Hướng dẫn thực hiện quy trình chuyên môn phẫu thuật thay khớp gối toàn phần (Thay khớp lần đầu)
Hướng dẫn thực hiện quy trình chuyên môn phẫu thuật thay khớp gối toàn phần áp dụng cho Bác sỹ; Điều dưỡng Khoa Phẫu thuật chỉnh hình, Gây mê giảm đau, Phục hồi chức năng và Khu Nội trú Ngoại tại các bệnh viện Vinmec.
Người thẩm định: Phạm Đức Huấn
Người phê duyệt: Phùng Nam Lâm
1. Định nghĩa và các khái niệm liên quan:
Thay khớp gối toàn phần (TKGTP) là biện pháp điều trị cuối cùng, dùng để sửa chữa khớp gối bị hỏng nặng cả 3 khoang, gây đau nhiều; không còn đáp ứng với các phương pháp điều trị bảo tồn khác. Các thành phần giải phẫu được thay bao gồm: lồi cầu xương đùi, mâm chày và bánh chè – hay còn gọi là tái tạo 3 khoang khớp gối. Tuy nhiên, đây là một phẫu thuật rất nặng nề, mặc dù đã được chứng minh là một phương pháp điều trị rất hiệu quả song cũng luôn có nhiều biến chứng rình rập. Khớp gối nhân tạo chóng bị hỏng hóc nếu phải chịu cường độ vận động lớn; vì vậy phẫu thuật TKGTP chỉ nên thực hiện cho người cao tuổi (> 60 tuổi), khi các hoạt động hàng ngày đã giảm hẳn.
Phẫu thuật thay khớp lần đầu được gọi là Thay khớp lần đầu (Primary Arthroplasty); nếu sau lần đầu khớp nhân tạo bị hỏng hay biến chứng phải mổ thay lại thì gọi là Thay lại khớp (Revision of Arthroplasty).
Quy trình này là Quy trình Phẫu thuật thay khớp gối toàn phần lần đầu.
2. Chỉ định/ Chống chỉ định
2.1. Chỉ định:
- Các bệnh lý gây hỏng khớp gối (thường gặp trong thực hành tại Việt nam):
- Thoái hóa khớp gối giai đoạn IV (Đau nhiều hoặc kèm biến dạng khớp, giảm biên độ vận động)
- Di chứng chấn thương xương – khớp gối hoặc khớp nhân tạo một khoang bị hỏng
- Viêm cột sống dính khớp
- Một số bệnh lý hiếm gặp khác:
- Biến chứng viêm khớp trong bệnh hệ thống (Vảy nến; Viêm khớp dạng thấp…)
2.2. Chống chỉ định:
- Đang có nhiễm trùng khớp gối hoặc một ổ nhiễm trùng khác trên cơ thể người bệnh
- Đang có bệnh nguy hiểm đến tính mạng
- Khớp gối đã bị hàn chắc, cơ đùi teo, mất chức năng
- Chống chỉ định tương đối: Khi có một trong số bệnh kèm theo, như: Đái đường, Tăng huyết áp, Khối ung thư tiên phát, một số bệnh tim mạch, gan, thận khác… Nếu bệnh kèm theo được điều trị ổn định vẫn có thể chỉ định mổ thay khớp.
3. Dụng cụ/ thiết bị/ vật tư/ thuốc
3.1. Dụng cụ cấy ghép – Khớp gối nhân tạo (Knee Prosthesis):
- Loại khớp gối nhân tạo
- Khớp bảo tồn dây chằng chéo sau
- Khớp thay thế dây chằng chéo sau
- Khớp bản lề
- Lựa chọn loại khớp nhân tạo
- Dựa trên: thương tổn phần mềm quanh khớp; biến dạng khớp; mức độ tiêu xương dưới sụn; các loại khớp nhân tạo đã có sẵn
- Dựa trên kinh nghiệm thay khớp gối của các Trung tâm uy tín trên thế giới
3.2. Trợ cụ phẫu thuật:
- Trợ cụ phẫu thuật dùng riêng cho từng dòng khớp; do hãng cung cấp khớp nhân tạo hỗ trợ
3.3. Thuốc:
- Kháng sinh dự phòng
- Cefazolin (khi không có nguy cơ nhiễm Staphylococcus aureus kháng methicillin): 2 gam, tiêm tĩnh mạch trong vòng 20 phút trước khi rạch da. Nếu cuộc mổ kéo dài trên 3 tiếng, tiêm thêm 1 gam khi khâu da.
