Hướng dẫn xử trí chấn thương vùng mắt
Hướng dẫn xử trí chấn thương vùng mắt áp dụng cho Bác sĩ, điều dưỡng tại các bệnh viện.
Người thẩm định: Nguyễn Tường Vân Người phê duyệt: Phùng Nam Lâm Ngày phát hành: 23/05/2020
1. Mục đích xử trí chấn thương vùng mắt
Nội dung bài viết
- Khám, phát hiện được các tổn thương nhãn cầu và các bộ phận lân cận
- Đánh giá mức độ của tổn thương
- Xử trí cấp cứu ban đầu
2. Định nghĩa:
- Chấn thương mắt là cấp cứu trong nhãn khoa, có thể gặp trong các tai nạn trong sinh hoạt, giao thông, lao động, thể thao, phẫu thuật… và có thể để lại hậu quả nặng nề nếu không được xử trí đúng cách. Trong chấn thương mắt có 2 nhóm lớn là chấn thương mắt và bỏng mắt.
3. Nhận biết chấn thương mắt, bỏng mắt về mặt giải phẫu:
- Chấn thương phần phụ (phần bảo vệ bên ngoài của mắt) như mi mắt, lệ đạo…
- Chấn thương trong mắt: giác mạc (lòng đen), kết mạc (lòng trắng).
- Chấn thương cả mi mắt lẫn trong mắt (cả phần chính lẫn phần phụ).
4. Chấn thương mi và hốc mắt
- Chấn thương mi có thể đơn thuần tổn thương tại mi và cũng có thể phối hợp với các tổn thương khác như chấn thương vùng hàm mặt, chấn thương hốc mắt và chấn thương nhãn cầu kèm theo. Nếu chấn thương nặng thì chụp cắt lớp vi tính (CT Scanner) đầu mặt là cần thiết để đánh giá một cách toàn diện các tổn thương, phải loại trừ được chấn thương sọ não, nhất là khi rất khó đánh giá tình trạng giảm sút của tri giác (trong trường hợp say rượu hay choáng não).
- Những câu hỏi quan trọng được đặt ra trước một trường hợp chấn thương mi:
- Hệ thống lệ có bị thương tổn hay không?
- Cơ nâng mi có bị thương tổn hay nguyên vẹn?
- Có những phần nào của mi bị mất không?
4.1. Khám và xác định tổn thương:
Cần phải kiểm tra thị lực và tình trạng của nhãn cầu trước khi quyết định phục hồi những chấn thương của phần mi và bộ phận phụ cận.
- Kiểm tra thị lực: sử dụng bảng thị lực hiện có tại phòng khám hoặc bệnh viện. Trong trường hợp không có bảng thị lực hoặc bệnh nhân phù nề mắt nhiều không thử được bằng bảng thị lực, nhân viên y tế có thể thử thị lực sơ bộ bằng đèn pin xem còn nhận biết ánh sáng không, đếm được ngón tay không?
- Kiểm tra tình trạng nhãn cầu: nhãn cầu có vết thương, chảy máu? Kiểm tra nhãn áp bằng nhãn áp kế hiện có hoặc bằng nắn tay thử độ căng nhãn cầu.
Hướng dẫn xử trí chấn thương mắt
4.2. Xử trí chấn thương mi và hốc mắt
- Nếu nhãn cầu không có vết thương, vết rách nhìn thấy được bằng mắt thường mới xem xét khâu vết thương mi. Việc khâu vết thương tùy theo khả năng của cơ sở: nếu có các bác sỹ mắt hoặc răng hàm mặt có thể xử trí được thì khâu vết thương sau đó chuyển đến cơ sở nhãn khoa tuyến trên để kiểm tra lại tình trạng mắt chuyên sâu hơn.
- Nếu mi chỉ bầm tím, không có vết thương rách cần khâu thì chỉ rửa vết thương và chuyển bệnh nhân đến cơ sở nhãn khoa để kiểm tra mắt chuyên sâu nhằm loại trừ tổn thương sâu trong nhãn cầu.
- Nhưng có thể chúng ta gặp nhiều khó khăn trong khi khám: bệnh nhân không hợp tác, bệnh nhân là trẻ em… Chính vì vậy, một số trường hợp thủng nhãn cầu có khi chỉ được phát hiện ra khi gây mê toàn thân. Nhãn cầu chấn thương thường phối hợp với chấn thương mi và chấn thương hốc mắt.
- Nếu cơ sở có điều kiện nên làm CT Scanner để loại trừ dị vật nội nhãn hay gãy, vỡ xương để thông báo cho bệnh nhân và gia đình về những tổn thương phối hợp và những việc cần làm.
