MỚI

Hướng dẫn thực hiện quy trình chuyên môn cấp cứu chấn thương sọ não

Ngày xuất bản: 03/07/2022
icon-toc-mobile

Hướng dẫn thực hiện quy trình chuyên môn cấp cứu chấn thương sọ não áp dụng cho bác sĩ và điều dưỡng khoa hồi sức cấp cứu

Người thẩm định: Nguyễn Đăng Tuân Người phê duyệt: Phùng Nam Lâm Ngày phát hành lần đầu: 03/06/2019 Ngày hiệu chỉnh: 15/08/2020
Chấn thương sọ não (CTSN) là một loại chấn thương nguy hiểm, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người bệnh về sau. Việc điều trị và cấp cứu kịp thời sẽ giúp sức khỏe người bệnh sớm được phục hồi, cũng như hạn chế tối đa tổn thương.

1. Định nghĩa về các khái niệm chấn thương sọ não
1.1. Chấn thương sọ não là những thương tổn xương sọ hoặc nhu mô não do chấn thương

Chấn thương sọ não là do lực tác động từ bên ngoài, cũng như hậu quả của các va chạm trực tiếp, lực tăng tốc – giảm tốc đột ngột, các vật thể xuyên (như đạn bắn,…) tác động mạnh lên phần đầu của người bệnh.

1.2. Phân loại chấn thương sọ não

Có thể được phân loại theo nhiều cách, bao gồm loại độ nặng trên lâm sàng, vị trí giải phẫu, cơ chế chấn thương, và đáp ứng sinh lý với chấn thương.

  • Phân loại theo độ nặng trên lâm sàng: GCS (Thang điểm hôn mê Glasgow) đã được sử dụng rộng rãi để phân loại CTSN thành các mức độ nặng và tiên lượng:
    • CTSN nhẹ: GCS 14-15; tỉ lệ tử vong 0,1%.
    • CTSN trung bình: GCS 9-13; tỉ lệ tử vong 10%.
    • CTSN nặng: GCS <9; tỉ lệ tử vong 40%.
  • Phân loại dựa vào phim CT sọ não chia làm 6 độ tổn thương lan tỏa: (Marshall CT classification)
    • Tổn thương lan tỏa độ   I:   Không   có   hình   ảnh   bất   thường nhìn   thấy được trên phim CT scan sọ não.
    • Tổn thương lan tỏa độ   II:   Còn   bể   dịch   não   tủy   quanh   thân   não,   đường giữa bị đẩy lệch 0 – 5 mm hoặc có những tổn thương tỉ trọng khác nhau. Không có tổn thương tăng tỉ trọng hoặc tỉ trọng hỗn hợp có thể tích > 25 ml.
    • Tổn thương lan tỏa độ III (phù não): Bể quanh thân não bị chèn ép hoặc bị xóa, đường giữa bị đẩy lệch 0 – 5 mm. Không có tổn thương tăng tỉ trọng hoặc tỉ trọng hỗn hợp có thể tích > 25 ml.
    • Tổn thương lan tỏa độ IV: Đường giữa bị đẩy lệch > 5 mm. Không có tổn thương tăng tỉ trọng hoặc tỉ trọng hỗn hợp có thể tích > 25 ml.
    • Tổn thương khối choán chỗ có mổ V : Bất cứ tổn thương máu tụ não đã được mổ
    • Tổn thương khối choán chỗ không mổ VI : Có tổn thương máu tụ tăng tỉ trọng hoặc tỉ trọng hỗn hợp có thể tích > 25ml chưa được mổ.
Cấp cứu chấn thương sọ não và những điều cần biết

2. Chẩn đoán về chấn tổn thương sọ não

2.1. Xác định thời điểm, cơ chế chấn thương

  • Xác định thời điểm từ khi xảy ra chấn thương.
  • Xác định cơ chế chấn thương: Đầu di động, đầu cố định.
    • Xác định nguyên nhân chấn thương: Do tai nạn giao thông , lao động, ngã cao, sinh hoạt.
    • Xác định diễn biến sau chấn thương: Tình trạng tri giác, tiến triển tri giác, triệu chứng kèm theo: Buồn nôn, nôn, co giật, kích động.

