MỚI

Một số yếu tố liên quan đến kết quả cấp cứu ngừng tuần hoàn ở trẻ em

Ngày xuất bản: 17/12/2022

Thời gian cấp cứu ngừng tuần hoàn, sử dụng Adrenalin Tĩnh mạch là những yếu liên  quan  đến  hiệu  quả  cấp  cứu  ngừng tuần hoàn ở trẻ em. Nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung Ương từ tháng 6/2018 đến tháng 6/2019. 

Tác giả: Ngô Anh Vinh, Lại Thuỳ Thanh; Bệnh viện Nhi Trung Ương

Tóm tắt

Mục tiêu: Tìm hiểu một số yếu tố liên quan đến kết  quả  cấp  cứu  ngừng  tuần  hoàn  ở  trẻ  em.

Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang trên 102 trẻ ngừng tuần hoàn tại Bệnh viện Nhi Trung ương từ tháng 6/2018 đến tháng 6/2019. 

Kết quả:Tỷ lệ cấp cứu thành công(có tim trở lại) nhóm đã được mắc monitor theo dõi cao hơn so với nhóm chưa được mắc monitor (70,1% và 33,3%), (p<0,05). Tỷ lệ cấp cứu thành công ở nhóm chưa được sử  dụng  thuốc  vận  mạch cao hơn  so  với  nhóm đã dùng thuốc vận mạch (67,7% và 61,5%) và nhóm đã được đặt nội khí quản cao hơn so với nhóm chưa đặt nội khí quản (65,6%và 63,2%) nhưng sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p>0,05). Tỉ lệ tử vong cao nhất ở nhóm nhịp chậm (91,7%) và thấp nhất ở nhóm vô tâm thu(52,3%), (p<0,05). Tỉ lệ sống khi ra viện ở nhóm tiêm Adrenalin tĩnh mạch ≤3 liều cao hơn so với tiêm Adrenalin tĩnh mạch >3 liều (100% và 46,3%). Tỉ lệ sống ra viện cao nhất ở nhóm cấp cứu ngừng tuần hoàn ≤10 phút và thấp nhất ở nhóm cấp cứu >30 phút, (p<0,05).  Khi  phân  tích  đa  biến,  sử  dụng Adrenalin tĩnh mạch và thời gian cấp cứu ngừng tuần hoàn là  các yếu tố liên quan đến hiệu quả cấp cứu ngừng tuần hoàn (p<0,05). 

Kết luận: Thời gian cấp cứu ngừng tuần hoàn, sử dụng Adrenalin Tĩnh mạch là những  yếu  liên  quan  đến  hiệu  quả  cấp  cứu  ngừng tuần hoàn.

Từ  khoá: yếu  tố  liên  quan,  kết  quả  cấp  cứu, ngừng tuần hoàn, trẻ em

Chịu trách nhiệm chính: Ngô Anh Vinh 

Email: vinhinc@yahoo.com 

Ngày nhận bài: 20.5.2022 

Ngày phản biện khoa học: 1.7.2022

Ngày duyệt bài: 12.7.2022

Nguồn: Tạp chí Y học Việt Nam

  1. Đặt vấn đề

Ngừng Tuần hoàn (NTH) là tình trạng ngừng hoạt động của cơ tim, được xác định bằng cách không sờ thấy mạch trung tâm, mất ý thức đột ngột và ngừng thở. Bao Gồm: ngừng tuần hoàn nội  viện  nếu  xảy  ra  tại  bệnh  viện hoặc  ngừng tuần hoàn ngoại bệnh viện nếu xảy ra ở cộng đồng. Khác Với Người Lớn, ngừng tuần hoàn ở trẻ em thường là hậu quả cuối cùng của suy hô hấp hoặc suy tuần hoàn. 

