MỚI

Kiến thức về kiểm soát nhiễm khuẩn của nhân viên y tế Bệnh viện Y dược Cổ truyền Sơn La năm 2020

Ngày xuất bản: 16/12/2022

Tác giả: Trần Thị Nga 1 ,Hà Thị Bích Liên 2

Nghiên cứu mô tả cắt ngang, phỏng vấn 69 nhân viên y tế trực tiếp làm công tác chuyên môn tại 5 khoa lâm sàng nhằm mô tả kiến thức về kiểm soát nhiễm khuẩn của nhân viên y tế Bệnh viện Y Dược cổ truyền Sơn La năm 2020. Kết quả cho thấy, kiến thức đúng về kiểm soát nhiễm khuẩn của nhân viên y tế Bệnh viện Y Dược Cổ truyền Sơn La gần 80%. Tỷ lệ nhân viên y tế có kiến thức đúng chưa cao ở một số nội dung như các biện pháp phòng tránh nhiễm khuẩn bệnh viện (65,2%), vị trí lưu giữ phương tiện phòng hộ (66,7%), thực hành trong phòng ngừa chuẩn (76,8%) và nguyên tắc khử khuẩn, tiệt khuẩn (73,9%). Bệnh viện cần tổ chức các lớp tập huấn nhằm nâng cao kiến thức của nhân viên y tế về kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện.

Từ khóa: Nhiễm khuẩn bệnh viện, kiểm soát nhiễm khuẩn, y dược cổ truyền, Sơn La.

  1. Đặt vấn đề

Nhiễm  khuẩn  bệnh  viện  (NKBV)  là  các nhiễm khuẩn xuất hiện sau 48h kể từ khi bệnh nhân nhập viện và không có ở giai đoạn ủ bệnh tại  thời điểm nhập viện.1  Nhiễm khuẩn bệnh viện là một trong những nguyên nhân hàng đầu làm tăng tỷ lệ mắc bệnh, tăng tỷ lệ tử vong, kéo dài thời gian điều trị, đặc biệt làm tăng chi phí điều trị và tăng kháng thuốc của vi sinh vật. Nhiễm khuẩn bệnh viện xuất hiện tại những cơ sở khám chữa bệnh không tuân thủ các quy trình thực hành vô khuẩn cơ bản trong chăm sóc, điều trị người bệnh và ở những nơi kiến thức, thái độ về kiểm soát nhiễm khuẩn  của nhân viên y tế còn hạn chế.2

Tổ chức Y tế thế giới tiến hành điều tra tại 55 bệnh viện của 14 nước trên thế giới, đại diện cho các khu vực, tỷ lệ NKBV là 8,7%. Ước tính lên đến 25% tại các nước đang phát triển và ở bất cứ thời điểm nào cũng có hơn 1,4 triệu lượt người bệnh trên thế giới mắc nhiễm khuẩn bệnh viện.3 Tại Việt Nam, các loại nhiễm khuẩn bệnh viện thường gặp là nhiễm khuẩn hô hấp (68,1%),  nhiễm khuẩn huyết (14,4%), nhiễm khuẩn tiết niệu (8,3%).4 Có nhiều phương thức lây truyền nhiễm khuẩn bệnh viện, tuy nhiên sự lây truyền qua bàn tay nhân viên y tế là một trong những nguyên nhân hàng đầu.5 Tổ chức Y tế thế giới đã khuyến  cáo, rửa tay là biện pháp rẻ tiền và hiệu quả nhất đề phòng nhiễm khuẩn bệnh viện. Nhiễm khuẩn liên quan đến chăm sóc y tế không chỉ là chỉ số chất lượng chuyên môn, mà còn là chỉ số an toàn người bệnh. Công tác kiểm soát nhiễm khuẩn (KSNK) đã được Bộ Y tế đưa vào tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện hàng năm.6 Đề tài được thực hiện với mục tiêu mô tả kiến thức của nhân viên y tế về kiểm soát nhiễm khuẩn tại Bệnh viện Y Dược Cổ truyền Sơn La năm 2020.

  1. Đối tượng và phương pháp
  2. Đối tượng

Nhân viên y tế Bệnh viện Y Dược Cổ truyền Sơn La.

