Hướng dẫn thực hiện quy trình vận động sớm cho bệnh nhân liệt nửa người sau đột quỵ
Hướng dẫn thực hiện quy trình vận động sớm cho bệnh nhân liệt nửa người sau đột quỵ áp dụng cho khoa Phục hồi chức năng
Người thẩm định: Phạm Đức Huấn
Người phê duyệt: Phùng Nam Lâm
Ngày phát hành lần đầu: 20/10/2015
Ngày hiệu chỉnh: 09/06/2020
1. Mục đích
Nội dung bài viết
- Phòng ngừa các biến chứng và thương tật thứ phát như loét do đè ép, viêm phổi, teo cơ, cứng khớp, co cứng, co rút.
- Ức chế mẫu vận động bất thường và mẫu co cứng toàn thân.
- Tạo thuận và kích thích các vận động theo mẫu vận động bình thường.
- Phục hồi sớm khả năng vận động, di chuyển cho bệnh nhân có hay không có sử dụng dụng cụ trợ giúp.
2. Kỹ thuật Phục hồi chức năng
2.1. Sắp xếp buồng bệnh
Do tổn thương não nên bệnh nhân luôn quay đầu về phía bên lành và có xu hướng quên (không chấp nhận) không chỉ nửa phần cơ thể mà cả không gian phía bên liệt. Cảm nhận về xúc giác, nghe, nhìn đều giảm ở phía bên liệt. Buồng bệnh phải sắp xếp sao cho phía bên liệt được tự động nhận các kích thích tự nhiên càng nhiều càng tốt để chống lại sự suy giảm đó. Không để người bệnh nằm phía bên liệt sát tường.Tất cả đồ dùng của bệnh nhân đều để về phía bên liệt.
2.2. Kỹ thuật vị thế
2.2.1.Nằm nghiêng về phía bên liệt
Vị thế nằm quan trọng nhất để thư giãn, giảm đau, phòng ngừa co cứng, tăng nhận biết cảm giác. Đầu bệnh nhân có gối đỡ, hơi gấp các đốt sống cổ phía trên. Thân mình ở tư thế nửa ngửa, có gối đỡ phía lưng. Tay liệt duỗi 90° với thân, khớp vai, xương bả vai được đưa ra trước, khớp khuỷu duỗi, cẳng tay xoay ngửa, cổ tay gấp mặt mu, ngón tay duỗi, dạng. Tay lành ở trên thân hoặc trên gối đỡ phía sau lưng. Chân liệt ở tư thế khớp háng duỗi, khớp gối hơi gấp. Chân lành có gối đỡ ở phía trước, ngang mức với thân, khớp háng và khớp gối gấp.
2.2.2 Nằm nghiêng về phía bên không liệt
Để thư giãn, giảm đau, tăng nhận biết cảm giác. Đầu bệnh nhân có gối đỡ chắc chắn. Thân mình vuông góc với mặt giường, có gối đỡ phía lưng.Tay liệt có gối đỡ phía trước tạo với thân góc khoảng 100°, khớp vai và khớp khuỷu gấp. Chân liệt có gối đỡ ở phía trước, cao ngang mức với thân mình, khớp háng và khớp gối gấp.Tay lành có thể ở dưới gối, hoặc ngang qua ngực. Chân lành ở tư thế khớp háng duỗi, khớp gối hơi gấp.
