Hướng dẫn thực hiện quy trình quy định chung về phẫu tích đại thể
Hướng dẫn thực hiện quy trình quy định chung về phẫu tích đại thể áp dụng cho khoa Xét nghiệm
Người thẩm định: Trương Công Duẩn
Người phê duyệt: Phùng Nam Lâm
Ngày phát hành: 01/04/2022
1. Mục đích
Nội dung bài viết
Quy định này cung cấp các hướng dẫn về thực hiện phẫu tích đại thể cho bệnh phẩm giải phẫu bệnh ngoại khoa.
2. Phạm vi áp dụng
Tất cả các mẫu bệnh phẩm giải phẫu bệnh ngoại khoa tại Bệnh viện Vinmec Times City.
3. Trách nhiệm
- Bác sĩ giải phẫu bệnh, bác sĩ nội trú và kỹ thuật viên giải phẫu bệnh chịu trách nhiệm thực hiện và tuân thủ quy định, quy trình.
- Trưởng Đơn nguyên/ Trưởng khoa chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện.
4. Định nghĩa – Viết tắt
4.1. Viết tắt
- BS: Bác sĩ.
- GPB: Giải phẫu bệnh.
- KTV: Kỹ thuật viên.
4.2. Định nghĩa
Không áp dụng.
5. Quy định chung
- Tất cả các mẫu bệnh phẩm giải phẫu bệnh ngoại khoa phải được phẫu tích và mô tả bởi bác sĩ giải phẫu bệnh hoặc bác sĩ nội trú giải phẫu bệnh dưới sự giám sát của bác sĩ giải phẫu bệnh có trình độ.
- Tất cả các mẫu bệnh phẩm cắt lạnh và sinh thiết đòi hỏi đánh giá tính đủ mẫu (ví dụ, sinh thiết thận, sinh thiết ghép tạng) phải được các BS GPB được đánh giá.
- Tính chất đạt yêu cầu của mẫu mô (đạt/ không đạt) phải được thể hiện trong mô tả đại thể và được chỉ ra ở trong báo cáo giải phẫu bệnh cuối cùng.
- Tất cả các mẫu mô và cơ quan được lấy ra khỏi cơ thể người bệnh phải được gửi xuống phòng xét nghiệm giải phẫu bệnh để xét nghiệm vi thể thường quy, ngoại trừ những mẫu bệnh phẩm gửi chỉ nhận xét đại thể (xem quy định miễn trừ bệnh phẩm giải phẫu bệnh mô bệnh học). Những mẫu bệnh phẩm này chỉ gửi nhằm ghi lại những nhận xét đại thể, không yêu cầu phải thực hiện và phát hành chẩn đoán vi thể.
- Các mẫu bệnh phẩm ngoại khoa được mổ trong giờ hành chính được gửi mẫu tươi xuống khoa giải phẫu bệnh có thể được phẫu tích ngay hoặc xử lý sơ bộ trước khi cố định để đạt hiệu quả cố định tốt nhất.
- Các mẫu sinh thiết nhỏ và mẫu mổ ngoài giờ hành chính được ngâm cố định trong formalin đệm trung tính 10% trước, tiến hành phẫu tích vào ngày hôm sau.
- Phản hồi về chất lượng mẫu mô: KTV mô học chịu trách nhiệm chuyển mô cung cấp những phản hồi cho người phẫu tích về chất lượng của mảnh cắt nhận được trong quá trình chuyển mô.
- Cố định không đầy đủ, mảnh cắt quá dày, chưa khử xương hết, có ghim, v..v. có thể dẫn đến chất lượng mảnh cắt mô học kém chất lượng và/hoặc nhuộm đặc biệt kém chất lượng.
- Cần có hành động khắc phục khi vấn đề với chất lượng mô được xác định.
- Việc phản hồi và hành động khắc phục với chất lượng mẫu mô phải được ghi vào hồ
- sơ quản lý chất lượng
- Bệnh phẩm sau phẫu tích được lưu ít nhất là 1 tháng kể từ sau khi phát hành báo cáo cuối cùng và kết quả được gửi trả cho bác sĩ lâm sàng

6. Quy trình phẫu tích đại thể
6.1. Các vấn đề về an toàn
6.1.1. Dụng cụ bảo hộ
- Trang phục bảo hộ (Protective Gear ) cần có:
- Bộ đồ vải phẫu thuật (surgical scrubs).
