MỚI

Hướng dẫn thực hiện quy trình chẩn đoán và điều trị bệnh trứng cá

Ngày xuất bản: 04/05/2022

Hướng dẫn thực hiện quy trình chẩn đoán và điều trị bệnh trứng cá áp dụng cho Khoa Da liễu

Người thẩm định: Nguyễn Tường Vân Người phê duyệt: Phùng Nam Lâm Ngày hiệu chỉnh: 15/08/2020

1. Định nghĩa

  • Trứng cá (acne) là bệnh da thông thường gây nên do tăng tiết chất bã và viêm của hệ thống nang lông tuyến bã
  • Bệnh biểu hiện với nhiều loại tổn thương khác nhau như: nhân mụn, sẩn, sẩn viêm, mụn mủ, mụn bọc, nang… khu trú ở vị trí tiết nhiều chất bã như mặt, ngực, lưng.
  • Bệnh hay gặp ở tuổi thanh thiếu niên, đặc biệt giai đoạn dậy thì
  • Bệnh có thể tiến triển lâu dài trong nhiều năm, ảnh hưởng đến thẩm mỹ và chất lượng cuộc sống của người bệnh.

2. Nguyên nhân

Mụn được hình thành dưới tác động của 4 yếu tố chính:

  • Tăng tiết chất bã: Tuyến bã chịu sự điều tiết hoạt động của các hormon, đặc biệt là hormon sinh dục nam, các hormon này kích thích tuyến bã hoạt động và phát triển thể tích làm tăng bài tiết chất bã.
  • Sừng hóa cổ nang lông: Cổ nang lông tuyến bã bị sừng hóa làm ống bài xuất tuyến bã bị hẹp lại, chất bã không thoát ra ngoài được nên bị ứ đọng lại trong lòng tuyến bã, lâu ngày bị cô đặc lại hình thành nhân trứng cá.
  • Sự gia tăng hoạt động của vi khuẩn Cutis acnes (C. Acnes): P. acnes là một trực khuẩn Gram (+) yếm khí và hiếu khí nhẹ cư trú trong nang lông, tuyến bã. Bình thường P.acnes cư trú trên da một cách vô hại. Khi các lỗ nang lông bị ứ lại, các chất bã và tế bào chết sẽ tạo nên môi trường kỵ khí và P. Acnes có thể phát triển, trở nên gây bệnh.
  • Các yếu tố gây viêm: Đặc biệt là các cytokine gây viêm.
  • Một số yếu tố khác:
    • Lạm dụng mỹ phẩm và các thuốc bôi, đặc biệt các sản phẩm có chứa corticoid
    • Lạm dụng các thuốc dùng đường toàn thân, đặc biệt là corticoid
    • Ăn uống: quá nhiều đường, sữa..
    • Stress
    • Môi trường, khí hậu…

3. Chẩn đoán bệnh trứng cá

  • Chẩn đoán xác định: chủ yếu dựa vào lâm sàng: nhân mụn, sẩn, mụn mủ, mụn bọc, nang tập trung chủ yếu ở vùng tiết nhiều chất bã như mặt, ngực, lưng.
  • Chẩn đoán mức độ: Theo Karen McCoy (2008), bệnh trứng cá chia thành ba mức độ
    • Mức độ nhẹ: dưới 20 tổn thương không viêm, hoặc dưới 15 tổn thương viêm hoặc tổng số lượng tổn thương dưới 30.
    • Mức độ vừa: có 20 – 100 tổn thương không viêm hoặc 15 – 50 tổn thương viêm, hoặc 20 – 125 tổng tổn thương.
    • Mức độ nặng: trên 5 nang, cục hoặc trên 100 tổn thương không viêm, hoặc tổng tổn thương viêm trên 50 hoặc trên 125 tổng tổn thương.

