MỚI

Hướng dẫn thực hiện quy trình chuyên môn chẩn đoán và điều trị đái tháo đường

Ngày xuất bản: 30/05/2022
icon-toc-mobile

Hướng dẫn thực hiện quy trình chuyên môn chẩn đoán và điều trị đái tháo đường áp dụng cho Khoa Nội tiết – Đái tháo đường

Người thẩm định: Nguyễn Tường Vân

Người phê duyệt: Phùng Nam Lâm

Ngày phát hành lần đầu: 27/06/2013

Ngày hiệu chỉnh: 15/08/2020

1. Đại cương

1.1. Định nghĩa

Đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa do nhiều nguyên nhân, được đặc trưng bởi tình trạng tăng glucose máu mạn tính phối hợp với rối loạn chuyển hoá carbohydrat, lipid và protid do thiếu hụt bài tiết insulin, đề kháng của insulin hoặc cả hai

1.2. Dịch tễ

Theo công bố mới nhất của IDF 2019, cả thế giới hiện ước tính có khoảng 463 triệu người bị đái tháo đường (ĐTĐ), tức là cứ 11 người trưởng thành sẽ có 01 người bị bệnh. Tại Việt Nam, số liệu điều tra năm 2012 cho thấy tỷ lệ bị đái tháo đường trong dân số là 5.5% nhưng có tới 60% người mắc đái tháo đường nhưng chưa được phát hiện.

2. Phân loại và cơ chế bệnh sinh

2.1. Cơ chế bệnh sinh của đái tháo đường typ 1

Tế bào bị phá huỷ, thường dẫn tới thiếu insulin hoàn toàn. Các tế bào  tuyến tụy bị phá huỷ bởi chất trung gian miễn dịch, sự phá huỷ này có thể nhanh hoặc chậm. Dạng phá huỷ nhanh thường xảy ra ở trẻ em nhưng cũng có thể gặp ở người lớn. Dạng phá huỷ chậm hay gặp ở người lớn, gọi là đái tháo đường tự miễn dịch tiềm tàng ở người lớn (LADA: latent autoimmune diabetes in adults). Các yếu tố môi trường như béo phì chế độ ăn hoặc nhiễm virus Coxsackie và Rubella đã được cho là yếu tố khởi phát dẫn đến tình trạng viêm tế bào tiết insulin của đảo tụy (xâm nhiễm tế bào lympho vào đảo tụy) là một dấu hiệu sớm, tiếp theo là tình trạng chết theo chương trình (apoptosis) của các tế bào bêta. Các kháng thể kháng lại kháng nguyên tế bào bêta có thể được tìm thấy ở hầu hết các bệnh nhân trước khi chẩn đoán, và trong một số thời điểm sau khởi phát bệnh đái tháo đường lâm sàng. Các dấu hiệu chỉ điểm cho bệnh là kháng thể với acid glutamic decarboxylase (GAD65), với tyrosin phosphatase IA-2 và IA-2 beta, và với insulin (IAA). Một số trường hợp đái tháo đường typ 1 vô căn, không thấy căn nguyên tự miễn dịch. Những bệnh nhân này có thiếu hụt insulin liên tục, và có khuynh hướng nhiễm toan ceton nhưng lại không thấy rõ bằng chứng căn nguyên tự miễn dịch. Thể bệnh này hay gặp ở người châu Á và châu Phi.

