MỚI

Hướng dẫn thực hiện quy trình chương trình an toàn sử dụng các thiết bị laser và các thiết bị khác có bức xạ quang học trong y tế

Ngày xuất bản: 01/05/2022

Hướng dẫn thực hiện quy trình chương trình an toàn sử dụng các thiết bị laser và các thiết bị khác có bức xạ quang học trong y tế áp dụng cho các cơ sở, đơn vị có thiết bị laser và các thiết bị bức xạ quang học khác

Người thẩm định: Giám đốc chuyên môn (Vinmec Times City và Vinmec Central Park)

Người phê duyệt: Phùng Nam Lâm 

Ngày phát hành: 05/04/2021

Ngày hiệu chỉnh: 15/03/2022

1. Mục đích

Thiết lập và vận hành các chương trình, quy định tuân thủ theo các tiêu chuẩn liên quan để đảm bảo an toàn bức xạ quang học cho người bệnh, nhân viên y tế và các hệ thống máy móc.

2. Phạm vi áp dụng

Khu vực có sử dụng các thiết bị laser và các thiết bị khác có bức xạ quang học được pháp dụng trong chăm sóc và điều trị có nguy cơ cao gây hại cho khách hàng và nhân viên.

3. Định nghĩa

Bức xạ quang học nhân tạo (AOR): là bất kỳ bức xạ điện từ nào trong dải bước sóng 100 nm và 1mm được phát ra từ các nguồn không tự nhiên bao gồm các loại (1) nguồn laser; (2) ánh sáng khả kiến (2) tia hồng ngoại (IR); (3) tia cực tím (UV).

3.1. Phân loại các nguồn laser (theo tiêu chuẩn ANSI Z136)

Các tai nạn tiềm tàng có thể xảy ra khi sử dụng chùm laser chủ yếu liên quan đến tổn thương mắt và da. Chùm tia laser được phân loại dựa trên khả năng gây tổn thương từ năng lượng chùm tia và những nguy hiểm liên quan. Phân loại nguồn laser bao gồm:

  • Loại 1: Các nguồn laser có công suất rất thấp ( <0.3 mW), không nguy hại trong quá trình sử dụng, không có khả năng tạo ra mức bức xạ gây hại trong quá trình hoạt động bình thường và được miễn trừ bất kỳ biện pháp kiểm soát hoặc các hình thức giám sát khác.
  • Loại 1M: Các nguồn laser có công suất rất thấp ( <0.3 mW), không nguy hại trong quá trình sử dụng, không có khả năng tạo ra mức bức xạ gây hại trong quá trình hoạt động bình thường trừ khi chùm tia được xem bằng các thiết bị quang học như kính lúp và được miễn trừ bất kỳ biện pháp kiểm soát hoặc các hình thức giám sát khác.
  • Loại 2: Có bước sóng trong phổ từ 400 – 700 nm hoặc công suất nhỏ hơn 1 mW. Nhóm này có thể nhìn thấy bằng mắt thường, tuy nhiên gây ra cảm giác khó chịu cho mắt.
  • Loại 2M: Có bước sóng trong phổ từ 400 – 700 nm hoặc công suất nhỏ hơn 1 mW, Là nhóm có thể nhìn thấy bằng mắt thường, tuy nhiên gây ra khó chịu cho mắt. Cần đeo bảo vệ mắt. Có thể gây nguy hại cho mắt trong những trường hợp ánh sáng loại này đi qua các tấm kính hội tụ.
  • Loại 3 R: Có công suất nhỏ hơn không vượt quá 5 lần công suất tối đa của loại 2 hay công suất nhỏ hơn 5 mW, có khả năng gây nguy hiểm cho mắt nếu quan sát trực tiếp, không gây hại cho da.
  • Loại 3 B: Có công suất dưới 500mW, có nguy cơ trung bình và cao gây nguy hiểm đến mắt trong các điều kiện quan sát trực tiếp. Loại tia này không có khả năng gây ra cháy nổ, nhưng có thể tạo ra các thành phần nguy hại trong không khí.
  • Loại 4: Có công suất từ 500mW trở lên, có nguy cơ cao gây nguy hiểm cho cả mắt và da nếu tiếp xúc trực tiếp với chùm tia, bao gồm cả các tia phản xạ và tán xạ. Loại tia này có thể tạo ra các thành phần nguy hại trong không khí.
  • Lưu ý:
    • Các loại Laser 1, 2, 2M, 3R là nhóm tia có nguy cơ gây hại thấp.
    • Các loại Laser 3B, 4 là nhóm tia có nguy cơ cơ gây hại cao
  • Ánh sáng khả kiến: Ánh sáng khả kiến bao gồm chỉ một phần rất nhỏ của toàn bộ phổ bức xạ điện từ, nhưng nó chứa vùng tần số duy nhất mà các tế bào hình que và hình nón của mắt người nhận biết được.

