MỚI

Hướng dẫn thực hiện quy trình chuyên môn chăm sóc người hiến thận

Ngày xuất bản: 25/04/2022

Hướng dẫn thực hiện quy trình chuyên môn chăm sóc người hiến thận áp dụng cho điều dưỡng khối Ngoại tại các bệnh viện

Người thẩm định:  Phạm Đức Huấn, Giám đốc điều dưỡng Người phê duyệt: Phùng Nam Lâm Ngày phát hành: 01/06/2020

1. Mục đích 

Giúp nhân viên thực hiện được:

  • Quy trình chuẩn bị, theo dõi và chăm sóc người hiến thận trước phẫu thuật.
  • Quy trình theo dõi và chăm sóc người hiến thận sau phẫu thuật. 
  • Theo dõi và kịp thời phát hiện được các thay đổi bất thường của người hiến thận có thể xảy ra để báo cáo và xử trí.

2. Khái niệm

  • Hiến thận khi còn sống là phương pháp lấy 1 trong 2 bên thận của người hiến khỏe mạnh ghép cho người mắc bệnh thận. 
  • Chăm sóc người hiến thận là các bước chuẩn bị người hiến, các thủ tục trước phẫu thuật và các nội dung chăm sóc người hiến sau phẫu thuật, đảm bảo an toàn và tối đa hóa khả năng hồi phục. 

3. Hướng dẫn thực hành chăm sóc người hiến thận

3.1. Chăm sóc trước phẫu thuật 

Nhập viện:

  • Đón tiếp, hướng dẫn người hiến thủ tục nhập viện.
  • Đánh giá ban đầu người hiến bằng mẫu “Đánh giá ban đầu người bệnh nội trú”, hoàn thiện trong vòng 24h.  
  • Đeo vòng tay định danh, cảnh báo dị ứng, cảnh báo nguy cơ ngã đầy đủ (nếu có). 
  • Sắp xếp người hiến nằm phòng riêng.

 Hai ngày trước phẫu thuật (có thể nhập viện muộn hơn tùy chỉ định): 

  • Đánh giá toàn trạng, DHST, đánh giá đau, nguy cơ ngã,… 
  • Thực hiện các xét nghiệm CLS theo chỉ định.  
  • Hướng dẫn vệ sinh phòng ngừa nhiễm khuẩn: Vệ sinh tay, đeo khẩu trang, vệ sinh cá nhân, răng miệng, không để nhiễm lạnh, mắc mới các bệnh nhiễm khuẩn như cảm cúm, viêm họng, tiêu chảy,… 

Một ngày trước phẫu thuật:

  • Chuẩn bị tâm lý, động viên tinh thần người hiến trước phẫu thuật.
  • Khám gây mê
  • Kiểm tra lại các thủ tục hành chính trước phẫu thuật xem đã được thực hiện đầy đủ chưa, bao gồm nhưng không giới hạn các biểu mẫu: Biên bản hội chẩn cam kết phẫu thuật, cam kết gây mê, giảm đau, cam kết điều trị, cam kết truyền máu với người hiến. Nếu thiếu, báo bác sĩ hoàn thiện. 
  • Kiểm tra HSBA đầy đủ các kết quả CLS trước phẫu thuật theo chỉ định của bác sĩ. 
  • Dự trù máu.  
  • Thử phản ứng thuốc nếu có chỉ định

Buổi tối trước ngày phẫu thuật:

  • Hướng dẫn ăn nhẹ buổi tối, sau đó nhịn ăn, nhịn uống ít nhất 6 giờ trước phẫu thuật. 
  • Vệ sinh răng miệng bằng dung dịch Betadin Gargle sau ăn tối và trước khi đi ngủ. 
  • Thụt đại tràng lần 1 bằng nước muối sinh lý đảm bảo làm sạch khung đại tràng.
  • Cạo lông vùng bộ phận sinh dục, vùng trên xương mu nếu có chỉ định của bác sĩ.
  • Tháo bỏ các tư trang cá nhân: Vòng, nhẫn, răng giả, dây chuyền,… làm sạch phấn trang điểm, cắt ngắn móng tay chân.  
  • Tắm toàn thân bằng dung dịch Povidine 4%. 
  • Thực hiện đầy đủ y lệnh thuốc điều trị, thuốc và các liệu pháp giảm lo âu.