Ngừng  tuần  hoàn  ở  trẻ  em  vẫn  có  tỉ  lệ  tử vong  cao  và  để  lại  những  di  chứng  thần kinh nặng nề. Theo Jesús López-Herce,trong cấp cứu ngừng tuần hoàn ở trẻ em, tỉ lệ có tim trở lại chiếm 74%và chỉ 41% trong số đó sống sót sau khi ra viện  [1]. Đối với ngừng tuần hoàn nội viện, theo Tress EE và cộng sự,  tỷ lệ tử vong chiếm trên 75%và di chứng về thần kinh chiếm một phần ba trong những trẻ sống sót [2]. Trong Đó, đối với ngừng tuần hoàn ngoại viện, tỷ lệ sống sót là chỉ 6,4%[3].Vì  thế, ngừng tuần hoàn đòi hỏi phải tiến hành xử trí khẩn cấp, trong đó hồi sức tim phổi (CPR) là phương pháp xử trí quan trọng hàng đầu, bao gồm kiểm soát đường thở, thông khí hỗ trợ  và ép tim nhằm cung cấp oxy cho các cơ quan quan trọng như: tim, não và phổi [1]. Hiện nay hiệu quả cấp cứu ngừng tuần  hoàn đã được cải thiện trong những thập kỷ qua do sự phát  triển  của công  nghệ,  kỹ thuật cũng như sự cập nhật về các  quy  trình  cấp  cứu  nhi  khoa  [4]. Mặc dù vậy,ngừng tuần hoàn ở trẻ em vẫn để lại những hậu quả nặng nề. Vì thế, ngoài nắm vững quy trình xử trí cấp cứu ngừng tuần hoàn, việc tìm hiểu các yếu tố liên quan là  rất quan trọng để phát triển các chiến lược nhằm cải thiện hiệu quả điều trị, tăng khả năng sống sót và hạn chế di chứng ở  trẻ em.  Do  đó,  chúng tôi tiến hành nghiên cứu “Tìm hiểu một số yếu tố liên quan đến kết quả cấp cứu ngừng tuần hoàn ở trẻ em”.

  1. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu
  2. Đối tượng nghiên cứu

1.1. Tiêu chuẩn lựa chọn bệnh nhân

Các trẻ được xác định  ngừng  tuần  hoàn ngoại viện hoặc nội viện và được xử trí cấp cứu ngừng tuần hoàn theo hướng  dẫn  của  Hiệp  hội  hồi  sức  cấp cứu  Châu  Âu  2015[5].  Chẩn đoán ngừng  tuần hoàn dựa theo hiệp hội hồi sức cấp cứu Châu Âu 2015 bao gồm:

  • Không bắt được mạch trung tâm
  • Mất ý thức đột ngột
  • Ngừng thở 

1.2. Tiêu Chuẩn loại trừ. 

Trẻ dưới 1 tháng tuổi

  1. Thời gian và địa điểm nghiên cứu
  • Thời  gian:  thực  hiện  từ  tháng  6/2018 – tháng 6/2019
  • Địa điểm:  Các  khoa  hồi  sức  (hồi  sức  cấp cứu, hồi sức tim mạch, hồi sức ngoại), khoa cấp cứu  và  các  khoa  lâm  sàng  khác – Bệnh  viện  Nhi Trung ương.
  1. Phương pháp nghiên cứu

3.1. Thiết  kế  nghiên  cứu. Phương pháp nghiên cứu mô tả cắt ngang, chọn mẫu thuận tiện.

3.2.  Các  bước  tiến  hành  nghiên  cứu. Bệnh nhân nhập viện và được xác định có tình trạng ngừng tuần hoàn và được cấp cứu ngừng tuần hoàn. Chúng tôi thu thập thông tin về các yếu  tố  liên  quan  đến  kết  quả  cấp  cứu  ngừng tuần hoàn. Đánh giá kết quả cấp cứu ngừng tuần hoàn bao gồm:

  • Kết  quả cấp  cứu  ban  đầu  được  đánh  giá ngay tại thời điểm cấp cứu:

+) Thành công: có tim trở lại

+) Thất bại: không có tim trở lại (tử vong)

  • Kết quả cấp cứu cuối cùng:

+) Sống ra viện: bệnh nhân sống và được ra viện

+) Tử vong:  bệnh  nhân  được  xác  nhận  tử vong tại bệnh viện

Công cụ thu thập thông tin: thông tin nghiên cứu  được  thu  thập  bằng  bệnh  án  nghiên  cứu được thiết kế sẵn.

  1. Xử lý số liệu

Nhập và phân tích số liệu bằng SPSS 23.0. Các biến định tính được trình bày dưới dạng tần suất hoặc tỷ lệ.Sử dụng test thống kê khi bình phương khi so sánh các tỉ lệ.