3.2. Phân loại các nguồn hồng ngoại (Infar Red – IR)

Bức xạ hồng ngoại gây ra hiệu ứng làm nóng khi chiếu vào bề mặt. Bức xạ hồng ngoại được phân thành các loại như sau:

  • Loại IR-A: Bức xạ hồng ngoại IR-A là bức xạ có phần bước sóng ngắn của dãy bức xạ hồng ngoại gần NIR, ranh giới 770nm – 1400nm, xác định theo thị giác của con người đối với phổ ánh sáng Mặt Trời. IRA lại là tia xâm nhập tốt vào da hơn IR-B hay IR-C.
  • Loại IR-B: Bức xạ hồng ngoại IR-B là bức xạ có phần bước sóng dài của dãy bức xạ hồng ngoại gần NIR, ranh giới 1400nm – 3000nm.
  • Loại IR-C: Bức xạ hồng ngoại giữa và xa là bức xạ có dải hồng ngoại này ứng dụng trong công nghệ dẫn đường.

3.3. Phân loại các nguồn cực tím (Ultra Violet –UV)

Tia tử ngoại hay tia cực tím (UV) là sóng điện từ có bước sóng ngắn hơn ánh sáng nhìn thấy nhưng dài hơn tia X. Phổ tia cực tím có thể chia ra thành tử ngoại gần (có bước sóng từ 380 đến 200 nm) và tử ngoại xạ hay tử ngoại chân không (có bước sóng từ 200 đến 1000 nm). Nguồn tử ngoại được phân loại như sau:

  • Loại UVA: Bước sóng dài (từ 320-400 nm) sẽ xâm nhập vào tầng hạ bì của da, phá hủy Collagen khiến da nhanh chóng lão hóa.
  • Loại UVB: Bước sóng (từ 290 – 320 nm), có khả năng gây bỏng, kích ứng da và ung thư da. Cũng có tác dụng tốt là giúp tổng hợp vitamin D trong cơ thể con người.
  • Loại UVC: Bước sóng (100 – 290 nm), UVC là loại tia UV khả năng gây hại cao nhất và tia nhân chính gây ung thư da.

