MỚI

Hướng dẫn thực hiện quy trình đảm bảo an toàn cộng hưởng từ

Ngày xuất bản: 15/04/2022

Hướng dẫn thực hiện quy trình đảm bảo an toàn cộng hưởng từ áp dụng cho các Bệnh viện trong hệ  thống Y tế Vinmec.

Người thẩm định: Trần Hải Đăng Người phê duyệt: Phùng Nam Lâm  Ngày phát hành: 18/01/2021 Ngày hiệu chỉnh: 20/04/2022

1. Mục đích

Thiết lập và vận hành các chương trình, quy định để đảm bảo an toàn về cộng hưởng từ (CHT) cho người bệnh, nhân viên y tế và các hệ thống máy móc.

2. Phạm vi

Toàn bệnh viện và tất cả các người bệnh, khách hàng ra vào khu vực CHT.

3. Trách nhiệm

  • Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh (CĐHA)
  • Kỹ thuật viên trưởng khoa CĐHA
  • Kỹ thuật viên, điều dưỡng khu vực CHT
  • Kỹ thuật viên, điều dưỡng, nhân viên bệnh viện ra vào khu vực CHT

4. Quy định cụ thể

4.1. Trách nhiệm của các bên tham gia trong chương trình An toàn cộng hưởng từ

  • Ban lãnh đạo bệnh viện có trách nhiệm đảm bảo các quy định về an toàn CHT được áp dụng và được tất cả các nhân viên tuân thủ trong mọi tình huống.
  • Khoa CĐHA thiết lập, duy trì và kiểm tra đều đặn các quy định về An toàn CHT, áp dụng cho tất cả các hệ thống CHT của bệnh viện.
  • Trưởng khoa CĐHA chịu trách nhiệm thiết lập các chương trình đào tạo về an toàn CHT cho nhân viên bệnh viện.
  • Tất cả các sự cố không mong muốn về an toàn xảy ra trong khu vực CHT đều phải được báo cáo cho Trưởng khoa CĐHA và thực hiện theo các đúng quy định trong văn bản: “Quy trình báo cáo và xử lý sự cố”.

4.2. Những mối nguy cơ trong khu vực Cộng hưởng từ

4.2.1. Nguy cơ do đặc tính kỹ thuật trong khu vực cộng hưởng từ

  • Nguy cơ từ trường:

Từ trường tĩnh của hệ thống CHT là cao hơn rất nhiều lần so với từ trường của Trái đất. Trong từ trường như vậy các vật thể kim loại sẽ bị hút và có thể bay với tốc độ đạn bắn có thể gây ra những nguy cơ nghiêm trọng cho người bệnh hoặc bất kể người nào khác đang ở trong vùng ảnh hưởng. Do vậy, chỉ những dụng cụ chuyên dụng không nhiễm từ mới được phép sử dụng trong phòng CHT. Các vật dụng cá nhân như máy nhắn tin, điện thoại di động, máy ảnh, đồng hồ, thẻ tín dụng.v.v. có thể bị từ trường mạnh làm hỏng. Máy tạo nhịp tim, máy bơm thuốc tự động.v.v. có thể bị tắt hoặc bị xóa chương trình cài đặt khi đặt vào trong từ trường mạnh.

  • Nguy cơ sóng âm (Radio-frequency – RF):

Tín hiệu RF và gradients chỉ xuất hiện trong quá trình chụp. Các ảnh hưởng của hấp thụ tín hiệu RF là làm nóng mô vượt mức khả năng phân tán nhiệt của người bệnh gây bỏng da. Việc chụp kéo dài có thể làm tăng nhiệt độ bên trong cơ thể người bệnh, đặc biệt ở trẻ em. Có thể tạo ra dòng điện trên vật tiếp giáp hoặc trực tiếp trên người và cũng có thể tạo dòng điện trên các điện cực đặt ở trong tim gây ảnh hưởng không mong muốn đến nhịp tim.