2.2. Thăm khám

  • Đánh giá ban đầu bằng việc phát hiện và xử trí khẩn cấp các thương tổn có thể gây tử vong tức thì cho bệnh nhân theo thứ tự ưu tiên như sau: ABCDE. Trong đó:
    • A (Airway maintenance with cervical spine protection): Duy trì đường thở thông suốt và bảo vệ cột sống cổ.
    • B (Breathing and ventilation): Đánh giá khả năng hô hấp và hỗ trợ thông khí;.
    • C (Circulation with hemorrhage control): Kiểm soát chảy máu và duy trì huyết động.
    • D (Disable; neurologic status): Đánh giá tri giác và xử trí các vấn đề sọ não.
    • E (Exposure and Environmental control): Bộc lộ toàn thân và kiểm soát thân nhiệt bệnh nhân.
  • Tương ứng với thứ tự ưu tiên xử trí trên, những nguyên nhân thường gặp sau đây phải được phát hiện và xử lý ngay vì chúng đe dọa tức khắc đến tính mạng bệnh nhân (theo thứ tự ưu tiên):
    • A: Tắc đường thở, chấn thương đường thở, tụt não do tụ máu nội sọ, chấn thương cột sống cổ. 
    • B: Tràn khí màng phổi nặng, vết thương ngực hở, mảng sườn di động.
    • C: Chèn ép tim cấp tính, sốc mất máu, tràn máu màng phổi lượng nhiều, chảy máu trong ổ bụng, gãy xương chậu không vững, mất/ dập nát chi, sốc tim, sốc thần kinh.
    • D: Tổn thương não lan rộng, tụ máu nội sọ.
    • E: Bệnh nhân phải được cắt bỏ quần áo và bộc lộ toàn thân để phát hiện những tổn thương bên ngoài, đặc biệt là gãy cột sống. Đồng thời phải ủ ấm bệnh nhân, máu và dịch truyền các loại cũng phải được ủ ấm trước khi truyền để tránh hạ thân nhiệt, làm sốc dễ xuất hiện.
  • Khám tri giác để xác định độ hôn mê
  • Khám 3 loại ý thức: ý thức cao cấp; ý thức tự động và ý thức bản năng.
    • Khám ý thức cao cấp.
    • Khám ý thức tự động: Đáp ứng với kích thích đau.
    • Khám ý thức bản năng: Khám phản xạ nuốt, xạ đồng tử với ánh sáng.
  • Khám tri giác bằng thang điểm Glasgow: Bảng Glasgow dựa vào 3 đáp ứng là mắt (Eyes) – lời nói (Verbal) – vận động (Motor).
    • Thang điểm hôn mê Glasgow người lớn: Nguyên tắc là phải luôn bắt đầu bằng việc quan sát, hỏi han, lay gọi người bệnh để xem đáp ứng của họ. Nếu không có đáp ứng với lời nói mới bắt đầu các biện pháp gây đau.
    • Đáp ứng bằng mắt (E) Có 4 mức độ:
      • 4. Mở mắt tự phát.
      • 3. Mở mắt khi nghe gọi.
      • 2. Mở mắt khi bị làm đau.
      • 1. Không mở mắt.
    • Đáp ứng bằng lời nói (V) Có 5 mức độ:
      • 5. Trả lời chính xác.
      • 4. Trả lời, nhưng nhầm lẫn.
      • 3. Phát ngôn vô nghĩa.
      • 2. Phát âm khó hiểu.
      • 1. Hoàn toàn im lặng.
    • Đáp ứng vận động (M) Có 6 mức độ:
