MỚI

Hướng dẫn thực hiện quy trình sử dụng kháng sinh dự phòng phẫu thuật

Ngày xuất bản: 11/05/2022

Hướng dẫn thực hiện quy trình sử dụng kháng sinh dự phòng phẫu thuật áp dụng khối Bác sĩ, Điều dưỡng, Dược sĩ tại các bệnh viện

Người thẩm định: Phan Quỳnh Lan, Ban quản lý sử dụng kháng sinh

Người phê duyệt: Phùng Nam Lâm

Ngày phát hành: 16/11/2021

Ngày hiệu chỉnh: 15/03/2022

1. Mục đích

Đảm bảo sử dụng an toàn, hiệu quả kháng sinh dự phòng phẫu thuật

2. Hướng dẫn chung

2.1. Khái niệm

Kháng sinh dự phòng phẫu thuật là kháng sinh sử dụng trước khi phẫu thuật/ thủ thuật nhằm ngăn ngừa nhiễm khuẩn tại vị trí phẫu thuật.

2.2. Mục đích sử dụng kháng sinh dự phòng

  • Dự phòng nhiễm khuẩn tại vị trí phẫu thuật.
  • Dự phòng biến chứng và tử vong liên quan tới nhiễm khuẩn vết mổ.
  • Giảm thời gian và chi phí nằm viện.

Kháng sinh dự phòng (KSDP) chỉ là một trong số các biện pháp để hạn chế nhiễm khuẩn bệnh viện. Để đạt hiệu quả cao, cần tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn; nâng cao ý thức phòng chống nhiễm khuẩn của nhân viên y tế trước, trong và sau phẫu thuật.

2.3. Lựa chọn kháng sinh dự phòng

Áp dụng KSDP cho các phẫu thuật sạch và sạch nhiễm. Phẫu thuật nhiễm và bẩn cần chuyển sang kháng sinh điều trị và không được đề cập tới trong hướng dẫn này. Phân loại phẫu thuật trong sử dụng KSDP được trình bày trong Phụ lục 1.

  • Tiêu chí lựa chọn KSDP
    • Kháng sinh phải có phổ tác dụng bao phủ được các chủng vi khuẩn thường gặp nhất tại vị trí phẫu thuật. Ngoài vi hệ thông thường cần xem xét mức độ nhạy cảm của các vi khuẩn gây nhiễm khuẩn bệnh viện. Tuy nhiên, tránh lựa chọn kháng sinh có phổ quá rộng để hạn chế nguy cơ gia tăng các chủng vi khuẩn đa kháng.
    • Cân nhắc các yếu tố của người bệnh có thể làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn vết mổ bao gồm: đã có nhiễm khuẩn từ trước, dùng kháng sinh trong vòng 90 ngày trước phẫu thuật, có mang vi khuẩn đề kháng kháng sinh (ví dụ: tụ cầu vàng kháng methicillin – MRSA hoặc vi khuẩn Gram âm kháng thuốc…), đã nằm viện kéo dài hoặc có sẵn vật liệu nhân tạo.
    • Kháng sinh phải có hiệu quả, độ an toàn cao và tiết kiệm chi phí: nên ưu tiên lựa chọn nhóm kháng sinh cephalosporin.
  • Các trường hợp lựa chọn vancomycin: vancomycin kém hiệu quả hơn so với cefazolin trong dự phòng nhiễm khuẩn sau phẫu thuật gây ra bởi tụ cầu vàng nhạy methicillin (MSSA). Do đó, chỉ nên sử dụng vancomycin trong các trường hợp:
    • Người bệnh dị ứng với penicillin/ cephalosporin.
    • Có nguy cơ cao nhiễm khuẩn vết mổ do MRSA: Có tiền sử nhiễm khuẩn do MRSA hoặc được xác định có vi khuẩn cư trú là MRSA bằng test sàng lọc (cấy mẫu bệnh phẩm dịch tỵ hầu), người bệnh có nghi ngờ nhiễm MRSA, người bệnh phải phẫu thuật lại trong các trường hợp phẫu thuật thay van tim nhân tạo, thay khớp hoặc phẫu thuật mạch máu.
    • Các phẫu thuật có kèm nguy cơ nhiễm khuẩn do vi khuẩn Gram âm, phải kết hợp vancomycin với kháng sinh khác phù hợp (ví dụ: Cefazolin, gentamicin, ciprofloxacin).
  • Tham khảo bảng 1 để lựa chọn kháng sinh dự phòng trong từng loại phẫu thuật.