  • Nguy cơ phát sinh từ khí Helium:

Nguy cơ ngạt: Helium lỏng trong máy có thể rò rỉ khỏi hệ thống máy, chuyển thành dạng khí gây chiếm chỗ của oxi trong phòng chụp và gây ngạt cho bệnh nhân đang chụp. Nguy cơ bỏng lạnh: nếu tiếp xúc với vùng chứa Helium lỏng ở nhiệt độ thấp. 4.2.2. Các nguy cơ/ ảnh hưởng khác có thể xảy ra trong quá trình chụp CHT

  • Những tác dụng phụ xảy ra trong thời gian ngắn: cảm giác nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn.
  • Ảnh hưởng tới một số thiết bị cấy ghép y tế và các hệ thống máy móc không được khuyến cáo an toàn trong môi trường CHT.
  • Tiếng ồn lớn trong quá trình chụp: Khi dòng điện chạy qua các cuộn Gradient trong quá trình chụp sẽ tạo ra các tiếng ồn cường độ lớn. Tiếng ồn có thể gây ảnh hưởng đến việc giao tiếp, làm người bệnh khó chịu, mất thính giác tạm thời. Với những người bệnh dễ bị khiếm thính (ví dụ trẻ em, thai nhi) có thể gây ra mất thính lực vĩnh viễn.
Hướng dẫn thực hiện quy trình đảm bảo an toàn cộng hưởng từ áp dụng cho các Bệnh viện
Hướng dẫn thực hiện quy trình đảm bảo an toàn cộng hưởng từ áp dụng cho các Bệnh viện

4.3. Biện pháp dự phòng yếu tố nguy cơ

4.3.1. Quy hoạch khu vực CHT: Mỗi khu vực đặt máy CHT được chia làm 4 vùng an toàn theo hướng dẫn của Trường Điện quang Hoa Kỳ.

  • Zone I: Vùng I là vùng an toàn cho tất cả mọi người bên ngoài khu vực CHT. Vùng này là khu vực tiếp đón và khu chờ của người bệnh.
  • Zone II: Vùng II là vùng đệm ở ngay bên ngoài khu vực hạn chế ra vào (Vùng III). Đây là vùng trung chuyển người bệnh được đưa đến chụp CHT.
  • Zone III: Vùng III là vùng kiểm soát (phòng điều khiển). Tất cả việc ra vào vùng III được hạn chế nghiêm ngặt với cửa ra vào được kiểm soát toàn bộ bởi nhân viên phòng CHT. Tất cả mọi người không có trách nhiệm không được vào ra vùng này.
  • Zone IV: Vùng IV là vùng để khối từ. Không cá nhân nào được vào phòng máy mà không được phép và luôn được giám sát bởi nhân viên của phòng CHT. Cửa phòng máy luôn được khóa khi không có người. Chỉ có các phương tiện không nhiễm từ đã được dán tem an toàn CHT (MRI Safe) mới được mang vào Zone IV. Kỹ thuật viên (KTV) CHT phải có khả năng quan sát và kiểm soát được trực tiếp cửa ra vào Zone IV từ vị trí ngồi của họ ở bàn điều khiển máy khi chụp.

4.3.2. Kiểm soát: Người bệnh/ Nhân viên bệnh viện / Nhân viên Phòng CHT 

  • Kiểm soát người bệnh trước khi chụp Cộng hưởng từ:

Người bệnh trước khi vào phòng chụp CHT được kiểm tra các chống chỉ định theo cam kết an toàn CHT. Kỹ thuật viên CHT phải có trách nhiệm kiểm tra lại các nội dung đã cam kết của bệnh nhân trước khi cho phép người bệnh vào khu vực kiểm soát. Tất cả các chống chỉ định đều được báo ngay cho bác sỹ CHT đang chịu trách nhiệm. Người bệnh cần thay áo choàng bệnh viện được chuẩn bị sẵn tại zone II khu vực CHT, để đảm bảo trên cơ thể không còn bất cứ vật dụng nhiễm từ nào. Đối với các bệnh nhi/ người bệnh cần có người giám hộ: các thông tin được cung cấp trong Bảng kiểm An toàn CHT cần phải có người đại diện hợp pháp ký xác nhận.

