MỚI

Huyết tương giàu tiểu cầu – Liệu pháp điều trị tiềm năng trong y sinh học

Ngày xuất bản: 02/06/2023

Huyết tương giàu tiểu cầu (Platelet-rich plasma – PRP) còn được biết đến với những thuật ngữ khác như: gel tiểu cầu tự thân (autologous platelet gel), sợi fibrin giàu tiểu cầu (Platelet-rich fibrin – PRF), huyết tương giàu các nhân tố tăng trưởng (plasma rich in growth factors – PRGF), khối tiểu cầu (platelet concentrate – PC)

1. Huyết tương giàu tiểu cầu là gì?

PRP là một chế phẩm từ máu  có hàm lượng tiểu cầu cao hơn nhiều lần so với hàm lượng tiểu cầu trung bình có trong máu ngoại vi. Nói cách khác, PRP tập trung một lượng lớn tiểu cầu trong một lượng thể tích nhỏ huyết tương sau khi ly tâm [2]. Tiểu cầu chứa 3 loại hạt chính: hạt alpha, hạt dense và lysosome [3]. Trong đó, hạt alpha (α) chứa một lượng lớn các nhân tố tăng trưởng quan trọng (PDGF, TGF-ß, VEGF, EGF, FGF, HGF, IGF-I), các cytokine, chemokine và các protein khác có vai trò kích thích hóa ứng động, thúc đẩy tế bào tăng sinh, biệt hóa, điều hòa các phân tử của quá trình viêm và thu hút bạch cầu [4]. Hạt dense chứa adenosine, serotonin, histamine, canxi tham gia vào chuyển hóa năng lượng, ngăn tổn thương mô, sửa và tái cấu trúc mô, kích thích nguyên bào sợi tăng sinh [4]. Hạt lisosome tiết ra acid hydrolases, cathepsin D và E, elastases và lisozima có vai trò quan trọng cho quá trình chữa lành vết thương. Ngoài ra, PRP cũng chứa fibrin, fibronectin và vitronectin có vai trò như những phân tử kết dính trong quá trình đông máu [5].

Huyết tương giàu tiểu cầu

Huyết tương giàu tiểu cầu [6]

Quá trình thu nhận PRP tương đối đơn giản, dễ thực hiện, nhưng đòi hỏi được thực hiện trong điều kiện vô trùng cao. Tùy thuộc vào yêu cầu của từng phương pháp điều trị mà thể tích máu ngoại vi ban đầu và PRP thu thập được là khác nhau. Hàm lượng tiểu cầu, tỉ lệ các thành phần tế bào máu trong mẫu PRP thu được phụ thuộc vào phương pháp điều chế, thời gian và tốc độ ly tâm. Khoảng 30ml máu được lấy từ máu tĩnh mạch ở tay hoặc chân và thu vào trong các ống chứa chất chống đông, thường là acid citrate dextrose hoặc sodium citrate solution. Sau khi ly tâm ở tốc độ cao,  phân lớp hồng cầu và huyết tương nghèo tiểu cầu được loại bỏ để thu 3-5ml huyết tương giàu tiểu cầu (gồm tiểu cầu và các tế bào bạch cầu).

PRP là sản phẩm của máu tự thân nên an toàn, không gây đáp ứng miễn dịch và giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm như: HIV, HBV, HCV. Bên cạnh đó, PRP là nguồn dự trữ lớn các protein tham gia quá trình đáp ứng viêm, tạo mạch, kích thích quá trình phân chia, biệt hóa và di chuyển của nhiều loại tế bào liên quan đến quá trình chữa lành vết thương và tái tạo mô [2]. 

2. Vai trò của huyết tương giàu tiểu cầu

Khi mô bị tổn thương, các quá trình cầm máu, viêm và chữa lành vết thương sẽ diễn ra để sửa chữa và thiết lập lại chức năng của mô. Quá trình chữa lành vết thương gồm 3 giai đoạn: viêm, tăng sinh và tái cấu trúc mô (Hình 2). Các giai đoạn này được kiểm soát bởi nhiều nhân tố tăng trưởng và liên kết thông qua nhiều con đường tín hiệu tế bào phức tạp (Hình 3) [7]. Các nhân tố tăng trưởng ảnh hưởng tới hóa hướng động và di chuyển tế bào thông qua các chất hóa học trung gian. Các yếu tố tăng trưởng này thúc đẩy quá trình nguyên phân, tổng hợp chất nền ngoại bào và tạo mạch. Hơn nữa, chúng cũng phát tín hiệu cho các tế bào tăng sinh, dẫn tới sự trưởng thành, biệt hóa của tế bào và cuối cùng là sửa chữa mô [8, 9].