2.4. Liều dùng và độ dài của kháng sinh dự phòng

  • Liều dùng
    • Liều dùng được tính theo chức năng gan, thận bình thường. Ở bệnh nhân có suy giảm chức năng gan thận, không cần hiệu chỉnh liều nếu chỉ dùng 1 liều duy nhất. Trường hợp kéo dài thời gian dự phòng kháng sinh, nên hiệu chỉnh các liều tiếp theo phù hợp với chức năng gan thận của bệnh nhân.
    • Liều trẻ em tính theo mg/ kg cân nặng nhưng không quá liều tối đa dành cho người lớn.
    • Ở bệnh nhân béo phì, cần chú ý điều chỉnh liều do dược động học của thuốc có thể thay đổi.
    • Tham khảo hướng dẫn liều dùng KSDP ở bảng 2.
  • Độ dài của kháng sinh dự phòng:
    • Một liều kháng sinh duy nhất thường là đủ đối với hầu hết các loại phẫu thuật. Không nên dùng KSDP quá 24 giờ đối với hầu hết các loại phẫu thuật [4]. Với một số phẫu thuật đặc biệt (gồm phẫu thuật tim mạch, ghép gan, phẫu thuật ung thư xương), KSDP có thể kéo dài hơn nhưng thường không quá 48 giờ. Nếu có dấu hiệu nhiễm trùng sau phẫu thuật, áp dụng kháng sinh điều trị.
    • Nếu phẫu thuật kéo dài hơn 2 lần thời gian bán thải của thuốc hoặc bệnh nhân mất máu nhiều (trên 1,5 lít), cần sử dụng thêm 1 liều kháng sinh (liều giống ban đầu). Khoảng cách dùng thêm kháng sinh được tính từ lần sử dụng kháng sinh trước đó.
    • Sử dụng KSDP kéo dài làm tăng nguy cơ gặp tác dụng không mong muốn, đặc biệt là nhiễm khuẩn do vi khuẩn kháng thuốc hoặc Clostridium difficile.

2.5. Thời điểm sử dụng KSDP trước phẫu thuật

  • Thời điểm phải phù hợp để kháng sinh đạt được nồng độ trong mô cao nhất tại thời điểm rạch da.
  • Kháng sinh phải được dùng xong trước khi rạch da và không quá 60 phút trước khi rạch da [4].
  • Kháng sinh β-lactam có thời gian sử dụng tối ưu nhất là trong vòng 15 – 30 phút trước khi rạch da [2].
  • Vancomycin và ciprofloxacin, levofloxacin cần được truyền tĩnh mạch chậm để hạn chế tác dụng không mong muốn, do đó nên bắt đầu dùng trong vòng 2 giờ trước khi rạch da.
  • Trường hợp bệnh nhân đang sử dụng kháng sinh trước phẫu thuật, nếu kháng sinh đó có phổ tác dụng trên các chủng vi khuẩn thường gây nhiễm khuẩn vết mổ thì không cần bổ sung/ thay đổi kháng sinh dự phòng khác nhưng cần điều chỉnh thời điểm dùng kháng sinh cho phù hợp, có thể sử dụng thêm 1 liều kháng sinh trong vòng 60 phút trước khi rạch da [2].

3. Quy định cụ thể

Bảng 1. Hướng dẫn lựa chọn kháng sinh dự phòng trong phẫu thuật

Bảng 2: Hướng dẫn liều kháng sinh dự phòng

Phụ lục 1: Phân loại phẫu thuật trong sử dụng kháng sinh dự phòng

Tài liệu tham khảo

  • Hướng dẫn sử dụng kháng sinh – Bộ Y tế (2015)
  • Australian Therapeutic Guidelines –– Antibiotic: Surgical prophylaxis. Truy cập online 9/2021
  • Clinical practice guidelines for antimicrobial prophylaxis in surgery, Am J Health-Syst Pharm. 2013; 70:195-283
  • Global guidelines for the prevention of surgical site infection. WHO 2016.
  • Scottish Intercollegiate Guidelines Network (SIGN 104). Antibiotic prophylaxis in surgery, 4/2014.
  • Uptodate: Drug information. Truy cập online 09/2021.
  • Antibiotic Prophylaxis for Gynecologic Procedures prior to and during the Utilization of Assisted Reproductive Technologies: A systematic review, Journal of Pathogens, Volume 2/2016.

Bản quyền và thương hiệu: Thông tin và hình ảnh trên website thuộc quyền sở hữu của VinmecDr. Việc sao chép, sử dụng phải được VinmecDr chấp thuận trước bằng văn bản.

Miễn trừ trách nhiệm: Tất cả những tư liệu được cung cấp trên website này đều mang tính tham khảo. Do đó, nội dung và hình ảnh sẽ được thay đổi, cập nhật và cải tiến thường xuyên mà không phải thông báo trước. VinmecDr không bảo đảm về độ chính xác cũng như sự hoàn thiện về thông tin. Chúng tôi không chịu trách nhiệm pháp lý cho những thiệt hại xuất hiện trực tiếp hay gián tiếp từ việc sử dụng hoặc hành động dựa theo những thông tin trên hoặc một số thông tin xuất hiện trên website này. VinmecDr không chịu trách nhiệm pháp lý về những sai sót, lỗi chính tả… do nhập liệu cùng với những sự cố khách quan khác như: nhiễm virus, hành vi phá hoại, ác ý… xảy ra trên website này cũng như các website liên kết, nếu có.

Đường link liên kết

VinmecDr sẽ không chịu trách nhiệm hay có nghĩa vụ pháp lý dưới bất kỳ hình thức nào về nội dung của những website không thuộc VinmecDr được liên kết với website www.vinmecdr.com, bao gồm các sản phẩm, dịch vụ và những mặt hàng khác được giới thiệu thông qua những website đó.

facebook
23

Bài viết liên quan

Bình luận0

Đăng ký
Thông báo về
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận

Bài viết cùng chuyên gia