2.2. Cơ chế bệnh sinh của đái tháo đường typ 2

Tình trạng kháng insulin có thể được thấy ở hầu hết các đối tượng bị đái tháo đường typ 2, và tăng glucose xảy ra khi khả năng bài xuất insulin của các tế bào beta của tụy không đáp ứng thỏa đáng nhu cầu chuyển hóa. Thiếu hụt insulin điển hình sẽ xảy ra sau một giai đoạn tăng insulin máu nhằm để bù trừ cho tình trạng kháng insulin. Suy các tế bào beta tiến triển xảy ra trong suốt cuộc đời của hầu hết các đối tượng bị đái tháo đường typ 2, dẫn tới biểu hiện tiến triển của bệnh và theo thời gian bệnh nhân sẽ cần phải điều trị phối hợp thuốc, thậm chí có thể bao gồm cả điều trị bằng insulin. Thiếu hụt insulin bao gồm tình trạng khiếm khuyết bài tiết insulin khởi đầu là tình trạng mất phóng thích insulin pha sớm và mất dạng tiết dao động của insulin. Tăng glucose tham gia vào quá trình gây suy giảm chức năng tế bào beta và được biết dưới tên gọi “ngộ độc glucose”. Tăng mạn tính các acid béo tự do – một đặc trưng khác của đái tháo đường typ 2, có thể góp phần làm giảm tiết insulin và gây hiện tượng chết tế bào đảo tụy theo chương trình. Các thay đổi mô bệnh học trong đảo Langerhans ở bệnh nhân bị đái tháo đường typ 2 lâu ngày bao gồm tình trạng tích tụ amyloid và giảm số lượng các tế bào beta sản xuất insulin. Yếu tố di truyền được cho là có vai trò đóng góp gây tình trạng kháng insulin, nhưng có lẽ chỉ giải thích cho 50% rối loạn chuyển hóa. Béo phì, nhất là béo bụng (tăng mỡ tạng), tuổi cao, và không hoạt động thể lực tham gia một cách có ý nghĩa vào tình trạng kháng insulin.

2.3. Các loại đái tháo đường khác

  • Thiếu hụt di truyền chức năng tế bào β:
    • Nhiễm sắc thể 12. HNF – 1α (thể MODY 3).
    • Nhiễm sắc thể 7. Glucokinase (thể MODY 2).
    • Nhiễm sắc thể 20. HNF – 4α (thể MODY 1).
    • ADN của ty lạp thể (mitochondrial).
  • Thiếu hụt di truyền về tác động của insulin:
    • Kháng insulin type A.
    • Hội chứng Leprechaunism.
    • Hội chứng Rabson-Mendelhall.
    • Đái tháo đường loạn dưỡng mỡ.
  • Bệnh tuyến tụy ngoại tiết:
    • Viêm tụy mạn, xơ sỏi tụy.
    • Chấn thương tụy, cắt tụy toàn bộ.
    • Ung thư tụy.
    • Xơ nang tụy.
  • ĐTĐ thứ phát sau các bệnh nội tiết:
    • Bệnh to đầu chi (Acromegaly).
    • Hội chứng Cushing.
    • Cường giáp.
    • U tuỷ thượng thận (Pheochromocytoma).
    • U tế bào tiết Glucagon.
  • ĐTĐ do thuốc hoặc hóa chất:
    • Glucocorticoid.
    • Hormon tuyến giáp.
    • Vacor, acid Nicotinic, Diazoxid, Thiazid, Interferon,…
  • Nhiễm khuẩn:
    • Virus sởi, quai bị.
    • Cytomegalovirus.
  • Một số hội chứng di truyền kết hợp với bệnh ĐTĐ: 
    • Hội chứng Down.
    • Hội chứng Klinefelter.
    • Hội chứng Turner.
    • Hội chứng Wolfram.
  • Đái tháo đường thai kỳ
    • Đái tháo đường thai kỳ là đái tháo đường được chẩn đoán trong 3 tháng giữa hoặc cuối của thai kỳ và không có bằng chứng ĐTĐ typ 1, typ 2 trước đó. Nếu phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu được phát hiện tăng glucose máu: Chẩn đoán là đái tháo đường mới phát hiện, chưa được chẩn đoán trước đó và dùng tiêu chuẩn chẩn đoán như ở người không có thai.
    • Đái tháo đường trong thời gian mang thai liên quan mật thiết với tăng nguy cơ các tai biến sản khoa như thai dị dạng, thai chết lưu, thai to so với tuổi thai và các biến cố sản khoa quanh cuộc đẻ. Sau đẻ, có 3 khả năng: Trở thành đái tháo đường thực sự, trở thành giảm dung nạp glucose hoặc trở về bình thường nhưng có thể lại bị đái tháo đường trong những lần có thai tiếp theo. Đái tháo đường thai kỳ thường không có triệu chứng nên phải làm nghiệm pháp dung nạp glucose.

