MỚI

Hướng dẫn thực hiện quy trình ra viện không theo chỉ định của bác sĩ

Ngày xuất bản: 11/05/2022

Hướng dẫn thực hiện quy trình ra viện không theo chỉ định của bác sĩ áp dụng cho khối Bác sĩ và Điều dưỡng tại các bệnh viện và phòng khám.

Người thẩm định: Giám đốc chuyên môn (Vinmec Times City & Vinmec Central Park) Người phê duyệt: Phùng Nam Lâm Ngày phát hành: 30/07/2021 Ngày hiệu chỉnh: 15/03/2022

Khi người bệnh hoàn thành quá trình điều trị, chăm sóc, bác sĩ sẽ thông báo cho người bệnh thời gian xuất viện. người bệnh cần phải hoàn tất thủ tục xuất viện theo quy định. Tuy nhiên vẫn có những trường hợp bệnh nhân ra viện không theo chỉ định của bác sĩ. Các hướng dẫn dưới đây sẽ giúp bạn nắm được quy trình ra viện không có chỉ định của bác sĩ

1. Mục đích của hướng dẫn ra viện không theo chỉ định của bác sĩ

Đảm bảo các trường hợp người bệnh dừng điều trị không theo chỉ định của bác sĩ có được sự an toàn cao nhất, giảm thiểu các nguy cơ về pháp lý cho bác sĩ.

2. Ra viện không theo chỉ định của bác sĩ là gì?

Dừng điều trị không theo chỉ định là khi người bệnh hoặc gia đình người bệnh quyết định chấm dứt điều trị nội trú hoặc ngoại trú không theo chỉ định của bác sĩ điều trị mà có thông báo hoặc không thông báo cho nhân viên bệnh viện.

3. Nguyên tắc chung khi ra viện không theo chỉ định của bác sĩ

Dừng điều trị không theo chỉ định của bác sĩ điều trị là quyền của người bệnh nhưng với điều kiện người bệnh phải được đánh giá là có đủ năng lực để hiểu hết các nguy cơ và có khả năng ra quyết định.