  1. Đạo đức trong nghiên cứu.

Nghiên cứu không ảnh hưởng đến kết quả điều trị bệnh nhân và các thông tin cá nhân đảm bảo tính chính xác, được giữ bí mật.

III. Kết quả nghiên cứu

  1. Các  đặc  điểm  chung  của  đối  tượng nghiên cứu. Đối tượng nghiên cứu là 102 bệnh nhân ngừng tuần hoàn tại Bệnh viện Nhi Trung ương  trong  thời  gian  từ  tháng  06/2018  đến tháng 06/2019. 

Bảng 1. Các  đặc  điểm  chung của  đối tượng nghiên cứu

Nhóm tuổi

Số bệnh nhân

Tỷ lệ (%)

Tuổi trung bình

1 tháng đến 12 tháng

44

43,1

36 ± 14,9 tháng (2 tháng – 15 tuổi)

12 tháng đến 8 tuổi

43

42,2

Trên 8 tuổi

15

14,7

Giới tính

Số bệnh nhân

Tỷ lệ (%)

Nam

52

51

Nữ

50

49

Tổng

102

100

Nhận xét: Trẻ nam chiếm 51%, nữ chiếm 49% và tỉ lệ nam/nữ là 1,04. Tuổi trung bình  là 36 ± 14,9 tháng và lứa tuổi thường gặp nhất là dưới  12  tháng  tuổi  (43,1%)và ít gặp nhất  là nhóm trên 8 tuổi (14,7%). Tuổi nhỏ nhất là 2 tháng và lớn nhất là 15 tuổi.

  1. Một số yếu tố liên quan kết quả cấp cứu ngừng tuần hoàn

Bảng 2. Kết quả cấp cứu ban đầu với các can thiệp trước cấp cứu

Can thiệp trước cấp cứu

Thành công (n, %)

Thất bại 

(n, %)

Tổng 

(n, %)

P

Monitor theo dõi

Có 

61 (70,1%) 

26 (29,9%) 

87 (100%)

< 0,05

Không

5 (33,3%) 

10 (66,7%)

15 (100%)

Thuốc vận mạch

Có 

24 (61,5%) 

15 (38,5%)

39 (100%)

> 0,05

Không

42 (66,7%) 

21 (33,3%)

63 (100%)

Đặt nội khí quản

Có 

42 (65,6%) 

22 (34,4%)

64 (100%)

> 0,05

Không

24 (63,2%) 

14 (36,8%)

38 (100%)

Nhận xét: Tỷ lệ cấp cứu thành công (có tim trở lại) ở nhóm đã được mắc monitor theo dõi cao hơn so với nhóm chưa được mắc monitor (70,1% và 33,3%) với sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p<0,05). Trong khi đó, tỷ lệ cấp cứu thành công ở nhóm chưa được sử dụng thuốc vận mạch cao hơn so với nhóm đã dùng thuốc vận mạch (67,7% và 61,5%) và nhóm đã được đặt nội khí quản cao hơn so với nhóm chưa đặt nội khí quản (65,6%và 63,2%) nhưng sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p>0,05).

Bảng 3. Liên quan giữa kết quả cấp cứu ban đầu với rối loạn nhịp tim khi NTH

Rối loạn nhịp tim khi NTH

Thành công (n, %)

Thất bại 

(n, %)

Tổng 

(n, %)

P

Nhịp chậm

11 (91,7%) 

1 (8,3%) 

12 (100%)

< 0,05

Mất mạch còn điện tim

22 (75,9%) 

7 (24,1%)

29 (100%)

Nhịp nhanh thất mất mạch

6 (60%) 

4 (40%) 

10 (100%)

Rung thất

4 (57,1%) 

3 (42,9%) 

7 (100%)

Vô tâm thu

23 (52,3%) 

21 (47,7%) 

44 (100%)

Nhận xét: Tỷ lệ cấp cứu thành công ban đầu (có tim trở lại) cao nhất ở nhóm nhịp chậm (91,7%), tiếp theo là mất mạch còn điện tim (75,9%), nhịp nhanh thất mất mạch (60%), rung thất (57,1%) và thấp nhất ở nhóm vô tâm thu (52,3%) với sự khác biệt giữa các nhóm có ý nghĩa thống kê (p<0,05). 