3. Chẩn đoán (nên có tiêu chuẩn chẩn đoán)

3.1. Chẩn đoán xác định

Theo tiêu chuẩn của Hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) năm 2020:

  • Glucose máu tĩnh mạch lúc đói ≥7.0 mmol/l*
  • Glucose máu sau 2 giờ làm nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống ≥11.1 mmol/l*
  • HbA1c ≥6.5% (xét nghiệm theo phương pháp được chuẩn hoá NGSP)*
  • Glucose máu tĩnh mạch bất kỳ ≥11.1 mmol/ l kèm theo các triệu chứng kinh điển: khát, uống, tiểu nhiều, gầy sút cân

Các tiêu chuẩn cần lặp lại ít nhất 2 lần cách nhau 24 giờ hoặc có 2 tiêu chuẩn trên cùng 1 mẫu máu

3.2. Chẩn đoán tiền đái tháo đường

Theo tiêu chuẩn Hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) năm 2020:

  • Glucose máu tĩnh mạch lúc đói nằm trong khoảng từ 5.6 – 6.9 mmol/l
  • Glucose máu tĩnh mạch 2 giờ sau nghiệm pháp dung nạp glucose 75gr nằm trong khoảng 7.8– 11.0 mmol/l
  • HbA1c nằm trong khoảng 5.7 – 6.4%

4. Các xét nghiệm, thăm dò cần thiết

4.1. Các xét nghiệm đánh giá kiểm soát glucose máu

  • Glucose mao mạch: Cho kết quả nhanh, tương đối chính xác được sử dụng cho các bệnh nhân nội ngoại trú hoặc điều trị tiêm insulin nhiều mũi tại nhiều thời điểm khác nhau
  • Fructosamin: đánh giá glucose máu trung bình trong 3 tuần
  • HbA1c: đánh giá glucose máu trung bình trong 3 tháng, cần tiến hành theo phương pháp được chuẩn hoá NGSP

4.2. Các xét nghiệm thăm dò phát hiện biến chứng và các rối loạn kèm theo

Việc sàng lọc các biến chứng mạn tính do đái tháo đường cần được tiến hành ngay tại thời điểm chẩn đoán với các bệnh nhân đái tháo đường typ 2 và sau 5 năm kể từ khi phát hiện bệnh ở bệnh nhân đái tháo đường typ 1.

  • Microalbumin, protein niệu: nhằm đánh giá biến chứng thận, cần làm định kỳ 6-12 tháng/lần
  • Bộ lipid máu: CT, TG, HDLc, LDLc
  • Chức năng gan
  • Albumin/creatinin niệu
  • Creatinine máu và ước tính mức lọc cầu thận
  • TSH ở người bệnh ĐTĐ typ 1
  • Vitamin B12 ở người bệnh dùng Metformin kéo dài
  • Kali máu ở người bệnh có dùng lợi tiểu, ức chế men chuyển, ức chế thụ thể AT2
  • Điện cơ thần kinh: không được chỉ định thường quy, chỉ tiến hành trên các bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng không điển hình để chẩn đoán phân biệt.
  • Testosterone máu ở nam: Được chỉ định ở các bệnh nhân trên 40 tuổi có các triệu chứng của suy sinh dục.
  • Soi đáy mắt, khám chuyên khoa Mắt: để đánh giá tổn thương biến chứng võng mạc, cần tiến hành trên các bệnh nhân có triệu chứng nghi ngờ biến chứng mắt hoặc định kỳ 6-12 tháng/lần.
  • Điện tim, siêu âm tim, siêu âm Doppler mạch cảnh, chi dưới: cần làm trên các bệnh nhân có triệu chứng nghi ngờ bệnh tim mạch hoặc định kỳ 6-12 tháng/lần.
  • Khám chuyên khoa Răng Hàm Mặt, Bàn Chân: được chỉ định mỗi 6-12 tháng/lần ở các bệnh nhân đái tháo đường typ 2.