      • 6. Thực hiện yêu cầu.
      • 5. Cấu véo đáp ứng chính xác.
      • 4. Cấu véo đáp ứng không chính xác.
      • 3. Co cứng (kiểu) mất vỏ khi đau.
    • Duỗi cứng (kiểu) mất não khi đau:
      • 1. Không đáp ứng với đau.
  • Thang điểm quên sau chấn thương Westmead (WPTAS): Trả lời không đúng với bất kỳ câu hỏi nào của WPATS được cho là một test dương tính đối với tổn thương tri giác sau chấn thương đầu:
    • Tên của bạn là gì ?
    • Bạn đang ở đâu ?
    • Tại sao bạn lại ở đây?
    • Bây giờ là tháng mấy ?
    • Bây giờ là năm bao nhiêu ?
    • Bạn sinh ra ở tỉnh/thành phố nào ?
    • Bạn bao nhiêu tuổi ?
    • Ngày sinh của bạn là ?
    • Bây giờ là buổi nào trong ngày ? (sáng, trưa, tối)
    • Đưa ra 3 bức tranh và đề nghị nhắc lại
  • Khám dấu hiệu thần kinh khu trú: Tìm dấu hiệu thần kinh khu trú (TKKT) xem tổn thương bán cầu não bên nào, so sánh hai bên với nhau.
    • Sử dụng thang điểm đánh giá sức cơ :
      • Độ 0/5: Liệt hoàn toàn.
      • Độ 1/5: Vận động cơ có thể nhìn thấy được, nhưng không cử động khớp.
      • Độ 2/5: Cử động được khớp nhưng không thắng được trọng lực.
      • Độ 3/5: Thắng được trọng lực, nhưng không thắng được lực cản.
      • Độ 4/5: Chống được lực cản, nhưng chưa đạt đến sức cơ bình thường.
      • Độ 5/5: Sức cơ bình thường.
    • Khám vận động:
      • Nếu BN tỉnh: cho BN làm nghiệm pháp Baré tay, nghiệm pháp Raimist và nghiệm pháp Mingazzini.
      • Nếu BN hôn mê: Quan sát khi BN dãy dụa, vận động.
    • Khám cảm giác đau:
      • Khám phản xạ: Khám phản xạ gân xương, Babinski, dấu hiệu Oppenheim, Gordon.
    • Khám dây thần kinh sọ não:
      • Ở thời kỳ cấp tính của chấn thương chỉ cần khám dây thần kinh III và dây thần kinh VII.
      • Dây thần kinh III (dây vận nhãn chung) : khám phản xạ đồng tử với ánh sáng
      • Dây thần kinh VII (dây mặt: nervus facialis): dấu hiệu Charles-Bell (+). Khi tổn thương nhánh dưới mồm sẽ bị kéo lệch về bên lành.
  • Khám đánh giá tổn thương da đầu: Đánh giá đụng giập da đầu, vết thương da đầu đơn thuần, vết thương sọ, vết thương sọ não, dị vật trong vết thương, tổ chức não hay dịch não tủy, tụ máu dưới da đầu.
  • Khám dấu hiệu vỡ nền sọ :
    • Vỡ nền sọ trước: Chảy máu hay dịch não tủy qua mũi, bầm tím quanh mắt, cung mày 2 bên không tương xứng, ngạt mũi, mất ngửi.
    • Vỡ nền sọ giữa, vỡ xương đá: Chảy máu, nước não tủy qua tai, liệt mặt ngoại biên, tụ máu ở vùng xương chũm, đôi khi chóng mặt, ù tai, điếc tai, đau nửa mặt.
    • Vỡ nền sọ sau: Có dấu hiệu bầm tím xương chũm (Dấu hiệu Battle).