- Vancomycine (khi có nguy cơ nhiễm Staphylococcus aureus kháng methicillin): 15mg /Kg cân nặng; truyền tĩnh mạch trong 1 giờ ngay trước khi rạch da.
- Phòng thuyên tắc mạch
- Lovenox 40mg: sau mổ 12 tiếng tiêm một bơm; tiếp tục mỗi ngày một bơm; trong 15 ngày, nếu không có tiền sử thuyên tắc mạch. Nếu có nguy cơ cao, nên tiêm 35 ngày.
- Có thể tham khảo Dược lâm sàng để điều chỉnh tổng liều, chuyển dạng thuốc cho phù hợp với từng trường hợp cụ thể.
4. Địa điểm thực hiện:
Tất cả các Đơn vị CTCH Vinmec có thể triển khai mổ TKGTP Độc lập hoặc Có sự hỗ trợ của Chuyên gia
5. Quy trình kỹ thuật thực hiện:
5.1. Tiếp nhận thông tin người bệnh:
Thông qua Tổng đài, tự đến hoặc được người khác giới thiệu. Tư vấn bước đầu: do Tổng đài, Info CSKH thực hiện. Nội dung: Thay khớp gối toàn phần là biện pháp điều trị cuối cùng, dùng để sửa chữa khớp gối bị hỏng nặng cả 3 khoang, đau nhiều; không còn đáp ứng với các phương pháp điều trị bảo tồn khác. Các thành phần giải phẫu được thay bao gồm: lồi cầu xương đùi, mâm chày và bánh chè – hay còn gọi là tái tạo 3 khoang khớp gối. Tuy nhiên, đây là một phẫu thuật rất nặng nề, mặc dù đã được chứng minh là một phương pháp điều trị rất hiệu quả song cũng luôn có nhiều biến chứng rình rập. Khớp gối nhân tạo chóng bị hỏng hóc nếu phải chịu cường độ vận động lớn; vì vậy phẫu thuật TKGTP chỉ nên thực hiện cho người cao tuổi (> 60 tuổi), khi các hoạt động hàng ngày đã giảm hẳn. Phẫu thuật thay khớp gối tại Vinmec an toàn và tỷ lệ thành công rất cao.
Đặt hẹn và thông báo cho Bác sĩ phẫu thuật chuẩn bị tiếp nhận và khám bệnh.
5.2. Khám và xác định chẩn đoán => phân loại cấp độ thương tổn, lựa chọn kỹ thuật tốt nhất.
Chỉ định:
- Tuổi > 60
- Khớp gối bị hỏng nặng cả 3 khoang gây cứng, dính, biến dạng khớp
- Điều trị bảo tồn không kết quả; đau không kiểm soát được; vận động bị hạn chế nhiều.
5.3. Đánh giá toàn trạng trước nhập viện:
Kiểm soát bệnh nền (nếu có); Xét nghiệm thường quy trước mổ; XQ tim phổi; Điện tâm đồ. Khám Gây mê. Đánh giá nguy cơ thuyên tắc mạch. Chấm điểm đánh giá chức năng khớp gối trước mổ (The Western Ontario and McMaster Universities Osteoarthritis Index – WOMAC).
Tư vấn bước hai: nêu rõ ràng, đầy đủ, chi tiết liệu trình TKGTP; bao gồm lợi ích, nguy cơ, biến chứng, kỳ vọng, chi phí…; tất cả được ghi chép trong phiếu Cam kết đồng ý phẫu thuật có nguy cơ cao; Cam kết sử dụng dịch vụ; Cam kết đồng ý truyền máu và các chế phẩm từ máu. Đánh giá nguy cơ thuyên tắc mạch. Giới thiệu và hướng dẫn các bài luyện tập khớp háng trước và sau mổ.
Duyệt mổ: Đủ 4 chữ ký của Phẫu thuật viên, Gây mê, Trưởng khoa, Giám đốc chuyên môn.
5.4. Xây dựng kế hoạch điều trị:
Từ Nhập viện tới Ra viện và Theo dõi ngoại trú lâu dài. Triển khai thực hiện kế hoạch điều trị – chăm sóc thông qua việc thành lập Đội điều trị đặc biệt dành riêng cho người bệnh.
