Hướng dẫn thực hiện quy trình chuyên môn chẩn đoán và điều trị suy tuyến giáp
Hướng dẫn thực hiện quy trình chuyên môn chẩn đoán và điều trị suy tuyến giáp áp dụng cho bác sĩ chuyên ngành nội tiết – tiểu đường tại các bệnh viện
Người thẩm định: Nguyễn Tường Vân Người phê duyệt: Phùng Nam Lâm Ngày hiệu chỉnh: 15/08/2020
1. Định nghĩa và các khái niệm liên quan
Nội dung bài viết
Suy giáp là một hội chứng được gây ra bởi tình trạng thiếu hụt hormone tuyến giáp. Suy giáp là bệnh rất thường gặp, chủ yếu ở nữ giới chiếm khoảng 2% (so với nam giới chiếm khoảng 0.1%). Suy giáp dưới lâm sàng chiếm 7.5% ở nữ và 3% ở nam. Suy giáp trạng bẩm sinh cũng là căn bệnh thường gặp chiếm 1/5 trẻ sơ sinh
2. Nguyên nhân thường gặp
2.1. Suy giáp tiên phát
- Viêm tuyến giáp mạn tính (viêm tuyến giáp mạn tính Hashimoto)
- Suy giáp sau phẫu thuật cắt tuyến giáp
- Suy giáp sau điều trị iod phóng xạ hoặc xạ trị vùng cổ
- Suy giáp thoáng qua (giai đoạn hồi phục viêm tuyến giáp bán cấp hoặc viêm tuyến giáp không đau)
- Suy giáp do thuốc: amiodarone, lithium, interferon – α, interferon- β, interleukin – 2, thalidomide, bexarotene, sunitinib, thionamide
- Thiếu hụt iod nặng
- Suy giáp trạng bẩm sinh
2.2. Suy giáp thứ phát
Bệnh lý tuyến yên hoặc đồi thị
2.3. Các yếu tố nguy cơ
- Nữ
- Trên 60 tuổi
- Tiền sử gia đình có mắc bệnh lý tuyến giáp
- Mắc bệnh tự miễn: ví dụ ĐTĐ type 1
- Tiền sử có chiếu xạ vào vùng cổ, ngực
- Điều trị kháng giáp trạng hoặc uống thuốc phóng xạ điều trị tuyến giáp
- Phẫu thuật tuyến giáp
- Có thai hoặc mới sinh em bé trong vòng 6 tháng
3. Đặc điểm lâm sàng
Rất đa dạng, không đặc hiệu, diễn biến từ từ bao gồm:
3.1. Triệu chứng lâm sàng
- Sợ lạnh (cảm giác lạnh, rét trong khi người khác cảm thấy thoải mái)
- Cảm giác mệt mỏi, thờ ơ
- Tăng cân (số lượng ít)
- Da khô, rụng tóc
- Táo bón
- Đau mỏi cơ, đau khớp
- Rong kinh
- Nói khàn
3.2. Dấu hiệu lâm sàng
- Bướu giáp: Có thể có hoặc không
- Giảm phản xạ gân xương
- Phù mặt và quanh hốc mắt
- Nhịp tim chậm
- Chậm chạp, giảm trí nhớ
- Phù niêm
- Tràn dịch màng phổi, màng ngoài tim
- Hội chứng đường hầm cổ tay
- Điếc
- Giảm thông khí
- Hạ thân nhiệt
4. Các xét nghiệm, thăm dò cần thiết
- Xét nghiệm chức năng tuyến giáp: FT3, FT4, TSH
- Siêu âm tuyến giáp: đối với bệnh viêm tuyến giáp mạn tính dưới siêu âm nhu mô tuyến giáp giảm âm không đồng nhất
- Điện tâm đồ: Nhịp chậm xoang, QRS điện thế thấp ở tất cả các chuyển đạo.
- Sinh hóa máu: một số trường hợp có giảm natri máu, tăng cholesterol, triglycerides và CK

5. Chẩn đoán suy tuyến giáp
5.1. Chẩn đoán xác định
Cần phải hỏi kỹ tiền sử, bệnh sử, các yếu tố nguy cơ của người bệnh
- Suy giáp tiên phát: FT3, FT4 giảm, TSH tăng
- Suy giáp thứ phát: FT3, FT4 giảm, TSH giảm hoặc bình thường
5.2. Chẩn đoán biến chứng
- Bướu cổ. Viêm tuyến giáp Hashimoto là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh bướu cổ. Mặc dù không khó chịu, nhưng bướu cổ lớn có thể gây khó nuốt hoặc khó thở.
- Suy tim: do tăng LDL. Thậm chí suy giáp cận lâm sàng, cũng làm tang cholesterol toàn phần, làm giảm khả năng bơm máu của tim dẫn đến tim giãn và suy tim.
- Các vấn đề sức khỏe tâm thần. Trầm cảm có thể xảy ra sớm và trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian. Suy giáp cũng có thể gây chậm phát triển chức năng tâm thần.