5. Phác đồ điều trị

5.1. Lập kế hoạch điều trị

5.1.1. Đánh giá nguy cơ và biến chứng

5.1.2. Xác định mục tiêu điều trị: theo mục tiêu kiểm soát glucose máu của ADA 2020

  • HbA1c <7% được coi là mục tiêu chung; mục tiêu chặt chẽ hơn <6.5% thường áp dụng ở các bệnh nhân trẻ, mới phát hiện bệnh, còn ít biến chứng, nguy cơ hạ glucose máu thấp; mục tiêu nới lỏng hơn <7.5-8% thường áp dụng cho các bệnh nhân lớn tuổi, bị bệnh lâu năm, nhiều biến chứng và nguy cơ hạ glucose máu cao.
  • Glucose máu lúc đói và trước ăn từ 3.9 – 7.2 mmol/l
  • Glucose máu sau ăn bất kỳ <10 mmol/l
  • Kiểm soát đa yếu tố nguy cơ tim mạch: vận động thể lực ít, hút thuốc lá, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, thừa cân, vữa xơ mạch…
  • Huyết áp: <140/90 mmHg hoặc 130/80 mmHg nếu bệnh nhân chịu được
  • LDLc < 2,6 mmol/L nếu chưa có biến chứng tim mạch
  • LDLc <1,8 nếu đã có biến chứng tim mạch
  • HDL c > 1,0 ở nam, > 1,3 ở nữ
  • Mục tiêu chủ yếu nhằm ngăn ngừa các biến chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
  • Hướng dẫn người bệnh hiểu biết và tự quản lý.

5.2. Phác đồ điều trị 

Các điều trị không dùng thuốc được áp dụng đầu tay ở mọi bệnh nhân đái tháo đường

5.2.1. Chế độ ăn

  • Thực hiện chế độ ăn hợp lý, cân đối các thành phần: glucid 50-60%, Protid 15-20%, Lipid 20-30% tổng số calo/ngày.
  • Ưu tiên các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết (GI) thấp.
  • Ăn tăng chất xơ.
  • Hạn chế ăn đồ ngọt, các loại đường hấp thu nhanh.

5.2.2. Hoạt động thể lực

  • Cần duy trì hoạt động thể lực tối thiểu 30 phút/ngày, ít nhất 5 ngày/tuần (tổng 150 phút/ tuần).
  • Áp dụng linh hoạt các loại hình luyện tập aerobic như đi bộ, chạy bộ, bơi lội, đạp xe, yoga,…
  • Nếu tình trạng sức khoẻ cho phép, có thể tập các bài tập sức mạnh như nâng, kéo, đẩy 2-3 lần/ tuần nhằm gia tăng sức mạnh cơ.
  • Với các bệnh nhân thừa cân/béo phì (BMI>25 kg/m2) cần tăng cường hoạt động thể lực tích cực (nên có giám sát) nhằm đạt mục tiêu giảm 5-7% cân nặng (giảm 0.5-1kg/tuần)