- Bọc giày không thấm nước (waterproof shoe covering).
- Áo choàng (surgical gown).
- Găng tay ( không thấm hóa chất: nitrile).
- Mũ.
- Khẩu trang.
- Kính bảo hộ.
- Lưu ý:
- Găng tay nên dùng cỡ vừa với kích thước tay.
- Nên đeo hai đôi găng và thay thường xuyên.
- Nếu người phẫu tích không quen với việc sử dụng dụng cụ phẫu tích nhọn hoặc bệnh phẩm có bờ sắc nhọn (xương): nên dùng loại găng tổng hợp (synthetic gloves) hoặc găng có lưới kim loại mịn (Fine mesh metallic).
- Quần áo có dính máu hoặc dịch bẩn không mặc ra ngoài khu vực phẫu tích.
6.1.2. An toàn trong khi phẫu tích
- Sử dụng dụng cụ:
- Thường xuyên kiểm tra dụng cụ phẫu tích. Cần vứt bỏ nếu dụng cụ đã bị hư hỏng hoặc không thể sửa chữa được. Chỉ dùng những dụng cụ phẫu tích còn đảm bảo chất lượng.
- Dao mổ/ dao cắt bệnh phẩm thường được sử dụng nhất: cầm dao đúng hướng dẫn và nên dùng loại có cán/ tay cầm để đảm bảo an toàn.
- Thao tác:
- Đảm bảo nắm vững cách sử dụng dụng cụ (máy cưa xương…) và cách xử trí nếu có tai nạn.
- Khi phẫu tích nên cắt bệnh phẩm theo chiều tránh xa người phẫu tích và những người xung quanh.
- Không nên cầm dụng cụ với lực quá mạnh khi phẫu tích hoặc lau rửa.
- Không ăn uống, nhai kẹo cao su trong quá trình phẫu tích.
6.1.3. Xử lý dụng cụ phẫu tích và lưu bệnh phẩm
- Xử lý dụng cụ:
- Trong quá trình phẫu tích:
- Không nên để nhiều hơn 1 dao cắt bệnh phẩm tại một thời điểm trong khu vực phẫu tích để tránh thương tích.
- Lau/ rửa sạch dụng cụ giữa các bệnh phẩm để tránh lây nhiễm chéo.
- Sau khi phẫu tích:
- Vứt dao cắt bệnh phẩm vào đúng nơi quy định (thùng đựng vật sắc nhọn).
- Làm sạch dụng cụ bằng dung dịch sát khuẩn (ví dụ, Stabin fresh 2% ngâm trong 60 phút), rửa lại với nước, để khô vào đúng nơi quy định.
- Trong quá trình phẫu tích:
- Lưu bệnh phẩm:
- Bệnh phẩm được lưu trong các lọ riêng biệt ở khu vực quy định
- Các lọ lưu phải được dán nhãn định danh đầy đủ và có dán ký hiệu nguy hiểm sinh học (nếu có).
6.1.4. Các bệnh phẩm có chứa chất phóng xạ
Mẫu bệnh phẩm có chứa chất phóng xạ (ví dụ hạch gác) được tiến hành phẫu tích theo quy trình phẫu tích các mẫu bệnh phẩm ngoại khoa khác.
6.2. Hóa chất
- Dung dịch formalin 10%.
- Dung dịch khử xương.
- Mực Ấn độ.
6.3. Trang thiết bị cần có
- Hướng dẫn phẫu tích đại thể.
- Bàn phẫu tích: luôn sạch sẽ, có đầy đủ các trang thiết bị cần thiết.
- Dao, kéo, forceps, que dò, dao.
- Kính lúp.
- Cưa xương.
- Thước kẻ.
- Đèn.
- Cassette mô.
- Găng tay.
- Camera.