Tiêu chuẩn lựa chọn: Nhân viên y tế có trình độ từ trung cấp trở lên trực tiếp làm công tác chuyên môn tại 5 khoa lâm sàng, tự nguyện tham gia nghiên cứu.

Tiêu chuẩn loại trừ: Cán bộ vắng mặt hoặc không tham gia đầy đủ suốt thời gian nghiên cứu, không tự nguyện tham gia.

  1. Phương pháp

Thời gian và địa điểm: Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 4 – 9/2020, thu thập số liệu vào tháng 5 năm 2020 tại 5 khoa lâm sàng: khoa Nội – Nhi, khoa Châm cứu  –  Dưỡng  sinh,  khoa  Khám  bệnh,  khoa Ngoại tổng hợp và Khoa Phục hồi chức năng của Bệnh viện Y Dược Cổ truyền Sơn La.

Thiết kế nghiên cứu: Mô tả cắt ngang.

Cỡ mẫu và chọn mẫu: Chọn toàn bộ nhân viên y tế có trình độ từ trung cấp trở lên trực tiếp làm công tác chuyên môn tại 5 khoa lâm sàng. Có 69 nhân viên y tế đủ tiêu chuẩn tham gia vào nghiên cứu.

Biến số nghiên cứu: Kiến thức đúng của nhân viên y tế về: Kiểm soát nhiễm  khuẩn;  Khử  khuẩn, tiệt khuẩn; Phòng ngừa chuẩn; Vệ sinh tay.

Thu thập số liệu: Phỏng vấn nhân viên y tế bằng bộ câu hỏi được thiết kế sẵn dựa trên tài liệu hướng dẫn về kiểm soát nhiễm khuẩn theo Quyết định 3671/QĐ-BYT ngày 27/9/2012 của Bộ Y tế hướng dẫn khử khuẩn, tiệt khuẩn dụng cụ trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Quyết định 3916/QĐ-BYT ngày 28/8/2017 về việc phê duyệt các Hướng dẫn kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. 

  1. Xử lý số liệu 

Số liệu được làm sạch và nhập vào máy tính bằng phần mềm Epidata. Phân tích số liệu bằng phần mềm STATA 15. Sử dụng thống kê mô tả để tính toán số lượng, tỷ lệ % các mục kiến thức về kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện.

Kiến  thức đúng được đo lường theo từng tiểu mục và theo quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn của Bộ Y tế.

  1. Đạo đức nghiên cứu

Nghiên cứu được sự đồng ý của lãnh đạo bệnh viện. Kết quả nghiên cứu được báo cáo Hội  đồng  Kiểm  soát  nhiễm  khuẩn  của  bệnh viện nhằm đóng góp cho công tác chăm sóc và điều trị người bệnh, phòng ngừa nhiễm khuẩn tại bệnh viện.

III. Kết quả

Bảng 1. Tỷ lệ nhân viên y tế có kiến thức đúng về kiểm soát nhiễm khuẩn (n = 69)

Nội dung

Số lượng (n)

Tỷ lệ (%)

Khái niệm nhiễm khuẩn bệnh viện

44

63,8

Nguyên nhân nhiễm khuẩn bệnh viện

57

82,6

Mục tiêu cơ bản chương trình nhiễm khuẩn bệnh viện

55

79,7

Nhân viên y tế cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn

59

85,5

Biện pháp phòng tránh nhiễm khuẩn bệnh viện

45

65,2

Nhân viên y tế có kiến thức đúng về nguyên nhân của nhiễm khuẩn bệnh viện, các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn cao (> 80%). Tỷ lệ nhân viên y tế có kiến thức đúng về khái niệm nhiễm khuẩn bệnh viện và các biện pháp phòng tránh nhiễm khuẩn bệnh viện còn thấp. 