  • Gây mê trước khi chụp Cộng hưởng từ:
    • Những đối tượng bệnh nhân cần thiết phải gây mê trước khi chụp Cộng hưởng từ bao gồm:
    • Bệnh nhân nhi khoa
    • Người mắc hội chứng sợ phòng kín
    • Người bệnh đau không thể nằm yên trong khi chụp Cộng hưởng từ
    • Người bệnh không thể hợp tác trong khi chụp
  • Các bước thực hiện gây mê trước khi chụp Cộng hưởng từ:
    • BS ra chỉ định chụp Cộng hưởng từ sẽ liên hệ với BS gây mê để đặt lịch khám gây mê.
    • BS gây mê tiến hành gây mê theo đúng quy trình chuyên môn kỹ thuật: thực hiện theo “Phác đồ an thần chụp cộng hưởng từ (MRI) và cắt lớp vi tính (CT scan)” trong “Bộ hướng dẫn thực hiện quy trình chuyên môn chuyên ngành gây mê giảm đau ”.
    • Sau khi kết thúc thực hiện quá trình chụp Cộng hưởng từ : theo dõi tại phòng hồi tỉnh khoa CĐHA do điều dưỡng CĐHA hoặc điều dưỡng gây mê thực hiện theo dõi theo phân công, hướng dẫn của Bác sĩ gây mê. Mọi quyết định liên quan đến người bệnh do Bác sĩ gây mê chịu trách nhiệm.
  • Kiểm soát nhân viên phòng CHT: Tất cả các nhân viên làm việc trong khu vực CHT cần phải được đào tạo hàng năm về an toàn CHT để đảm bảo là bản thân họ an toàn và đủ điều kiện làm việc trong môi trường CHT.
  • Kiểm soát các nhân viên liên quan khác: Quy trình kiểm soát giống như đối với người bệnh.

4.3.3. Chương trình đào tạo nhân viên Chương trình đào tạo an toàn CHT thực hiện theo Phụ lục: “Đào tạo theo tiêu chuẩn của JCI” thuộc văn bản “Quy định đào tạo tại hệ thống y tế Vinmec”, nội dung đào tạo bao gồm:

  • Tất cả các thông tin về an toàn CHT
  • Video về an toàn CHT
  • Bài kiểm tra về mức độ hiểu biết về an toàn CHT, được thực hiện hàng năm như là một phần của việc đánh giá về an toàn của khoa CĐHA.

Thời điểm thực hiện đào tạo:

  • Tất cả các NV làm việc trong khu vực CHT được đào tạo về an toàn CHT trong chương trình đào tạo nhân viên mới, thực hiện tái đào tạo hàng năm và có bài test để đánh giá.

4.4. Xử trí ngừng tim, ngừng thở hoặc các cấp cứu khác

Phòng CHT cần được trang bị các phương tiện cấp cứu chuyên dụng, để ở ngay bên ngoài khu vực kiểm soát. Trong bất kỳ cấp cứu nào, tất cả người bệnh cần được đưa khỏi phòng chụp sang zone II (phòng hồi tỉnh) khu vực CHT hoặc zone III (phòng điều khiển) trong trường hợp tối khẩn cấp trước khi bắt đầu các kỹ thuật cấp cứu. Trường hợp xác định là người bệnh ngừng tuần hoàn nhân viên y tế có mặt tiến hành thực hiện các bước cấp cứu theo văn bản: “Quy định cấp cứu nội viện”.

4.5. Mất từ tính khối từ

Để hoạt động, máy CHT siêu dẫn (từ lực cao) cần có một chất làm mát là Helium lỏng, đảm bảo nhiệt độ các nam châm siêu dẫn xuống dưới 4,15 độ Kelvin (-269 ° C). Các phòng máy CHT đều được lắp đặt cảnh báo nhiệt độ, lượng Helium lỏng có trong máy theo đúng tiêu chuẩn của nhà sản xuất. Mất từ tính khối từ là quá trình mất nhiệt độ 0 tuyệt đối (độ K) bên trong các cuộn nam châm, dẫn đến helium lỏng chuyển sang dạng khí và thoát rất nhanh ra khỏi hệ thống máy. Nếu không có đường thoát, khí helium thoát ra sẽ chiếm hết thể tích của khí oxy trong phòng chụp và gây ngạt. Các phòng đặt máy CHT đều được xây dựng có hệ thống cửa dự phòng thoát khí helium (nếu helium lỏng bị rò rỉ) để đảm bảo an toàn cho người bên trong. Khi có sự cố này cần sơ tán người bệnh và nhân viên y tế ngay lập tức.

4.6. Giảm tiếng ồn cho người bệnh

Khuyến khích người bệnh nên bịt nút tai hoặc đeo tai nghe chống ồn. Sử dụng tối đa chế độ chụp Silent với những máy CHT có tính năng này.