5.2.3. Điều trị bằng thuốc

5.2.3.1. Điều trị insulin
  • Chỉ định:
    • Bắt buộc với các bệnh nhân đái tháo đường typ 1.
    • Đái tháo đường có biến chứng chuyển hoá cấp.
    • Đái tháo đường typ 2 khi có các bệnh lý cấp tính.
    • Đái tháo đường mới phát hiện có HbA1c >10% hoặc khi glucose máu tăng cao >16.5 mmol/l kèm theo các triệu chứng tăng glucose máu.
    • Thất bại khi phối hợp 2-3 thuốc viên.
    • Đái tháo đường do các bệnh lý tại tụy.
    • Khi có chống chỉ định dùng thuốc viên: Suy gan, suy thận.
    • Có thể chỉ định sớm để bảo tồn chức năng tế bào beta tuyến tụy.
  • Liều tiêm insulin
    • Đái tháo đường typ 1 liều tiêm 0.5-0.7 đơn vị/ kg
    • Đái tháo đường typ 2 liều tiêm 0.2-0.3 đơn vị/ kg
  • Vị trí tiêm insulin:
    • Tiêm dưới da trong hầu hết các trường hợp.
    • Tiêm/truyền tĩnh mạch liên tục chỉ dùng trong các trường hợp cấp cứu.
  • Các phác đồ tiêm insulin:
    • Phác đồ 1 mũi: Insulin nền phối hợp với các thuốc viên thường dùng khi khởi trị insulin hoặc ở người cao tuổi. Liều khởi trị 0.1 – 0.2 đơn vị/ kg sử dụng insulin bán chậm hoặc nền, điều chỉnh liều theo glucose máu lúc đói.
    • Phác đồ 2 mũi: Insulin nền, 1 mũi insulin nhanh tiêm trước bữa ăn lớn nhất hoặc 2 mũi insulin hỗn hợp có thể áp dụng khi khởi trị insulin trên các bệnh nhân có lối sống tuân thủ, chế độ ăn và sinh hoạt điều độ. Liều tiêm 0.2-0.4 đơn vị/kg, với insulin hỗn hợp chia 2/3 trước ăn sang và 1/3 trước ăn tối, điều chỉnh liều theo đường máu trước ăn sáng và tối
    • Phác đồ nền – bolus: Insulin nền, các mũi insulin nhanh tiêm trước các bữa ăn là phác đồ điều trị insulin tích cực thường áp dụng điều trị nội viện nhằm kiểm soát glucose máu tích cực cho người bệnh
5.2.3.2. Điều trị thuốc không phải insulin