Bảng 4. Kết quả cấp cứu cuối cùng với các can thiệp khi cấp cứu NTH.

Can thiệp khi cấp cứu

Sống ra viện (n, %)

Tử vong (n, %)

Tổng (n, %)

P

Liều Adrenalin

≤3 liều

35 (100%) 

0 (0%)

35 (100%)

< 0,05

> 3 liều

31 (46,3%) 

36 (53,7%)

67 (100%)

Tiêm Bicarbonate

37 (56,9%) 

28 (43,1%)

65 (100%)

< 0,05

Không

29 (78,4%) 

8 (21,6%)

37 (100%)

Thời gian CPR

≤10 phút

46 (95,8%) 

2 (4,2%) 

48 (100%)

< 0,05

11-20 phút

11 (84,6%) 

2 (15,4%)

13 (100%)

21-30 phút

6 (60%) 

4 (40%) 

10 (100%)

> 30 phút

3 (9,7%) 

28 (90,3%) 

31 (100%)

Nhận xét: Tỷ lệ sống ra viện ở nhóm tiêm Adrenalin tĩnh mạch ≤3 liều cao hơn so với tiêm Adrenalin tĩnh mạch> 3 liều (100% và 46,3%). Tỷ lệ này ở nhóm không được tiêm Bicarbonate cao hơn so với nhóm được tiêm Bicarbonate với tỉ lệ là 78,4% và 56,9% với sự khác biệt có ý nghĩa thống kê  (p<0,05). Tỉ lệ sống khi ra viện cao nhất ở nhóm cấp cứu ngừng tuần hoàn ≤ 10 phút và thấp nhất ở nhóm cấp cứu >30 phút, với sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p<0,05).

Bảng 5. Phân tích hồi quy đa biến các yếu tố liên quan đến hiệu quả cấp cứu.

Yếu tố liên quan

OR (95% CI)

P

Nhóm tuổi

2,38 (0,79 – 7,12)

> 0,05

Địa điểm cấp cứu

1,31 (0,09 – 18,72)

> 0,05

Thời điểm ngừng tuần hoàn

0,63 (0,02 – 13,55)

> 0,05

Monitor theo dõi

0,82 (0,05 – 12,02)

> 0,05

Adrenalin tĩnh mạch

10,89 (1,98 – 59,79)

< 0,05

Thời gian CPR

1,86 (1,11 – 3,12)

< 0,05

Nhận xét: Khi phân tích đa biến, các yếu tố liên quan đến hiệu quả cấp cứu ngừng tuần hoàn là Adrenalin tĩnh mạch và thời gian cấp cứu ngừng tuần hoàn (<0,05)

  1. Bàn luận

4.1. Kết quả cấp cứu ban đầu với các can thiệp trước cấp cứu. 

Tỷ lệ cấp cứu thành công (có tim trở lại) ở nhóm đã  được mắc monitor theo dõi cao hơn so với nhóm chưa được mắc monitor (70,1% và 33,3%) với sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p<0,05). Trong khi đó, tỷ lệ cấp cứu thành công ở nhóm chưa được sử dụng thuốc vận mạch cao hơn so với nhóm đã dùng thuốc vận mạch (67,7% và 61,5%) và nhóm đã được đặt nội khí quản cao hơn so với nhóm chưa đặt nội khí quản (65,6% và 63,2%) nhưng sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p>0.05) (Bảng 2). Tương tự trong nghiên cứu của Lopez và cộng sự (năm 2004), kết quả cũng cho thấy ở trẻ đã được đặt nội  khí  quản trước cấp cứu ngừng thì tỉ lệ thành công cao hơn tỉ lệ tử vong (59,9% và 41,1%). Theo tác giả, bệnh nhân đã được kiểm soát đường thở bằng nội khí quản sẽ thuận lợi hơn trong việc  cấp cứu ngừng tuần hoàn. Ngoài ra, nguyên nhân gây ngừng tuần hoàn ở trẻ em chủ yếu là thiếu oxy nên đặt nội khí quản kiểm soát đường thở sớm sẽ cung cấp oxy hiệu quả hơn cho bệnh nhân[6].  Trong khi đó, theo nghiên cứu của tác giả  Matamoros, không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về tỷ lệ tử vong giữa 2 nhóm  có hay không có can thiệp  như  mắc  monitor, thở máy hoặc dùng thuốc vận mạch [7].

