Hướng dẫn thực hiện quy trình quy định giáo dục sức khỏe cho người bệnh và thân nhân
Hướng dẫn thực hiện quy trình quy định giáo dục sức khỏe cho người bệnh và thân nhân áp dụng cho CBNV toàn công ty
Người thẩm định: Giám đốc chuyên môn (Vinmec Times City và Vinmec Central Park)
Người phê duyệt: Phùng Nam Lâm
Ngày phát hành: 12/01/2021
Ngày hiệu chỉnh: 15/03/2022
1. Mục đích
Nội dung bài viết
- Giúp nhân viên y tế thực hiện tốt chương trình giáo dục sức khỏe cho người bệnh và/ hoặc thân nhân nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, điều trị và làm giảm khiếu kiện liên quan đến Y tế.
- Giáo dục sức khỏe giúp cung cấp những kiến thức, kỹ năng cần thiết cho người bệnh/ thân nhân để họ hiểu, hợp tác, tham gia vào các quy trình chăm sóc, điều trị cũng như đưa ra quyết định liên quan đến quá trình chăm sóc, điều trị bệnh, đồng thời hỗ trợ người bệnh, thân nhân cách tự chăm sóc, phòng bệnh ở gia đình và cộng đồng.
2. Quy định chung
- Xây dựng chương trình giáo dục sức khỏe phải đáp ứng được nhu cầu và mong muốn của người bệnh/ thân nhân, phù hợp với dịch vụ y tế của bệnh viện và phù hợp mục đích của giáo dục sức khỏe.
- Giáo dục sức khỏe phải được thực hiện ở tất cả các khoa và mọi nhân viên y tế đều có trách nhiệm tham gia vào chương trình giáo dục sức khỏe cho người bệnh/ thân nhân về vấn đề y tế thuộc lĩnh vực/ chuyên môn phụ trách.
- Nội dung chương trình giáo dục sức khỏe phù hợp với nội dung kế hoạch điều trị và chăm sóc cũng như kế hoạch ra viện sớm của người bệnh nội trú.
3. Quy định cụ thể
3.1. Khu vực ngoại trú
- Sau khi thăm khám, bác sĩ tư vấn trực tiếp cho người bệnh hoặc thân nhân về cách chăm sóc sức khỏe, cách dùng thuốc và tư vấn khác theo nhu cầu của người bệnh (nếu có).
- Hình thức tư vấn phụ thuộc vào khả năng tiếp nhận thông tin của người được tư vấn. Sau tư vấn, bác sĩ ghi chủ đề đã tư vấn vào mục “Lời dặn và theo dõi” trong phiếu khám bệnh ngoại trú trên phần mềm quản lý bệnh viện.
3.2. Khu vực nội trú và khoa Cấp cứu
3.2.1. Đánh giá nhu cầu của người bệnh liên quan đến giáo dục sức khỏe
- Bác sĩ/ Điều dưỡng/ hộ sinh/ kỹ thuật viên đánh giá nhu cầu của người bệnh/thân nhân về nội dung cần giáo dục sức khỏe, khả năng tiếp nhận thông tin, phương pháp tư vấn ngay từ lần tiếp xúc đầu tiên khi người bệnh mới vào điều trị nội trú, việc đánh giá nhu cầu giáo dục sức khỏe của người bệnh/thân nhân tại khoa Cấp cứu được thực hiện sau khi thực hiện việc cấp cứu ban đầu cho người bệnh. Đánh giá nhu cầu có thể được bổ sung vào bất kỳ thời điểm nào trong suốt quá trình người bệnh nằm viện như: Sau khi phẫu thuật, khi tình trạng người bệnh diễn biến nặng hoặc khi người bệnh/thân nhân có đề xuất; ghi lại kết quả đánh giá vào “Phiếu giáo dục sức khỏe cho người bệnh và thân nhân người bệnh”. Những lần tư vấn tiếp theo, nếu người nhận thông tin là đối tượng khác so với lần trước thì cần phải thực hiện đánh giá lại khả năng tiếp nhận thông tin.