3. Các xét nghiệm, thăm dò cần thiết cho chấn thương sọ não

3.1. Chụp XQ sọ thường quy

Thường chụp thẳng và nghiêng có thể xác định tổn thương vỡ xương, lún sọ và các dị vật xuyên thấu vào hộp sọ, khí trong sọ.

3.2. Chụp cắt lớp vi tính sọ não

Chỉ định chụp CT scanner sọ não:

  • Người lớn (từ 16 tuổi trở lên)
  • Cần chụp CT scan đầu nếu có 1 hoặc nhiều biểu hiện sau đây:
    • Điểm Glasgow (GCS score) dưới 13 khi đến khoa Cấp Cứu.
    • Điểm Glasgow dưới 15 khi đánh giá ở khoa Cấp Cứu 2 giờ sau chấn thương.
    • Vỡ xương sọ thể đặc biệt (gãy hở hoặc gãy lún).
    • Có bất cứ dấu hiệu nào của gãy nền sọ (ví dụ, mắt gấu trúc (‘panda’ eyes), dịch trong chảy ra từ tai hoặc mũi).
    • Động kinh hoặc co giật sau chấn thương.
    • Bất cứ dấu hiệu nào của các vấn đề thần kinh.
    • Nôn trên một lần kể từ thời điểm chấn thương đầu.
    • Không nhớ lại được các tình huống xảy ra quá 30 phút trước lúc chấn thương.
  • Nạn nhân cần được chụp CT scan nếu có mất ý thức hoặc mất trí nhớ từ thời điểm chấn thương hoặc khi:
    • Lớn hơn 65 tuổi.
    • Đã từng có những vấn đề về rối loạn đông máu, hoặc đang được điều trị bằng warfarin, hoặc bị những chấn thương đặc biệt nguy hiểm (như bị đâm xe, văng ra khỏi xe, ngã từ độ cao trên 1m hoặc 5 bậc cầu thang).

3.3. Đo áp lực nội sọ

  • Theo dõi áp lực nội sọ (ICP) và áp lực tưới máu não (CPP) nên được cân nhắc ở tất cả các bệnh nhân chấn thương sọ não nặng (GCS ≤ 8đ) đặc biệt khi có bất thường trên phim CT scan sọ não.
  • Dẫn lưu não thất ra ngoài để theo dõi ICP cũng cho phép dẫn lưu dịch não tủy để kiểm soát tăng ICP.
  • Theo dõi ICP trong nhu mô dễ đặt hơn trong não thất và cho phép theo dõi ICP liên tục.

3.4. Đo độ bão hòa oxy ở tĩnh mạch cảnh (SjvO2)

  • Catheter đặt ở hành tĩnh mạch cảnh bên ưu thế (bên tổn thương não) cho phép đánh giá việc cung cấp oxy toàn bộ não.
  • Bão hòa oxy ở hành tĩnh mạch não (SjvO2) đánh giá sự cân bằng giữa oxy cung cấp và tiêu thụ oxy của não.
  • Giá trị SjvO2 bình thường 55-75%, SjvO2 giảm cho thấy nhu cầu oxy tăng như sốt, co giật hoặc giảm cung cấp oxy, co thắt mạch não hoặc không đủ áp lực tưới máu não.

3.5. Theo dõi oxy tổ chức não (PbtO2)

  • Theo dõi PbtO2 để đánh giá sự cân bằng giữa cung cấp và tiêu thụ oxy của tế bào theo vùng trong nhu mô não.
  • Giá trị PbtO2 > 25-30 mmHg được coi là giá trị bình thường, dưới 20mmHg được coi là mốc cần điều trị và các giá trị dưới 15mmHg đồng nghĩa với thiếu oxy não hoặc thiếu máu não

3.6. Đo điện não đồ (EEG) 

Phát hiện co giật và giúp xử trí co giật cũng như trạng thái động kinh.

3.7. Chụp MRI sọ não 

Mang lại nhiều thông tin hữu ích trong giai đoạn bán cấp và mạn tính cho phép đánh giá tổn thương không chảy máu, tổn thương lan tỏa theo trục, tổn thương dây thần kinh sọ.