4. Hướng dẫn thực hiện

4.1. Trách nhiệm các bên liên quan

  • Giám đốc chuyên môn chịu trách nhiệm kiểm soát việc xây dựng chương trình quản lý các thiết bị laser và các thiết bị khác có bức xạ quang học có tác động, ảnh hưởng đến an toàn của người bệnh và nhân viên.
  • Điều phối viên chương trình an toàn laser bức xạ quang học (do Giám đốc chuyên môn bổ nhiệm) là cán bộ có chuyên môn và là người trực tiếp sử dụng thiết bị laser và các thiết bị có bức xạ quang học. Điều phối viên chịu trách nhiệm điều phối và giám sát chung các hoạt động đảm bảo an toàn bức xạ quang học (đào tạo, giám sát chung hoạt động của các thiết bị, phối hợp trong theo dõi xử lý các sự cố). Điều phối viên đồng thời chịu trách nhiệm báo cáo về kết quả các hoạt động của chương trình đến Ban an toàn môi trường theo tần suất hàng năm và khi có sự cố xảy ra.
  • Điều phối viên chương trình phối hợp cùng các trưởng phòng các bộ phận liên quan tổ chức thành lập nhóm chuyên môn để đánh giá/ rà soát các thiết bị laser và các thiết bị khác có bức xạ quang học sử dụng trong điều trị cho người bệnh.
    • Đánh giá/ rà soát các thiết bị laser và các thiết bị khác có bức xạ quang học sử dụng trong điều trị cho người bệnh. Việc đánh giá/rà soát các thiết bị này sẽ được thực hiện hàng năm hoặc khi có thiết bị mới.
    • Lên danh sách các thiết bị y tế liên quan, đánh giá các nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn người bệnh và an toàn trong sử dụng, để xây dựng chương trình đào tạo và các trang thiết bị bảo hộ tương ứng cho NVYT và người bệnh
  • Nhóm chuyên môn lên danh sách các thiết bị liên quan, đánh giá các nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn người bệnh và an toàn trong sử dụng để xây dựng chương trình đào tạo và các trang thiết bị bảo hộ tương ứng cho NVYT và người bệnh.
  • Nhân viên y tế sử dụng thiết bị laser và các thiết bị khác có bức xạ quang học trong phạm vi được phân quyền theo quy định.
  • Kỹ sư thiết bị y tế chịu trách nhiệm kiểm tra, bảo trì, kiểm định (nếu có) các thiết bị y tế có bức xạ quang học định kỳ theo quy định.
  • Bộ phận đào tạo và điều phối viên có trách nhiệm phối hợp với bên chuyên môn để tổ chức đào tạo cho NVYT trực tiếp sử dụng các thiết bị y tế có bức xạ quang học tương ứng.
  • Trưởng khoa phòng liên quan chịu trách nhiệm giám sát việc triển khai, đào tạo, sử dụng các thiết bị tại khoa để đảm bảo an toàn cho NVYT và người bệnh.
  • Phòng Quản lý chất lượng chịu trách nhiệm giám sát việc tuân thủ quy định này như là một phần của chương trình đảm bảo chất lượng, an toàn cho người bệnh và phối hợp với điều phối viên chương trình trong việc lên kế hoạch cải tiến với các sự cố.

4.2. Xác định các rủi ro khi sử dụng các thiết bị laser và các thiết bị khác có bức xạ quang học

  • Các nguy cơ khi sử dụng thiết bị laser
    • Đối với mắt: Tia laser có khả năng gây tổn thương các cấu trúc khác nhau của mắt, phụ thuộc vào cấu trúc nào hấp thụ năng lượng của chùm tia. Nguy hiểm nhất là tia Laser có thể đi sâu vào võng mạc để gây tổn thương.
    • Đối với da: Da là cơ quan rộng nhất của cơ thể, nên nó có sự rủi ro lớn nhất đối với việc phơi nhiễm trước chùm laser. Mức độ tổn thương da liên quan trực tiếp đến công suất tia Laser chiếu.
    • Đối với hô hấp: Các chùm khói có chứa các thành phần độc hại do kỹ thuật laser phẫu thuật như benzene, hydrogen cyanide, formaldehyde, vi sinh vật, tế bào (bao gồm cả máu) và virus. Ở nồng độ cao, khí laser có thể gây kích ứng mắt và đường hô hấp trên của nhân viên y tế và gây cản trở tầm nhìn của phẫu thuật viên. Ngoài ra khói laser cũng có nguy cơ tiềm ẩn gây ra các đột biến gen.
  • Các nguy cơ sử dụng thiết bị có tia hồng ngoại (IR)/ cực tím(UV)/ Ánh sáng khả kiến
    • Nguy cơ đối với mắt: Đối với loại tia cực tím và tia hồng ngoại và ánh sáng khả kiến có khả năng tác động và gây thương tổn chủ yếu lên các cấu trúc phía trước của mắt như giác mạc, kết mạc và thủy tinh thể.
      • Tổn thương cấp tính: Nhẹ có thể gây ra viêm kết mạc và nặng có thể tổn thương giác mạc gây chứng Tuyết mù (Photokeratitis)
      • Tổn thương mạn tính: Đục thể thủy tinh do ngưng đọng protein do phơi nhiễm kéo dài đối với tia UV và IR.
    • Nguy cơ đối với da: Tổn thương dạng bỏng.
    • Nguy cơ khác: Có khả năng gây hại cho các bộ phận khác (ví dụ: Bộ phận sinh dục của bé trai)