6.4. Hướng dẫn quy trình chung
- Nếu các bác sĩ nội trú cần sự giúp đỡ hoặc không xác định rõ cách tiếp cận như thế nào, anh ấy/ cô ấy cần tham khảo hướng phẫu tích đại thể riêng cho từng cơ quan hoặc hỏi ý kiến bác sĩ giải phẫu bệnh phụ trách công việc.
- Nhìn chung, một mô tả đại thể được bao gồm trong báo cáo giải phẫu bệnh cần logic, thực tế và cô đọng. Quá trình mô tả cần đi từ tổng quát đến chi tiết, bất thường đến bình thường, chủ yếu đến thứ yếu. Cần loại bỏ những mô tả dài dòng cho những cấu trúc giải phẫu bình thường. Không mô tả cơ chế.
- Hướng dẫn mô tả cho bệnh phẩm phẫu thuật:
- Khẳng định định danh bệnh nhân và bệnh phẩm.
- Tình trạng bệnh phẩm nhận được (bệnh phẩm tươi/hay cố định, dung dịch cố định).
- Loại bệnh phẩm, số lượng, kích thước và/hoặc khối lượng của bệnh phẩm.
- Vị trí của tổn thương.
- Đo mức độ lan rộng của tổn thương trên đại thể, bao gồm cả độ sâu của xâm nhập, mối quan hệ của tổn thương với mô xung quanh (vỏ, xâm nhập,…), mối quan hệ với diện cắt khi phẫu thuật triệt căn.
- Mô tả chi tiết tính chất, màu sắc, tình trạng mạch.
- Ghi lại cách thức đánh dấu mực diện cắt, ranh giới, vị trí.
- Sau khi kết thúc quá trình mô tả đại thể, cần có danh sách “tóm tắt dán nhãn các mảnh cắt” cho các vị trí lấy mẫu. Ví dụ:
- Diện cắt
- Vị trí bên
- Vị trí 1⁄4
- Chặng hạch lympho
- Mảnh lấy thêm
- Điều này cực kỳ quan trọng và cần chính xác. Cách thức dán nhãn cassette tuân thủ hướng dẫn của quy trình dán nhãn mẫu bệnh phẩm giải phẫu bệnh.
- Chụp ảnh tổn thương giúp hỗ trợ cho mô tả đại thể (nếu có điều kiện).
- Hướng dẫn mô tả đại thể cho bệnh phẩm sinh thiết: khi mô tả mẫu bệnh phẩm sinh thiết cần cung cấp đầy đủ các thông tin sau
- Khẳng định định danh bệnh nhân và bệnh phẩm.
- Số lượng mẫu bệnh phẩm nhận được nếu có nhiều hơn 1 lọ mẫu.
- Tình trạng bệnh phẩm nhận được (bệnh phẩm tươi/hay cố định, dung dịch cố định, nếu gửi mẫu tươi thì cần phải lưu ý tìm hiểu xem tại sau lại gửi mẫu bệnh phẩm tươi, ví dụ như gửi để làm cắt lạnh hoặc để làm tế bào học áp lam hoặc để làm thêm các xét nghiệm bổ trợ khác).
- Vị trí bệnh phẩm tương ứng với vị trí được viết trên lọ đựng mẫu tương ứng với trên phiếu chỉ định. Nếu lọ đựng mẫu không dán nhãn vị trí bệnh phẩm, bạn có thể mô tả là [_] hoặc “lọ đựng mẫu không ghi vị trí bệnh phẩm”.
- Ví dụ 1: Bệnh phẩm nhận được đựng trong 01 lọ chứa NBF 10%, được dán mã số hồ sơ y khoa thích hợp, dán nhãn vị trí sinh thiết “hang vị”, gồm 3 mảnh bệnh phẩm dạng polyp có đường kính lớn nhất từ 0.1 – 0.2cm. Toàn bộ bệnh phẩm được chuyển cả vào cassette A1.
- Ví dụ 2: nếu bệnh phẩm nhận được nhiều hơn 1 lọ.
- Bệnh phẩm nhận được là bệnh phẩm tươi, được đựng trong 6 lọ, mỗi lọ được dán nhãn mã hồ sơ y khoa thích hợp và vị trí bệnh phẩm.