5.5. Tiến hành phẫu thuật:
Kỹ thuật phẫu thuật được chọn trong cuốn Advanced Reconstruction – Knee của Lieberman J.R. và Berry D.J. thuộc The Knee Society, AAOS – 2018. Có thể liên hệ Tiểu ban Ngoại để xin tài liệu kỹ thuật phẫu thuật.
5.6. Một số bước chính:
- Đặt tư thế người bệnh: Khớp gối luôn được tỳ vững cả tư thế duỗi và gấp tối đa trong mổ
- Chọn đường mổ theo “sở trường” của PTV
- Luôn đặt khớp thử trước và kiểm tra độ vững, trục chi, biên độ gấp duỗi, di động bánh chè
- Chỉ đặt khớp nhân tạo của NB khi khớp thử đạt đủ mọi yêu cầu tiêu chuẩn
5.7. Hậu phẫu và chương trình tập phục hồi chức năng; theo dõi từ xa.
Chấm điểm đánh giá chức năng khớp gối sau mổ 3 tháng – 6 tháng – 12 tháng.
6. Tai biến/biến chứng:
- Chảy máu gây tụ máu trong khớp
- Thương tổn thần kinh, mạch máu vùng khoeo
- Nhiễm trùng vết mổ cấp tính. Viêm mủ khớp
- Thuyên tắc mạch
- Bong diện bám gân bánh chè; rách gân cơ tứ đầu đùi
- Gãy xương, Tiêu xương quanh khớp nhân tạo
- Mòn, lỏng các thành phần khớp nhân tạo
- Nhiễm trùng khớp gối mạn tính
7. Tư vấn, giáo dục sức khỏe trước và sau khi thực hiện kỹ thuật
- Cung cấp tài liệu hướng dẫn về “Thay khớp gối toàn phần, những điều người bệnh cần biết”
- Hướng dẫn các bài tập phục hồi chức năng khớp gối trước và sau phẫu thuật
Tài liệu tham khảo/ Tài liệu liên quan
1. Lieberman J.R., Berry D.J.: Advanced Reconstruction – Knee; The Knee Society, AAOS – 2018
2. http://www.hospital-forms.com/50.pdf: Total Knee Replacement Clinical Pathway_CLINICAL PATHWAYS_MEDICAL AFFAIRS
3. Mohit Bhandari et al: Evidence – Based Orthopaedics; BMJ/Book – 2012
Chữ viết tắt
- TKGTP: Thay khớp gối toàn phần.
- PT: Phẫu thuật.
- PTV: Phẫu thuật viên.
- GMGĐ: Gây mê giảm đau.
- PK: Phòng khám.
- NB: Người bệnh.
- CTCH: Chấn thương chỉnh hình.
- PHCN: Phục hồi chức năng.
- CSKH: Chăm sóc khách hàng.
- XQ: X-quang.
Bản quyền và thương hiệu:
Thông tin và hình ảnh trên website thuộc quyền sở hữu của Vinmecdr. Việc sao chép, sử dụng phải được Vinmecdr chấp thuận trước bằng văn bản.
Miễn trừ trách nhiệm:
Tất cả những tư liệu được cung cấp trên website này đều mang tính tham khảo. Do đó, nội dung và hình ảnh sẽ được thay đổi, cập nhật và cải tiến thường xuyên mà không phải thông báo trước. Vinmecdr không bảo đảm về độ chính xác cũng như sự hoàn thiện về thông tin. Chúng tôi không chịu trách nhiệm pháp lý cho những thiệt hại xuất hiện trực tiếp hay gián tiếp từ việc sử dụng hoặc hành động dựa theo những thông tin trên hoặc một số thông tin xuất hiện trên website này. Vinmecdr không chịu trách nhiệm pháp lý về những sai sót, lỗi chính tả… do nhập liệu cùng với những sự cố khách quan khác như: nhiễm virus, hành vi phá hoại, ác ý… xảy ra trên website này cũng như các website liên kết, nếu có.
Đường link liên kết
Vinmecdr sẽ không chịu trách nhiệm hay có nghĩa vụ pháp lý dưới bất kỳ hình thức nào về nội dung của những website không thuộc Vinmecdr được liên kết với website www.vinmecdr.com, bao gồm các sản phẩm, dịch vụ và những mặt hàng khác được giới thiệu thông qua những website đó.