MỚI

Kỹ thuật chụp OCT (cắt lớp quang học) bán phần trước và bán phần sau nhãn cầu

Ngày xuất bản: 30/05/2022
icon-toc-mobile

Hướng dẫn quy trình kỹ thuật chụp OCT bán phần trước và bán phần sau áp dụng cho Bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên chuyên khoa Mắt tại các bệnh viện.

Người thẩm định: Nguyễn Tường Vân Người phê duyệt: Phùng Nam Lâm Ngày phát hành: 23/05/2020

1. Định nghĩa:

  • OCT là tên viết tắt tiếng Anh của từ Optical Coherence Tomography là chụp cắt lớp quang học.
  • Về nguyên lý hoạt động OCT có nguyên lý gần giống như siêu âm nhưng người ta dùng ánh sáng thay cho sóng âm. Như vậy nếu các môi trường mắt không bị vẩn đục lắm ta có thể dùng OCT quan sát tất cả các cấu trúc của mắt trên không gian 3 chiều.
  • OCT cho ta nghiên cứu ở cấp độ vi thể chứ không phải là đại thể như các thiết bị nhãn khoa khác. Cần lưu ý ngay rằng màu sắc hiển thị trên kết quả OCT hoàn toàn là mã hóa chứ không phải là màu thật. Màu sắc được mã hóa để phân biệt các cấu trúc mô và mặt tiếp xúc. Các cấu trúc phản quang mạnh thường được có gam màu đỏ hoặc vàng.

2. Chỉ định – chống chỉ định chụp OCT (cắt lớp quang học) bán phần trước và bán phần sau nhãn cầu:

2.1. Chỉ định:

  • OCT bán phần trước: các bệnh lý giác mạc: giác mạc chóp, mỏng, sẹo, loạn dưỡng…; các bệnh liên quan đến tiền phòng, bệnh Glôcôm.
    • Khảo sát giác mạc: độ dày, bản đồ mặt trước, bản đồ nội mô, sẹo, vạt, độ chóp.
    • Khảo sát tiền phòng: độ sâu, độ hẹp góc tiền phòng.
  • OCT bán phần sau: các bệnh lý võng mạc, hoàng điểm: AMD, CNV, PCV, bệnh lý VM ĐTĐ, phù, bệnh hắc võng mạc trung tâm thanh dịch, theo dõi lớp sợi thần kinh võng mạc và teo lõm gai thị trong bệnh Glôcôm…
    • Khảo sát võng mạc: các lớp võng mạc
    • Khảo sát hoàng điểm: Phù, teo, nang hoàng điểm
    • Khảo sát gai thị: phù gai, lõm gai

2.2. Chống chỉ định:

  • Toàn thân không phối hợp chụp OCT.
  • Các môi trường trong suốt bị đục che lấp những vị trí cần chụp: sẹo đục giác mạc, đục thủy tinh thể, xuất huyết dịch kính… khiến hình ảnh chụp không thu được rõ nét.

3. Chuẩn bị:

3.1. Người thực hiện:

  • Các bác sĩ chuyên khoa mắt, điều dưỡng chuyên khoa mắt, kỹ thuật viên chuyên khoa mắt được đào tạo kỹ thuật chụp OCT.

3.2. Phương tiện:

  • Máy chụp OCT – cắt lớp quang học, kèm theo linh kiện (ống kính bán phần trước, ống kính bán phần sau, mắt test).
  • Bộ máy tính xử lý dữ liệu đi kèm (bàn phím, màn hình, chuột, bộ nguồn nếu có).
  • Nguồn điện tương thích với máy
  • Bàn để máy có chức năng lên xuống
  • Máy in màu
  • Giấy in ảnh khổ A4
  • Ghế ngồi thoải mái, phù hợp cho người bệnh và kỹ thuật viên.

3.3. Người bệnh:

  • Người bệnh có chỉ định chụp OCT bán phần trước hoặc bán phần sau nhãn cầu.
  • Người bệnh đủ tỉnh táo và có thể ngồi chụp, phối hợp tốt với kỹ thuật viên.

4. Địa điểm thực hiện: Phòng chụp OCT tại khoa mắt.

5. Thuốc nhỏ mắt:

  • Nước mắt nhân tạo dạng dung dịch trong
  • Thuốc giãn đồng tử

chụp oct

Chụp OCT chẩn đoán các bệnh lý võng mạc

6. Các bước thực hiện chụp OCT (cắt lớp quang học) bán phần trước và bán phần sau nhãn cầu:

6.1. Kiểm tra máy:

  • Nguồn điện vào máy
  • Các linh kiện máy chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng chụp.

6.2. Kiểm tra người bệnh và hồ sơ người bệnh:

  • Đúng người bệnh, đúng chỉ định, đúng mắt cần chụp OCT.

6.3. Tra thuốc nhỏ mắt: theo chỉ định của bác sĩ:

  • Đối với chụp OCT bán phần trước: nước mắt nhân tạo dạng dung dịch trong suốt.
  • Đối với chụp OCT bán phần sau: thuốc giãn đồng tử.

6.4. Tư thế:

  • Người bệnh ngồi, tì cằm và trán vào vị trí đặt trên máy.
  • Kỹ thuật viên hướng dẫn người bệnh xong sẽ ngồi vào vị trí điều khiển máy chụp.