3.8. Chụp động mạch não

Chỉ định khi nghi ngờ tổn thương mạch cảnh, mạch trong não, chảy máu nhiều do vỡ xương nền sọ, chẩn đoán dò động mạch cảnh – xoang hang, trong đánh giá chết não.

3.9. Doppler xuyên sọ

Đo tốc độ dòng chảy máu não của từng động mạch, phản ứng vận mạch não và sự điều hòa lưu lượng máu não.

3.10. Các xét nghiệm khác cần làm:

  • Chụp XQ ngực.
  • Chụp cột sống, đặc biệt cột sống cổ.
  • Siêu âm ổ bụng, màng phổi, màng ngoài tim.
  • Điện tim, Xét nghiệm khí máu, sinh hóa, huyết học, đông máu,…
Chấn thương sọ não có thể đến từ tai nạn lao động hoặc gặp biến cố trong cuộc sống

4. Phác đồ điều trị chấn thương sọ não

Nêu nguyên tắc điều trị, phác đồ điều trị cơ bản, chi tiết? Nêu rõ mục tiêu điều trị.

4.1. Xử trí cấp cứu tại khoa cấp cứu

  • Mục tiêu xử trí cấp cứu chấn thương sọ não tại khoa cấp cứu:
    • Bảo vệ đường thở.
    • Duy trì áp lực nội sọ bình thường.
    • Giảm áp nội sọ nếu tăng.
    • Duy trì độ bão hòa oxy > 90%.
    • HA tâm thu > 90 mmHg.
    • Áp lực nội sọ ≤ 20 mmHg.
    • Điều chỉnh đường huyết, tránh tăng hoặc giảm.
    • An thần.
    • Xử trí vết thương.
    • Chống co giật.
  • Đánh giá ban đầu: Ý thức, đường thở, hô hấp, tuần hoàn.
  • Luôn duy trì các phương tiện cố định cột sống cổ cho đến khi loại trừ tổn thương cột sống cổ.
  • Bảo vệ đường thở: Đặt nội khí quản nếu cần. Cân nhắc đặt nội khí quản sớm đối với các bệnh nhân sau:
    • Glasgow ≤ 8 hoặc suy giảm ý thức nhanh.
    • Nôn nhiều.
    • PaO2 < 80 mmHg.
    • PaCO2 > 45 mmHg.
    • Chấn thương hàm mặt.
    • Nguy cơ chảy máu vào đường thở.
    • Co giật.
  • Hỗ trợ hô hấp:
    • Bóp bóng ambu hoặc thông khí nhân tạo bằng máy thở nếu cần.
    • Bảo đảm cung cấp đầy đủ oxy cho bệnh nhân đảm bảo PaO2 > 80 mmHg.
    • Cân nhắc sử dụng an thần cho các bệnh nhân kích thích nhiều.
  • Hỗ trợ tuần hoàn:
    • Băng ép cầm máu.
    • Hồi sức dịch bằng các dung dịch tinh thể và dung dịch keo duy trì huyết áp trung bình > 65 mmHg. Truyền máu và các chế phẩm máu nếu cần.
    • Sử dụng các thuốc vận mạch nâng huyết áp sau khi đã bù đủ dịch.
    • Có thể đặt đường truyền tĩnh mạch trung tâm để theo dõi áp lực tĩnh mạch trung tâm (CVP) và bù dịch
  • Sau khi xử trí ABC cần bộc lộ bệnh nhân, khám toàn thân, tránh bỏ sót tổn thương.
  • Cần lưu ý loại trừ các nguyên nhân gây hôn mê khác như hạ đường huyết, ngộ độc.
  • Xử trí vết thương: Băng ép, cầm máu
  • Khi có dấu hiệu tăng áp lực nội sọ, có thể sử dụng Manitol 1,5 – 2 g truyền tĩnh mạch trong 30- 60 phút.
  • Các dấu hiệu gợi ý tăng áp lực nội sọ trong chấn thương sọ não
    • Giãn đồng tử một bên.
    • Giãn đồng tử cả hai bên, mất phản xạ ánh sáng.
    • Điểm Glasgow giảm > 2 điểm so với lúc khám trước.
    • Co cứng hoặc duỗi cứng.
    • Xuất hiện phản xạ Cushing (tam chứng Cushing): tăng huyết áp, nhịp tim chậm, rối loạn nhịp thở.
  • Đối với các vết thương xuyên thấu, tuyệt đối không rút các vật xuyên thấu ra khỏi hộp sọ tại khoa cấp cứu.
  • Chụp X quang, CT Scanner khi tình trạng bệnh nhân cho phép.
  • Hội chẩn bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật thần kinh, tiến hành phẫu thuật khi có chỉ định.