4. Các xét nghiệm bệnh trứng cá

  • Xét nghiệm không nhằm mục đích chẩn đoán.
  • Cần xét nghiệm men gan, chức năng thận, Triglyceride trước và trong quá trình điều trị trứng cá bằng Retinol đường toàn thân.
Hướng dẫn thực hiện quy trình chẩn đoán và điều trị bệnh trứng cá áp dụng cho Khoa Da liễu
Hướng dẫn thực hiện quy trình chẩn đoán và điều trị bệnh trứng cá áp dụng cho Khoa Da liễu

5. Phác đồ điều trị bệnh trứng cá

5.1. Nguyên tắc điều trị

  • Điều trị đúng thuốc, đúng phác đồ.
  • Cần phối hợp các thuốc bôi, tốt nhất là kháng sinh với retinoid.
  • Không điều trị kháng sinh (bôi/uống) đơn độc và kéo dài để tránh hiện tượng kháng thuốc.
  • Điều trị sớm để tránh biến chứng.
  • Tránh các yếu tố khởi phát, kích thích làm nặng bệnh như stress, thức khuya, làm việc quá sức, ăn uống nhiều đường, sữa…

5.2. Mục tiêu điều trị

  • Chống tiết nhiều chất bã
  • Chống dày sừng cổ tuyến bã
  • Chống nhiễm khuẩn

5.3. Điều trị cụ thể

  • Các thuốc điều trị tại chỗ: Có thể sử dụng một trong các thuốc sau:
    • Kháng sinh tại chỗ: Clindamycin 1%, Erythromycin …không nên sử dụng một loại thuốc bôi quá 2 tháng.
    • Benzoyl peroxide (BPO): thuốc vừa có tính chất diệt khuẩn vừa có tác dụng tiêu sừng ở cổ nang lông.
    • Retinoid: thuốc có tác dụng diệt khuẩn, chống viêm, tiêu sừng và điều hòa miễn dịch tại chỗ. Các thuốc hay được dùng là Tretinoin, Adapalene, Tazarotene …
    • Acid azelaic: thuốc có tác dụng tiêu sừng và kháng viêm.
  • Các thuốc điều trị toàn thân:
    • Kháng sinh: sử dụng kháng sinh trong điều trị trứng cá thể vừa và nặng vì có tác dụng diệt vi khuẩn P. Acnes, lựa chọn một trong các thuốc thường sử dụng sau:
      • Azithromycin liều 250-500 mg x 3 lần/tuần hoặc tổng liều 6g trong vòng 10 tuần.
      • Cyclin thế hệ 2: Doxycyclin 100mg và Minocycline 100mg. Thuốc có tác dụng kháng khuẩn và chống viêm. Liều dùng 100mg/ngày x 30 ngày, sau đó 50mg/ngày x 2-3 tháng. 
      • Erythromycin liều 1-1.5 g/ngày
      • Clindamycin liều 300-600 mg/ngày
    • Isotretinoin:
      • Chỉ định trong điều trị trứng cá mức độ vừa đến nặng, trứng cá dai dẳng, điều trị bằng các thuốc khác không đáp ứng.
      • Tác dụng: ức chế sản xuất chất bã, thúc đẩy quá trình tiêu sừng.
      • Liều dùng: liều tấn công 0.5-1mg/kg/ngày x 4 tháng. Liều duy trì 0.2-0.3 mg/kg/ngày x 2-3 tháng.
      • Tác dụng phụ: khô da, khô môi, khô mắt, và đặc biệt có thể gây quái thai. Vì vậy, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nếu dùng thuốc này cần áp dụng các biện pháp tránh thai, nếu muốn có thai phải ngừng thuốc trước khi có thai ít nhất 1 tháng.
      • Không dùng thuốc đồng thời với kháng sinh nhóm cyclin.
      • Không dùng cho trẻ dưới 16 tuổi.
  • Liệu pháp hormon:
    • Chỉ định trong trứng cá mức độ vừa đến nặng
    • Thuốc tránh thai (Diane 35): vỉ 21 viên, bắt đầu uống viên đầu tiên khi có hành kinh, mỗi ngày uống 1 viên, nghỉ 7 ngày. Thời gian dùng thuốc từ 3-6 tháng. Thuốc có nhiều tác dụng phụ như rối loạn kinh nguyệt, buồn nôn, đau đầu…nên cần được chỉ định và theo dõi chặt chẽ.
    • Thuốc khác: Biotin, kẽm, Bepanthen…