6.5. Kỹ thuật:

  • Bước 1: Bật máy và Chọn lựa đúng ống kính cho mục đích sử dụng: ống kính OCT bán phần trước hoặc ống kính bán phần sau.
  • Bước 2: Nhập thông tin của người bệnh vào máy tính và lưu lại.
  • Bước 3: Hướng dẫn người bệnh ngồi đúng tư thế và đặt cằm vào đúng vị trí sao cho mắt cần chụp thẳng trục với ống kính.
  • Bước 4: Tắt đèn phòng chụp để đồng tử được giãn tốt nhất, sẽ cho chất lượng ảnh rõ nhất.
  • Bước 5: Chọn chế độ chụp trên máy theo chỉ định của bác sĩ: bán phần trước: góc tiền phòng, giác mạc… Bán phần sau: hoàng điểm, gai thị, võng mạc…
  • Bước 6: Hướng dẫn người bệnh nhìn vào tiêu điểm trong ống kính, chớp mắt 2 -3 lần rồi mở to mắt.
  • Bước 7: Chỉnh máy, định vị đồng tử và lấy nét hình ảnh trên màn hình hiển thị sao cho rõ nét vùng cần chụp.
  • Bước 8: Nhấp chuột chọn chụp hoặc bấm nút chụp (tùy từng loại máy OCT).
  • Bước 9: Chụp xong các vị trí cần chụp thì sẽ chọn lưu ảnh và kết thúc chụp.
  • Bước 10: Sau đó chọn “Analyze” để máy phân tích dữ liệu và đưa ra kết quả.
  • Bước 11: Chọn in kết quả chụp phim và chuyển bác sĩ mắt. Bác sĩ mắt sẽ đọc kết quả và tư vấn cho người bệnh.
  • Bước 12: Đưa máy về chế độ nghỉ, đóng ống kính bằng nắp bảo vệ.

7. Theo dõi và chăm sóc sau chụp OCT

  • Hướng dẫn người bệnh ngồi nghỉ 5 – 10 phút cho đến khi hết chói mắt vì đèn chụp.

8. Các khuyến cáo và lưu ý cần biết

8.1. Trước khi sử dụng:

  • Trước mỗi lần sử dụng cần lưu ý xem các bộ phận đã được khóa chặt chưa. Lưu ý về trọng lượng đặt lên từng phần thiết bị không được vượt quá tiêu chuẩn cho phép.
  • Đảm bảo dây cáp và phụ kiện ở vị trí gọn gàng, tránh gây cản trở trong quá trình di chuyển của thiết bị.
  • Đảm bảo thiết bị được nối đất.

8.2. Trong khi sử dụng:

  • Không rút bất kì dây nào ra trong khi máy đang hoạt động và có điện.
  • Khi di chuyển máy cần tắt máy và lưu ý các điểm bị kẹt tay.

8.3. Sau khi sử dụng:

  • Tắt máy, rút nguồn điện cuối buổi làm việc hoặc cuối ngày khi không sử dụng nữa.
  • Để máy trong trạng thái nghỉ giữa mỗi lần chụp cho những bệnh khác nhau.
  • Phủ máy với áo, đậy nắp kính từ nhà sản xuất khi máy đã nguội hẳn.

8.4. Về việc khử trùng:

  • Cần khử trùng nơi tỳ cằm và tỳ trán của bệnh nhân bằng gạc khử trùng.
  • Lau ống kính bằng nước lau đặc biệt dành cho ống kính.
  • Sử dụng khăn ẩm để lau vỏ thiết bị cho khỏi bụi.
  • Không để nước hay các chất tẩy rửa lọt vào thiết bị.

8.5. Môi trường bảo quản

  • Không sử dụng máy, bảo quản máy trong môi trường dễ cháy nổ hoặc ẩm ướt.
  • Không đặt bất cứ chất lỏng nào lên bề mặt máy.
  • Độ ẩm bảo quản máy: 30% tới 70%.
  • Nhiệt độ bảo quản máy: 10°C tới 35°C.

Tài liệu tham khảo

  1. Hướng dẫn sử dụng máy chụp OCT Cirrus HD OCT 5000 (Carl Zeiss – Đức).
  2. Bài giảng: Basic of OCT – Ricardo Tobias M.Papa, MD, MBA – Hanoi University Workshop August 26, 2018.
  3. Sách: Essentials of OCT in Ocular Disease (Amar Agarwal, Dhivya Ashok Kumar).

Ghi chú:

  • Đây là văn bản phát hành lần đầu.

Bản quyền và thương hiệu: Thông tin và hình ảnh trên website thuộc quyền sở hữu của Vinmecdr. Việc sao chép, sử dụng phải được Vinmecdr chấp thuận trước bằng văn bản. Miễn trừ trách nhiệm: Tất cả những tư liệu được cung cấp trên website này đều mang tính tham khảo. Do đó, nội dung và hình ảnh sẽ được thay đổi, cập nhật và cải tiến thường xuyên mà không phải thông báo trước. Vinmecdr không bảo đảm về độ chính xác cũng như sự hoàn thiện về thông tin. Chúng tôi không chịu trách nhiệm pháp lý cho những thiệt hại xuất hiện trực tiếp hay gián tiếp từ việc sử dụng hoặc hành động dựa theo những thông tin trên hoặc một số thông tin xuất hiện trên website này. Vinmecdr không chịu trách nhiệm pháp lý về những sai sót, lỗi chính tả… do nhập liệu cùng với những sự cố khách quan khác như: nhiễm virus, hành vi phá hoại, ác ý… xảy ra trên website này cũng như các website liên kết, nếu có. Đường link liên kết Vinmecdr sẽ không chịu trách nhiệm hay có nghĩa vụ pháp lý dưới bất kỳ hình thức nào về nội dung của những website không thuộc Vinmecdr được liên kết với website www.vinmecdr.com, bao gồm các sản phẩm, dịch vụ và những mặt hàng khác được giới thiệu thông qua những website đó.

facebook
4

Bài viết liên quan

Bình luận0

Đăng ký
Thông báo về
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận

Bài viết cùng chuyên gia