4.7. Dự phòng nguy cơ do sóng âm (Radio-frequency – RF) và các trường gradient

  • Trong quá trình thăm khám phải đảm bảo rằng da của người bệnh không tiếp xúc trực tiếp với khoang máy bên trong của khối từ.
  • Một số miếng dán trên da (miếng dán điện cực, miếng dán thuốc…) có thể có chứa kim loại nhiễm từ dẫn đến tăng nhiệt độ trong quá trình chụp hoặc thậm chí gây bỏng, nhất là khi chúng nằm trong vùng chụp. Do vậy cần gỡ bỏ hoặc dặn dò bệnh nhân thông báo cho nhân viên CHT nếu thấy cảm giác nóng hoặc bỏng rát trong khi chụp để có hỗ trợ.
  • Trong quá trình chụp phải đảm bảo tay và chân của bệnh nhân không được đặt ở vị trí có trở thành một vòng kín dẫn điện bên trong khoang máy: người bệnh cần được hướng dẫn không để bắt chéo tay hoặc chân của họ trong quá trình chụp CHT.

4.8. Lưu ý với người bệnh/ nhân viên đang mang thai

  • Đối với người bệnh mang thai:

Hiện nay, vẫn chưa có đầy đủ bằng chứng rõ ràng về các ảnh hưởng của CHT lên phụ nữ có thai và thai nhi. Tuy nhiên, có một số cơ chế có thể gây các tác động không tốt do sự tương tác của trường điện từ với sự phát triển của thai nhi, đặc biệt trong 3 tháng đầu tiên của thai kỳ là giai đoạn dễ bị ảnh hưởng hơn cả. Nguy cơ ảnh hưởng lên thính lực của thai nhi cũng là một yếu tố cần cân nhắc. Về mặt tổng quan, vì những nguy cơ tiềm tàng cho phụ nữ mang thai, nên trì hoãn chụp cộng hưởng từ cho tới hết ba tháng đầu tiên của thai kỳ. Đối với từng trường hợp cụ thể người bệnh phải được xem xét cẩn thận, các bác sĩ chuyên môn cần phải cân nhắc mức độ rủi ro với lợi ích có thể thu được từ việc chụp CHT, giải thích cho người bệnh/ người nhà hiểu và thực hiện đầy đủ các cam kết trước khi chụp. Tránh sử dụng thuốc đối quang từ Gadolinium khi chụp người bệnh mang thai, ngoại trừ các trường hợp đặc biệt do BS lâm sàng cùng BS CĐHA hội chẩn và cân nhắc ra quyết định.

  • Đối với nhân viên mang thai:

Các nhân viên bệnh viện đang mang thai được phép làm việc trong khu vực chụp cộng hưởng từ trong tất cả các giai đoạn của thai kỳ. Tuy nhiên, khuyến cáo là không nên ở lại trong buồng đặt máy (zone IV) khi máy đang hoạt động.

4.9. Các chống chỉ định cho MRI

Chống chỉ định tuyệt đối thăm khám CHT:

  • Máy tạo xung kích thích thần kinh (Neurostimulator)
  • Cấy ghép điện cực ốc tai (Cochlear Implant)
  • Các máy kích thích phát triển của xương
  • Các dụng cụ cấy ghép trong bệnh lý xương ức ở trẻ em.
  • Các người bệnh có dị vật kim loại nằm trong mắt
  • Thiết bị chống trào ngược dạ dày

Các chống chỉ định tương đối chụp CHT:

  • Các kẹp cầm máu nội sọ (intracranial clips)
  • Thiết bị cấy ghép dương vật 
  • Mảnh đạn trong cơ thể
  • Các loại giá đỡ lòng mạch – Stents mới đặt trong vòng 6 tuần.
  • Mang thai
  • Máy tạo nhịp tim/ thiết bị cấy ghép khử rung tim (ICD) 
  • Các máy bơm thuốc cấy ghép, đặc biệt là bơm Insulin.

Một số lưu ý về các chống chỉ định

  • Các clips cầm máu nội sọ: Có một số clips cầm máu phình động mạch não tuyệt đối chống chỉ định chụp CHT. Các người bệnh có các clips phình động mạch não được gửi chụp CHT cần được xem xét kỹ lưỡng vì những rủi ro liên quan. Để giảm thiểu nguy cơ cho các người bệnh với các thiết bị cấy ghép, các bác sĩ cấy ghép phải cung cấp cho người bệnh thông tin và đặc tính của từng thiết bị cụ thể. Thêm vào đó các bác sĩ chỉ định chụp CHT phải sàng lọc người bệnh cẩn thận và thông báo cho các cơ sở chụp CHT nếu người bệnh có bất kỳ dụng cụ kim loại cấy ghép nào, bằng văn bản nêu rõ số hiệu của các clips…
  • Stent động mạch vành được đặt trong vòng 6 tuần: Hiện nay, các loại stent đặt trong mạch máu đã được đánh giá là an toàn với CHT sau 6 tuần kể từ khi được đặt/ cấy ghép.
  • Các máy bơm thuốc cấy ghép: Bơm truyền thuốc được dùng để tự động đưa thuốc chống ung thư, morphine, hoặc các chất khác. Vấn đề của máy liên quan đến chụp CHT bao gồm:
    • Hỏng động cơ tạm thời hoặc vĩnh viễn
    • Tăng nhiệt độ vùng mô lân cận với dụng cụ cấy ghép
    • Tăng nguy cơ kích thích thần kinh ngoại vi