4.2. Các rối loạn nhịp tim khi ngừng tuần hoàn. 

Trong  kết  quả  nghiên  cứu  của chúng tôi,tỉ lệ cấp cứu thành công ban đầu (có tim trở lại) cao nhất ở nhóm nhịp chậm (91,7%), tiếp theo là mất mạch còn điện tim (75,9%), nhịp nhanh thất mất mạch (60%), rung thất (57,1%) và thấp nhất ở nhóm vô tâm thu (52,3%) với sự khác biệt giữa các nhóm có ý nghĩa thống kê (p < 0,05) (Bảng 3). Trong nghiên cứu của Matamoros,  tỉ lệ tử vong cao nhất ở nhóm rung thất cùng với nhịp nhanh thất mất mạch (đều là 100%). Trong khi đó, tỉ lệ tử vong ở nhóm vô tâm thu là 76,1%, nhịp chậm là 60%. Tuy nhiên trong nghiên cứu này, nhóm vô tâm thu và nhịp chậm là chủ yếu (với 81,5% và 13,9%) trongky đó rung thất và nhịp  nhanh thất mất mạch chỉ chiếm 2,8% các trường hợp. Theo tác  giả này, do bệnh nhân trong nghiên cứu điều trị ở các đơn vị hồi sức cấp cứu không nhiều nên ngừng tuần hoàn thường được phát hiện muộn. Vì thế, tỉ lệ tử vong trong nghiên cứu này cao hơn so với các nghiên cứu khác vì tác giả cũng cho rằng thời  gian phát hiện ngừng tuần hoàn cũng như tiến hành CPR sớm là rất quan trọng. Đây cũng là lý do mà các hình ảnh điện tâm đồ trong nghiên cứu chủ yếu là vô tâm thu (81,5%) trong đó nhịp chậm rất (13,9%)[7]. Theo Lopez và cộng sự (năm 2014), việc phát hiện ngừng tuần hoàn ở giai đoạn nhịp tim chậm là rất quan trọng vì đây là dấu hiệu sớm của ngừng tuần hoàn nên nếu CPR được tiến hành sớm sẽ làm tăng khả năng có tim trở lại và hạn chế được di chứng [1]. 

4.3. Kết quả cấp cứu cuối cùng với các can thiệp khi cấp cứu.

Trong nghiên cứu của chúng tôi, tỷ lệ sống khi ra viện ở nhóm tiêm Adrenalin tĩnh mạch≤ 3 liều cao hơn so với tiêm adrenalin tĩnh mạch>3 liều (100% và 46,3%).Tỉ lệ này ở nhóm không được tiêm bicarbonate cao hơn so với nhóm được tiêm bicarbonate với tỉ lệ là 78,4% và 56,9% với sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p<0,05). Kết quả cũng cho thấy thời gian cấp cứu càng dài thì tỷ lệ tử vong càng cao. Cụ thể, tỷ lệ sống khi ra viện cao nhất nhóm cấp cứu ngừng tuần hoàn ≤ 10 phút và thấp nhất ở nhóm cấp cứu >30 phút, với sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p> 0,05) (Bảng 4). Các nghiên cứu của tác giả Matamoros và Lopez (2014) cũng đưa ra nhận định tương tự khi cho thấy tỷ lệ tử vong cao hơn khi sử dụng Adrenalin từ 3 liều trở lên hoặc sử dụng Bicarbonat cùng với  thời  gian  CPR  kéo  dài  [1],[7]. Mặc dù adrenalin là thuốc vận mạch chủ yếu và quan trọng nhất dùng trong cấp cứu ngừng tuần hoàn tuy nhiên theo tác giả Lopez, những bệnh nhân có chỉ định dùng nhiều lần Adrenalin và cũng như sử dụng Bicarbonate đều là tình trạng bệnh nặng vì thế có tiên lượng xấu hơn và nguy cơ tử vong cao. Bệnh nhân chỉ định dùng Bicarbonat chứng tỏ có rối loạn thăng bằng toan kiềm và phản ánh tình trạng thiếu oxy kéo dài. Trong khi đó, thời gian CPR kéo dài phản ánh khả năng phục hồi của tim kém[1]. Khi phân tích đa biến, các yếu tố liên quan với kết quả điều trị cũng như tỉ lệ tử vong, chúng tôi nhận thấy sử dụng Adrenalin tĩnh mạch và thời gian CPR là 2 yếu tố ảnh hưởng đến kết quả cấp cứu ngừng tuần hoàn (p <0,05)(Bảng 5). Trong khi đó các yếu tố như tuổi, địa điểm cấp cứu (nội viện hay ngoại viện), thời điểm ngừng tuần hoàn và mắc monitor theo dõi không phải là các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả CPR. 