- Trong trường hợp cơ sở y tế không có đủ các thiết bị trên thì cần chuyển ngay lên tuyến trên sau khi sơ cứu.
5. Các loại chấn thương mắt
5.1. Chấn thương đụng dập
- Bầm máu và phù mi là dấu hiệu thường gặp nhất của chấn thương đụng dập. Mi sưng mọng, màu đỏ hay tím sẫm, mắt khó mở và đau.
- Tụ máu mi mắt
- Mi mắt sưng nề và bầm tím, khó mở mắt. Khi có tụ máu mi mắt, cần chú ý tới thời gian xuất hiện. Xuất hiện ngay sau khi đụng dập là do tổn thương tại chỗ, tổn thương ở mi mắt. Xuất hiện chậm sau vài giờ hay vài ngày là do tổn thương nền sọ, dấu hiệu “đeo kính râm”.
- Tràn khí dưới da mi và kết mạc
- Sờ thấy cảm giác lạo xạo, lép bép dưới da mi. Nguyên nhân là do các xoang xung quanh hốc mắt bị vỡ.
- Sụp mi
- Sụp mi làm khe mi hẹp lại, bệnh nhân khó mở mắt. Nguyên nhân là do rách cơ nâng mi hoặc do tổn thương dây thần kinh III. Cần phân biệt với giả sụp mi là do mắt sưng nề nhiều nên bệnh nhân khó mở mắt. Giả sụp mi sẽ hết khi mắt hết sưng nề.
- Vỡ xương hốc mắt
- Xương hốc mắt có thể bị vỡ trực tiếp hoặc gián tiếp.
- Vỡ thành trên
- Vỡ thành trên ổ mắt có thể dẫn đến những hậu quả rất trầm trọng:
- Vỡ ống thị giác: tổn thương gây mù mắt tạm thời nếu chỉ có phù nề, chèn ép hoặc vĩnh viễn do đứt dây thần kinh số II.
- Hội chứng khe hốc mắt trên (khe bướm): khi đường vỡ đi qua khe bướm gây hậu quả làm liệt thần kinh III, IV, V1 và VI.
- Hội chứng đỉnh hốc mắt: là hội chứng khe hốc mắt trên phối hợp với tổn thương dây thần kinh số II do vỡ ống thị giác.
- Vỡ thành dưới
- Khi thành dưới hốc mắt bị vỡ nhãn cầu và tổ chức hốc mắt có thể tụt xuống xoang hàm gây lõm mắt, hạn chế vận nhãn và song thị.
- Tổn thương của nhãn cầu
- Đụng dập giác mạc
- Tác nhân đầu tù tác động lên giác mạc có thể làm trợt biểu mô, xây xước bề mặt giác mạc hoặc gây phù đục giác mạc do tổn thương lớp nội mô và màng Descemet.
- Xuất huyết tiền phòng
- Nguyên nhân xuất huyết là do tổn thương mạch máu của mống mắt. Lúc đầu hồng cầu hoà lẫn với thủy dịch làm mắt có ánh hồng như mắt thỏ. Sau đó hồng cầu lắng xuống tạo thành ngấn máu trong tiền phòng có giới hạn rõ ràng với thủy dịch trong suốt ở phía trên. Xuất huyết tiền phòng được chia làm 3 mức độ dựa trên độ cao của ngấn máu trong tiền phòng.
5.2. Chấn thương xuyên: có dị vật hoặc không có dị vật
- Vết rách không ảnh hưởng đến bờ mi
- Những vết rách nông ở da và cơ vòng cung chỉ cần khâu da. Nếu những vết rách có thấy mỡ hốc mắt trong vết thương chứng tỏ đã tổn thương đến vách hốc mắt, cần khám cơ nâng mi trước khi khâu để tránh sụp mi.
- Vết rách ở bờ mi
- Vết rách ở bờ mi phải được khâu chính xác để tránh tạo thành hình chữ V, đảm bảo tính thẩm mĩ của mi.
- Vết rách ở góc mắt
- Khi có vết rách ở góc trong mắt cần phải khám kỹ hệ thống dẫn lệ và gân góc mắt. Khi khám và điều trị những vết rách ở góc trong hay góc ngoài cần phải xem cả ba chiều (vị trí của góc mắt theo chiều ngang, dọc và trước sau) để phẫu thuật đạt được kết quả tối ưu về chức năng và thẩm mỹ. Chú ý đến hình dạng khác nhau của góc trong và góc ngoài mắt. Góc ngoài thì nhọn và góc trong thì hơi tròn, nếu không lưu ý đến điều này sẽ ảnh hưởng tới thẩm mỹ và chức năng của bệnh nhân.