Hiện nay có nhiều loại máy bơm thuốc tương thích với CHT với những yêu cầu tiêu chuẩn nghiêm ngặt. Luôn luôn xem kỹ các hướng dẫn của nhà sản xuất máy bơm cụ thể trước khi đưa người bệnh vào phòng CHT và tiến hành chụp. Nghiêm chỉnh tuân thủ các khuyến cáo của nhà sản xuất máy bơm trước trong và sau khi chụp CHT.

  • Chụp CHT người bệnh đặt máy tạo nhịp tim/ thiết bị khử rung tim

Hiện nay, máy tạo nhịp tim được coi là chống chỉ định tương đối. Xin lưu ý các hướng dẫn hiện hành của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ và Cục Quản Lý Thực Phẩm và Dược Phẩm (FDA) không ủng hộ chụp CHT cho người bệnh có máy tạo nhịp tim dù là loại có tương thích CHT. Những rủi ro liên quan tới chụp CHT ở những người bệnh có mang máy khử rung trong tim (ICD) được cho là cao hơn ở những người bệnh sử dụng máy tạo nhịp tim. Vì vậy, chụp CHT ở các người bệnh có ICD không nên được thực hiện nếu không có những lợi ích rõ ràng so với rủi ro. Chụp CHT phải được chấp thuận bởi một bác sĩ chẩn đoán hình ảnh và một bác sĩ điện sinh lý học. Lưu ý: Các Bác sĩ lâm sàng và BS CĐHA cân nhắc giữa lợi ích của thăm khám CHT mang lại và nguy cơ có thể xảy ra trong khi chụp để quyết định việc chụp CHT hoặc chuyển các thăm khám thay thế khác. Cần tham khảo các tài liệu hướng dẫn đi kèm các máy móc và thiết bị cấy ghép về an toàn CHT. Tài liệu tham khảo

  • Các chính sách về An toàn cộng hưởng từ – Đại học San Francisco.
  • Hướng dẫn An toàn cộng hưởng từ – Willis – HRH – Hoa Kỳ.
  • Hướng dẫn An toàn cộng hưởng từ – Trường Điện quang Hoa Kỳ.

Từ viết tắt:

  • CHT: Cộng hưởng từ
  • KTV: Kỹ thuật viên
  • CĐHA: Chẩn đoán hình ảnh
  • ATMTBV: An toàn môi trường bệnh viện

Bản quyền và thương hiệu: Thông tin và hình ảnh trên website thuộc quyền sở hữu của Vinmecdr. Việc sao chép, sử dụng phải được Vinmecdr chấp thuận trước bằng văn bản. Miễn trừ trách nhiệm: Tất cả những tư liệu được cung cấp trên website này đều mang tính tham khảo. Do đó, nội dung và hình ảnh sẽ được thay đổi, cập nhật và cải tiến thường xuyên mà không phải thông báo trước. Vinmecdr không bảo đảm về độ chính xác cũng như sự hoàn thiện về thông tin. Chúng tôi không chịu trách nhiệm pháp lý cho những thiệt hại xuất hiện trực tiếp hay gián tiếp từ việc sử dụng hoặc hành động dựa theo những thông tin trên hoặc một số thông tin xuất hiện trên website này. Vinmecdr không chịu trách nhiệm pháp lý về những sai sót, lỗi chính tả… do nhập liệu cùng với những sự cố khách quan khác như: nhiễm virus, hành vi phá hoại, ác ý… xảy ra trên website này cũng như các website liên kết, nếu có. Đường link liên kết Vinmecdr sẽ không chịu trách nhiệm hay có nghĩa vụ pháp lý dưới bất kỳ hình thức nào về nội dung của những website không thuộc Vinmecdr đựợc liên kết với website www.vinmecdr.com, bao gồm các sản phẩm, dịch vụ và những mặt hàng khác được giới thiệu thông qua những website đó.

facebook
16

Bài viết liên quan

Bình luận0

Đăng ký
Thông báo về
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận

Bài viết cùng chuyên gia