2.2.3 Nằm ngửa
Là vị thế nằm nên sử dụng ít vì nguy cơ loét và kích thích các phản xạ bất thường. Đầu bệnh nhân có gối đỡ để mặt nhìn thẳng hoặc quay sang bên liệt, không để các đốt sống cổ và ngực bị gấp. Có gối mỏng đỡ dưới xương bả vai và hông bên liệt để đưa ra trước. Tay liệt có gối đỡ tay ở vị thế duỗi dọc theo thân mình, thẳng lên phía trên đầu,hoặc dạng ngang vai, tay xoay ngửa, các ngón duỗi và dạng. Chân liệt có gối đỡ dưới đùi giữ khớp gối gấp, có gối đỡ phía mắt cá ngoài giữ cho chân bên liệt không đổ ra ngoài. Chân và tay lành: ở vị thế mà bệnh nhân cảm thấy thoải mái và dễ chịu
2.2.4 Một số điểm cần lưu ý trong khi thực hiện kỹ thuật vị thế
- Để phòng ngừa các biến chứng thứ phát và các thương tật thứ cấp, không để bệnh nhân nằm quá lâu ở một tư thế, bệnh nhân cần được thay đổi các tư thế nằm thường xuyên từ 2 đến 4 giờ một lần.
- Cần thận trọng khi để bệnh nhân nằm ngửa, không để bệnh nhân ở vị thế nửa nằm nửa ngồi vì ở vị thế nằm này nguy cơ loét vùng cùng cụt và tình trạng co cứng có thể tăng lên do ảnh hưởng của phản xạ mê đạo trương lực và phản xạ trương lực cổ không đối xứng.
- Không đặt vào lòng bàn tay hoặc kê đỡ lòng bàn chân bên liệt bằng bất kỳ vật liệu gì vì sẽ làm tăng các phản xạ bất thường ở tay và chân
- Để giúp người bệnh nằm ở các vị thế khác nhau nói trên cần có một số gối rộng bằng vật liệu mềm để kê đỡ các phần cơ thể ở các vị thế khác nhau.
2.3. Tập vận động sớm trên giường
2.3.1. Tập vận động thụ động nửa người bên liệt
Trong giai đoạn đầu khi còn liệt mềm, người bệnh không tự vận động nửa người phía bên liệt được, họ cần người khác tập vận động giúp. Bệnh nhân nằm trên giường, người tập đứng về phía bên liệt của bệnh nhân và tập vận động thụ động tất cả các khớp của chi trên và chi dưới ở nửa người bên liệt theo kỹ thuật tập theo tầm vận động (ROME).
2.3.2. Di chuyển người bệnh ở tư thế nằm
Bệnh nhân nằm ngửa, hai gối gấp, hai bàn chân đặt sát trên mặt giường. Người tập tạo thuận bằng cách ấn gối bên liệt xuống và kéo ra phía trước về phía bàn chân rồi yêu cầu bệnh nhân nâng mông lên khỏi mặt giường sau đó đưa sang phía bên, hoặc đẩy lên trên, hoặc kéo xuống dưới và di chuyển thân mình theo.
2.3.3. Di chuyển người bệnh thụ động ở tư thế ngồi bằng hai người
Hai người trợ giúp đứng hai bên giường, mặt hướng về phía bệnh nhân, hai gối hơi gấp. Hai tay gần bệnh nhân đặt ở phía dưới đùi người bệnh nắm vào cổ tay nhau, hai vai đặt dưới hai vai bệnh nhân sau đó duỗi thẳng gối để nâng bệnh nhân lên khỏi mặt giường rồi di chuyển lên trên hoặc xuống dưới, hai tay còn lại của người tập có thể chống lên mặt giường phòng ngừa chấn thương thắt lưng hoặc sửa ga trải giường, gối,… cho phẳng,…
2.3.4. Tự trợ giúp vận động tay liệt
Bệnh nhân nằm ngửa cài các ngón tay hai bên vào nhau, ngón tay cái bên liệt ở bên ngoài ngón tay cái bên lành, sau đó duỗi thẳng hai tay rồi đưa lên phía đầu càng nhiều càng tốt cho đến khi hai bàn tay chạm mặt giường, rồi đưa hai đưa tay về vị trí cũ và làm lại như vậy. Có thể tập nhiều lần trong ngày, lưu ý không làm cho vai bên liệt đau hơn.
