MỚI

Hướng dẫn thực hiện quy định xử trí cấp cứu đột quỵ cấp tại bệnh viện Vinmec

Ngày xuất bản: 28/06/2022

Hướng dẫn thực hiện quy định xử trí cấp cứu đột quỵ cấp tại bệnh viện Vinmec áp dụng cho Bác sĩ, điều dưỡng hồi sức tích cực tại các bệnh viện Vinmec

Người thẩm định: Giám đốc chuyên môn Vinmec Times City
Người phê duyệt: Phùng Nam Lâm
Ngày phát hành: 01/06/2022

1. Mục đích yêu cầu

  • Nhằm đảm bảo hoạt động cấp cứu đột quỵ 24/7 hiệu quả, chính xác theo đúng các hướng dẫn điều trị đột quỵ cấp.
  • Xác định vai trò, nhiệm vụ của các bộ phận chuyên môn liên quan.
  • Quy định về Code Stroke và kích hoạt Code Stroke.

2. Quy định chung

  • Thành lập, đưa ra nhiệm vụ, cơ chế hoạt động cho đội cấp cứu đột quỵ (hoạt động 24/7) bao gồm đa chuyên khoa, nhằm mục đích phối hợp hoạt động nhịp nhàng, chính xác cấp cứu kịp thời cho người bệnh đột quỵ não cấp, nâng cao hiệu quả cấp cứu đột quỵ, giảm thiểu nguy cơ tử vong và tàn phế cho người bệnh.
  • Có kế hoạch phối hợp đa chuyên khoa trong bệnh viện và các chuyên gia ngoài bệnh viện (khi có nhu cầu) thực hiện cấp cứu đúng quy trình, đảm bảo yêu cầu về các mốc thời gian cấp cứu đột quỵ.
xử trí cấp cứu đột quỵ cấp
Hướng dẫn thực hiện quy định xử trí cấp cứu đột quỵ cấp tại bệnh viện Vinmec

3. Quy định cụ thể

3.1. Đội cấp cứu đột quỵ

3.1.1. Thành phần

Các thành phần team cấp cứu đột quỵ tại bệnh viện bao gồm:

  • Bác sĩ khoa cấp cứu.
  • Bác sĩ chẩn đoán hình ảnh có năng lực can thiệp mạch.
  • Bác sĩ chuyên khoa thần kinh có khả năng phẫu thuật.
  • Bác sĩ khoa hồi sức tích cực.
  • Chuyên khoa xét nghiệm
  • Điều dưỡng cấp cứu được đào tạo quy trình xử trí đột quỵ.
  • Điều dưỡng khoa hồi sức tích cực được đào tạo quy trình xử trí, theo dõi và chăm sóc đột quỵ.