5.4. Phác đồ điều trị trứng cá thông thường

NhẹVừaNặngDuy trì
Bôi: Retinoid và thuốc bong sừng. Hoặc: Retinol và kháng sinh Hoặc: Kháng sinh và Benzoyl peroxide (BPO)Bôi: Retinoid với kháng sinh hoặc BPO. Uống: Kháng sinh. Có thể dùng isotretinoin nếu bệnh dai dẳng, tái phát.Bôi: Retinoid với BPO hoặc với kháng sinh. Uống: Isotretinoin hoặc/và kháng sinh, hoặc liệu pháp hormon.Bôi: Retinoid với kháng sinh hoặc kháng sinh với BPO

6. Định hướng giải quyết

  • Bệnh nhân được điều trị ngoại trú và tái khám theo hẹn.

7. Tư vấn và giáo dục sức khỏe các vấn đề liên quan đến bệnh 

  • Hạn chế dùng thuốc có chứa các chất thuộc nhóm Halogen, Corticoid. Ăn ít đường, chocolat, chất béo, đồ rán…
  • Tránh stress tâm lý…

Sơ đồ hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh trứng cá

Tài liệu tham khảo/ tài liệu liên quan

  1. GS.TS. Trần Hậu Khang. Bệnh trứng cá. Bệnh học da liễu pp.23-29. Nhà xuất bản Y học 2017
  2. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh da liễu. Trứng cá pp. 23-27. NXB Y học. 2015
  3. Beylot C. Acné. Therapeutique dermatologique. 2012
  4. Emmy Graber, MD, MBA. Treatment of acne vulgaris. UptoDate. Feb 12,2020.
  5. Jean-Hilaire Saurat, Jean-Marie Lachapelle, Dan Lipsker, Luc Thoma. Dermatologie et infections sexuellement transmissibles, 5th edition. Masson, pp. 807-817

Bản quyền và thương hiệu: Thông tin và hình ảnh trên website thuộc quyền sở hữu của Vinmecdr. Việc sao chép, sử dụng phải được Vinmecdr chấp thuận trước bằng văn bản. Miễn trừ trách nhiệm: Tất cả những tư liệu được cung cấp trên website này đều mang tính tham khảo. Do đó, nội dung và hình ảnh sẽ được thay đổi, cập nhật và cải tiến thường xuyên mà không phải thông báo trước. Vinmecdr không bảo đảm về độ chính xác cũng như sự hoàn thiện về thông tin. Chúng tôi không chịu trách nhiệm pháp lý cho những thiệt hại xuất hiện trực tiếp hay gián tiếp từ việc sử dụng hoặc hành động dựa theo những thông tin trên hoặc một số thông tin xuất hiện trên website này. Vinmecdr không chịu trách nhiệm pháp lý về những sai sót, lỗi chính tả… do nhập liệu cùng với những sự cố khách quan khác như: nhiễm virus, hành vi phá hoại, ác ý… xảy ra trên website này cũng như các website liên kết, nếu có. Đường link liên kết Vinmecdr sẽ không chịu trách nhiệm hay có nghĩa vụ pháp lý dưới bất kỳ hình thức nào về nội dung của những website không thuộc Vinmecdr được liên kết với website www.vinmecdr.com, bao gồm các sản phẩm, dịch vụ và những mặt hàng khác được giới thiệu thông qua những website đó.

facebook
0

Bài viết liên quan

Bình luận0

Đăng ký
Thông báo về
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận

Bài viết cùng chuyên gia