- A. Lọ dán nhãn “đại tràng ngang”. Bao gồm 2 mảnh mô màu vàng và mềm, kích thước 0.3×0.2×0.2cm và 0.4×0.3.0.2cm. Bệnh phẩm được chuyển toàn bộ vào cassette A1.
- B. Lọ dán nhãn “đại tràng sigma”. Bao gồm 1 mảnh mô màu vàng và mềm, kích thước 0.8×0.2×0.2cm. Bệnh phẩm được bổ đôi và chuyển toàn bộ vào cassette B1.
- C. Lọ dán nhãn “dạ dày”. Bao gồm 2 mảnh dạng polyp màu vàng, kích thước lớn nhất 0.1cm. Bệnh phẩm được chuyển toàn bộ vào cassette C1.
- Luôn nhớ rằng mô tả đại thể là tài liệu mang tính pháp lý và cần được làm cẩn thận.
- Nếu có tình trạng không đủ mẫu, chẩn đoán ban đầu hoặc khuyến cáo cung cấp thêm thông tin các xét nghiệm bổ trợ khác tại thời điểm lấy mẫu mô hoặc tế bào khi phẫu tích, cần ghi lại những thông tin về những tình trạng này trong báo cáo giải phẫu bệnh ban đầu.
- Cần biết vị trí giải phẫu của mẫu mô. Nếu không xác định được, cần trao đổi thêm với bác sĩ thực hiện phẫu thuật.
- Kỹ thuật viên hỗ trợ pha đại thể sẽ ghi chép lại các thông tin mô tả được đọc bởi bác sĩ trong quá trình pha nếu không có các dụng cụ, phương tiện hỗ trợ truyền đạt thông tin.
6.5. Hướng dẫn phẫu tích bệnh phẩm ngoại khoa
4 bước tiếp cận cơ bản khi phẫu tích bệnh phẩm phẫu thuật dưới đây giúp cho người phẫu tích có thể giải quyết một cách hiệu quả và toàn diện nhất đối với tất cả các loại mẫu bệnh phẩm.
6.5.1. Định hướng bệnh phẩm
- Nếu xem bản báo cáo kết quả giải phẫu bệnh là kết quả cuối cùng của việc phẫu tích bệnh phẩm thì việc định hướng bệnh phẩm giúp vạch ra con đường để đến được đích cuối cùng đó. Việc định hướng không chỉ dựa trên các kiến thức về giải phẫu của cơ quan mà cần có các thông tin lâm sàng cụ thể.
- Bước định hướng giải phẫu rất quan trọng trước khi bắt đầu phẫu tích. Dưới đây là 2 bước giúp định hướng bệnh phẩm tốt hơn:
- Đánh giá các mốc giải phẫu: là các đặc điểm giúp nhận định cấu trúc cơ quan đặc hiệu như hình dáng, viền, cấu trúc. Ví dụ: Định hướng tử cung dựa vào vị trí phúc mạc phủ lên thành trước và sau của tử cung,… Người phẫu tích cần nắm được các đặc điểm giải phẫu đặc trưng của bệnh phẩm. Atlas giải phẫu cũng nên được đặt ở vị trí dễ tìm thấy ở khu vực phẫu tích.
- Lấy thông tin từ phẫu thuật viên: Phẫu thuật viên có thể đánh dấu bằng chỉ, kẹp hoặc vẽ sơ đồ gửi kèm giấy chỉ định hoặc hướng dẫn trực tiếp.
6.5.2. Phẫu tích bệnh phẩm
- Đánh dấu mực:
- Nên đánh dấu trước khi cắt bệnh phẩm.
- Không dùng quá nhiều mực.
- Lau khô bề mặt bệnh phẩm trước khi đánh dấu. Đánh dấu tập trung vào những diện cần đánh dấu và không làm lan mực sang mặt khác
- Đợi mực khô trước khi cắt bệnh phẩm. Không cắt khi mực ướt vì dao cắt có thể làm lan mực vào diện cắt.