Ngày phẫu thuật: 

  • 5h sáng, người hiến dậy vệ sinh lại răng miệng bằng dung dịch Betadin Gargle.
  • Thụt đại tràng lần 2 bằng thuốc Fleet 133ml.
  • 6h sáng đo các thông số về DHST, cân nặng, ghi vào HSBA.  
  • Trường hợp người hiến phẫu thuật vào buổi chiều: Đảm bảo người hiến nhịn ăn ít nhất 6 giờ, vệ sinh răng miệng, thụt đại tràng bằng thuốc Fleet 133ml trong vòng 1 – 2 giờ trước phẫu thuật và thực hiện đầy đủ các y lệnh của bác sỹ.  
  • Thay áo phẫu thuật, đôi mũ cho người hiến.
  • Báo phẫu thuật viên chính đánh dấu vị trí phẫu thuật. 
  • Kiểm tra lại HSBA, hoàn thiện đầy đủ các thủ tục trước phẫu thuật. 
  • Hoàn thiện đầy đủ tờ “checklist bảng kiểm người bệnh trước phẫu thuật, thủ thuật”.
  • Báo điều dưỡng tiếp đón của phòng mổ trước khi chuyển ít nhất 15 phút.  
  • Chuyển người hiến xuống phòng mổ theo kế hoạch.
  • Bàn giao người hiến, HSBA, thuốc, dự trù máu, xét nghiệm kết quả XQ, MRT,… với điều dưỡng tiếp đón tại phòng mổ đầy đủ theo “Hướng dẫn thực hiện bàn giao người bệnh”. 

Chuẩn bị phòng đón người hiến sau phẫu thuật:

  • Báo cáo với điều dưỡng trưởng ca sau khi chuyển người hiến đi phòng mổ an toàn. 
  • Báo nhân viên Housekeeping dọn phòng sạch sẽ theo tiêu chuẩn thường quy, sẵn sàng đón người hiến sau phẫu thuật.
Hướng dẫn thực hiện quy trình chuyên môn chăm sóc người hiến thận áp dụng cho điều dưỡng khối Ngoại tại các bệnh viện
Hướng dẫn thực hiện quy trình chuyên môn chăm sóc người hiến thận áp dụng cho điều dưỡng khối Ngoại tại các bệnh viện

3.2. Chăm sóc sau phẫu thuật

Thông thường, người hiến sẽ được điều trị tại khu điều trị nội trú sau phẫu thuật cắt thận. Trong trường hợp cần theo dõi đặc biệt sau phẫu thuật, người hiến sẽ được chuyển đến khu chăm sóc đặc biệt (ICU) điều trị theo tình trạng sức khỏe thực tế trước khi chuyển về khu điều trị nội trú. Theo dõi các dấu hiệu sinh tồn và chảy máu:

  • Đánh giá đầy đủ tình trạng tri giác, các dấu hiệu thần kinh.
  • Theo dõi, đánh giá các chỉ số sinh tồn, đau, độ bão hòa oxy máu 60 phút/ lần trong 02 giờ đầu, sau đó 02 giờ/ lần trong vòng 04 giờ tiếp theo và 04 giờ/ lần trong những giờ kế tiếp trong 24 giờ đầu sau phẫu thuật. Sau 24 giờ, theo dõi ít nhất 04 lần/ ngày hoặc theo chỉ định của bác sĩ và tình trạng người hiến cho đến khi ra viện. Các thông số DHST cần được xử lý, ghi chép lại trong phiếu theo dõi, lưu HSBA, tham khảo Hướng dẫn theo dõi DHST và tri giác của người bệnh và Quy định nhận biết và xử trí những thay đổi cấp tính của người bệnh.
  • Theo dõi tình trạng chảy máu: 
    • Tinh thần kích thích sau đó lơ mơ.
    • Mạch nhanh, huyết áp tụt, kẹt.
    • Hạ thân nhiệt, da lạnh, niêm mạc nhợt.
    • Tình trạng bụng đau tăng, chướng nhiều, dẫn lưu ra dịch đỏ số lượng nhiều.
    • Theo dõi số lượng và màu sắc nước tiểu: Nước tiểu màu đỏ, số lượng nhiều.
    • Kết quả các xét nghiệm Hematocrit, Hemoglobin giảm.  
  • Xử trí: 
  • Báo bác sĩ kịp thời thực hiện cầm máu tại chỗ, thực hiện truyền máu theo y lệnh. 
  • Đánh giá tổng số lượng máu mất. 
  • Đánh giá tình trạng người hiến và hỗ trợ bác sĩ trong xử trí cầm máu.
  • Chuẩn bị công tác hồi sức cũng như chuẩn bị phẫu thuật cấp cứu

Chăm sóc hô hấp:

  • Đảm bảo đường hô hấp luôn thông thoáng, hệ thống oxy hoạt động tốt.
  • Thường xuyên nghe phổi phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường của phổi.  
  • Thở oxy theo chỉ định. 
  •  Nằm đầu cao 30 – 45 độ, tập thở bằng máy phế dung kế ít nhất 10 lần/ ngày, mỗi lần 5 – 10 nhịp.  
  • Vỗ rung, hướng dẫn tập ho, hỗ trợ thay đổi tư thế.  
  • Vệ sinh răng miệng ít nhất 2 lần/ ngày bằng dung dịch vệ sinh răng miệng. 
  •  Phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường, biến chứng hô hấp có thể gặp: 
    • Viêm phổi: Sốt cao, rét run, mạch nhanh, thở nhanh, khò khè, đờm, khó thở, đau ngực.
    • Xẹp phổi: Dấu hiệu khó thở, rì rào phế nang giảm, khò khè, tím tái. 
  • Xử trí: 
    • Đảm bảo nguyên tắc vô khuẩn khi chăm sóc và động viên người bệnh tăng cường vận động hệ hô hấp và toàn thân. 
    • Báo cáo bác sĩ ngay, thực hiện y lệnh kháng sinh, hỗ trợ hô hấp, thở oxy, chăm sóc người bệnh sốt cao, theo dõi khí máu động mạch,…

Chăm sóc tuần hoàn:

  • Thực hiện đầy đủ y lệnh thuốc, dịch truyền.
  • Chăm sóc vị trí catheter tĩnh mạch trung tâm:
    • Vệ sinh, thay băng mỗi 48h và thay ngay khi có máu hoặc dịch bẩn. 
    • Sát khuẩn cổng catheter mỗi lần tiêm truyền đảm bảo nguyên tắc vô khuẩn. 
    • Cố định tốt, tránh gập tắc, duy trì đường truyền tránh huyết khối
    • Rút catheter theo chỉ định của bác sĩ. 
  • Chăm sóc đường truyền ngoại vị đảm bảo lưu thông tốt, theo dõi đánh giá ghi chép ít nhất 2 lần mỗi tua trực, sát khuẩn cổng tiêm truyền trước khi dùng thuốc đường tĩnh mạch bằng gạc cồn 70 độ, thay đường truyền khi có dấu hiệu viêm nhiễm và không lưu kim quá 72h. Đảm bảo nguyên tắc vô khuẩn khi có can thiệp. 
  • Thay dây truyền máu ngay sau khi dùng xong, các đường truyền liên tục thay dây truyền, chạc ba mỗi 24h.