4.2. Điều trị bệnh nhân CTSN mức độ nặng

  • Đối với những bệnh nhân bị chấn thương sọ não vừa phải (Thang điểm GCS > 8 và < 13) xuất hiện trong vòng ba giờ sau chấn thương, nên sử dụng ngay axit tranexamic (Độ 1B): Tranexamic acid 1g được truyền trong 10 phút, sau đó truyền tĩnh mạch (IV) 1 g trong tám giờ.
  • Thông khí nhân tạo:
    • Bệnh nhân CTSN nặng   thường   được   chỉ   định   đặt   nội   khí   quản   và   thở máy, đảm bảo SpO2 > 95% hoặc PaO2 > 90 mmHg, Để tránh khả năng gây thiếu máu cục bộ nên giữ PaCO2 ở mức 30 – 35 mmHg.
  • Giảm đau, an thần và giãn cơ:
    • Các thuốc giảm đau họ morphin như Morphin, Fentanyl và Remifentanil là lựa chọn đầu tiên để giúp làm giảm đau, an thần và làm giảm các phản xạ đường thở (phản xạ ho).
    • Propofol là một thuốc gây ngủ được lựa chọn cho bệnh nhân CTSN nặng vì nó có tác dụng nhanh, hết tác dụng nhanh khi ngừng thuốc.
    • Các thuốc an thần Benzodiazepin như Midazolam và Lorazepam cũng được khuyến cáo truyền liên tục hoặc bolus cách quãng.
    • Việc sử dụng các thuốc giãn cơ ở bệnh nhân CTSN là không được khuyến cáo. Trong trường hợp ALNS cao khó kiểm soát thì thuốc giãn cơ được coi như là một liệu pháp hỗ trợ để làm giảm ALNS.
  • Thuốc chống động kinh và theo dõi điện não đồ:
    • Thuốc chống động kinh thường được khuyến cáo để ngăn ngừa và điều trị các cơn động kinh sau chấn thương trong bối cảnh CTSN nặng.
    • Phenytoin: Sử dụng trong tuần đầu sau chấn thương. Khuyến cáo sử dụng một liều TM bolus càng sớm càng tốt sau khi bị CTSN, khởi đầu từ 15 – 18 mg/ kg đường tĩnh mạch sau đó 5mg/ kg/ ngày
    • Levetiracetam: Khởi đầu 500 mg × 2 lần/ngày, tăng dần liều theo đáp ứng.
  • Dự phòng huyết khối tĩnh mạch: Dùng bơm hơi áp lực ngắt quãng, tất, băng chun áp lực, Heparin trọng lượng phân tử thấp
  • Quản lý đường máu: Mục tiêu mức glucose trong khoảng 80 đến 110mg/ dL
  • Điều trị huyết động: Khuyến nghị duy trì HA tâm thu ≥100 mmHg cho bệnh nhân từ 50 đến 69 tuổi và ≥ 110 mmHg cho bệnh nhân từ 15 đến 49 hoặc > 70 tuổi
    • Kiểm soát tăng áp lực nội sọ: Đích điều trị nên duy trì cho ALNS < 20 mmHg nhưng vẫn có thể chấp nhận mức áp lực cao hơn nếu có thể duy trì ALTMN > 70 mmHg và không có dấu hiệu của thoát vị não.
    • Duy trì áp lực tưới máu não: Cần phải duy trì ALTMN trong khoảng 60 đến 70 mmHg để tránh gây ra tình trạng thiếu oxy tổ chức não