Quá trình chữa lành vết thương gồm 3 giai đoạn chồng chéo lên nhau: viêm (Inflammation), tăng sinh (Proliferation) và tái cấu trúc mô (Remodeling) [10]

Các nhân tố tăng trưởng tham gia vào các giai đoạn khác nhau của quá trình chữa lành vết thương [3]

Nghiên cứu của Menetrey chứng minh FGF và IGF đóng vai trò quan trọng trong quá trình tạo sợi, tái tạo cơ nên có ý nghĩa trong phục hồi căng cơ [11]. Liên quan đến tái tạo sụn khớp, các yếu tố tăng trưởng dường như có tác dụng kích thích tăng sinh sụn. TGF-ß có vai trò trong việc biểu hiện kiểu hình tế bào sụn và kích thích tế bào gốc trung mô biệt hóa tế bào sụn. IGF cũng có đặc điểm đồng hóa trong quá trình tái tạo sụn. Ngoài ra, PDGF cũng ảnh hưởng tới sự tăng sinh tế bào sụn và tổng hợp proteoglycan [9]. Báo cáo của Kajikawa và các cộng sự chỉ ra PRP có thể ức chế tình trạng viêm quá mức, kích hoạt các tế bào tham gia quá trình chữa lành tổn thương mô tới vị trí cần được sửa chữa, đồng thời thúc đẩy sự tăng sinh và trưởng thành của tế bào. Các nhân tố tăng trưởng trong PRP như VEGF và HGF có vai trò thúc đẩy quá trình tạo mạch, sửa chữa mô tổn thương [12].

3. Các ứng dụng của liệu pháp huyết tương giàu tiểu cầu trong lâm sàng

Vào những năm 1970, lần đầu tiên PRP được sử dụng để điều trị cho những bệnh nhân bị bệnh giảm tiểu cầu. Khoảng 10 năm sau, PRP trở thành liệu pháp tiềm năng trong phẫu thuật răng hàm mặt với vai trò là sợi fibrin giàu tiểu cầu. Sau đó, PRP được biết đến như là liệu pháp an toàn và hiệu quả trong điều trị tổn thương cơ xương khớp, nhất là các chấn thương liên quan đến thể thao. Gần đây, PRP nhận được nhiều quan tâm trong lĩnh vực thẩm mỹ điều trị các vấn đề liên quan đến da như trẻ hóa làn da, căng bóng da, cải thiện sắc tố da và điều trị nám, làm mờ sẹo, điều trị rụng tóc, hói hiệu quả. Hiện nay, PRP được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực y sinh học khác nhau từ điều trị các vết loét da mãn tính, phẫu thuật chỉnh hình, nha khoa, nhãn khoa, tiết niệt, phụ khoa đến hỗ trợ sinh sản. PRP dần trở thành liệu pháp tự thân tiềm năng, an toàn và hiệu quả [1].

Một số ứng dụng nổi bật của liệu pháp huyết tương giàu tiểu cầu:

3.1. Ứng dụng PRP thúc đẩy quá trình chữa lành vết thương

Phẫu thuật được xem là tiêu chuẩn vàng trong điều trị một số bệnh như rách chóp xoay, tái tạo dây chằng chéo trước, thay khớp gối,…khi bệnh tiến triển nặng hoặc không đáp ứng với các phương pháp điều trị thông thường. Một ca phẫu thuật thành công nếu như không xảy ra hiện tượng chảy máu sau phẫu thuật, không hình thành các cục máu đông hay xuất hiện tụ máu dưới da và tiết dịch, là một trong những nguyên nhân gây đau đớn, ảnh hưởng tới vận động, gây rối loạn quá trình chữa lành vết thương và khiến thời gian điều trị kéo dài hơn [13].