2.3.5. Tập dồn trọng lượng lên chân liệt
Làm tăng sức mạnh của khớp háng bên liệt chuẩn bị cho các hoạt động chức năng. Bệnh nhân nằm ngửa, chân bên lành duỗi, chân bên liệt gấp, lòng bàn chân sát trên mặt giường, cài các ngón tay hai bên vào nhau đặt trên bụng hoặc phía trên đầu.. Người tập tạo thuận bằng cách giữ cố định khớp gối bên liệt, kéo về phía bàn chân, sau đó yêu cầu bệnh nhân nâng mông lên khỏi mặt giường để dồn trọng lượng lên chân liệt, giữ vài giây, trở lại vị trí cũ và làm lại.
2.3.6. Lăn nghiêng sang bên liệt
Người bệnh nằm ngửa, người tập đứng về phía bên liệt của bệnh nhân, hướng dẫn bệnh nhân nâng đầu, chân và tay lành lên, đưa sang phía bên liệt rồi lăn người sang theo. Người tập tạo thuận bằng cách dùng một tay giúp bệnh nhân đưa khớp vai bên liệt ra trước, tay kia đặt trên gối tạo thuận xoay chân bên liệt ra ngoài khi chân và tay lành đưa sang.
2.3.7. Lăn nghiêng sang bên lành
Bệnh nhân nằm ngửa cài hai bàn tay vào nhau để tay lành trợ giúp tay liệt vận động. Người tập trợ giúp và tạo thuận bằng cách nâng chân liệt của bệnh nhân lên, đưa ra trước rồi sang phía bên chân lành khi tay liệt đồng thời cùng với thân mình lăn sang theo.
2.3.8. Tư thế ngồi đúng trên giường
Bệnh nhân được ngồi ở vị thế đúng trên giường với gối đỡ phía lưng để giữ đầu, thân mình thẳng, cột sống duỗi, cân xứng, trọng lượng cơ thể dồn đều lên hai bên mông. Hai chân duỗi thẳng trên mặt giường, khớp háng gấp khoảng 90° không để chân liệt đổ ra phía ngoài. Hai tay cài các ngón vào nhau đặt lên bàn đỡ phía trước mặt, không để vai bên liệt xệ xuống.
2.3.9. Di chuyển bệnh nhân ở tư thế ngồi trên giường
Bệnh nhân ngồi trên giường, người tập đứng phía sau về phía bên liệt, hai bàn tay đặt vào mấu chuyển lớn xương đùi hai bên, tạo thuận giúp bệnh nhân lần lượt chuyển trọng lượng sang một bên mông sau đó sang mông bên đối diện đồng thời di chuyển thân mình lên, xuống theo như là “ tập đi trên hai mông”.
2.3.10. Ngồi dậy trên mép giường từ phía bên liệt
Bệnh nhân nằm phía bên liệt sát mép giường, cổ chân liệt đặt trên cổ chân bên lành, khớp háng gấp vuông góc . Người tập trợ giúp bệnh nhân nằm nghiêng về bên liệt, rồi đưa hai chân ra ngoài mép giường, gấp hai khớp gối, xoay thân mình đồng thời đưa tay lành ra trước qua phía bên liệt, chống bàn tay lên mặt giường kết hợp với đu chân bên lành để đẩy người ngồi lên.
2.3.11. Di chuyển bệnh nhân ở tư thế ngồi (tập đi trên hai mông)
Bệnh nhân ngồi trên giường, người tập đứng phía trước về phía bên liệt, một tay nắm giữ mấu chuyển xương đùi tay kia ở vai bên đối diện. Người tập giúp bệnh nhân chuyển trọng lượng và chuyển khớp háng cùng bên lên trước, ra sau rồi trở lại trên giường. Sau đó người trợ giúp đổi vị trí hai tay tạo thuận cho hông phía bên đối diện di chuyển như là “tập đi trên hai mông”.