- Mở và cắt bệnh phẩm:
- Đầu tiên, định vị tổn thương bằng cách sờ bệnh phẩm. Ví dụ: U nhỏ vùng ngoại vi của phổi có thể xác định bằng cách sờ nhu mô phổi, ung thư đại tràng có thể thăm dò bằng ngón tay vào lòng đại tràng. Hoặc có thể xác định vị trí tổn thương bằng các kết quả chẩn đoán hình ảnh.
- Sau đó, mở bệnh phẩm sao cho quan sát hết được tổn thương và vẫn duy trì được tương quan với các cấu trúc xung quanh. Nhìn chung, đối với bệnh phẩm ống tiêu hóa hoặc các nang, nên mở dọc theo bờ đối diện tổn thương. Đối với u ở tạng đặc, bệnh phẩm nên cắt theo trục lớn nhất để thấy được đường kính lớn nhất của u.
- Luôn nhớ phải cắt qua hết toàn bộ bệnh phẩm để đánh giá đầy đủ các tổn thương.
- Cố định bệnh phẩm:
- Các mẫu bệnh phẩm được phẫu tích tươi, sau khi phẫu tích được cố định ngay trong NBF 10%.
- Các mẫu bệnh phẩm được cố định trước khi phẫu tích thì nên mở bệnh phẩm trước (đối với ống tiêu hóa hoặc nang lớn) hoặc cắt một số lát qua bệnh phẩm (đối với bệnh phẩm đặc) sao cho vẫn giữ nguyên được cấu trúc, để dung dịch cố định có thể ngấm được vào trong (trước cố định).
- Lưu trữ bệnh phẩm:
- Mẫu được lưu trữ trong túi/ hộp chứa kín và đảm bảo đủ lượng dung dịch cố định cần thiết.
- Đối với bệnh phẩm có các phần/ bên riêng biệt (như thùy phải và trái của tuyến giáp) nên lưu trữ ở hai hộp riêng biệt.
- Hộp lưu trữ phải được định danh đầy đủ, dán nhãn và có cảnh bảo sinh học nếu có.
6.5.3. Lấy mẫu (cắt mảnh) bệnh phẩm
- Lấy mẫu u:
- Các mảnh cắt đầu tiên từ bất kỳ bệnh phẩm nào đều nên cắt qua vùng ranh giới của tổn thương để bộc lộ được cả cùng tổn thương và vùng mô kế cận. Ngoài ra, cần lấy được vùng xâm nhập sâu nhất của u. Thêm vào đó, cần lấy thêm một hoặc nhiều hơn các mảnh cắt của mô “bình thường” tùy thuộc vào sự hiện diện của tổn thương. Cần lưu giữ tất cả các mẫu mô thừa theo quy định. Nếu bệnh phẩm được chuyển toàn bộ cần ghi lại cụm từ “chuyển cả” hoặc “chuyển toàn bộ” vào mô tả đại thể.
- Cần xử lý mẫu mô nhẹ nhàng. Không chà hoặc rửa bề mặt niêm mạc bằng nước chảy mạnh. Nếu cần thiết phải rửa niêm mạc để bộc lộ vùng tổn thương được rõ nét, cần rửa nhẹ nhàng, cẩn thận.
- Số lượng mảnh cắt và cassette phụ thuộc vào loại u.
- Độ dày của các lát cắt từ 2-5 mm. Kích thước của mỗi mảnh cắt nhỏ hơn khuôn chứa ít nhất 1mm mỗi cạnh. Cố gắng cắt mảnh phẳng, đều và góc vuông.
- Nếu mảnh cắt từ việc phẫu tích tươi quá mềm, có thể cố định trước để có thể cắt mỏng được mảnh cắt. Nếu có yêu cầu cắt mảnh từ một vùng bề mặt cụ thể, cần đánh dấu vùng muốn cắt bằng mực đánh dấu. Các mảnh cắt xương, cắt bằng cưa xương được dán nhãn và cho vào cassette theo như cách thông thường, nhưng sau đó cho vào dung dịch khử xương.
- Các mảnh cắt được sử dụng làm cắt lạnh được chuyển vào cassette riêng và có dán nhãn thích hợp như thông thường.
- Nếu u to cắt 1 mảnh cắt cho mỗi 1 cm u. Các mảnh cắt liên tục được đặt vào các caseette được đánh số tăng dần.