3.1.2. Nhiệm vụ của từng bộ phận

  • Khoa cấp cứu:
    • Thành phần: Bao gồm bác sĩ và điều dưỡng khoa cấp cứu
    • Nhiệm vụ:
      • Bác sĩ cấp cứu đảm nhiệm là Team Leader đối với người bệnh đột quỵ ngoại viện đảm bảo tiếp nhận phát hiện, đánh giá và can thiệp cấp cứu người bệnh đột quỵ theo đúng quy trình cho đến khi người bệnh lên phòng can thiệp mạch, nhập viện nội trú hoặc chuyển viện.
    • Giữ liên lạc và thông báo thông tin đến tất cả các thành phần trong team đột quỵ.
  • Khoa chẩn đoán hình ảnh:
    • Thành phần: Bao gồm bác sĩ và kỹ thuật viên chẩn đoán hình ảnh
    • Nhiệm vụ:
      • Sắp xếp máy móc, thực hiện kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính, chụp cắt lớp vi tính mạch não hoặc cộng hưởng từ sọ não theo chỉ định.
      • Bác sĩ chẩn đoán hình ảnh có nhiệm vụ phân tích đưa ra chẩn đoán tổn thương sớm nhất có thể (Đảm bảo theo đúng quy định về mặt thời gian), điều phối, mời hội chẩn chuyên gia, lên kế hoạch can thiệp mạch nếu người bệnh có chỉ định.
  • Trung tâm xét nghiệm:
    • Thành phần: Bác sĩ, kỹ thuật viên trung tâm xét nghiệm.
    • Nhiệm vụ: Tiến hành làm xét nghiệm nhanh chóng (có kết quả < 30 phút với INR) khi nhận được mẫu bệnh phẩm có dấu người bệnh đột quỵ, và thông báo cho bác sĩ lâm sàng ngay sau khi có kết quả.
  • Khoa hồi sức tích cực:
    • Thành phần: Bác sĩ, điều dưỡng khoa hồi sức tích cực
    • Nhiệm vụ: 
      • Bác sĩ khoa hồi sức tích cực là Team leader đối với trường hợp người bệnh đột quỵ khi đang điều trị nội trú (nhận kích hoạt từ hệ thống RRT đột quỵ) đảm bảo tiếp nhận, cấp cứu và xử trí người bệnh theo đúng quy trình. Tiếp nhận bàn giao từ khoa cấp cứu khi người bệnh vào phòng can thiệp hoặc khoa hồi sức tích cực. Là người chỉ huy, điều phối tất cả những vấn đề liên quan đến người bệnh kể từ khi tiếp nhận.
      • Theo dõi người bệnh sau can thiệp tái tưới máu, hoặc người bệnh đột quỵ nặng (có hoặc không có can thiệp) theo form bệnh án đột quỵ.
  • Đơn vị nội thần kinh – đột quỵ:
    • Thành phần: Bác sĩ chuyên khoa nội thần kinh, điều dưỡng khu điều trị nội trú
    • Nhiệm vụ:
      • Tham gia hội chẩn khi nhận được kích hoạt Code Stroke (Trực tiếp hoặc theo hình thức Telemedicine tùy từng trường hợp cụ thể).
      • Điều trị giai đoạn ổn định.
      • Phối hợp với khoa phục hồi chức năng có kế hoạch theo dõi và phục hồi chứng năng cho người bệnh.
      • Điều trị dự phòng, kế hoạch khám lại, theo dõi dọc người bệnh.
      • Có kế hoạch đào tạo nhân viên y tế chăm sóc người bệnh đột quỵ, truyền thông nâng cao kiến thức đột quỵ cho cộng đồng.
  • Đội cấp cứu ngoại viện (chatbox đột quỵ):
    • Thành phần: Bác sĩ và điều dưỡng khoa cấp cứu đã được đào tạo, có nhiệm vụ tiếp nhận, tổ chức xe cấp cứu đón người bệnh theo quy định.
    • Nhiệm vụ: Đánh giá, can thiệp cấp cứu nhanh tình trạng bệnh, đưa người bệnh về khoa cấp cứu, đánh giá khả năng tắc mạch lớn, kích hoạt code stroke để đạt được kết quả tái thông sớm nhất có thể.

3.2. Quy trình cấp cứu đột quỵ não bệnh viện Vinmec Times City

3.2.1. Tại khoa cấp cứu

  • Đánh giá chức năng sống, tiến hành cấp cứu và hồi sức bước đầu.
  • Hỗ trợ bảo vệ đường thở, đảm bảo thông khí, tuần hoàn.
  • Khởi động quy trình cấp cứu đột quỵ và phát khẩu hiệu cấp cứu.
  • Tiến hành lấy máu tĩnh mạch và khẩn trương làm xét nghiệm (có phát lệnh đột quỵ cấp để mọi xét nghiệm được tiến hành ưu tiên nhanh chóng):
  • Đặt đường truyền kim lớn ưu tiên bên tay trái.
  • Tiến hành làm điện tim (Không nên trì hoãn chụp CT).
  • Tiến hành đánh giá cân nặng (cho phép ước lượng trong vòng 5 kg, tốt nhất nên cân trực tiếp).
  • Xác định quá trình diễn biến bệnh lý, tiền sử, nhân chứng nhằm xác định các yếu tố sau (Sử dụng bảng check list sử dụng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch):
    • Thời gian khởi phát đột quỵ.
    • Bệnh sử.
    • Tiền sử, bệnh đồng mắc.
    • Các thuốc đang sử dụng.
    • Tình trạng ý thức và chức năng sinh lý trước bị bệnh.
    • Tiền sử chảy máu, phẫu thuật trước đây.
    • Tiền sử dị ứng.
    • Tiến hành đánh giá thang điểm NIHSS (phụ lục).
    • Đánh giá nguy cơ chảy máu.
    • Đánh giá chức năng sống mỗi 15 phút.
  • Tất cả dữ liệu kết quả phải được ghi nhận (ECG, xét nghiệm máu, dấu hiện sinh tồn).
  • Hoàn thiện bảng checklist về tiêu chuẩn lựa chọn và loại trừ thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch.
  • Hỗ trợ đưa người bệnh đến khoa chẩn đoán hình ảnh.
  • Liên hệ giường Khoa Hồi sức tích cực chuẩn bị giường sau khi người bệnh ra khỏi khoa chẩn đoán hình ảnh.
  • Tiến hành lấy phiếu đồng ý sử dụng thuốc tiêu sợi huyết (nếu có thể).
  • Tiến hành điều trị tiêu sợi huyết ngay lập tức nếu có chỉ định.