Ứng dụng PRP được xem là phương pháp thay thế an toàn và hiệu quả khi phẫu thuật thất bại hoặc trong điều trị một số bệnh hạn chế phẫu thuật can thiệp. Năm 1986, báo cáo lâm sàng đầu tiên của Knighton về ứng dụng PRP điều trị cho 49 bệnh nhân bị loét da mãn tính cho thấy, không xuất hiện mô bất thường, sẹo lồi hay sẹo phì đại, thời gian điều trị cũng được rút ngắn [14]. Năm 1987, lần đầu tiên PRP được sử dụng trong phẫu thuật tim mạch để giảm hiện tượng chảy máu [15]. Năm 1997, Whitman đã sử dụng PRP dưới dạng gel tiểu cầu để tránh hiện tượng chảy máu và thúc đẩy quá trình chữa lành vết thương trong phẫu thuật răng hàm mặt [16]. Kể từ sau bài công bố của Mooar và cộng sự tại Hội nghị về phẫu thuật chỉnh hình, nhiều nghiên cứu sau đó đã công bố ứng dụng PRP trong phẫu thuật thay khớp gối giúp giảm chảy máu trong và sau phẫu thuật, giảm nguy cơ phải truyền máu, thúc đẩy quá trình chữa lành vết thương, giúp giảm đau, hạn chế nhiễm khuẩn và rút ngắn thời gian điều trị [13].

3.2. Ứng dụng PRP điều trị tổn thương cơ xương khớp

Các nghiên cứu in vitro, in vivo đã chỉ ra PRP kích thích quá trình tăng sinh và biệt hóa của nhiều loại tế bào gồm tế bào tạo xương, nguyên bào sợi, sụn bào, tế bào gốc trung mô,… [17]. Trong lâm sàng, PRP được chứng minh là liệu pháp điều trị hiệu quả trong phẫu thuật chỉnh hình và điều trị những tổn thương về cơ, gân và dây chằng, đặc biệt là các chấn thương liên quan đến thể thao [18]. Các kết quả cho thấy PRP thúc đẩy quá trình chữa lành tổn thương xương, tăng độ chắc cho xương, giảm các triệu chứng sưng, đau rõ rệt, hạn chế nhiễm khuẩn sau phẫu thuật và rút ngắn thời gian điều trị [17, 19]. Nhiều nghiên cứu chứng minh PRP có hiệu quả tích cực trong điều trị thoái hóa khớp gối, giúp giảm sưng đau, cải thiện chức năng vận động và không xảy ra bất kỳ biến chứng nào [20, 21]

Trong các thủ thuật ghép xương nâng cao, nhất là trong nha khoa, PRP được kết hợp với các vật liệu ghép xương tự thân khác cho hiệu quả tích cực. Ứng dụng PRP trong nhổ răng, đặc biệt là răng hàm, giúp giảm sưng đau, cải thiện tình trạng chảy máu kéo dài, giảm nhiễm trùng hay gây áp xe, giúp quá trình điều trị dễ dàng hơn đối với bệnh nhân đang điều trị thuốc chống đông máu. Trong khi đó, những bệnh nhân không được điều trị với PRP thì gặp phải một số biến chứng như chảy máu, khô hốc răng hay viêm cấp tính [22-24]. 

3.3. Ứng dụng PRP trong thẩm mỹ

Những ứng dụng của PRP trong thẩm mỹ ngày càng phổ biến, từ việc điều trị những vết loét mãn tính tới điều trị rụng tóc do nhiều nguyên nhân. Các nhân tố tăng trưởng có trong PRP có thể làm chậm lại quá trình lão hóa nhờ khả năng thu hút đại thực bào, tăng sinh nguyên bào sợi và tham gia tổng hợp các thành phần của chất nền ngoại bào [25].

Một trong những ưu điểm chính của PRP là có thể sử dụng cho mọi đối tượng, mọi lứa tuổi và sử dụng cho mọi loại da, hạn chế tối đa hiện tượng sưng đỏ, bầm tím hay giảm đau hiệu quả. Nghiên cứu in vitro của Kim và cộng sự chứng minh rằng PRP kích thích quá trình tăng sinh của nguyên bào sợi và tăng cường tổng hợp collagen loại I [26]. Các báo cáo lâm sàng của Cameli [27] và Abuaf [28] cũng chỉ ra tiêm PRP kích thích quá trình tổng hợp collagen.

Năm 2017, báo cáo của Elnehrawy khi tiêm PRP cho 20 bệnh nhân nữ giúp căng da, cải thiện các nếp nhăn trên khuôn mặt và nếp gấp vùng mũi [29]. Một số nghiên cứu khác cũng chứng minh PRP giúp tăng độ đàn hồi của da [30], cải thiện tình trạng rạn da [31], làm đều màu da, điều trị nám và làm sáng da [32] mà không gây ra bất kỳ biến chứng nào. Ngoài ra, PRP còn là liệu pháp tiềm năng trong điều trị sẹo [33] (sẹo do mụn, bỏng hay chấn thương) và kích thích mọc tóc trong điều trị rụng tóc, hói tóc cho cả nam và nữ do nhiều nguyên nhân khác nhau [34, 35].