Theo tác giả Lopez (2014) khi phân tích đa biến, các yếu tố liên quan đến hiệu quả cấp cứu ngừng tuần hoàn là sử dụng  thuốc vận mạch trước khi ngừng tuần hoàn, sử dụng bicarbonate và thời gian CPR. Cũng  theo  tác  giả  này, thời gian cấp cứu là yếu tố tiên lượng tử vong quan trọng nhất, liên quan chặt chẽ và là yếu tố dự báo tử vong (OR=10,95%CI1: 3,07-8,89). Thời gian CPR càng dài thì nguy cơ sống sót của bệnh nhân càng thấp và nếu thời gian CPR kéo dài trên 20 phút thì khả năng sống sót của bệnh nhân là rất thấp [1]. Trong khi đó, theo phân tích đa biến của tác giả Matamoros, yếu tố tiên lượng tử vong quan trọng nhất là ngừng tim không do bệnh hô hấp (OR=2,55; 95% CI: 1,21-6,39), sử dụng Adrenalin tĩnh mạch (OR=4,96; 95% CI:1,51-16,35), thời gian CPR trên 10 phút (OR=3,40; 95% CI:1,31-8,89)[7]. 

Theo tác giả Jung Lee, khi phân tích đa biến, tuổi, giới tính không liên quan đến kết quả CPR. Số lần tiêm adrenalin và thời gian CPR là các yếu tố tiên lượng tử vong. Trong nghiên cứu tác giả dựa vào các tiêu chí đánh giá: có tim trở lại, sống sót khi ra viện, di chứng thần kinh trên những bệnh nhân nhi ngừng tuần hoàn ngoại viện. Tác giả cho rằng số lần tiêm Adrenalin ít hơn có liên quan với tăng tỷ lệ sống sót của bệnh nhân. Khi thời gian CPR ngắn thì tỷ lệ có tim trở lại và sống sót khi ra viện tăng lên. Theo tác giả thời gian CPR ngắn thì thời gian cung cấp máu cho hệ thống tuần hoàn sớm hơn và cải thiện kết quả điều trị. Ngược lại thời gian CPR kéo dài để lại kết cục xấu về tiên lượng thần kinh ở những trẻ sống sót khi ra viện [8]. Năm 2010, hướng dẫn cấp cứu nhi khoa APLS đã thay thế CPR theo trình tự ABC (Đường thở – thở – tuần hoàn) bằng CAB (Tuần hoàn – đường thở – thở) và nhấn mạnh tầm quan trọng của CPR ưu tiên ép tim tuy nhiên tỷ lệ có tim trở lại cũng như sống sót khi ra viện không cải thiện đáng kể. Do hầu hết ở trẻ em được do các nguyên nhân hô hấp nên hiện nay CPR truyền thống với ép tim và hô hấp hỗ trợ luân phiên nhau liên tục đã được khuyến nghị cho cấp cứu ngừng tuần hoàn ở trẻ em [9].

  1. Kết luận

Qua đánh giá các yếu tố liên quan đến kết quả xử trí cấp cứu ngừng tuần hoàn trên 102 trẻ tại Bệnh viện Nhi Trung ương từ tháng 6/2018 –tháng 6/2019, chúng tôi đưa ra một số kết luận: tỷ lệ cấp cứu thành công ban đầu (có tim trở lại) cao  nhất  ở  nhóm nhịp chậm và thấp nhất ở nhóm vô tâm thu. Tỉ lệ sống khi ra viện ở nhóm không được tiêm Bicarbonate cao hơn so  với nhóm được tiêm bicarbonate. Khi phân tích đa biến, thời gian cấp cứu ngừng tuần hoàn, và sử dụng Adrenalin là những yếu liên quan đến hiệu quả cấp cứu ngừng tuần hoàn.

