MỚI

Men vi sinh có hiệu quả gì trong việc điều trị tiêu chảy nhiễm khuẩn cấp tính?

Ngày xuất bản: 16/08/2022

Theo các nghiên cứu có nguy cơ sai lệch thấp, men vi sinh không làm giảm số lượng bệnh nhân tiêu chảy trong hơn 48 giờ.

Nhóm tác giả: Michael Gottlieb, MD1; Benjamin Mogni, MD1; Nicolas Ramsay, MD1

ThS. BS Jestin N. Carlson, BS Alan Jones, và BS Michael Gottlieb là biên tập viên của series SRS này. TS Carlson là biên tập viên giám sát bài báo này. TS Gottlieb không tham gia vào tổng biên tập hoặc quyết định xuất bản bài báo này.

Ngày xuất bản: 01/10/2021 trên tạp chí  Annals of Emergency Medicine, tập 78.

Đơn vị công tác

  1. Khoa Cấp cứu, Trung tâm Y khoa Đại học Rush, Chicago, IL

1. Thông điệp

Theo các nghiên cứu có nguy cơ sai lệch thấp, men vi sinh không làm giảm số lượng bệnh nhân tiêu chảy trong hơn 48 giờ.

2. Phương pháp

Nguồn thu thập dữ liệu

Nhóm tác giả đã tìm kiếm cơ sở dữ liệu trên Cơ quan đăng ký thử nghiệm nghiên cứu Bệnh Truyền nhiễm Cochrane, MEDLINE và Embase từ khi bắt đầu nghiên cứu đến ngày 17/12/2019. Nhóm tác giả cũng xem xét các đánh giá hiện có về chủ đề này và danh sách tài liệu tham khảo cho bất kỳ thử nghiệm nào phù hợp. Không giới hạn ngôn ngữ.

Lựa chọn nghiên cứu

Hai đánh giá viên độc lập đã tiến hành sàng lọc những nghiên cứu được đưa vào, và thảo luận để giải quyết những mâu thuẫn phát sinh. Phạm vi nghiên cứu đưa vào thuộc các thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng so sánh một loại men vi sinh với giả dược hoặc không phải men vi sinh, ở những bệnh nhân tiêu chảy cấp (thời gian <14 ngày) đã được chứng minh hoặc cho là do nguyên nhân nhiễm khuẩn. Nhóm tác giả không hạn chế nhóm tuổi tham gia nghiên cứu, kể cả bệnh nhân mù lòa. Trong đó loại trừ những nghiên cứu mà tiêu chảy được hiểu hoặc nghĩ rằng do nguyên nhân khác (ví dụ, tiêu chảy do kháng sinh, tiêu chảy kéo dài), cũng như các nghiên cứu sử dụng thực phẩm lên men (ví dụ, sữa chua) mà các sinh vật trong men vi sinh không xác định hoặc không hoạt động. Mục tiêu chính là tiêu chảy kéo dài hơn 48 giờ và thời gian diễn ra tiêu chảy. Mục tiêu phụ là số người nhập viện trong các nghiên cứu cộng đồng, thời gian nằm viện trong các nghiên cứu trên bệnh nhân nội trú, tiêu chảy kéo dài hơn 14 ngày và các biến cố bất lợi.

Trích xuất dữ liệu và tổng hợp

Ba đánh giá viên trích xuất dữ liệu độc lập vào một biểu mẫu được chuẩn hóa chung. Nhóm tác giả đã tổng hợp dữ liệu và tính toán tỉ số nguy cơ (risk ratios – RR) với khoảng tin cậy (confidence intervals – CI) 95% cho biến nhị phân và sự khác biệt về trị số trung bình trọng số (weighted mean differences – WMD) cho các biến liên tục. Bộ công cụ đánh giá nguy cơ sai số Cochrane được sử dụng để quyết định chất lượng nghiên cứu.1 Nhóm tác giả sử dụng cách tiếp cận GRADE để đánh giá mức độ chứng cứ,2 đánh giá tính bất đồng nhất với kiểm định chi bình phương và kiểm định I2. Khi sự bất đồng nhất có ý nghĩa thống kê, nhóm tác giả sẽ sử dụng mô hình tác động ngẫu nhiên. Tất cả trường hợp khác sẽ sử dụng mô hình tác động cố định. Nhóm tác giả đánh giá khả năng thiên vị trong công bố bằng cách sử dụng biểu đồ phễu (funnel plot), và thực hiện phân tích độ nhạy của các nghiên cứu được cho là có nguy cơ sai lệch thấp đối với tất cả các danh mục.

3. Kết quả

Sự khác biệt về thời gian tiêu chảy giữa nhóm dùng men vi sinh và nhóm đối chứng.