3.4. Ứng dụng PRP trong hỗ trợ sinh sản

Lớp nội mạc tử cung quá mỏng (< 7mm) hoặc bị tổn thương gây ảnh hưởng đến quá trình thụ thai tự nhiên hoặc hiệu quả của các phương pháp hỗ trợ sinh sản (IVF/ICSI). Năm 2015, nhóm nghiên cứu của Chang và cộng sự đã có công bố đầu tiên về ứng dụng PRP điều trị cho 5 bệnh nhân thực hiện IVF nhiều lần nhưng thất bại do lớp nội mạc tử cung mỏng. Kết hợp điều trị với liệu pháp sử dụng hormone thay thế và sau 2 lần truyền PRP, nội mạc tử cung của cả 5 bệnh nhân đều đạt độ dày trung bình > 7mm [36]. Các nghiên cứu sau đó cũng báo cáo về hiệu quả tích cực của PRP giúp kích thích nội mạc tử cung phát triển, tăng độ dày, từ đó tăng khả năng thụ thai [37, 38]. Hơn nữa, PRP cũng được chứng minh giúp trẻ hóa buồng trứng, kích thích hình thành nang trứng cho những phụ nữ bị thoái hóa buồng trứng hoặc phụ nữ mãn kinh [39, 40]. Với chi phí thấp, không xâm lấn, an toàn và hiệu quả, PRP đang dần trở thành liệu pháp điều trị tiềm năng trong hỗ trợ sinh sản. Những nguy cơ như nhiễm khuẩn, chảy máu, đáp ứng miễn dịch hay tổn thương thần kinh được giảm thiểu tối đa.