Bảng 2. Kiến thức đúng của nhân viên y tế về khử khuẩn, tiệt khuẩn (n = 69)

Nội dung

Số lượng (n)

Tỷ lệ (%)

Xử lý dụng cụ y tế

55

79,7

Nguyên tắc khử khuẩn, tiệt khuẩn

51

73,9

Chọn hoá chất xử lý dụng cụ

60

86,9

Mức độ khử khuẩn

55

79,7

Dụng cụ buộc phải tiệt khuẩn

61

88,4

Trên 70% nhân viên y tế có kiến thức đúng về khử khuẩn, tiệt khuẩn. Nhân viên y tế có kiến thức đúng về chọn hóa chất xử lý dụng cụ và các dụng cụ buộc phải tiệt khuẩn cao (> 80%). Kiến thức đúng về nguyên tắc khử khuẩn, tiệt khuẩn thấp nhất (73,9%).

Bảng 3. Kiến thức đúng của nhân viên y tế về phòng ngừa chuẩn (n = 69)

Nội dung

Số lượng (n)

Tỷ lệ (%)

Chỉ định mang găng tay

61

88,4

Mang phương tiện phòng hộ khi chăm sóc người bệnh

62

89,9

Đường lây truyền trong bệnh viện

57

82,6

Thực hành trong phòng ngừa chuẩn

53

76,8

Vị trí lưu giữ những phương tiện phòng hộ

46

66,7

Nhân viên y tế có kiến thức đúng về chỉ định mang găng tay, mang phương tiện phòng hộ khi chăm sóc người bệnh và đường lây truyền trong bệnh viện cao (> 80%). Tỷ lệ nhân viên y tế có kiến thức đúng về thực hành trong phòng ngừa chuẩn và vị trí lưu giữ những phương tiện phòng hộ chưa cao.

Bảng 4. Kiến thức đúng của nhân viên y tế về vệ sinh tay (n = 69)

Nội dung

Số lượng (n)

Tỷ lệ (%)

Nguyên nhân phải vệ sinh tay

54

78,3

Tác dụng của vệ sinh tay

62

89,9

Phương pháp vệ sinh tay

62

89,9

Thời điểm vệ sinh tay

59

85,5

Sáu bước kỹ thuật vệ sinh tay

56

81,2

Tỷ lệ nhân viên y tế có kiến thức đúng về vệ sinh tay cao (> 80%). Nhân viên y tế có kiến thức đúng về phương pháp vệ sinh tay đạt tỷ lệ cao, nhân viên y tế có kiến thức đúng về nguyên nhân phải vệ sinh tay thấp nhất (78,3%).

  1. Bàn luận

Nhiễm khuẩn bệnh viện là một vấn đề phổ biến toàn cầu. Nhân viên y tế là người trực tiếp tiếp xúc với người bệnh, có kiến thức tốt, có thái độ tích cực sẽ đóng góp rất lớn đến công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, nâng cao chất lượng điều trị và chăm sóc người bệnh. Nhân viên y tế Bệnh viện Y Dược cổ truyền Sơn La có kiến thức đúng về nguyên nhân nhiễm khuẩn bệnh viện, các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn cao (> 80%), trong khi kiến thức đúng về biện pháp phòng tránh nhiễm khuẩn bệnh viện chỉ đạt 65,2%, tương tự như kết quả nghiên cứu tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và nghiên cứu tại Iran trên đối tượng điều dưỡng.7,8 Kiến  thức  về  khử  khuẩn  –  tiệt  khuẩn  của nhân viên y tế với tỷ lệ trả lời đúng > 79%, thấp nhất là kiến thức về nguyên tắc khử khuẩn-tiệt khuẩn, cao hơn kết quả nghiên cứu tại Bệnh viện E năm 2015 và thấp hơn kết quả tại Bệnh viện Việt Đức. Kiến thức của điều dưỡng Bệnh viện E về khử khuẩn mức độ cao dụng cụ y tế còn thấp (37,9%), khái niệm cơ bản về khử khuẩn – tiệt khuẩn dụng cụ đối tượng nghiên cứu trả lời chưa đúng yêucầu9,10. Việc tái sử dụng các dụng cụ trong chăm sóc và điều trị tại các cơ sở y tế là một việc làm thường quy. Quá trình tái sử dụng này nếu không được tuân thủ nghiêm ngặt đúng cách từ khâu làm sạch đến khâu khử khuẩn, tiệt khuẩn có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng trong quá trình điều trị và chăm sóc người bệnh.

Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã đề cập đến nhân viên y tế chưa tuân thủ biện pháp phòng ngừa chuẩn theo hướng dẫn được ban hành, ở cả những nước phát triển cũng như những nước đang phát triển. Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ nhân viên y tế có kiến thức đúng về những lưu ý khi mang phương tiện phòng hộ cá nhân chiếm 89,9% và 66,7% nhân viên y tế biết được vị trí lưu giữ những phương tiện phòng hộ cá nhân, kết quả này cao hơn nghiên cứu của Sodhi tại Ấn Độ năm 2013.11

Tỷ lệ nhân viên y tế có kiến thức đúng về vệ sinh tay cao (> 78%), 89,9% nhân viên y tế có kiến thức đúng về phương pháp vệ sinh tay. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi tương tự như kết quả tại Bệnh viện E.9 80% điều dưỡng cho rằng rửa tay bằng nước và xà phòng hiệu quả tốt hơn rửa tay bằng dung dịch chứa cồn.12Điều này cho thấy điều dưỡng của bệnh viện 103 tại thời điểm năm 2013 vẫn chưa đánh giá  đúng tính ưu việt, tiện lợi và hiệu quả của phương pháp rửa tay bằng dung dịch chứa cồn, vẫn có thói quen cũ, coi việc rửa tay bằng nước và xà phòng là hiệu quả nhất. Trên thực tế, khi thực hành chăm sóc người bệnh không phải chỗ nào cũng có bồn, nước và xà phòng để thực hiện việc rửa tay, ngay cả khi có đầy đủ trang thiết bị thì điều dưỡng cũng không thể cứ tiêm xong một bệnh nhân lại đến bồn rửa tay một lần. 

Ở nước ta, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn vẫn còn nhiều trở ngại như nguồn ngân sách hạn chế, cơ sở vật chất chưa đầy đủ, nhân viên y tế chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của công tác kiểm soát nhiễm khuẩn. Nguyên nhân gây nhiễm khuẩn bệnh viện có rất nhiều như từ thiết bị kỹ thuật, quy trình chuyên môn, vi khuẩn kháng thuốc. Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân quan trọng nhiễm khuẩn bệnh viện là kiến thức, thái độ của nhân viên y tế về kiểm soát nhiễm khuẩn chưa tốt hay đúng hơn kiến thức, thái độ của nhân viên y tế về tuân thủ phòng ngừa chuẩn chưa cao. 

Kết quả  này cũng gợi ý sự cần thiết của việc tăng cường đào tạo và đào tạo liên tục cho nhân viên y tế, để nâng cao kiến thức kiểm soát nhiễm khuẩn trong bối cảnh mầm bệnh mới cũng như vi khuẩn kháng thuốc ngày càng phát triển, là công việc rất cần thiết. Vì thiếu cập nhật kiến thức và không được đào tạo tăng cường kỹ năng thường xuyên cho nhân viên y tế chính là một nguyên nhân ảnh hưởng đến thái độ và thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện chưa toàn diện.

  1. Kết luận

Kiến thức đúng về kiểm soát nhiễm khuẩn của nhân viên y tế Bệnh viện Y Dược cổ truyền Sơn La gần 80%. Bệnh viện cần thường xuyên tập huấn nâng cao kiến thức của nhân viên y tế về kiểm soát nhiễm khuẩn, chú ý những nội dung như các biện  pháp  phòng  tránh  nhiễm khuẩn bệnh viện, vị trí lưu giữ phương tiện phòng hộ, thực hành trong phòng ngừa chuẩn và nguyên tắc khử khuẩn, tiệt khuẩn.