  • Các thuốc lợi tiểu thẩm thấu:
    • Mannitol: Liệu pháp Mannitol 20%, liều 0,5 – 1g/ kg truyền nhanh trong 10 – 20 phút, nhắc lại liều 0,25 đến 0,5g/ kg nếu cần sau mỗi khoảng 6 đến 8 giờ.
    • Na ưu trương: NaCl 3% liều nạp 250ml , Nhắc lại liều cách 4 giờ nếu chưa đạt mục tiêu, Dừng nếu Na máu > 160 mmol/L.
  • Liệu pháp Barbituric:
    • Điều trị thuốc Barbituric thường được sử dụng ở những bệnh nhân tăng ALNS đã được điều trị bằng các biện pháp nội khoa thất bại.
    • Khi sử dụng Barbituric có thể gây ra tụt huyết áp và không đáp ứng với truyền dịch thì ALTMN phải được duy trì bằng cách dùng thuốc vận mạch.
  • Hạ thân nhiệt chỉ huy: Hạ thân nhiệt vừa phải (nhiệt độ cơ thể 33 – 35 độ C) đã được khuyến cáo nhiều năm trước đây trong điều trị CTSN.
  • Dẫn lưu dịch não – tuỷ:
    • Khi có hình ảnh giãn não thất, đặt ống thông dẫn lưu não thất là chỉ định bắt buộc.
    • Dịch não – tuỷ nên được dẫn lưu ở tốc độ khoảng 1-2 ml/phút, trong khoảng 2 đến 3 phút mỗi lần, sau đó dừng nghỉ khoảng 2-3 phút cho đến khi áp lực nội sọ đạt đích mong muốn (áp lực nội sọ < 20 mmHg) hoặc cho đến khi dịch não – tuỷ không còn ra nữa.
  • Phẫu thuật mở xương sọ giải ép:
    • Khi có bằng chứng rõ ràng của sự suy giảm tri giác và chụp CT sọ não cho thấy có khối choán chỗ trong sọ, việc lấy bỏ khối choán chỗ cần phải thực hiện càng sớm càng tốt.
  • Chỉ định phẫu thuật:
    • Khối máu tụ ngoài màng cứng – Chỉ định phẫu thuật khối máu tụ ngoài màng cứng (EDH) lớn hơn 30 ml , dày trên 10mm, đè đẩy đường giữa > 5mm bất kể điểm GCS của bệnh nhân
    • Khối máu tụ dưới màng cứng cấp tính (SDHs)> độ dày 10mm hoặc liên quan đến đè đẩy đường giữa > 5mm trên CT nên được chỉ định phẫu thuật, bất kể điểm GCS của bệnh nhân
    • Khối máu tụ trong sọ : Chỉ định phẫu thuật khối máu tụ > 20ml, đè đẩy đường giữa > 10mm, tri giác giảm dần, dấu hiệu thần kinh khu trú nặng dần hoặc mới xuất hiện,
    • Máu tụ trong não thất: Chỉ định phẫu thuật khi máu tụ lớn trong não thất, tri giác xấu dần hoặc không cải thiện : lấy máu tụ, dẫn lưu não thất ra ngoài.
    • Tổn thương da đầu: Vết thương da đầu rộng, lột da đầu, mất da đầu, tụ máu dưới da đầu rộng, khối máu tụ tăng dần.
    • Tổn thương xương: Lún sọ quá 2/3 chiều dày bản xương, vết thương sọ, vết thương sọ não
    • Dẫn lưu não thất ra ngoài: chỉ định trong trường hợp não úng thủy cấp, sau đó sẽ dẫn lưu não thất ổ bụng.