4.3. Các biện pháp dự phòng để đảm bảo an toàn khi sử dụng các thiết bị laser và thiết bị có bức xạ quang học khác

  • An toàn nhân viên y tế
    • Khu vực đặt thiết bị bức xạ quang học cần được riêng biệt với khu điều trị khác hoặc được che chắn bằng vách ngăn hoặc rèm che.
    • Khu vực có sử dụng thiết bị laser loại 3B và 4 phẫu thuật cần có hệ thống lọc khí bao gồm hệ thống hút khói, lọc khói và thông khí tại chỗ.
    • Trang bị các phương tiện phòng hộ:
      • Nhân viên y tế và người bệnh bắt buộc đeo phương tiện phòng hộ mắt phù hợp khi thực hiện kỹ thuật với các nguồn laser nguy cơ cao theo Tiêu chuẩn TCVN 6520:1999.
      • Nhân viên khi điều trị cho người bệnh trong khu vực có bức xạ quang học cần mặc áo choàng và đeo găng để che phủ tối đa diện tích da.
      • Nhân viên khi thực hiện điều trị cần đeo khẩu trang ngoại khoa.
    • Nhân viên y tế trong quá trình sử dụng thiết bị phải tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn của nhà sản xuất.
  • An toàn cho người bệnh
    • Hướng dẫn người bệnh các nguyên tắc an toàn trước khi thực hiện thủ thuật.
    • Người bệnh được đeo miếng chụp mắt/ kính chống tia bức xạ quang học.
    • Những vùng không điều trị trên cơ thể người bệnh cần được che chắn bởi vải toan hoặc vật dụng tương đương.
  • Quản lý thiết bị
    • Các thiết bị laser và các thiết bị khác có bức xạ quang học đều có quy trình vận hành thiết bị theo tiêu chuẩn của hãng sản xuất và toàn bộ nhân viên tham gia vận hành đều được đào tạo trước khi sử dụng để tuyệt đối tuân thủ quy trình. (Tham khảo Hướng dẫn sử dụng của nhà cung cấp hoặc hỗ trợ từ bộ phận quản lý trang bị y tế của bệnh viện).
    • Tại các phòng thực hiện có thủ thuật dán nhãn cảnh báo bên ngoài khu vực đặt thiết bị (Tham khảo Bộ tiêu chuẩn bố trí sắp đặt các khu vực tại bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec)
    • Các thiết bị được phân loại là thiết bị laser các thiết bị khác có bức xạ quang học đều được phân loại và dán nhãn cảnh báo trên thân thiết bị (Tham khảo phụ lục 2)
    • Bộ phận Thiết bị y tế có trách nhiệm phối hợp Nhà cung cấp thực hiện kiểm tra, bảo trì thiết bị theo Chương trình quản lý thiết bị y tế.
  • Đào tạo
    • Đối với các thiết bị sử dụng Laser loại 4 và 3B mà người thực hiện thủ thuật chỉ được phép là Bác sĩ, yêu cầu Bác sĩ phải có chứng chỉ đào tạo về laser.
    • Đối với các thiết bị laser khác và các thiết bị có bức xạ quang học sẽ được đào tạo bởi nhân viên của bệnh viện có chứng chỉ về sử dụng Laser hoặc nhà cung cấp về cách vận hành máy và an toàn khi sử dụng các thiết bị quang học.
    • Tại khoa phòng: Trưởng bộ phận khoa, phòng hoặc người được phân công chịu trách nhiệm đào tạo định kỳ cho tất cả các nhân viên sử dụng các thiết bị liên quan. 
    • Nhân viên không được phép làm việc trong khu vực có sử dụng Laser trong chăm sóc và điều trị nếu chưa được đào tạo về an toàn Laser.
  • Quy trình ứng phó sự cố
    • Khi xảy ra tình huống mất an toàn với thiết bị laser hay thiết bị khác có bức xạ quang học, cần thực hiện các biện pháp ứng phó khẩn cấp, trong đó quan trọng nhất là tắt nguồn phát tia.
    • Trong trường hợp mắt phơi nhiễm: Khẩn trương gặp bác sĩ chuyên khoa để đánh giá tình trạng các tổn thương do phơi nhiễm.
    • Khi bỏng da do tiếp xúc: ngừng nguồn phát tia, rửa dưới vòi nước, sau đó khám phân loại bỏng và điều trị bỏng do nhiệt theo phác đồ.
    • Phơi nhiễm do tiếp xúc với khói Laser Xử lý theo Chương trình quản lý an toàn và chăm sóc sức khỏe nghề nghiệp cho Cán bộ nhân viên.
    • Sau sự cố, không tiếp tục sử dụng thiết bị cho đến khi kỹ sư TBYT và kỹ sư chuyên trách xem xét và đánh giá an toàn, thực hiện quy trình báo cáo sự cố và xử lý theo Quy trình báo cáo và xử lý sự cố. Thông tin về sự cố và kế hoạch can thiệp cũng được tổng hợp báo cáo đến Ban an toàn môi trường định kỳ và Hội đồng kiểm soát nhiễm khuẩn định kỳ.