Mục tiêuSố lượng nghiên cứu (Số lượng người tham gia)RR hoặc WMD (95% CI)Sự bất đồng nhất
Tiêu chảy kéo dài ≥ 48 giờ36 (6,053)RR 0.64 (0.52 to 0.79)98%
Thời gian tiêu chảy trung bình (giờ)56 (9,138)WMD –21.29 (–26.88 to –15.71)96%
Tiêu chảy kéo dài ≥ 48 giờ, chỉ những nghiên cứu có nguy cơ sai lệch thấp2 (1,770)RR 1.00 (0.91 to 1.09)0%
Thời gian tiêu chảy trung bình (giờ), chỉ những nghiên cứu có nguy cơ sai lệch thấp6 (3,058)WMD –8.64 (–29.38 to 12.10)97%

RR, tỷ số nguy cơ; WMD, trị số trung bình trọng số.

Nhóm tác giả đã tổng hợp 82 nghiên cứu (n = 12,127). Tham gia nghiên cứu chủ yếu là trẻ em dưới 18 tuổi (trẻ em n = 11.526, người lớn n = 412, chưa rõ tuổi n = 189). Năm mươi ba nghiên cứu thực hiện trên bệnh nhân nội trú, 11 nghiên cứu tuyển chọn trên bệnh nhân ngoại trú, và 14 nghiên cứu bao gồm cả bệnh nhân nội trú và ngoại trú. Ngoài ra có 4 nghiên cứu không rõ đối tượng tham gia là bệnh nhân nội trú hay ngoại trú. Năm mươi bảy nghiên cứu thử nghiệm duy nhất một sinh vật trong men vi sinh và 25 thử nghiệm kết hợp từ 2 đến 8 sinh vật. Trong số các nghiên cứu thành phần, nguy cơ tiêu chảy kéo dài hơn 48 giờ đã giảm ở nhóm đối tượng dùng men vi sinh khi so với nhóm đối chứng (Bảng 1). Thời gian tiêu chảy trung bình cũng giảm ở nhóm dùng men vi sinh. Tuy nhiên, khi giới hạn trong các nghiên cứu có nguy cơ sai lệch thấp, ta không nhìn thấy được sự khác biệt về tỷ lệ tiêu chảy kéo dài hơn 48 giờ, cũng như sự khác biệt có ý nghĩa về thời gian tiêu chảy trung bình. Có năm mươi nghiên cứu báo cáo rằng men vi sinh không gây ra bất kỳ biến cố bất lợi nào, trong khi phần còn lại không xác định được sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về biến cố bất lợi giữa nhóm dùng men vi sinh và nhóm đối chứng. Tồn tại sự thiên vị trong công bố và sự bất đồng nhất có ý nghĩa thống kê cho cả hai mục tiêu chính.

4. Bàn luận

Năm 2015, tiêu chảy gây ra 526.000 trường hợp tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi và là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai trên thế giới ở trẻ em dưới 2 tuổi.3 Hầu hết tiêu chảy được điều trị triệu chứng bằng đường uống hoặc truyền tĩnh mạch.4 Men vi sinh đã được đề nghị như một phương pháp điều trị bổ sung làm giảm các triệu chứng bệnh tiêu chảy. Người ta tin rằng men vi sinh làm giảm tiêu chảy bằng nhiều cơ chế, bao gồm cạnh tranh cho các chất dinh dưỡng và vị trí gắn kết trong ruột, tạo ra chất kháng khuẩn và axit hữu cơ, trung hòa độc tố vi khuẩn, thúc đẩy đáp ứng miễn dịch ở niêm mạc, giảm viêm và tính thấm của ruột. 5, 6, 7 Bài tổng quan này nhằm đánh giá hiệu quả của men vi sinh so với giả dược trong việc giảm thời gian tiêu chảy cấp tính. Nó cho thấy rằng, trong số tất cả các nghiên cứu đưa vào, có hiện hữu bằng chứng men vi sinh đem lại lợi ích tiềm năng.8 Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu có nguy cơ sai lệch cao và có sự bất đồng nhất đáng kể. Khi chỉ bao gồm các nghiên cứu có nguy cơ sai lệch thấp, không còn thấy sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa nhóm dùng men vi sinh và nhóm đối chứng về cả tiêu chảy kéo dài hơn 48 giờ và tổng thời gian một đợt tiêu chảy.