Tài liệu tham khảo

  1. R. Alves and R. Grimalt, A Review of Platelet-Rich Plasma: History, Biology, Mechanism of Action, and Classification, Skin Appendage Disord. 4 (1) (2018),  18-24, http://doi.org/10.1159/000477353 
  2. R. E. Marx, Platelet-rich plasma (PRP): what is PRP and what is not PRP?, Implant Dent. 10 (4) (2001),  225-8, http://doi.org/10.1097/00008505-200110000-00002 
  3. P. A. Everts et al., Platelet-rich plasma and platelet gel: a review, J Extra Corpor Technol. 38 (2) (2006),  174-87, 
  4. A. Mishra, J. Woodall, Jr., and A. Vieira, Treatment of tendon and muscle using platelet-rich plasma, Clin Sports Med. 28 (1) (2009),  113-25, http://doi.org/10.1016/j.csm.2008.08.007 
  5. R. Dhurat and M. Sukesh, Principles and Methods of Preparation of Platelet-Rich Plasma: A Review and Author’s Perspective, J Cutan Aesthet Surg. 7 (4) (2014),  189-97, http://doi.org/10.4103/0974-2077.150734 
  6. https://www.istockphoto.com
  7. M. Hope and T. S. Saxby, Tendon healing, Foot Ankle Clin. 12 (4) (2007),  553-67, v, http://doi.org/10.1016/j.fcl.2007.07.003 
  8. J. W. Hammond, R. Y. Hinton, L. A. Curl, J. M. Muriel, and R. M. Lovering, Use of autologous platelet-rich plasma to treat muscle strain injuries, Am J Sports Med. 37 (6) (2009),  1135-42, http://doi.org/10.1177/0363546508330974 
  9. E. Kon et al., Platelet-rich plasma: intra-articular knee injections produced favorable results on degenerative cartilage lesions, Knee Surg Sports Traumatol Arthrosc. 18 (4) (2010),  472-9, http://doi.org/10.1007/s00167-009-0940-8 
  10. K. S. Lee, J. J. Wilson, D. P. Rabago, G. S. Baer, J. A. Jacobson, and C. G. Borrero, Musculoskeletal applications of platelet-rich plasma: fad or future?, AJR Am J Roentgenol. 196 (3) (2011),  628-36, http://doi.org/10.2214/AJR.10.5975 
  11. J. Menetrey et al., Growth factors improve muscle healing in vivo, J Bone Joint Surg Br. 82 (1) (2000),  131-7, http://doi.org/10.1302/0301-620x.82b1.8954 
  12. Y. Kajikawa et al., Platelet-rich plasma enhances the initial mobilization of circulation-derived cells for tendon healing, J Cell Physiol. 215 (3) (2008),  837-45, http://doi.org/10.1002/jcp.21368 
  13. W. J. Berghoff, W. S. Pietrzak, and R. D. Rhodes, Platelet-rich plasma application during closure following total knee arthroplasty, Orthopedics. 29 (7) (2006),  590-8, http://doi.org/10.3928/01477447-20060701-11 
  14. D. R. Knighton, K. F. Ciresi, V. D. Fiegel, L. L. Austin, and E. L. Butler, Classification and treatment of chronic nonhealing wounds. Successful treatment with autologous platelet-derived wound healing factors (PDWHF), Ann Surg. 204 (3) (1986),  322-30, http://doi.org/10.1097/00000658-198609000-00011 
  15. D. M. Dohan Ehrenfest et al., In search of a consensus terminology in the field of platelet concentrates for surgical use: platelet-rich plasma (PRP), platelet-rich fibrin (PRF), fibrin gel polymerization and leukocytes, Curr Pharm Biotechnol. 13 (7) (2012),  1131-7, http://doi.org/10.2174/138920112800624328 
  16. D. H. Whitman, R. L. Berry, and D. M. Green, Platelet gel: an autologous alternative to fibrin glue with applications in oral and maxillofacial surgery, J Oral Maxillofac Surg. 55 (11) (1997),  1294-9, http://doi.org/10.1016/s0278-2391(97)90187-7 
  17. J. Alsousou, M. Thompson, P. Hulley, A. Noble, and K. Willett, The biology of platelet-rich plasma and its application in trauma and orthopaedic surgery: a review of the literature, J Bone Joint Surg Br. 91 (8) (2009),  987-96, http://doi.org/10.1302/0301-620X.91B8.22546 
  18. E. Kon, G. Filardo, A. Di Martino, and M. Marcacci, Platelet-rich plasma (PRP) to treat sports injuries: evidence to support its use, Knee Surg Sports Traumatol Arthrosc. 19 (4) (2011),  516-27, http://doi.org/10.1007/s00167-010-1306-y 
  19. D. M. Dohan Ehrenfest, L. Rasmusson, and T. Albrektsson, Classification of platelet concentrates: from pure platelet-rich plasma (P-PRP) to leucocyte- and platelet-rich fibrin (L-PRF), Trends Biotechnol. 27 (3) (2009),  158-67, http://doi.org/10.1016/j.tibtech.2008.11.009 
  20. B. O’Connell, N. M. Wragg, and S. L. Wilson, The use of PRP injections in the management of knee osteoarthritis, Cell Tissue Res. 376 (2) (2019),  143-152, http://doi.org/10.1007/s00441-019-02996-x 
  21. M. A. Simental-Mendia, J. F. Vilchez-Cavazos, and H. G. Martinez-Rodriguez, [Platelet-rich plasma in knee osteoarthritis treatment], Cir Cir. 83 (4) (2015),  352-8, http://doi.org/10.1016/j.circir.2014.06.001 
  22. R. Alissa, M. Esposito, K. Horner, and R. Oliver, The influence of platelet-rich plasma on the healing of extraction sockets: an explorative randomised clinical trial, Eur J Oral Implantol. 3 (2) (2010),  121-34, 