Hiện tại chỉ áp dụng với các bệnh nhân đái tháo đường typ 2

  • Các nhóm thuốc viên hạ đường máu
    • Nhóm thuốc kích thích tụy bài tiết insulin (sulphonylurea):
      • Các loại sulphonylurea: Gliclazide, Glyburide, Glimepiride,…
      • Chỉ định: Đái tháo đường type 2 thể trạng trung bình hoặc gầy. Phối hợp với Metformin, Thiazolidinedion (TZD), Acarbose, Insulin.
      • Chống chỉ định: Đái tháo đường type 1, suy thận, suy gan nặng, đái tháo đường nhiễm toan ceton, có thai hoặc dị ứng với sulfonylurea.
      • Tác dụng phụ: Hạ đường huyết, dị ứng, tăng cân.
      • Liều lượng: bắt đầu liều thấp, chỉnh liều dần theo đáp ứng.
    • Nhóm thuốc tăng nhạy cảm insulin ở ngoại vi, giảm đề kháng insulin:
      • Biguanide: Thuốc duy nhất còn sử dụng là Metformin
      • Chỉ định: Đái tháo đường type 2, nhất là người thừa cân hoặc béo phì
      • Chống chỉ định: Đái tháo đường type 1, nhiễm toan ceton, thiếu oxy tổ chức (suy tim, suy hô hấp), suy thận, rối loạn chức năng gan, có thai, chế độ ăn ít calo (để giảm cân), ngay trước và sau phẫu thuật hoặc người > 70 tuổi.
      • Liều lượng: Liều từ 500 – 2500mg/ngày, uống sau bữa ăn.
      • Tác dụng phụ: Tác dụng phụ đường tiêu hóa như chán ăn, buồn nôn, nôn, đầy bụng, ỉa chảy. Ít gặp tác dụng phụ gây độc trên da, huyết học.
      • Metformin không gây hạ đường máu. Nhiễm toan lactic rất hiếm gặp.
    • Thiazolidinediones
      • Chỉ định: Điều trị kết hợp với sulfonylurea hoặc metformin hoặc insulin.
      • Chống chỉ định: Mẫn cảm với thuốc và các thành phần của thuốc, có thai và cho con bú, bệnh gan (enzyme ALT > 2,5 lần giới hạn cao của bình thường), suy tim.
      • Tác dụng phụ: Tăng cân. Cần thận trọng khi điều trị TZD cho người bệnh suy tim hoặc có bệnh tim, viêm gan hoặc có men gan tăng cao.
    • Nhóm ức chế enzyme alpha glucosidase làm giảm hấp thu glucose (Acarbose)
      • Chỉ định: Tăng nhẹ đường huyết sau ăn. Điều trị đơn trị liệu kết hợp với chế độ ăn hoặc phối hợp với thuốc khác.
      • Cách dùng: Uống thuốc sau miếng cơm đầu tiên. Bắt đầu bằng liều thấp nhất và tăng dần lên tuỳ theo đáp ứng với điều trị hoặc mức độ tác dụng phụ.
      • Tác dụng phụ: Buồn nôn, đầy chướng bụng. Ỉa chảy
    • Nhóm các thuốc tác dụng trên hệ incretin (thuốc ức chế DPP 4)
      • Chỉ định: Đái tháo đường type 2, tăng đường huyết sau ăn.
      • Cách dùng: Thuốc uống Sitagliptin (Januvia viên 25, 50 và 100mg). Cần chỉnh liều ở người suy thận. Liều thông thường từ 50 – 100mg/ ngày.
      • Tác dụng phụ: Buồn nôn (nhưng ít hơn so với thuốc đồng phân GLP -1), đau đầu, đau họng.
  • Lựa chọn thuốc điều trị theo đồng thuận của Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) và Hội Nghiên cứu Đái tháo đường Châu  u (EASD) 2020
    • Metformin là thuốc điều trị đầu tay cho hầu hết các trường hợp đái tháo đường typ 2 nếu không có chống chỉ định, khởi đầu liều thấp tăng dần theo dung nạp và đáp ứng của người bệnh, liều tối ưu 1500-2000mg/ngày
    • Khi người bệnh không dung nạp Metformin hoặc không đạt mục tiêu glucose máu với đơn trị Metformin hay HbA1c >7.5% sẽ cần phối hợp thêm các thuốc khác
    • Đối với các bệnh nhân nguy cơ cao hoặc đã có tiền sử bệnh tim mạch do xơ vữa hoặc suy tim/ bệnh thận mạn cần ưu tiên điều trị các thuốc đã có bằng chứng lợi ích trên lâm sàng:
      • Thuốc ức chế SLGT2 (Empagliflozin, Dapagliflozin): thuốc uống có tác dụng giảm glucose, giảm cân, hạ huyết áp, lợi tiểu và đã được chứng minh làm giảm biến cố tim mạch chính, giảm nhập viện do suy tim và tiến triển bệnh thận do đái tháo đường. Cần lưu ý dùng thuốc khi mức lọc cầu thận cho phép (> 45ml/ phút) và tư vấn nguy cơ nhiễm khuẩn tiết niệu, sinh dục khi dùng thuốc
      • Thuốc đồng vận GLP-1 (Liraglutide): Là thuốc tiêm có tác dụng làm giảm glucose máu, giảm cân cũng được chứng minh làm giảm biến cố tim mạch chính và tiến triển protein niệu ở bệnh nhân đái tháo đường typ 2. Tuy nhiên, thuốc có nhiều tác dụng phụ trên đường tiêu hoá (nôn, chán ăn, đau bụng) nên cần sử dụng liều thấp tăng dần theo đáp ứng.
      • Nếu bệnh nhân chưa đạt mục tiêu sau khi điều trị 1 hoặc 2 thuốc trên có thể phối hợp thêm thuốc ức chế DPP-4, insulin nền, TZD hay Sulfunylurea
    • Đối với các bệnh nhân không có tiền sử bệnh tim mạch do xơ vữa hoặc suy tim/bệnh thận mạn tùy theo đặc điểm của người bệnh:
      • Nếu bệnh nhân cần giảm nguy cơ hạ glucose máu: ưu tiên các thuốc ức chế DPP- 4, đồng vận GLP-1, ức chế SGLT2 hay TZD
      • Nếu bệnh nhân cần giảm cân hoặc hạn chế tăng cân: ưu tiên các thuốc đồng vận GLP-1 hay ức chế SGLT2
      • Nếu bệnh nhân cần sử dụng thuốc với giá thành thấp nhất: ưu tiên các thuốc Sulfunylurea hay TZD

6. Định hướng giải quyết 

6.1. Phần lớn các bệnh nhân có thể được theo dõi và điều trị ngoại trú

6.2. Chỉ định nhập viện trên các bệnh nhân đái tháo đường 

  • Có biến chứng chuyển hoá cấp (toan xê ton, tăng áp lực thẩm thấu).
  • Bệnh nặng, glucose máu tăng cao >16.5 mmol/l kèm các triệu chứng lâm sàng.
  • Có bệnh lý cấp tính cần nhập viện.
  • Hạ glucose máu nặng.