- Thần kinh ngoại biên: giảm dẫn truyền gây đau, tê và ngứa. Cũng có thể gây ra yếu cơ hoặc liệt
- Phù niêm (Myxedema).
- Vô sinh. Mức hormone tuyến giáp thấp có thể cản trở sự rụng trứng, làm suy yếu khả năng sinh sản. Ngoài ra, một số trong những nguyên nhân của suy giáp – chẳng hạn như rối loạn tự miễn dịch cũng làm giảm khả năng sinh sản. Điều trị suy giáp với liệu pháp thay thế hormone tuyến giáp có thể không hoàn toàn phục hồi khả năng sinh sản. Các can thiệp khác có thể cần thiết.
- Dị tật bẩm sinh. Em bé có mẹ mắc bệnh tuyến giáp không được điều trị có nguy cơ khuyết tật bẩm sinh cao hơn em bé sinh ra từ bà mẹ khỏe mạnh. Những trẻ này cũng dễ bị các vấn đề trí tuệ và phát triển nghiêm trọng. Trẻ sơ sinh suy giáp không được điều trị khi sinh có nguy cơ chậm phát triển thể chất và tinh thần. Nếu điều trị sớm, trẻ có thể phát triển bình thường
6. Phác đồ điều trị suy tuyến giáp
- Nguyên tắc điều trị
- Levothyroxine là lựa chọn duy nhất
- Đối với suy giáp thứ phát: khởi trị levothyrox sau 3 ngày uống hocmon tuyến thượng thận
- Mục tiêu điều trị
- Suy giáp tiên phát: duy trì TSH trong giời hạn bình thường
- Suy giáp thứ phát : duy trì FT4 gần nằm giữa trong giới hạn bình thường, không sử dụng TSH để chỉnh liều
- Phác đồ
- Đối với đa số bệnh nhân: 75 – 150mcg/ ngày hoặc 1.6mcg/ kg/ ngày
- Đối với bệnh nhân có bệnh động mạch vành: khởi đầu bằng liều thấp 25 – 50mcg/ ngày, theo dõi triệu chứng lâm sàng cơn đau thắt ngực, tăng liều từ từ sau 1 tuần
- Đối với người cao tuổi: khởi đầu bằng liều thấp 50mcg/ ngày
- Uống trước bữa ăn sáng 30 phút
- Tránh uống cùng các thuốc: calcium carbonate, ferrous sulfate, cholestyramine, sucrafate, aluminum hydroxide
- Theo dõi: xét nghiệm lại chức năng tuyến giáp sau 6 – 8 tuần điều trị
7. Định hướng giải quyết
Nhập viện đối với các trường hợp suy giáp nặng hoặc hôn mê suy giáp
Sơ đồ chẩn đoán và xử trí suy giáp
Tài liệu tham khảo
- Douglas S. Ross (2019). Diagnosis of and screening for hypothyroidism in nonpregnant adults. http://www.uptodate.com. Assessed on 10/04/2020
- Douglas S. Ross (2019). Treatment of primary hypothyroidism in adults. http://www.uptodate.com. Assessed on 10/04/2020
- Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh Nội tiết – Chuyển hóa. Ban hành kèm theo Quyết định số 3879/QĐ-BYT ngày 30 tháng 09 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Y Tế.
- William E. Clutter. Hyperthyroidism. Thyroid disorder. Endocrinology subspecialty consult – the washington manual, 2nd, Lippincott Williams & Wilkins, Philadenphia, 58 – 64.
Bản quyền và thương hiệu: Thông tin và hình ảnh trên website thuộc quyền sở hữu của Vinmecdr. Việc sao chép, sử dụng phải được Vinmecdr chấp thuận trước bằng văn bản. Miễn trừ trách nhiệm: Tất cả những tư liệu được cung cấp trên website này đều mang tính tham khảo. Do đó, nội dung và hình ảnh sẽ được thay đổi, cập nhật và cải tiến thường xuyên mà không phải thông báo trước. Vinmecdr không bảo đảm về độ chính xác cũng như sự hoàn thiện về thông tin. Chúng tôi không chịu trách nhiệm pháp lý cho những thiệt hại xuất hiện trực tiếp hay gián tiếp từ việc sử dụng hoặc hành động dựa theo những thông tin trên hoặc một số thông tin xuất hiện trên website này. Vinmecdr không chịu trách nhiệm pháp lý về những sai sót, lỗi chính tả… do nhập liệu cùng với những sự cố khách quan khác như: nhiễm virus, hành vi phá hoại, ác ý… xảy ra trên website này cũng như các website liên kết, nếu có. Đường link liên kết Vinmecdr sẽ không chịu trách nhiệm hay có nghĩa vụ pháp lý dưới bất kỳ hình thức nào về nội dung của những website không thuộc Vinmecdr được liên kết với website www.vinmecdr.com, bao gồm các sản phẩm, dịch vụ và những mặt hàng khác được giới thiệu thông qua những website đó.