- Chụp ảnh bằng camera những trường hợp không bình thường hoặc được lâm sàng yêu cầu hoặc khi bác sĩ giải phẫu bệnh nhận thấy có những hình ảnh đại thể bất thường cần quan tâm,… tuy nhiên cần ưu tiên việc xử lý mẫu nhanh tối đa và cẩn thận nhất để chẩn đoán, tránh trì hoãn cố định gây thoái hóa mô.
- Một số gợi ý dưới đây giúp lấy mẫu mô đầy đủ nhất:
- Lấy tất cả các vùng có đặc điểm hình thái khác nhau trên đại thể.
- Khi phẫu tích các nang lớn, nên lấy những vùng thành nang dày và những vùng lòng nang trông khác biệt
- Khi nghi ngờ/ chẩn đoán có chuyển dạng ác tính hoặc tổn thương tiền ung thư nên lấy hết tổn thương nếu có thể hoặc lấy rộng tổn thương nhất.
- Lấy mẫu diện cắt: Có hai cách lấy diện cắt. Mỗi cách có ưu và nhược điểm riêng.
- Lấy diện cắt vuông góc:
- Ưu điểm: thể hiện được mối tương quan giữa diện cắt và rìa u, thấy được sự lan rộng của tổn thương đến diện cắt và nhận định được chính xác liệu diện cắt có còn u hay không.
- Nhược điểm: chỉ lấy một phần nhỏ diện cắt đại diện trên mảnh cắt, cần nhận định được vùng u gần diện cắt nhất để lấy.
- Lấy diện cắt song song:
- Ưu điểm: đánh giá diện cắt trên diện rộng hơn. Đối với các bệnh phẩm có chu vi diện cắt nhỏ, cách này sẽ lý tưởng lấy được hết diện cắt.
- Nhược điểm: Nếu chu vi diện cắt lớn, khó lấy hết được toàn bộ chu vi. Cách này cũng không thể hiện được mối tương quan giữa rìa u và diện cắt.
- Do vậy, cách tối ưu hiện nay là lấy diện cắt song song đối với trường hợp diện cắt xa u, lấy diện cắt vuông góc đối với diện cắt gần u.
- Lấy diện cắt vuông góc:
- Lấy hạch lympho
- Cần định hướng bệnh phẩm trước, xác định các vùng hạch và lấy diện cắt mô mềm trước khi tìm hạch.
- Có thể phẫu tích hạch lúc bệnh phẩm còn tươi hoặc đã cố định. Tuy nhiên, phẫu tích hạch khi bệnh phẩm còn tươi hay được áp dụng hơn do hạch dễ sờ hơn so với khi bệnh phẩm đã cố định sẽ cứng hơn và khó tìm những hạch bé hơn.
6.6. Hướng dẫn phẫu tích bệnh phẩm sinh thiết nhỏ
- Không được dùng đầu forcep hoặc ngón tay bóp mạnh. Nên lấy bệnh phẩm khỏi lọ bằng cách dùng đầu que gỗ (wooden applicator stick or pickups).
- Cần được cố định sớm, tốt nhất là nên cố định trước khi gửi đến phòng xét nghiệm. Trong trường hợp phải trì hoãn cố định (sinh thiết tức thì hoặc nhuộm đặc biệt), nên giữ bệnh phẩm ẩm trong gạc ẩm hoặc miếng xốp mô ẩm. Không được để bệnh phẩm tiếp xúc trực tiếp với không khí trên bàn phẫu tích hoặc để trên giấy khô.
- Nếu mẫu bệnh phẩm quá bé, ngay khi mở lọ đựng bệnh phẩm, cần đối chiếu lại kích thước và số lượng mảnh, ghi chép vào mô tả đại thể đồng thời đánh dấu cho kỹ thuật viên biết.
- Nên được gói trong giấy gói hoặc đặt trong miếng lót bệnh phẩm.
- Nguyên tắc và hướng dẫn phẫu tích:
- Nếu có ít hơn < 5 mảnh bệnh phẩm, đo kích thước từ mảnh nhỏ nhất đến mảnh lớn nhất (nếu mảnh sinh thiết > 5mm đo kích thước 3 chiều).