- Khi đánh giá khả năng tiếp nhận thông tin của đối tượng được tư vấn, nếu có bất kỳ rào cản về khả năng tiếp nhận cần áp dụng các biện pháp để người bệnh/ thân nhân có thể tiếp nhận thông tin một cách tốt nhất, bao gồm nhưng không giới hạn các biện pháp:
- Phân chia thông tin theo các phần nhỏ ngắn gọn, đơn giản và súc tích, điều chỉnh tốc độ giảng dạy, tăng số lần lặp lại thông tin.
- Tôn trọng giá trị về niềm tin, văn hóa và tôn giáo của người bệnh/thân nhân.
- Thiết lập mối quan hệ tin cậy giữa người bệnh và nhân viên y tế.
- Dùng thiết bị trợ thính (nếu có) trong trường hợp người được tư vấn hạn chế về khả năng nghe.
- Mời hội chẩn với bác sĩ tâm lý/ tâm thần (nếu cần).
- Sau khi xác định được nhu cầu giáo dục sức khỏe của người bệnh và/ hoặc thân nhân người bệnh:
- Bác sĩ điều trị/ điều dưỡng chăm sóc có trách nhiệm thực hiện hoặc liên hệ với nhân viên y tế khác (nếu cần) để giáo dục sức khỏe theo nhu cầu của người bệnh và/ hoặc thân nhân người bệnh.
- Các nội dung liên quan đến chăm sóc sẽ do điều dưỡng thực hiện sau khi đã có sự thống nhất với bác sĩ điều trị, nhiệm vụ cụ thể được quy định tại mục 1.4 của Quy định này.
- Lưu ý: Triển khai giáo dục sức khỏe sớm nhất có thể cho người bệnh tại các thời điểm thích hợp. VD: giáo dục về chăm sóc vết mổ cho người bệnh có thể được triển khai ngay sau khi người bệnh hoàn thành thủ thuật/ phẫu thuật và được chuyển về khoa nội trú.
- Bác sĩ điều trị/ bác sĩ phẫu thuật, bác sĩ dinh dưỡng, điều dưỡng/ hộ sinh/ kỹ thuật viên đều có trách nhiệm tham gia giáo dục sức khỏe khi được yêu cầu, cụ thể:
- Bác sĩ điều trị/ phẫu thuật cung cấp thông tin về những vấn đề liên quan đến tình trạng bệnh tật, phương pháp điều trị, thiết bị cấy ghép, chế độ dinh dưỡng thông thường, quản lý đau,…
- Trong những trường hợp người bệnh cần tư vấn chế độ dinh dưỡng đặc biệt, bác sĩ điều trị mời bác sĩ dinh dưỡng đến tư vấn cho người bệnh.
- Điều dưỡng/ hộ sinh cung cấp thông tin về những vấn đề liên quan đến chăm sóc, cách dùng thuốc, sử dụng trang thiết bị y tế (nếu có).
- Kỹ thuật viên vật lý trị liệu cung cấp thông tin về những vấn đề liên quan đến tập vận động, phục hồi chức năng (nếu có).
- Các thông tin cung cấp cho người bệnh và/hoặc thân nhân được thể hiện trong phần: “Nội dung đã tư vấn” của “Phiếu giáo dục sức khỏe cho người bệnh và thân nhân người bệnh”.
- Đối với một số chuyên khoa đặc thù như Sản, Nhi, Sơ Sinh, Ung bướu,… ngoài các nội dung tư vấn đã có sẵn trong phiếu, nếu có các nội dung tư vấn đặc thù của chuyên khoa mình thì cần được ghi đầy đủ vào phần “Khác” ở phía cuối của phiếu như: theo dõi sản dịch, tư vấn nuôi con bằng sữa mẹ, cách tắm bé, cách chăm sóc rốn cho bé, thoát dịch khi truyền hóa chất,…
- Phiếu GDSK được lưu giữ trong HSBA ở phần “Ra viện”. Lưu ý phiếu ghi nhận việc giáo dục sức khỏe cho mẹ tại khoa Sản liên quan tới chăm sóc cho bé dù được thực hiện bởi bác sĩ Sơ sinh hay bác sĩ/ điều dưỡng Sản khoa đều cần lưu trong hồ sơ bệnh án của sản phụ.