Bệnh nhân có thể dừng điều trị không có chỉ định của bác sĩ 

4. Hướng dẫn cụ thể ra viện không theo chỉ định của bác sĩ

4.1. Với người bệnh yêu cầu được dừng điều trị ngoại trú hoặc nội trú và có thông báo cho nhân viên bệnh viện

  • Khi người bệnh yêu cầu được dừng điều trị không theo chỉ định của bác sĩ, người nhận thông tin cần khai thác lý do và nhanh chóng liên lạc với bác sĩ điều trị hoặc bác sĩ được ủy quyền (gọi chung là “Bác sĩ”) để báo tin, đồng thời thu xếp để người bệnh trao đổi với bác sĩ càng sớm càng tốt.
  • Bác sĩ đánh giá khả năng ra quyết định của người bệnh đảm bảo rằng người bệnh đã có đủ thông tin và năng lực để đưa ra quyết định dừng điều trị đúng theo ý họ muốn, đồng thời khai thác lý do tại sao người bệnh lại quyết định dừng điều trị. Bác sĩ trao đổi với người bệnh về tình trạng bệnh hiện tại, mục đích điều trị, tác dụng phụ và rủi ro có thể gặp nếu dừng điều trị để thuyết phục người bệnh tiếp tục điều trị (tham khảo phụ lục 1).
  • Trường hợp người bệnh vẫn muốn dừng điều trị, bác sĩ tư vấn hướng điều trị chăm sóc tại nhà, xác định cơ sở y tế phù hợp nhất và hướng dẫn người bệnh đến khám nếu có vấn đề gì xảy ra sau khi người bệnh đã dừng điều trị tại bệnh viện. Bác sĩ thông báo với người bệnh/ gia đình rằng họ hoàn toàn có thể quay trở lại bệnh viện bất cứ khi nào họ cần, và sẽ được thăm khám và đánh giá theo đúng quy trình của bệnh viện.
  • Quyết định từ chối điều trị và các thông tin trao đổi bắt buộc phải ghi lại đầy đủ trong hồ sơ bệnh án.
  • Trong trường hợp người bệnh khám ngoại trú được chỉ định thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng quan trọng hoặc lưu theo dõi để xác định hướng điều trị tiếp theo hoặc chỉ định nhập viện nhưng từ chối, bác sĩ trao đổi thông tin như quy định tại mục 2 và 3 ở trên và đề nghị người bệnh hoặc người giám hộ ký xác nhận vào Phiếu từ chối thực hiện dịch vụ (Phụ lục 2) lưu trong hồ sơ bệnh án.
  • Với người bệnh nội trú: 
    • Bác sĩ trao đổi với người bệnh hoặc người giám hộ các thông tin theo yêu cầu tại mục 2 và 3 ở trên sau đó yêu cầu người bệnh/ người giám hộ cùng ký xác nhận vào phiếu “Giấy xác nhận ra viện không theo chỉ định của bác sĩ” (Phụ lục 3).
    • Trong trường hợp người bệnh/ người giám hộ từ chối ký xác nhận, bác sỹ mời một nhân viên bệnh viện làm chứng trong việc đọc các thông tin trong “Giấy xác nhận ra viện không theo chỉ định của bác sĩ” cho người bệnh/ người giám hộ. Bác sĩ và người làm chứng cùng ký vào “Giấy xác nhận ra viện không theo chỉ định của bác sĩ” như một sự xác nhận cho sự từ chối của người bệnh/ gia đình và lưu vào hồ sơ bệnh án.
    • Bác sĩ cung cấp “Báo cáo y tế ra viện” và hoàn thành các thủ tục như một trường hợp ra viện thông thường, tham khảo Hướng dẫn lập kế hoạch và chăm sóc trong thời gian nằm viện và kế hoạch ra viện cho người bệnh. Điều dưỡng trưởng hoặc nhân viên được chỉ định báo cáo sự việc trong báo cáo trực hàng ngày.
  • Bác sĩ kê đơn thuốc (nếu cần). Người bệnh tự quyết định có sử dụng đơn thuốc hay không.
  • Tình trạng của người bệnh:
    • Nếu người bệnh được xác định là đang trong tình trạng còn ảnh hưởng của thuốc/ chất gây nghiện (ví dụ như say rượu), thì bác sĩ phải yêu cầu người bệnh ở lại bệnh viện (lưu giữ bắt buộc).
    • Nếu người bệnh đang ở tình trạng có khả năng gây hại cho bản thân hoặc những người khác nhưng tự ý xin ra viện, Bác sĩ và điều dưỡng thực hiện theo “Quy định về việc kiểm soát người bệnh kích động nhằm ổn định tình trạng của người bệnh trước khi người bệnh ra viện.
    • Khi tình trạng của người bệnh ổn định và vẫn mong muốn ra viện không theo chỉ định thì bác sỹ thực hiện theo đúng quy định.
  • Trường hợp người bệnh có bác sĩ gia đình, bác sĩ thông báo với bác sĩ gia đình về việc người bệnh dừng điều trị không theo chỉ định đồng thời trao đổi các hướng điều trị đang thực hiện cho người bệnh.
  • Trường hợp người bệnh đề nghị chuyển viện theo nguyện vọng, bác sĩ đánh giá tình trạng người bệnh và nhu cầu vận chuyển để chuẩn bị các hỗ trợ cần thiết cho người bệnh và gia đình, thực hiện theo Hướng dẫn vận chuyển người bệnh ngoại viện.
  • Trường hợp người bệnh mắc bệnh truyền nhiễm mới nổi, tái nổi hoặc bệnh đang gây dịch nguy hiểm, bác sĩ phải báo cáo với đơn vị Kiểm soát nhiễm khuẩn của bệnh viện và bệnh viện sẽ có cơ chế báo cáo với cơ quan y tế theo quy định. Bác sĩ điều trị đưa ra các lời khuyên xử trí liên quan đến phòng ngừa cách ly cho người bệnh/ gia đình và lưu số điện thoại liên lạc của người bệnh/ gia đình để liên hệ hướng dẫn tiếp người bệnh trong trường hợp cần thiết.
  • Trong mọi trường hợp ra viện không theo chỉ định, khoa điều trị có trách nhiệm liên lạc theo dõi và nắm thông tin tình trạng người bệnh:
    • Nhân viên y tế (bác sĩ/ điều dưỡng được phân công) chịu trách nhiệm liên lạc với người bệnh/ người giám hộ hoặc kíp y tế tại nơi tiếp nhận người bệnh trong vòng 24h từ thời điểm người bệnh ra viện.
    • Sau khi liên hệ, cán bộ nhân viên y tế cập nhật thông tin vào hồ sơ bệnh án và thực hiện các báo cáo sau đây:
      • Báo cáo bác sĩ phụ trách/ trưởng khoa để cập nhật tình trạng người bệnh.
      • Cập nhật kết quả theo dõi người bệnh vào báo cáo trực hàng ngày.
      • Báo bác sĩ điều trị chính/ hoặc trưởng khoa trực tiếp gọi điện lại cho người bệnh khi tình trạng người bệnh nặng lên hoặc có diễn biến khác thường.
    • Nhân viên y tế (bác sĩ/ điều dưỡng được phân công) liên lạc với người bệnh/ người giám hộ/ kíp y tế tại nơi tiếp nhận người bệnh để theo dõi và cập nhật thông tin người bệnh cho đến khi:
      • Khẳng định tình trạng người bệnh đã ổn định (toàn trạng và dấu hiệu sinh tồn ổn định) nếu người bệnh không điều trị ở cơ sở y tế khác.
      • Hoặc người bệnh đã được tiếp nhận và điều trị tại cơ sở y tế khác (chỉ áp dụng với tình huống người bệnh không sử dụng phương tiện vận chuyển của bệnh viện).
      • Hoặc người bệnh từ chối trao đổi/ chia sẻ thêm thông tin với bệnh viện mặc dù bệnh viện đã nỗ lực liên hệ. Nỗ lực liên hệ được hiểu là Nhân viên y tế (bác sĩ/ điều dưỡng được phân công) đã gọi điện 2 lần trong vòng 24h và sau đó nhắn tin cho người bệnh/ người giám hộ để cập nhật tình trạng người bệnh nhưng người bệnh từ chối hoặc không phản hồi.