- Nếu nhiều hơn 5 mảnh, đo kích thước khối gom lại.
- Khi bạn nói lọ chứa mẫu được dán nhãn hồ sơ y khoa thích hợp, có nghĩa là bạn phải thực sự kiểm tra và đảm bảo thông tin này là đúng. Đây là vấn đề an toàn mô học cực kỳ quan trọng. Không làm tắt, đây là nguyên tắc.
- Nếu bệnh phẩm cực kỳ nhỏ, có khả năng biến mất sau quy trình chuyển, bạn có thể ghi chú “ bệnh phẩm có khả năng tan/biến mất trong quá trình chuyển mô”.
6.7. Kiểm soát chất lượng và lây nhiễm chéo
6.7.1. Kiểm soát chất lượng
- Phẫu tích đại thể được thực hiện ở trong tủ phẫu tích có quạt hút khí mạnh.
- Phòng phẫu tích phải có đầy đủ thiết bị với ánh sáng tốt, nước vòi chảy, găng tay, dao, kéo, kim dò, thớt, thước đo, cân,…
- Trước khi lấy mẫu mô ra khỏi lọ đựng mẫu, tất cả các dữ liệu thông tin trên lọ đựng mẫu phải được kiểm tra và khớp với phiếu chỉ định xét nghiệm mô bệnh học.
- Cần đảm bảo rằng các cassettes được dán nhãn thích hợp.
- Mô tả đại thể cần rõ ràng và các chi tiết theo hướng dẫn của một trong những cuốn textbook Atlas of Surgical Pathology Grossing, Monica B. Lemos, Ekene Okoye, © Springer Nature Switzerland và AG Ackerman’s Surgical Pathology. Juan Rosai/10th edition, Manual of Surgical Pathology, 3rd edition, Susan C.Lester)) và hướng dẫn phẫu tích đại thể các cơ quan.
- Mẫu mô được cắt từ bệnh phẩm chính sẽ phải được đặt ngay vào cassettes có dán nhãn, bề mặt cắt hướng xuống dưới để bệnh phẩm sẽ được đúc đúng chiều và cắt đúng mặt mô mong muốn.
- Nên bôi mực định hướng cho diện cắt phẫu thuật. Làm khô bề mặt trước khi bôi mực để ngăn ngừa trôi màu.
- Cần loại bỏ ghim và chỉ khỏi mô trước khi chuyển do chúng sẽ hại dao và làm gián đoạn mảnh mô.
- Không cắt mảnh cắt quá dày.
- Không cố đặt nhiều hạch lympho vào chung 1 cassette. Lý tưởng nhất nên đặt 01 hạch lympho vào 01 cassettes. Nếu hạch > 5mm, cắt các lát liên tiếp cách mỗi 2 đến 3 mm. Tuy nhiên, tùy điều kiện của phòng xét nghiệm, có thể đặt một số hạch nhỏ hoặc đánh dấu các hạch lớn khác nhau và cắt lát cho vào cùng cassetes.
- Những mẫu mô cứng phải được đem khử xương.
- Nếu có bất kỳ vấn đề gì với mẫu bệnh phẩm ngoại khoa, kỹ thuật viên cần gọi và thông báo cho bác sĩ giải phẫu bệnh.
- Các bác sĩ giải phẫu bệnh chịu trách nhiệm cho tất cả thay đổi về mã số của cassette. Kỹ thuật viên không được quyền thay đổi mã số của cassette nếu không có ý kiến đồng thuận của bác sĩ giải phẫu bệnh.

6.7.2. Lây nhiễm chéo
- Phải tránh tuyệt đối lây nhiễm chéo mẫu mô.
- Tất cả các dụng cụ, hộp chứa, bình lọc, và thớt cắt phải được rửa sạch và lau khô giữa mỗi ca.
- Bắt buộc phải làm sạch (ví dụ, lau hoặc rửa) forceps và lưỡi dao giữa các ca.
- Chỉ mở một lọ bệnh phẩm duy nhất tại bất kỳ thời điểm nào để phòng ngừa nhầm lẫn bệnh phẩm.