3.2.2. Tại khoa chẩn đoán hình ảnh

  • Hình ảnh CT không cản quang rất cần thiết đối với tất cả các bác sĩ trong team.
  • Team Leader (Bác sĩ cấp cứu trong trường hợp đột quỵ ngoại viện và Bác sĩ ICU trong trường hợp đột quỵ nội viện) chỉ định, theo dõi sử dụng thuốc tiêu sợi huyết (theo checklist) ngay sau khi có kết quả chụp cắt lớp vi tính sọ não nếu có chỉ định.
  • Chụp CTA hoặc MRI sọ não ngay sau khi người bệnh được tiêu sợi huyết để xét chỉ định can thiệp mạch.
  • Có kế hoạch chụp DSA và can thiệp mạch đối với những trường hợp tắc mạch lớn (LVOS). Thời gian càng sớm càng tốt (đo thời gian vào viện đến lúc chọc kim động mạch đùi < 120 phút).
  • Có kế hoạch nhập viện khoa điều trị tích cực nếu người bệnh không có chỉ định can thiệp mạch.

3.2.3. Tại phòng can thiệp mạch

Người bệnh nếu có chỉ định can thiệp mạch lấy huyết khối được vận chuyển từ khoa cấp cứu. Bác sĩ ICU tiếp nhận người bệnh theo dõi, cấp cứu, điều phối Team can thiệp trong suốt quá trình người bệnh được tiến hành thủ thuật. Sau đó người bệnh được vận chuyển về khoa điều trị tích cực để tiếp tục theo dõi và điều trị sau điều trị tái tưới máu (tiêu sợi huyết, có hoặc không có can thiệp mạch lấy huyết khối)

3.2.4. Tại khoa điều trị tích cực hoặc đơn vị đột quỵ

  • Tiếp nhận tiếp tục theo dõi và điều trị người bệnh có hoặc không có điều trị tái tưới máu theo hướng dẫn điều trị đột quỵ não và hồi sức thần kinh từ khoa cấp cứu hoặc từ phòng can thiệp mạch.
  • Có kế hoạch phục hồi chức năng sớm, đánh giá nguy cơ và điều trị dự phòng cho người bệnh.
  • Có kế hoạch theo dõi dọc, giáo dục sức khỏe cho người bệnh và người nhà người bệnh.

3.3. Quy định Code Stroke

Code Stroke có nhiệm vụ kích hoạt quy trình cấp cứu đột quỵ nhồi máu não cấp, nhằm thông báo cho tất cả thành viên trong đội cấp cứu đột quỵ biết được thông tin người bệnh, đảm bảo đúng quy trình hội chẩn và thực hiện đúng nhiệm vụ được giao (theo những điều ở trên) từ đó đảm bảo thực hiện đúng quy trình xử trí người bệnh đột quỵ não cấp, giảm thiểu thời gian chờ, nâng cao hiệu quả điều trị. 

3.3.1. Code Stroke 1

  • Được kích hoạt ngay khi phát hiện người bệnh đột quỵ não cấp (nội viện hoặc ngoại viện) do người phát hiện phát lệnh (là bác sĩ Cấp cứu trong trường hợp ngoại viện, bác sĩ trực ICU trong trường hợp nội viện. Hình thức thực hiện qua điện thoại trực tiếp, hoặc trên nền tảng mạng xã hội được phê duyệt (Teams,…). 
  • Thành phần liên quan: Tất cả các nhân viên thuộc đội cấp cứu đột quỵ (theo quy định ở trên). Sau khi nhận được kích hoạt tất cả thành phần trong đội cấp cứu đột quỵ thực hiện đúng nhiệm vụ được phân công.