Người bệnh được hướng dẫn chăm sóc tại nhà trước khi xuất viện

4.2. Với người bệnh dừng điều trị ngoại trú hoặc nội trú và không thông báo cho nhân viên bệnh viện

  • Với người bệnh ngoại trú đã có chỉ định điều trị nhưng người bệnh không thực hiện và tự ý bỏ về mà không báo cho bác sĩ điều trị hoặc điều dưỡng, bác sĩ gọi điện trao đổi các rủi ro có thể gặp phải và tư vấn việc quay lại khám chữa bệnh hoặc đến các cơ sở y tế khác để khám. Các thông tin trao đổi được ghi lại trên Ehos/ OH tại mục khám ngoại trú của người bệnh.
  • Với những người bệnh ngoại trú cần theo dõi và điều trị lâu dài nhưng không đến điều trị tiếp: Bác sĩ điều trị liên lạc với người bệnh, tìm hiểu nguyên nhân, giải thích về nguy cơ của việc bỏ điều trị đồng thời tư vấn hướng điều trị tiếp theo cho người bệnh. Bác sĩ ghi chép thông tin về việc dừng điều trị của người bệnh vào trên Ehos/ OH tại mục khám ngoại trú của người bệnh.
  • Với người bệnh nội trú rời khỏi bệnh phòng mà không báo trước, điều dưỡng gọi điện cho người bệnh/ thân nhân để xác định nguyên nhân, tình trạng hiện tại và yêu cầu người bệnh quay lại bệnh viện. Nếu không liên lạc được với người bệnh và gia đình hoặc người bệnh từ chối quay lại bệnh viện thì được coi như một trường hợp trốn viện. Nhân viên liên quan sẽ thực hiện các bước sau:
    • Điều dưỡng chăm sóc báo cáo ngay với điều dưỡng trưởng hoặc trưởng tua trực về việc người bệnh trốn viện.
    • Điều dưỡng trưởng/ trưởng tua trực báo cáo kịp thời cho bác sĩ điều trị, phòng chăm sóc khách hàng và phụ trách an ninh bệnh viện.
    • Trong trường hợp thân nhân chưa biết về việc trốn viện, bác sĩ điều trị gọi điện trao đổi thân nhân về việc người bệnh trốn viện, giải thích các rủi ro về mặt y tế và yêu cầu phối hợp giải quyết.
    • Các thông tin liên quan đến việc trốn viện được ghi lại chi tiết trong hồ sơ bệnh án của người bệnh và báo cáo sự việc trong báo cáo trực hàng ngày.
    • Điều dưỡng trưởng hoặc nhân viên được ủy quyền gửi báo cáo sự cố đến bộ phận quản lý rủi ro của bệnh viện trong vòng 24 giờ sau khi người bệnh trốn viện.
  • Trường hợp người bệnh có bác sĩ gia đình, bác sĩ thông báo với bác sĩ gia đình về việc người bệnh dừng điều trị không theo chỉ định đồng thời trao đổi các hướng điều trị đang thực hiện cho người bệnh.
  • Trường hợp người bệnh mắc bệnh truyền nhiễm mới nổi, tái nổi hoặc bệnh đang gây dịch nguy hiểm tham chiếu Phần A mục 11 để thực hiện.
  • Nếu người bệnh đang ở trong tình trạng có khả năng gây hại cho bản thân hoặc những người khác, bác sĩ điều trị thông báo cho thân nhân và phụ trách an ninh bệnh viện để có hướng hỗ trợ xử lý và/ hoặc báo cáo với an ninh tại nơi cư trú của người bệnh (nếu cần thiết).

