham khảo: Theo vinmec.com