  23. R. Celio-Mariano, W. M. de Melo, and C. Carneiro-Avelino, Comparative radiographic evaluation of alveolar bone healing associated with autologous platelet-rich plasma after impacted mandibular third molar surgery, J Oral Maxillofac Surg. 70 (1) (2012),  19-24, http://doi.org/10.1016/j.joms.2011.03.028 
  24. C. Bacci et al., Management of dental extraction in patients undergoing anticoagulant treatment. Results from a large, multicentre, prospective, case-control study, Thromb Haemost. 104 (5) (2010),  972-5, http://doi.org/10.1160/TH10-02-0139 
  25. H. Husein El Hadmed and R. F. Castillo, Cosmeceuticals: peptides, proteins, and growth factors, J Cosmet Dermatol. 15 (4) (2016),  514-519, http://doi.org/10.1111/jocd.12229 
  26. D. H. Kim et al., Can Platelet-rich Plasma Be Used for Skin Rejuvenation? Evaluation of Effects of Platelet-rich Plasma on Human Dermal Fibroblast, Ann Dermatol. 23 (4) (2011),  424-31, http://doi.org/10.5021/ad.2011.23.4.424 
  27. N. Cameli, M. Mariano, I. Cordone, E. Abril, S. Masi, and M. L. Foddai, Autologous Pure Platelet-Rich Plasma Dermal Injections for Facial Skin Rejuvenation: Clinical, Instrumental, and Flow Cytometry Assessment, Dermatol Surg. 43 (6) (2017),  826-835, http://doi.org/10.1097/DSS.0000000000001083 
  28. O. K. Abuaf, H. Yildiz, H. Baloglu, M. E. Bilgili, H. A. Simsek, and B. Dogan, Histologic Evidence of New Collagen Formulation Using Platelet Rich Plasma in Skin Rejuvenation: A Prospective Controlled Clinical Study, Ann Dermatol. 28 (6) (2016),  718-724, http://doi.org/10.5021/ad.2016.28.6.718 
  29. N. Y. Elnehrawy, Z. A. Ibrahim, A. M. Eltoukhy, and H. M. Nagy, Assessment of the efficacy and safety of single platelet-rich plasma injection on different types and grades of facial wrinkles, J Cosmet Dermatol. 16 (1) (2017),  103-111, http://doi.org/10.1111/jocd.12258 
  30. B. Hersant et al., Efficacy of autologous platelet-rich plasma combined with hyaluronic acid on skin facial rejuvenation: A prospective study, J Am Acad Dermatol. 77 (3) (2017),  584-586, http://doi.org/10.1016/j.jaad.2017.05.022 
  31. Z. A. Ibrahim, R. A. El-Tatawy, M. A. El-Samongy, and D. A. Ali, Comparison between the efficacy and safety of platelet-rich plasma vs. microdermabrasion in the treatment of striae distensae: clinical and histopathological study, J Cosmet Dermatol. 14 (4) (2015),  336-46, http://doi.org/10.1111/jocd.12160 
  32. A. Tuknayat, G. P. Thami, M. Bhalla, and J. K. Sandhu, Autologous intralesional platelet rich plasma improves melasma, Dermatol Ther. 34 (2) (2021),  e14881, http://doi.org/10.1111/dth.14881 
  33. V. Cervelli et al., Treatment of traumatic scars using fat grafts mixed with platelet-rich plasma, and resurfacing of skin with the 1540 nm nonablative laser, Clin Exp Dermatol. 37 (1) (2012),  55-61, http://doi.org/10.1111/j.1365-2230.2011.04199.x 
  34. R. James et al., Efficacy of Activated 3X Platelet-Rich Plasma in the Treatment of Androgenic Alopecia, J Stem Cells. 11 (4) (2016),  191-199, 
  35. R. Alves and R. Grimalt, Randomized Placebo-Controlled, Double-Blind, Half-Head Study to Assess the Efficacy of Platelet-Rich Plasma on the Treatment of Androgenetic Alopecia, Dermatol Surg. 42 (4) (2016),  491-7, http://doi.org/10.1097/DSS.0000000000000665 
  36. Y. Chang et al., Autologous platelet-rich plasma promotes endometrial growth and improves pregnancy outcome during in vitro fertilization, Int J Clin Exp Med. 8 (1) (2015),  1286-90, 
  37. S. Zadehmodarres, S. Salehpour, N. Saharkhiz, and L. Nazari, Treatment of thin endometrium with autologous platelet-rich plasma: a pilot study, JBRA Assist Reprod. 21 (1) (2017),  54-56, http://doi.org/10.5935/1518-0557.20170013 
  38. Y. Chang, J. Li, L. N. Wei, J. Pang, J. Chen, and X. Liang, Autologous platelet-rich plasma infusion improves clinical pregnancy rate in frozen embryo transfer cycles for women with thin endometrium, Medicine (Baltimore). 98 (3) (2019),  e14062, http://doi.org/10.1097/MD.0000000000014062 
  39. K. Pantos, N. Nitsos, G. Kokkali, T. Vaxevanoglou, C. Markomichali, and A. Pantou, “Ovarian Rejuvenation and Folliculogenesis Reactivation in Peri-menopausal Women After Autologous Platelet-rich Plasma Treatment,” in “in Proceedings of the 32nd Annual Meeting of ESHRE,” Helsinki, Finland2016.
  40. K. Pantos et al., A Case Series on Natural Conceptions Resulting in Ongoing Pregnancies in Menopausal and Prematurely Menopausal Women Following Platelet-Rich Plasma Treatment, Cell Transplant. 28 (9-10) (2019),  1333-1340, http://doi.org/10.1177/0963689719859539 
facebook
118

Bài viết liên quan

Bình luận0

Đăng ký
Thông báo về
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận

Bài viết cùng chuyên gia