Thực hiện thuốc theo y lệnh:

  • Đảm bảo lượng dịch truyền phù hợp với lượng nước tiểu và ghi chép vào “Phiếu theo dõi truyền dịch và thuốc pha”. 
  • Đảm bảo thực hiện 7 đúng và double check với thuốc nguy cơ cao khi sử dụng thuốc.  
  • Theo dõi các tác dụng không mong muốn của thuốc để báo cáo xử trí kịp thời.

Theo dõi bài tiết – tiết niệu:

  • Đánh giá và theo dõi tính chất, màu sắc và số lượng nước tiểu đảm bảo lượng nước tiểu bài tiết 0.8 – 1ml/ kg/ h trong vòng 24h. 
  • Những ngày sau, theo dõi số lượng và tính chất nước tiểu tùy theo tình trạng người hiến và chỉ định của bác sĩ. 
  • Tổng kết lượng nước tiểu sau mỗi ca trực và mỗi 24h. 
  • Theo dõi sự lưu thông của nước tiểu bài tiết, cầu bàng quang, tránh gập tắc, bơm rửa khi dẫn lưu bị tắc theo chỉ định của bác sĩ điều trị.
  • Động viên người hiến uống bù nước đảm bảo ít nhất 2 – 3 lít nước/ ngày. 
  • Vệ sinh bộ phận sinh dục, sonde tiểu hàng ngày hoặc khi cần, túi nước tiểu luôn thấp hơn vị trí người bệnh. Rút sonde tiểu theo chỉ định bác sĩ đảm bảo vệ sinh tránh nhiễm khuẩn.  
  • Báo bác sĩ điều trị nếu có dấu hiệu nhiễm khuẩn, thiểu niệu, vô niệu hay các dấu hiệu bất thường khác.

Chăm sóc dinh dưỡng và tiêu hóa:

  • Đánh giá, theo dõi tình trạng chướng bụng, trung tiện, đại tiện của người hiến sau phẫu thuật.  
  • Ngày đầu sau phẫu thuật, người hiến được nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch, những ngày sau đó, người hiến được chỉ định dinh dưỡng qua đường miệng tăng dần số lượng phù hợp với tình trạng sức khỏe và nhu cầu. 

Chăm sóc dẫn lưu và vết mổ:

  • Thay băng vết mổ, chân dẫn lưu, xả dịch dẫn lưu hằng ngày và khi cần. 
  • Đánh giá dẫn lưu: Tên, vị trí, số lượng tính chất, màu sắc, số lượng dịch dẫn lưu, chân dẫn lưu.  
  • Đánh giá sự lưu thông của dẫn lưu, đảm bảo dẫn lưu được lưu thông tốt, không nằm đè lên dẫn lưu, bình/ túi đựng dịch dẫn lưu thấp hơn vị trí nằm của người hiến khoảng 20cm, không để tiếp xúc với sàn nhà.
  • Lấy dịch dẫn lưu xét nghiệm khi có chỉ định.  
  • Rút dẫn lưu theo chỉ định của bác sĩ khi dẫn lưu hết chức năng. 
  • Thông thường cắt chỉ vết mổ sau 7 – 10 ngày sau mổ hoặc theo chỉ định của bác sĩ.  
  • Báo bác sĩ điều trị nếu có các dấu hiệu bất thường như: Vết mổ chảy thấm dịch máu nhiều, đau vết mổ, nhiễm trùng vết mổ, dẫn lưu ra dịch máu hoặc màu sắc bất thường.

Phòng ngừa nhiễm khuẩn: 

  • Đảm bảo vô khuẩn khi chăm sóc và thực hiện các thủ thuật vô khuẩn.  
  • Thay bình làm ẩm oxy, dây oxy hàng ngày.  
  • Vệ sinh da, tắm rửa hàng ngày. 
  • Thay chăn ga gối sạch hàng ngày. 
  • Khử khuẩn bề mặt dụng cụ, thiết bị y tế, xe tiêm, xe thay băng hàng ngày và trước khi thực hiện thủ thuật.