1Viện Đào tạo YHDP và YTCC, Trường Đại học Y Hà Nội

2Bệnh viện Y Dược Cổ truyền Sơn La

Tài liệu tham khảo

  1. WHO. Prevention  of  hospital-acquired infections: a practical guide / editors: G. Ducel, J.  Fabry  and  L.  Nicolle,  2nd.  ed.Geneva, Switzerland: World Health Organization;2002. Accessed  26/4/2021. https://apps.who.int/iris/handle/10665/67350.
  2. Cục quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế. Tài  liệu đào  tạo  phòng  và  kiểm  soát  nhiễm khuẩn: Hà Nội; 2012.
  3. WHO. Prevention  of  hospital-acquired infection. Practice Guide; 2002.
  4. Bùi Hồng Giang. Nghiên cứu đặcđiểmvi khuẩn và điều trị nhiễm khuẩn bệnh viện tại khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai năm 2012. Luận văn Thạc sĩ y học:Trường Đại học Y Hà Nội; 2013.
  5. Phạm Đức Mục. Vai trò Vệ sinh bàn tay trong  Phòng  ngừa  Nhiễm  khuẩn  bệnh  viện. Tập huấn giáo viên về Vệ sinh bệnh viện: Hà Nội; 2010.
  6. Bộ Y tế. Quyết định số 3916/ QĐ-BYT ngày  28  tháng  8  năm  2017,  phê  duyệt  các hướng dẫn kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh: Hà Nội; 2017.
  7. Nguyễn Thị Thu Hà và cs. Thực trạng kiến thức về kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện của điều dưỡng viên hồi sức tích cực, bệnh viện Hữu nghị Việt Đức năm 2015. Tạp chí Y học dự phòng. 2016; tập XXVI, số 15(188),56.
  8. Farid  Najafi.  Knowledge,  Attitude  and Practice  of  Nurses  Regarding  Nosocomial Infections  Control  in  Teaching  Hospitals  of Kermanshah  University  of  Medical  Sciences, Iran. Arch Hyg Sci. 2017;6(4):314-319.
  9. Nguyễn Thị Tuyết Mai. Thực trạng kiến thức, thái độ và thực hành về kiểm soát nhiễm khuẩn của điều dưỡng bệnh viện E năm 2015. Luận văn thạc sĩ quản lý bệnh viện: Trường Đại học Y Hà Nội; 2015.
  10. Nguyễn  Thị  Thu  Hà. Thực  trạng  kiến thức và thái độ của điều dưỡng hồi sức tích cực về kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện tại bệnh viện hữu nghị Việt Đức năm 2015. Luận văn thạc sĩ quản lý bệnh viện: Trường Đại học Y Hà Nội; 2015.
  11. Kanwal  preet  Sodhi.  Knowledge  of infection  control  practices  among  intensive care nurses in a tertiary care hospital. J Infect Public Health. 2013; 6(4):269-75.
  12. Bùi  Quang  Thiện,  Kiều  Chí  Thành. Đánh giá nhận thức về vệ sinh tay của điều dưỡng  bệnh  viện  103. Tạp  chí  Y  học  thực hành. 2013;(874)6:6-8.

Bản quyền và thương hiệu: Thông tin và hình ảnh trên website thuộc quyền sở hữu của Vinmecdr. Việc sao chép, sử dụng phải được Vinmecdr chấp thuận trước bằng văn bản.

Miễn trừ trách nhiệm: Tất cả những tư liệu được cung cấp trên website này đều mang tính tham khảo. Do đó, nội dung và hình ảnh sẽ được thay đổi, cập nhật và cải tiến thường xuyên mà không phải thông báo trước. Vinmecdr không bảo đảm về độ chính xác cũng như sự hoàn thiện về thông tin. Chúng tôi không chịu trách nhiệm pháp lý cho những thiệt hại xuất hiện trực tiếp hay gián tiếp từ việc sử dụng hoặc hành động dựa theo những thông tin trên hoặc một số thông tin xuất hiện trên website này. Vinmecdr không chịu trách nhiệm pháp lý về những sai sót, lỗi chính tả… do nhập liệu cùng với những sự cố khách quan khác như: nhiễm virus, hành vi phá hoại, ác ý… xảy ra trên website này cũng như các website liên kết, nếu có.

Đường link liên kết

Vinmecdr sẽ không chịu trách nhiệm hay có nghĩa vụ pháp lý dưới bất kỳ hình thức nào về nội dung của những website không thuộc Vinmecdr được liên kết với website www.vinmecdr.com, bao gồm các sản phẩm, dịch vụ và những mặt hàng khác được giới thiệu thông qua những website đó.

facebook
63

Bài viết liên quan

Bình luận0

Đăng ký
Thông báo về
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận

Bài viết cùng chuyên gia