- Chấn thương gây tổn thương đường dẫn lệ cần được thăm dò nhẹ nhàng và phải được tiến hành phẫu thuật ở các cơ sở chuyên khoa để tạo hình lại đường dẫn lệ.
- Chấn thương toàn bộ chiều dầy của mi
- Vết thương thường gặp là theo chiều đứng và ngang qua bờ mi. Rách mi theo chiều đứng thường không gây tổn thương cơ nâng mi như trong vết thương theo chiều ngang mi. Thông thường nếu vết thương không gây mất tổ chức thì sự phục hồi như ban đầu có thể đạt được. Nếu có rất nhiều tổn thương và các tổn thương không đồng đều, tổ chức phải được ráp lại và mô tả thật cẩn thận và bảo tồn, nếu cho phép. Nghĩa là các tổ chức không quá dập nát hoại tử. Một nguyên tắc trong chấn thương mi là tiết kiệm cắt lọc các tổ chức.
- Những chấn thương gây mất tổ chức mi
- Trong một vài trường hợp chấn thương gây mất tổ chức mi gây nên khuyết mi hay làm ngắn chiều cao của mi (gây hở mắt sau này). Những trường hợp này cần phải được phẫu thuật tạo hình mi để giữ lại chức năng và thẩm mĩ của mi.
- Chấn thương gây tổn thương cơ nâng mi
- Những tổn thương này thường được chờ khoảng 6 tháng đến khi không còn khả năng tự phục hồi chức năng. Tuy nhiên cũng có trường hợp ngoại lệ là đối với trẻ em cần phẫu thuật sớm để tránh nhược thị sau này.
6. Bỏng mắt
- Đây là một dạng tổn thương đặc biệt. Tổn thương bỏng mi có thể có cả bỏng trên diện rộng ở cơ thể và cả bỏng trong nhãn cầu.
- Bỏng mi gây mất chức năng che phủ bảo vệ của mi, do đó dễ tổn thương các cấu trúc khác của mắt. Do vậy điều trị phải khám và chăm sóc kỹ mắt và mi mắt. Điều trị những bệnh nhân này thường dùng thuốc nước, thuốc mỡ kháng sinh tra mắt, dùng kính tiếp xúc chống bóc hơi nước mắt.Thường ghép da hoặc tạo hình mi khi sẹo đã ổn định.
- Dù do bất cứ nguyên nhân gì đều phải rửa mắt ngay tại chỗ bằng các loại nước sạch có sẵn, rửa càng nhiều càng tốt (có thể để mắt dưới vòi nước máy để rửa hoặc vục mặt vào thau nước lớn để rửa từ 5 – 10 phút). Trừ trường hợp bỏng vôi sống phải lấy hết vôi ra trước khi tiến hành rửa mắt vì vôi sống gặp nước mắt sẽ sôi lên gây thêm bỏng nhiệt. Sau đó, băng mắt và chuyển đến bệnh viện chuyên khoa mắt không được chậm trễ vì bất cứ lý do gì.
Tài liệu tham khảo
- Bộ Y tế: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh về mắt (ban hành kèm theo quyết định số 40/ QĐ –BYT ngày 12-01- 2015). Và các tài liệu khác.
Bản quyền và thương hiệu: Thông tin và hình ảnh trên website thuộc quyền sở hữu của Vinmecdr. Việc sao chép, sử dụng phải được Vinmecdr chấp thuận trước bằng văn bản. Miễn trừ trách nhiệm: Tất cả những tư liệu được cung cấp trên website này đều mang tính tham khảo. Do đó, nội dung và hình ảnh sẽ được thay đổi, cập nhật và cải tiến thường xuyên mà không phải thông báo trước. Vinmecdr không bảo đảm về độ chính xác cũng như sự hoàn thiện về thông tin. Chúng tôi không chịu trách nhiệm pháp lý cho những thiệt hại xuất hiện trực tiếp hay gián tiếp từ việc sử dụng hoặc hành động dựa theo những thông tin trên hoặc một số thông tin xuất hiện trên website này. Vinmecdr không chịu trách nhiệm pháp lý về những sai sót, lỗi chính tả… do nhập liệu cùng với những sự cố khách quan khác như: nhiễm virus, hành vi phá hoại, ác ý… xảy ra trên website này cũng như các website liên kết, nếu có. Đường link liên kết Vinmecdr sẽ không chịu trách nhiệm hay có nghĩa vụ pháp lý dưới bất kỳ hình thức nào về nội dung của những website không thuộc Vinmecdr được liên kết với website www.vinmecdr.com, bao gồm các sản phẩm, dịch vụ và những mặt hàng khác được giới thiệu thông qua những website đó.