Chống tắc mạch:

  • Hướng dẫn, động viên, hỗ trợ người hiến vận động, tập phục hồi chức năng hàng ngày và sớm nhất có thể.
  • Chống huyết khối tĩnh mạch bằng máy Venflow nếu người hiến cần bất động kéo dài. 
  • Phát hiện sớm các dấu hiệu tắc mạch phổi, tắc mạch chi, báo bác sĩ và xử trí kịp thời.

Chăm sóc về tâm lý:

  • Thường xuyên nói chuyện và động viên tinh thần người hiến.  
  • Tìm hiểu những lo lắng và tìm hướng hỗ trợ, giải thích để người hiến yên tâm. 
  • Hướng dẫn người nhà vào thăm và động viên tinh thần cho người hiến

Giáo dục sức khỏe cho người hiến và thân nhân:

  • Hướng dẫn theo dõi các dấu hiệu bất thường sau phẫu thuật. 
  • Hướng dẫn cách chăm sóc, phòng nhiễm khuẩn, chế độ ăn.
  • Hướng dẫn vệ sinh tay, quản lý tốt vị trí tiêm truyền. 
  • Khám lại sau 2 tuần và theo lịch hẹn sau khi ra viện.  
  • Khám lại ngay nếu có các dấu hiệu bất thường như: Mệt nhiều chán ăn, sốt, tiểu ít, tiểu rát buốt, vết mổ sưng nóng đỏ đau, chảy dịch, chảy mủ. 
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện các dấu hiệu bất thường của chức năng thận.  
  • Hạn chế làm việc nặng trong 3 tháng đầu, sau 2 tuần có thể sinh hoạt tình dục. 
  • Bảo vệ cơ thể, tránh gây tổn thương, va đập mạnh với bên thận còn lại.  
  • Hạn chế tối đa dùng các chất kích thích như: Rượu, bia, cà phê, thuốc lá,… 

Từ viết tắt

  • CLS: Cận lâm sàng.  
  • DHST: Dấu hiệu sinh tồn
  • HSBA: Hồ sơ bệnh án

Bản quyền và thương hiệu: Thông tin và hình ảnh trên website thuộc quyền sở hữu của Vinmecdr. Việc sao chép, sử dụng phải được Vinmecdr chấp thuận trước bằng văn bản. Miễn trừ trách nhiệm: Tất cả những tư liệu được cung cấp trên website này đều mang tính tham khảo. Do đó, nội dung và hình ảnh sẽ được thay đổi, cập nhật và cải tiến thường xuyên mà không phải thông báo trước. Vinmecdr không bảo đảm về độ chính xác cũng như sự hoàn thiện về thông tin. Chúng tôi không chịu trách nhiệm pháp lý cho những thiệt hại xuất hiện trực tiếp hay gián tiếp từ việc sử dụng hoặc hành động dựa theo những thông tin trên hoặc một số thông tin xuất hiện trên website này. Vinmecdr không chịu trách nhiệm pháp lý về những sai sót, lỗi chính tả… do nhập liệu cùng với những sự cố khách quan khác như: nhiễm virus, hành vi phá hoại, ác ý… xảy ra trên website này cũng như các website liên kết, nếu có. Đường link liên kết Vinmecdr sẽ không chịu trách nhiệm hay có nghĩa vụ pháp lý dưới bất kỳ hình thức nào về nội dung của những website không thuộc Vinmecdr được liên kết với website www.vinmecdr.com, bao gồm các sản phẩm, dịch vụ và những mặt hàng khác được giới thiệu thông qua những website đó.

facebook
3

Bài viết liên quan

Bình luận0

Đăng ký
Thông báo về
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận

Bài viết cùng chuyên gia