Tài liệu tham khảo

  1. Jesús   López-Herce,Jimena   del   Castillo,Sonia Cañadas, et  al.  In-hospital  Pediatric  Cardiac  Arrestin Spain. Rev Esp Cardiol, 2014;67(3):189–195.
  2. Tress  EE,  Kochanek  PM,  Saladino  RA,  Manole MD.  Cardiac  arrest  in  children. J  Emergencies Trauma Shock. 2010; 3(3):267.  
  3. Atkins D.,Everson-StewartS.,   SearsG.K.,   et   al. Epidemiology  and  outcome  from  out-of-hospital cardiac arrest in   children:   the resuscitation outcomes     consortium     epistry-cardiac     arrest. Circulation, 2009; 119:148-4.

4.Tania    Miyuki    Shimoda-Sakano, Cláu-dio Schvartsman,   Amélia,   et   al.   Epidemiology   of pediatric  cardiopulmonary  resuscitation.  Jornalde Pediatria, 2020; 96 (4), 409-421.

  1. K.  Maconochie, Robert  Bingham, Christoph Eich,   et   al.European   Resuscitation   Council Guidelines  for   resuscitation   2015;   Section   6. Paediatric  life  support,  Resuscitation,  2015;  95, 223–248.
  2. Lopez-HerceJ, GarciaC,DominguezP,etal.Characteristics  and outcome  of  cardiorespiratoryarrestinchildren. Resuscitation, 2004; 63:311-20.
  3. Martha  Matamoros, Roger  Rodriguez,Allison Callejas,      et   al.In-hospital  Pediatric  Cardiac Arrest in Honduras.   Pediatric   Emergency   Care,2015; 31(1):31-5.
  4. Jung  Lee, Wen-ChiehYang, En-Pei  Lee,  et  al.Clinical  Survey  and  Predictors of Outcomes of Pediatric Out-of-Hospital Cardiac Arrest Admitted to  the  Emergency  Department, Scientific  Reports, 2019; 9 (1):7032).

9.Berg,  M.  D.  et  al.  Part  13:Pediatric  Basic  Life Support.    2010    American    Heart    Association Guidelines  for  Cardiopulmonary  Resuscitation  and Emergency  Cardiovascular Care.  Circulation  122, S862–S875 (2010)

Bản quyền và thương hiệu: Thông tin và hình ảnh trên website thuộc quyền sở hữu của Vinmecdr. Việc sao chép, sử dụng phải được Vinmecdr chấp thuận trước bằng văn bản.

Miễn trừ trách nhiệm: Tất cả những tư liệu được cung cấp trên website này đều mang tính tham khảo. Do đó, nội dung và hình ảnh sẽ được thay đổi, cập nhật và cải tiến thường xuyên mà không phải thông báo trước. Vinmecdr không bảo đảm về độ chính xác cũng như sự hoàn thiện về thông tin. Chúng tôi không chịu trách nhiệm pháp lý cho những thiệt hại xuất hiện trực tiếp hay gián tiếp từ việc sử dụng hoặc hành động dựa theo những thông tin trên hoặc một số thông tin xuất hiện trên website này. Vinmecdr không chịu trách nhiệm pháp lý về những sai sót, lỗi chính tả… do nhập liệu cùng với những sự cố khách quan khác như: nhiễm virus, hành vi phá hoại, ác ý… xảy ra trên website này cũng như các website liên kết, nếu có.

Đường link liên kết

Vinmecdr sẽ không chịu trách nhiệm hay có nghĩa vụ pháp lý dưới bất kỳ hình thức nào về nội dung của những website không thuộc Vinmecdr được liên kết với website www.vinmecdr.com, bao gồm các sản phẩm, dịch vụ và những mặt hàng khác được giới thiệu thông qua những website đó.

facebook
24

Bài viết liên quan

Tương tác thuốc liên quan

Bình luận0

Đăng ký
Thông báo về
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận

Bài viết cùng chuyên gia