Phụ lục 1: Danh mục các khu vực sử dụng thiết bị có bức xạ quang học tại bệnh viện

Phụ lục 2: Biểu tượng cảnh báo

1. Biểu tượng cảnh báo dành cho thiết bị sử dụng Laser

2. Biểu tượng cảnh báo dành cho thiết bị sử dụng bức xạ quang học

Tài liệu tham khảo

  • Tiêu chuẩn quốc gia, Phương tiện bảo vệ mắt cá nhân – kính lọc và kính bảo vệ mắt chống bức xạ laze TCVN 6519 : 1999
  • American National Standards Institute (ANSI) Z136, ANSI Laser Safety Standards
  • Association Of Surgical Technologists AST Guidelines for Best Practices in Laser Safety
  • Duke University Medical Center – Laser Safety Policy
  • University of Virginia – Laser Safety Program
  • CDC – Control of Smoke From Laser/ Electric Surgical Procedures

Từ viết tắt:

  • NVYT: Nhân viên y tế
  • TBYT: Thiết bị y tế
  • NV: Nhân viên

Bản quyền và thương hiệu: Thông tin và hình ảnh trên website thuộc quyền sở hữu của Vinmecdr. Việc sao chép, sử dụng phải được Vinmecdr chấp thuận trước bằng văn bản.

Miễn trừ trách nhiệm: Tất cả những tư liệu được cung cấp trên website này đều mang tính tham khảo. Do đó, nội dung và hình ảnh sẽ được thay đổi, cập nhật và cải tiến thường xuyên mà không phải thông báo trước. Vinmecdr không bảo đảm về độ chính xác cũng như sự hoàn thiện về thông tin. Chúng tôi không chịu trách nhiệm pháp lý cho những thiệt hại xuất hiện trực tiếp hay gián tiếp từ việc sử dụng hoặc hành động dựa theo những thông tin trên hoặc một số thông tin xuất hiện trên website này. Vinmecdr không chịu trách nhiệm pháp lý về những sai sót, lỗi chính tả… do nhập liệu cùng với những sự cố khách quan khác như: nhiễm virus, hành vi phá hoại, ác ý… xảy ra trên website này cũng như các website liên kết, nếu có.

Đường link liên kết

Vinmecdr sẽ không chịu trách nhiệm hay có nghĩa vụ pháp lý dưới bất kỳ hình thức nào về nội dung của những website không thuộc Vinmecdr được liên kết với website www.vinmecdr.com, bao gồm các sản phẩm, dịch vụ và những mặt hàng khác được giới thiệu thông qua những website đó.

facebook
1

Bài viết liên quan

Bình luận0

Đăng ký
Thông báo về
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận

Bài viết cùng chuyên gia