2.3.12. Tư thế ngồi đúng trên ghế, xe lăn
Ghế ngồi, xe lăn cần có chiều cao phù hợp với giường bệnh và bệnh nhân để khi ngồi hai bàn chân đặt sát trên sàn nhà, khớp cổ chân, khớp gối, khớp háng vuông góc, lưng thẳng, trọng lượng cơ thể dồn đều lên hai mông, thân mình hơi ngả ra trước. Hai cẳng tay đặt lên mặt bàn phía trước mặt, cài các ngón tay vào nhau. Bắt đầu ngồi trong thời gian ngắn sau đó tăng dần cho phù hợp, không để bệnh nhân mệt, quá sức khi phải ngồi lâu.
2.3.13. Chuyển bệnh nhân từ giường ra ghế, xe lăn và ngược lại
Bệnh nhân ngồi ra mép giường, hai bàn chân đặt sát trên sàn nhà. Người tập đứng phía trước, hỗ trợ cho hai khớp gối và hai bàn chân của bệnh nhân. Người tập đặt hai cẳng tay bệnh nhân trên hai vai mình và đặt hai bàn tay của mình trên hai xương bả vai của bệnh nhân, các ngón tay nắm giữ bờ trong xương bả vai và đỡ tay bệnh nhân ở tư thế duỗi. Sau đó người tập kéo dần trọng lượng bệnh nhân ra trước, trên hai chân cho đến khi hai mông nhấc lên khỏi mặt giường, rồi xoay bệnh nhân sang phía bên liệt và đặt bệnh nhân ngồi lên ghế hoặc xe lăn đã để sẵn ở đó. Chuyển bệnh nhân trở lại giường cũng làm theo kỹ thuật như trên.
2.3.14. Tập đứng lên khi đang ngồi trên giường, ghế, xe lăn
Người bệnh ngồi trên mép giường hoặc ghế, hai bàn chân đặt sát trên sàn nhà, hai tay cài các ngón vào nhau với ngón cái bên liệt ở phía ngoài ngón cái bên lành và đặt trên hai vai của người tập. Người tập đỡ hai tay bệnh nhân trên hai tay của mình, hai bàn tay nắm giữ hai bên xương bả vai tạo thuận cho bệnh nhân cúi về phía trước, chuyển và dồn trọng lượng lên hai chân để đứng lên. Sau khi đứng người tập cần lưu ý giúp bệnh nhân đứng thẳng, phòng ngừa bị khuỵu khớp gối và khớp háng bên liệt.
Tài liệu tham khảo
- Quy trình kỹ thuật chuyên ngành Phục hồi chức năng Ban hành kèm theo Quyết định số 54/QĐ-BYT ngày 06/01/2014 của Bộ Y tế
Bản quyền và thương hiệu: Thông tin và hình ảnh trên website thuộc quyền sở hữu của VinmecDr. Việc sao chép, sử dụng phải được VinmecDr chấp thuận trước bằng văn bản.
Miễn trừ trách nhiệm: Tất cả những tư liệu được cung cấp trên website này đều mang tính tham khảo. Do đó, nội dung và hình ảnh sẽ được thay đổi, cập nhật và cải tiến thường xuyên mà không phải thông báo trước. VinmecDr không bảo đảm về độ chính xác cũng như sự hoàn thiện về thông tin. Chúng tôi không chịu trách nhiệm pháp lý cho những thiệt hại xuất hiện trực tiếp hay gián tiếp từ việc sử dụng hoặc hành động dựa theo những thông tin trên hoặc một số thông tin xuất hiện trên website này. VinmecDr không chịu trách nhiệm pháp lý về những sai sót, lỗi chính tả… do nhập liệu cùng với những sự cố khách quan khác như: nhiễm virus, hành vi phá hoại, ác ý… xảy ra trên website này cũng như các website liên kết, nếu có.
Đường link liên kết
VinmecDr sẽ không chịu trách nhiệm hay có nghĩa vụ pháp lý dưới bất kỳ hình thức nào về nội dung của những website không thuộc VinmecDr được liên kết với website www.vinmecdr.com, bao gồm các sản phẩm, dịch vụ và những mặt hàng khác được giới thiệu thông qua những website đó.