5. Định hướng giải quyết

Bệnh nhân chấn thương sọ não mức độ nặng sau cấp cứu và đánh giá ban đầu sẽ nhập khoa ICU điều trị.

6. Tư vấn và giáo dục sức khỏe các vấn đề liên quan đến bệnh

  • Hướng dẫn gia đình trong chăm sóc, giải thích về phương pháp điều trị và hướng xử trí, tiên lượng bệnh.
  • BN sau CTSN cần được tư vấn và theo dõi chặt chẽ tại cộng đồng. Gia đình cần được tư vấn cách theo dõi, nhận biết các dấu hiệu nguy hiểm:
    • Nôn 2 lần trở lên hoặc nôn liên tục trong vòng 4-6h.
    • Đau đầu nặng hơn và tiến triển xấu dần.
    • Lơ mơ, ngủ gà,khó đánh thức.
    • Lẫn lộn hoặc có hành vi bất thường Khó thở, khó đi lại.
    • Co giật hoặc có cử động bất thường.
    • Khóc kéo dài.
    • Tê bì hoặc yếu cơ tiến triển ở bất kỳ bộ phận nào của cơ thể.
  • Với những chấn thương nhẹ, có thể ra viện được: Bác sĩ cần khuyến cáo bệnh nhân tái khám trong vòng 24h sau chấn thương hoặc gọi điện để đánh giá diễn biến.

Tài liệu tham khảo/ Tài liệu liên quan

  • Lý Ngọc Liên – Đồng Văn Hệ, Chấn thương sọ não , Nhà xuất bản y học – Hà Nội 2013
  • Venkatakrishna Rajajee, MBBS, Management of acute moderate and severe traumatic brain injury, https://www.uptodate.com/ updated: Dec 23, 2019.
  • Venkatakrishna Rajajee, MBBS, Traumatic brain injury: Epidemiology, classification, and pathophysiology, https://www.uptodate.com/ updated: Jul 18, 2018.
  • DK Menon, and A Ercole, Critical care management of traumatic brain injury, Handbook of Clinical Neurology 2017
  • Fildes J (2012), ʺAdvanced Trauma Life Support ʺ. American College of surgeons committee on trauma Ninth edition.
  • Khellaf A., Khan D. Z., Helmy A. (2019): Recent advances in traumatic brain injury. J Neurol. 2019; 266(11): 2878–2889.

Bản quyền và thương hiệu: Thông tin và hình ảnh trên website thuộc quyền sở hữu của VinmecDr. Việc sao chép, sử dụng phải được VinmecDr chấp thuận trước bằng văn bản. Miễn trừ trách nhiệm: Tất cả những tư liệu được cung cấp trên website này đều mang tính tham khảo. Do đó, nội dung và hình ảnh sẽ được thay đổi, cập nhật và cải tiến thường xuyên mà không phải thông báo trước. VinmecDr không bảo đảm về độ chính xác cũng như sự hoàn thiện về thông tin. Chúng tôi không chịu trách nhiệm pháp lý cho những thiệt hại xuất hiện trực tiếp hay gián tiếp từ việc sử dụng hoặc hành động dựa theo những thông tin trên hoặc một số thông tin xuất hiện trên website này. VinmecDr không chịu trách nhiệm pháp lý về những sai sót, lỗi chính tả… do nhập liệu cùng với những sự cố khách quan khác như: nhiễm virus, hành vi phá hoại, ác ý… xảy ra trên website này cũng như các website liên kết, nếu có. Đường link liên kết VinmecDr sẽ không chịu trách nhiệm hay có nghĩa vụ pháp lý dưới bất kỳ hình thức nào về nội dung của những website không thuộc VinmecDr được liên kết với website www.vinmecdr.com, bao gồm các sản phẩm, dịch vụ và những mặt hàng khác được giới thiệu thông qua những website đó.

facebook
4

Bài viết liên quan

Bình luận0

Đăng ký
Thông báo về
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận

Bài viết cùng chuyên gia