6.3. Chỉ định ra viện với các bệnh nhân đái tháo đường 

  • Đã giải quyết các tình trạng bệnh cấp tính.
  • Glucose máu nằm trong giới hạn mục tiêu.

7. Tư vấn và giáo dục sức khỏe 

Các bệnh nhân đái tháo đường từ khi chẩn đoán nên được tư vấn giáo dục sức khỏe trong đó tập trung các vấn đề:

  • Đái tháo đường là bệnh mạn tính không thể chữa khỏi do đó cần được theo dõi định kỳ thường xuyên.
  • Mục tiêu điều trị là ngăn ngừa biến chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống
  • Người bệnh cần nắm được các triệu chứng và biến chứng của bệnh.
  • Người bệnh cần có đủ kiến thức liên quan tới sử dụng thuốc nhất là các trường hợp điều trị ngoại trú.
  • Một số kỹ năng cần thiết: tự chăm sóc khi ốm, tự theo dõi đường máu, tự tiêm insulin, tự thăm khám bàn chân, vệ sinh thân thể,…
  • Tạo mối liên hệ thân thiết với hệ thống y tế, chăm sóc sức khỏe thường xuyên, liên tục.

Tài liệu tham khảo/ Tài liệu liên quan
  • American Diabetes Association. Diabetes Standard of Care 2020 Jan; 43(Supplement 1): S98- S110. https://doi.org/10.2337/dc20-S009
  • Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đái tháo đường típ 2. Ban hành kèm theo Quyết định số 3319/QĐ-BYT ngày 19 tháng 07 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Y Tế.
  • International Diabetes Federation (IDF). Diabetes Atlas 2019, 9th edition. https://www.idf.org/e- library
  • Davies MJ, D’Alessio DA, et al. Management of Hyperglycemia in Type 2 Diabetes, 2018. A Consensus Report by the American Diabetes Association (ADA) and the European Association for the Study of Diabetes (EASD). Diabetes Care 2018; 41:2669.
  • Qaseem A, Wilt TJ, et al. Hemoglobin A1c Targets for Glycemic Control With Pharmacologic Therapy for Nonpregnant Adults With Type 2 Diabetes Mellitus: A Guidance Statement Update From the American College of Physicians. Ann Intern Med 2018; 168:569.

Bản quyền và thương hiệu: Thông tin và hình ảnh trên website thuộc quyền sở hữu của VinmecDr. Việc sao chép, sử dụng phải được VinmecDr chấp thuận trước bằng văn bản.

Miễn trừ trách nhiệm: Tất cả những tư liệu được cung cấp trên website này đều mang tính tham khảo. Do đó, nội dung và hình ảnh sẽ được thay đổi, cập nhật và cải tiến thường xuyên mà không phải thông báo trước. VinmecDr không bảo đảm về độ chính xác cũng như sự hoàn thiện về thông tin. Chúng tôi không chịu trách nhiệm pháp lý cho những thiệt hại xuất hiện trực tiếp hay gián tiếp từ việc sử dụng hoặc hành động dựa theo những thông tin trên hoặc một số thông tin xuất hiện trên website này. VinmecDr không chịu trách nhiệm pháp lý về những sai sót, lỗi chính tả… do nhập liệu cùng với những sự cố khách quan khác như: nhiễm virus, hành vi phá hoại, ác ý… xảy ra trên website này cũng như các website liên kết, nếu có.

Đường link liên kết

VinmecDr sẽ không chịu trách nhiệm hay có nghĩa vụ pháp lý dưới bất kỳ hình thức nào về nội dung của những website không thuộc VinmecDr được liên kết với website www.vinmecdr.com, bao gồm các sản phẩm, dịch vụ và những mặt hàng khác được giới thiệu thông qua những website đó.

facebook
23

Bài viết liên quan

Bình luận0

Đăng ký
Thông báo về
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận

Bài viết cùng chuyên gia