- Để tránh lây nhiễm giữa các ca bệnh ác tính, cần tập hợp những cassettes của chúng trong một cột riêng biệt.
- Bệnh phẩm có xu hướng bị mất trong quá trình chuyển hoặc nhiễm chéo giữa các bệnh phẩm khác nên được hỗ trợ bằng xốp lót (lót sinh thiết) hoặc gói trong giấy gói mô.
- Tránh dùng lại que bông/que bôi trên nhiều mẫu vật hoặc “nhúng hai lần” tăm bông/ que bôi trong mực nếu có thể. Nếu không thể, những thiết bị nhúng này phải được rửa sạch trước khi nhúng lần 2. Có thể chọn loại dùng một lần (ví dụ, miếng thấm formalin, giấy thấm…) cho những mẫu bệnh phẩm lớn.
- Hơn nữa, nếu cả bệnh phẩm nhỏ (ví dụ, sinh thiết) và bệnh phẩm lớn (ví dụ, bệnh phẩm phẫu thuật) được xử lý cùng thời gian, mẫu sinh thiết phải được thực hiện trước những mẫu bệnh phẩm ngoại khoa và lau sạch dụng cụ và bề mặt cắt trước khi thực hiện giữa các ca.
- Tránh viện phẫu tích đại thể gần nhau giữa những mẫu bệnh phẩm cùng loại hoặc có tên trùng nhau nếu có thể.
7. Lưu trữ hồ sơ
Quy định chung về phẫu tích đại thể
8. Các tài liệu liên quan
- Sổ tay hướng dẫn thực hiện quy trình phẫu tích đại thể
9. Tài liệu tham khảo
- Atlas of Surgical Pathology Grossing, Monica B. Lemos, Ekene Okoye, © Springer Nature Switzerland
- AG Ackerman’s Surgical Pathology. Juan Rosai/10th edition, Manual of Surgical Pathology, 3rd edition, Susan C.Lester
- CAP Anatomic Checklist, Master, 06.04.2020, College of American Pathologists, available at https://www.cap.org/
- Susan C. Lester, MD, PhD, Manual of Surgical Pathology. 3rd, 2010, 34. linnsci.com/api/library/Download/ff283257b11d41b4944af99241258cd7#:~:text=Safety%2 0Precautions%20and%20Dissection%20Procedures&text=Wear.
- William H. Westra, M.D et al, Surgical Pathology Dissection An Illustrated Guide, 2nd, 2003, 2-11.
- http://pathology.ucla.edu/workfiles/Education/Residency%20Program/Gross%20Manual/General%20Grossing%20Guidelines.pdf
Bản quyền và thương hiệu: Thông tin và hình ảnh trên website thuộc quyền sở hữu của VinmecDr. Việc sao chép, sử dụng phải được VinmecDr chấp thuận trước bằng văn bản.
Miễn trừ trách nhiệm: Tất cả những tư liệu được cung cấp trên website này đều mang tính tham khảo. Do đó, nội dung và hình ảnh sẽ được thay đổi, cập nhật và cải tiến thường xuyên mà không phải thông báo trước. VinmecDr không bảo đảm về độ chính xác cũng như sự hoàn thiện về thông tin. Chúng tôi không chịu trách nhiệm pháp lý cho những thiệt hại xuất hiện trực tiếp hay gián tiếp từ việc sử dụng hoặc hành động dựa theo những thông tin trên hoặc một số thông tin xuất hiện trên website này. VinmecDr không chịu trách nhiệm pháp lý về những sai sót, lỗi chính tả… do nhập liệu cùng với những sự cố khách quan khác như: nhiễm virus, hành vi phá hoại, ác ý… xảy ra trên website này cũng như các website liên kết, nếu có.
Đường link liên kết
VinmecDr sẽ không chịu trách nhiệm hay có nghĩa vụ pháp lý dưới bất kỳ hình thức nào về nội dung của những website không thuộc VinmecDr được liên kết với website www.vinmecdr.com, bao gồm các sản phẩm, dịch vụ và những mặt hàng khác được giới thiệu thông qua những website đó.