Tuy nhiên, việc xem xét một số hạn chế của bài đánh giá này là rất quan trọng. Đầu tiên, bài báo cáo thực hiện trên đối tượng chủ yếu là bệnh nhi và dữ liệu hạn chế ở người lớn. Thêm vào đó, hầu hết nghiên cứu được thực hiện trên bệnh nhân nội trú, và nhiều bệnh nhân có biểu hiện mất nước trung bình hoặc nặng. Tiêu chuẩn thu thập có những điểm khác nhau (ví dụ, tiêu chảy ra máu, việc sử dụng kháng sinh gần đây, giới hạn các tác nhân gây bệnh cụ thể như rotavirus). Tiêu chuẩn chẩn đoán và xác định thời điểm kết thúc đợt tiêu chảy khác nhau giữa các nghiên cứu. Loại và liều lượng men vi sinh được sử dụng cũng không đồng bộ. Có thể tồn tại sự khác biệt cơ bản về quần thể bệnh nhân và nguyên nhân gây tiêu chảy giữa các nghiên cứu tiến hành ở những quốc gia khác nhau. Chỉ 7 nghiên cứu có nguy cơ thấp cho tất cả 6 thông số theo công cụ đánh giá nguy cơ sai số của Cochrane.1 Hơn một nửa số nghiên cứu không theo phương pháp làm mù hoặc không rõ ràng. Hầu hết các nghiên cứu không công bố quy trình nghiên cứu từ trước, do đó làm hạn chế đánh giá việc báo cáo kết quả chọn lọc. Ngoài ra chúng còn hạn chế trong mô tả phương pháp đánh giá các kết quả bất lợi. Cuối cùng, bài tổng quan này không đề cập đến một vấn đề dù riêng biệt nhưng có liên quan, đó chính là việc ngăn ngừa tiêu chảy do kháng sinh bằng cách sử dụng men vi sinh điều trị dự phòng. Dựa trên đánh giá của bài phân tích tổng hợp này, chúng tôi không khuyến nghị sử dụng men vi sinh thường quy trong điều trị tiêu chảy nhiễm khuẩn cấp tính. Các nghiên cứu quy mô lớn trong tương lai nên được tiến hành với các định nghĩa chuẩn hóa hơn và tập trung vào các tác nhân men vi sinh cụ thể.

Ghi chú của biên tập viên: Đây là bản tóm tắt lâm sàng, một bài đăng thường xuyên của series Annals’ Systematic Review Snapshot (SRS). Nguồn bài systematic review snapshot này: Collinson S, Deans A, Padua-Zamora A, et al. Probiotics for treating acute infectious diarrhoea. Cochrane Database Syst Rev. 2020;12:CD003048. Published 2020 Dec 8. https://doi.org/10.1016/j.annemergmed.2021.02.005

  • PMID: 33931255
  • DOI: https://doi.org/10.1016/j.annemergmed.2021.02.005

Tag: Tiêu chảy nhiễm khuẩn cấp tính, Men vi sinh, Cấp cứu, Hệ tiêu hóa, Tiêu chảy do kháng sinh

Được trích dẫn: Hiện tại vẫn chưa được trích dẫn bởi bài báo nào. 

Tài liệu tham khảo

  1. Higgins J.P.; Altman D.G.; Gøtzsche P.C.; et al. The Cochrane Collaboration’s tool for assessing risk of bias in randomised trials.
    BMJ. 2011; 343: d5928 Scopus (16095), PubMed, Crossref, Google Scholar
  2. Guyatt G.H.; Oxman A.D.; Schünemann H.J.; et al. GRADE guidelines: a new series of articles in the Journal of Clinical Epidemiology. J Clin Epidemiol. 2011; 64: 380-382 Scopus (1486), PubMed, Google Scholar
  3. Liu L.; Oza S.; Hogan D.; et al. Global, regional, and national causes of child mortality in 2000-13, with projections to inform post-2015 priorities: an updated systematic analysis.
    Lancet. 2015; 385: 430-440 Scopus (1841), PubMed, Google Scholar
  4. Department of Child and Adolescent Health and Development. The Treatment of Diarrhoea: A Manual for Physicians and Other Senior Health Workers.
    World Health Organization, Geneva, Switzerland2005 Google Scholar
  5. Guarner F.; Khan A.G.; Garisch J.; et al. World Gastroenterology Organisation Global Guidelines: probiotics and prebiotics October 2011.
    J Clin Gastroenterol. 2012; 46: 468-481 Scopus (230), PubMed, Crossref, Google Scholar
  6. Halloran K.; Underwood M.A. Probiotic mechanisms of action.
    Early Hum Dev. 2019; 135: 58-65 Scopus (33), PubMed, Crossref, Google Scholar
  7. Surendran Nair M.; Amalaradjou M.A.; Venkitanarayanan K. Antivirulence properties of probiotics in combating microbial pathogenesis.
    Adv Appl Microbiol. 2017; 98: 1-29 Scopus (58), PubMed, Crossref, Google Scholar
  8. Collinson S.; Deans A.; Padua-Zamora A.; et al. Probiotics for treating acute infectious diarrhoea.
    Cochrane Database Syst Rev. 2020; 12 (Published 2020 Dec 8): CD003048 https://doi.org/10.1002/14651858.CD003048.pub4. Scopus (62), PubMed, Crossref, Google Scholar

Để đọc chi tiết bài nghiên cứu, vui lòng truy cập tại đây 

Nguồn tra cứu: annemergmed.com 

facebook
7

Bài viết liên quan

Thuốc liên quan

Bình luận0

Đăng ký
Thông báo về
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận

Bài viết cùng chuyên gia