3.2.2. Tổ chức thực hiện chương trình đào tạo/ giáo dục sức khỏe
- Việc giáo dục sức khỏe có thể được thực hiện tại bất kỳ thời điểm nào trong suốt thời gian người bệnh nằm viện, đặc biệt là các nội dung liên quan tới kế hoạch ra viện sớm của người bệnh. Tất cả nội dung cần giáo dục sức khỏe cho người bệnh/thân nhân phải được hoàn thành trước khi người bệnh ra viện.
- Các phương pháp giáo dục có thể khác nhau, phù hợp với nhu cầu và khả năng tiếp nhận của người bệnh/ thân nhân:
- Tư vấn trực tiếp cho từng trường hợp.
- Buổi nói chuyện, tư vấn giáo dục sức khỏe cho một nhóm người bệnh.
- Tổ chức các lớp về giáo dục sức khỏe.
- Kết hợp các hình thức hỗ trợ: Tờ rơi, tranh ảnh/ poster, slide trình chiếu, video clip về các chủ đề giáo sức khỏe.
- Người tham gia tư vấn giáo dục sức khỏe cần có:
- Kiến thức, kinh nghiệm về lĩnh vực tư vấn.
- Phương pháp truyền đạt, tư vấn tích cực, hai chiều – khuyến khích người bệnh, gia đình đưa ra các câu hỏi, vấn đề lo lắng về sức khỏe.
- Kỹ năng lắng nghe, phân tích, tổng hợp vấn đề/nhu cầu chính của người bệnh, gia đình về sức khỏe.
- Kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống, tư vấn khéo léo, có sự chia sẻ, cảm thông, thấu hiểu với người bệnh/thân nhân về vấn đề sức khỏe.
- Cung cấp được các kiến thức, kỹ năng thực hành, thái độ và các giải pháp thay thế để giúp người bệnh/ thân nhân hiểu và đưa ra quyết định chăm sóc, điều trị.
- Sau mỗi chương trình giáo dục sức khỏe, người bệnh/thân nhân được đánh giá để xác minh đã nhận và hiểu được các thông tin đã được tư vấn. Kết quả đánh giá được ghi nhận vào cột “Đánh giá sau tư vấn” trong “Phiếu giáo dục sức khỏe cho người bệnh và thân nhân người bệnh”. Kết quả đó được sử dụng để hướng dẫn lại trong trường hợp người nhận thông tin tư vấn chưa hiểu hoặc để xây dựng chương trình giáo dục sức khỏe tiếp theo theo yêu cầu của người bệnh/ thân nhân người bệnh (nếu cần).
Tài liệu tham khảo
- Patient and Family Health Education Policy from KHUH Health Care. Accessed online at https://www.khuh.org.bh/pfe/GH0005%20.pdf
- The Joint Commission International. 2021. JCI Accreditation Standards for Hospital, 7th Ed.
Bản quyền và thương hiệu: Thông tin và hình ảnh trên website thuộc quyền sở hữu của VinmecDr. Việc sao chép, sử dụng phải được VinmecDr chấp thuận trước bằng văn bản.
Miễn trừ trách nhiệm: Tất cả những tư liệu được cung cấp trên website này đều mang tính tham khảo. Do đó, nội dung và hình ảnh sẽ được thay đổi, cập nhật và cải tiến thường xuyên mà không phải thông báo trước. VinmecDr không bảo đảm về độ chính xác cũng như sự hoàn thiện về thông tin. Chúng tôi không chịu trách nhiệm pháp lý cho những thiệt hại xuất hiện trực tiếp hay gián tiếp từ việc sử dụng hoặc hành động dựa theo những thông tin trên hoặc một số thông tin xuất hiện trên website này. VinmecDr không chịu trách nhiệm pháp lý về những sai sót, lỗi chính tả… do nhập liệu cùng với những sự cố khách quan khác như: nhiễm virus, hành vi phá hoại, ác ý… xảy ra trên website này cũng như các website liên kết, nếu có.
Đường link liên kết
VinmecDr sẽ không chịu trách nhiệm hay có nghĩa vụ pháp lý dưới bất kỳ hình thức nào về nội dung của những website không thuộc VinmecDr được liên kết với website www.vinmecdr.com, bao gồm các sản phẩm, dịch vụ và những mặt hàng khác được giới thiệu thông qua những website đó.