4.3. Với người bệnh nội trú xin ra viện tạm thời trong thời gian nằm viện

  • Trường hợp người bệnh nội trú muốn rời khỏi bệnh viện trong một khoảng thời gian ngắn và sau đó tiếp tục quay lại điều trị, bác sĩ điều trị cần đánh giá tính an toàn, hướng dẫn người bệnh/ thân nhân các yêu cầu về chăm sóc, điều trị để đảm bảo quá trình điều trị không bị gián đoạn đồng thời giải thích các nguy cơ có thể ảnh hưởng đến kế hoạch điều trị và chăm sóc cũng như an toàn của người bệnh.
  • Quyết định cho phép người bệnh ra viện tạm thời chỉ được thực hiện sau khi bác sĩ giải thích và người bệnh/ thân nhân xác nhận yêu cầu xin ra viện tạm thời.
  • Bác sĩ điều trị/ điều dưỡng phụ trách ghi vào phiếu Theo dõi diễn biến các thông tin bao gồm: Xác nhận thời gian người bệnh không có mặt tại bệnh viện, lý do xin ra và các nguy cơ đã giải thích cho người bệnh. Người bệnh/ thân nhân ký vào hồ sơ bệnh án để xác nhận việc ra viện tạm thời và hoàn toàn chịu trách nhiệm về quyết định liên quan.
  • Trường hợp người bệnh không quay trở lại bệnh viện theo thời gian cam kết, bác sỹ liên hệ lại với người bệnh/ thân nhân để xác nhận việc quay lại bệnh viện của người bệnh. Nếu người bệnh không quay lại bệnh viện, bác sĩ và điều dưỡng chăm sóc thực hiện các thủ tục ra viện cho người bệnh như một trường hợp ra viện không theo chỉ định của bác sĩ.

Phụ lục 1 

Phụ lụcThư viện biểu mẫu Hồ sơ bệnh án
Phụ lục 2Phiếu từ chối thực hiện dịch vụ
Phụ lục 3Giấy xác nhận ra viện không theo chỉ định của bác sĩ

Tài liệu tham khảo

  • Frederick et al. 2012. The Importance of a Proper Against – Medical – Advice (AMA) Discharge.J Emerg Med. 2012;43(3):516-520
  • Lousiana Hospital Association. 2013. Patients Leaving Against Medical Advice. Accessed online on June 12, 2013 at http://lhatrustfunds.com/images/uploads/sl- lha/Patients_Leaving_against_Medical_Advice.pdf
  • The Joint Commission International 2020. JCI Accreditation Standards for Hospital, 7th Ed.

Bản quyền và thương hiệu: Thông tin và hình ảnh trên website thuộc quyền sở hữu của VinmecDr. Việc sao chép, sử dụng phải được VinmecDr chấp thuận trước bằng văn bản. Miễn trừ trách nhiệm: Tất cả những tư liệu được cung cấp trên website này đều mang tính tham khảo. Do đó, nội dung và hình ảnh sẽ được thay đổi, cập nhật và cải tiến thường xuyên mà không phải thông báo trước. VinmecDr không bảo đảm về độ chính xác cũng như sự hoàn thiện về thông tin. Chúng tôi không chịu trách nhiệm pháp lý cho những thiệt hại xuất hiện trực tiếp hay gián tiếp từ việc sử dụng hoặc hành động dựa theo những thông tin trên hoặc một số thông tin xuất hiện trên website này. VinmecDr không chịu trách nhiệm pháp lý về những sai sót, lỗi chính tả… do nhập liệu cùng với những sự cố khách quan khác như: nhiễm virus, hành vi phá hoại, ác ý… xảy ra trên website này cũng như các website liên kết, nếu có. Đường link liên kết VinmecDr sẽ không chịu trách nhiệm hay có nghĩa vụ pháp lý dưới bất kỳ hình thức nào về nội dung của những website không thuộc VinmecDr được liên kết với website www.vinmecdr.com, bao gồm các sản phẩm, dịch vụ và những mặt hàng khác được giới thiệu thông qua những website đó.

facebook
0

Bài viết liên quan

Bình luận0

Đăng ký
Thông báo về
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận

Bài viết cùng chuyên gia