3.3.2. Code Stroke 2

  • Được kích hoạt ngay khi có kết quả MSCT mạch não nếu người bệnh có chỉ định can thiệp (lấy huyết khối cơ học hoặc can thiệp dị dạng mạch,…) do bác sĩ chẩn đoán hình ảnh thuộc đội đột quỵ kích hoạt.
  • Hình thức thực hiện qua điện thoại trực tiếp, hoặc trên nền tảng mạng xã hội được phê duyệt (Teams,…).
  • Thành phần liên quan: Tất cả các nhân viên thuộc đội cấp cứu đột quỵ (theo quy định ở trên), và chuyên gia can thiệp mạch (trong trường hợp cần phải mời chuyên gia can thiệp bên ngoài bác sĩ chẩn đoán hình ảnh can thiệp là người lên kế hoạch can thiệp, liên hệ và phối hợp trực tiếp với chuyên gia). Sau khi nhận được kích hoạt tất cả thành phần trong đội cấp cứu đột quỵ thực hiện đúng nhiệm vụ được phân công.

3.4. Các quy trình kỹ thuật liên quan

  • Quy trình kỹ thuật sử dụng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch trong đột quỵ nhồi máu não cấp (Bộ hướng dẫn thực hiện quy trình chuyên môn chuyên ngành cấp cứu).
  • Quy trình kỹ thuật chụp số hóa xóa nền và can thiệp lấy huyết khối mạch não (Bộ hướng dẫn thực hiện quy trình chuyên môn chuyên ngành chẩn đoán hình ảnh và y học hạt nhân)..
  • Quy trình kỹ thuật chụp số hóa xóa nền và nút dị dạng động tĩnh mạch não (Bộ hướng dẫn thực hiện quy trình chuyên môn chuyên ngành chẩn đoán hình ảnh và y học hạt nhân).
  • Quy trình kỹ thuật chụp số hóa xóa nền và nút phình động mạch não (Bộ hướng dẫn thực hiện quy trình chuyên môn chuyên ngành chẩn đoán hình ảnh và y học hạt nhân).
  • Quy trình kỹ thuật chụp số hóa xóa nền và điều trị phình ĐM não bằng thay đổi dòng chảy (Bộ hướng dẫn thực hiện quy trình chuyên môn chuyên ngành chẩn đoán hình ảnh và y học hạt nhân).

Phụ lục 1: Quy trình cấp cứu người bệnh đột quỵ nhồi máu não cấp

  Bản quyền và thương hiệu: Thông tin và hình ảnh trên website thuộc quyền sở hữu của VinmecDr. Việc sao chép, sử dụng phải được VinmecDr chấp thuận trước bằng văn bản.
Miễn trừ trách nhiệm: Tất cả những tư liệu được cung cấp trên website này đều mang tính tham khảo. Do đó, nội dung và hình ảnh sẽ được thay đổi, cập nhật và cải tiến thường xuyên mà không phải thông báo trước. VinmecDr không bảo đảm về độ chính xác cũng như sự hoàn thiện về thông tin. Chúng tôi không chịu trách nhiệm pháp lý cho những thiệt hại xuất hiện trực tiếp hay gián tiếp từ việc sử dụng hoặc hành động dựa theo những thông tin trên hoặc một số thông tin xuất hiện trên website này. VinmecDr không chịu trách nhiệm pháp lý về những sai sót, lỗi chính tả… do nhập liệu cùng với những sự cố khách quan khác như: nhiễm virus, hành vi phá hoại, ác ý… xảy ra trên website này cũng như các website liên kết, nếu có.
Đường link liên kết VinmecDr sẽ không chịu trách nhiệm hay có nghĩa vụ pháp lý dưới bất kỳ hình thức nào về nội dung của những website không thuộc VinmecDr được liên kết với website www.vinmecdr.com, bao gồm các sản phẩm, dịch vụ và những mặt hàng khác được giới thiệu thông qua những website đó.

facebook
1

Bài viết liên quan

Bình luận0

Đăng ký
Thông báo về
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận

Bài viết cùng chuyên gia