Hướng dẫn thực hiện quy định phòng ngừa cách ly trong bệnh viện Vinmec
Hướng dẫn thực hiện quy định phòng ngừa cách ly trong bệnh viện Vinmec áp dụng cho CBNV toàn công ty
Người thẩm định: Trưởng tiểu ban Kiểm soát nhiễm khuẩn Người phê duyệt: Phùng Nam Lâm Ngày phát hành lần đầu: 22/11/2012 Ngày hiệu chỉnh: 16/12/2020
Dự phòng cách ly bệnh viện với mục đích có thể đảm bảo an toàn cho nhân viên bệnh viện, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm hoặc bị lây truyền bệnh. Đây là điều rất quan trọng trong môi trường y tế
1. Quy định chung khi dự phòng cách ly bệnh viện
Những người bệnh dấu hiệu nghi ngờ hoặc mắc các bệnh lây truyền qua đường không khí, giọt bắn hoặc đường tiếp xúc cần áp dụng biện pháp dự phòng cơ bản và dự phòng cách ly phù hợp, nhằm cắt đứt quá trình lây truyền bệnh trong phạm vi bệnh viện và ra ngoài cộng đồng.
2. Phạm vi áp dụng
Nội dung bài viết
Văn bản này có những nội dung đặc thù và chỉ áp dụng tại những bệnh viện có triển khai những nội dung đó.
3. Quy định cụ thể về dự phòng cách ly bệnh viện
3.1. Nguyên tắc phòng ngừa
- Phát hiện sớm các trường hợp bệnh truyền nhiễm.
- Thực hiện các biện pháp cách ly và kiểm soát nhiễm khuẩn (KSNK) nghiêm ngặt.
- Tăng cường các biện pháp vệ sinh cá nhân và sử dụng đúng các phương tiện phòng hộ cá nhân.
- Thực hiện triệt để các biện pháp vệ sinh/ khử khuẩn môi trường.
3.2. Các bệnh cần thực hiện cách ly
- Mọi nhân viên y tế khi chăm sóc người bệnh cần có ý thức cảnh giác, phát hiện kịp thời và thông báo ngay các trường hợp nghi ngờ mắc các bệnh lây truyền cần cách ly: người bệnh nhiễm khuẩn vi khuẩn đa kháng thuốc và các bệnh lây nhiễm khác: Tả, lao, cúm, v.v. (phụ lục 2: Danh mục các bệnh lây nhiễm và biện pháp phòng ngừa cần áp dụng).
- Lây truyền qua không khí: Xảy ra do sự lây lan những giọt nước bốc hơi trong không khí chứa tác nhân nhiễm khuẩn có kích thước phân tử nhỏ hơn (< 5μm) phát sinh ra khi bệnh nhân ho, hay hắt hơi. Vi sinh vật lan truyền theo cách này có thể phân tán rộng trong dòng không khí, có thể lơ lửng trong không khí lưu chuyển trong một thời gian dài. Những bệnh lây truyền trong đường không khí như lao phổi, thủy đậu. H5N1 và SARS cũng có thể lây qua đường này khi thực hiện các thủ thuật có tạo ra các hạt không khí.
- Lây truyền qua giọt bắn: Xảy ra do những bệnh nguyên lây truyền qua những giọt phân tử hô hấp lớn (> 5μm) tạo ra trong trong quá trình ho, hắt hơi, nói chuyện hoặc trong một số thủ thuật như hút rửa, nội soi, những giọt bắn chứa vi sinh vật xuất phát từ người mang vi sinh vật thường chỉ di chuyển một khoảng ngắn trong không khí (trung bình < 1 mét) và đi vào kết mạc mắt, niêm mạc mũi, miệng của người kế cận. Các bệnh thường gặp lây theo đường này bao gồm, ho gà, bạch hầu, cúm (kể cả H5N1), SARS, quai bị và viêm màng não.
- Lây truyền qua tiếp xúc: Xảy ra do sự tiếp xúc trực tiếp giữa các bề mặt cơ thể và truyền vi sinh vật từ người bệnh này qua người bệnh khác hay từ nhân viên y tế hoặc từ các bề mặt trung gian. Bệnh lây truyền qua đường này ví dụ như MRSA, Herpes Simplex, chốc, ghẻ, chấy rận, đậu mùa, zona, nhiễm cúm (kể cả H5N1), SARS.
- Đối với các trường hợp bệnh mới nổi hoặc tái nổi nguy hiểm (Ebola, MERS-CoV, SARS,…), các trường hợp bệnh truyền nhiễm nặng có nguy cơ tử vong sẽ chuyển bệnh viện có chức năng điều trị bệnh truyền nhiễm.
3.3. Phối hợp thực hiện cách ly trong bệnh viện
3.3.1. Phát hiện sớm
- Các thông tin về dịch tễ và biểu hiện lâm sàng chỉ điểm cho các bệnh lây nhiễm phải được phát hiện ngay từ khâu khai thác thông tin cấp hồ sơ khám bệnh, phân loại bệnh và trong quá trình điều trị (đối với người bệnh điều trị nội trú). Tham khảo Quy định cụ thể/ Mục I. Sàng lọc ban đầu dịch bệnh truyền nhiễm (áp dụng cho người bệnh nội trú, ngoại trú và Cấp cứu) trong văn bản “Quy định về đánh giá ban đầu đối với người bệnh”.
- Các dấu hiệu nghi ngờ:
- Người bệnh sốt, ho, tiêu chảy;
- Người bệnh có yếu tố dịch tễ, đi từ vùng có dịch bệnh;
- Người bệnh đang có thủ thuật can thiệp (mở khí quản, thông tiểu, dẫn lưu, catheter tĩnh mạch trung tâm, v.v…) hoặc đã phẫu thuật hoặc can thiệp thủ thuật hoặc điều trị dài ngày ở các bệnh viện khác chuyển đến.
3.3.2.Phối hợp thực hiện
- Trường hợp đến khám nghi ngờ hoặc đã được chẩn đoán xác định bệnh truyền nhiễm đang chờ chuyển viện hoặc điều trị cần thực hiện cách ly tại bệnh viện.
- Người bệnh đang điều trị nội trú tại bệnh viện về những bệnh khác, nếu phát hiện các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh lây nhiễm cần thực hiện cách ly ngay.
- Sơ đồ thông báo các trường hợp cần cách ly:
- Trường hợp người bệnh nhập viện phẫu thuật hoặc sản phụ nhập viện để sinh có nghi ngờ mắc bệnh lây nhiễm, bác sĩ điều trị cần trao đổi với bác sĩ kiểm soát nhiễm khuẩn và thống nhất biện pháp cách ly.
3.3.3. Dừng cách ly: Khi người bệnh không còn nguy cơ là nguồn lây truyền bệnh
- Sau khi điều trị ổn định các triệu chứng lâm sàng.
- Kết quả xét nghiệm âm tính tùy theo từng loại bệnh.
3.4. Nội dung thực hiện cách ly
3.4.1. Phương tiện
- Bố trí buồng cách ly tại khoa khám bệnh, khoa cấp cứu, hồi sức, khu cách ly áp lực âm tại các khoa nội trú và phòng cách ly ở cuối dãy của mỗi khoa nội trú.
- Có cồn khử khuẩn tay trên xe tiêm ở trong buồng bệnh.
- Các phương tiện phòng hộ cá nhân: Găng tay y tế, áo choàng dài tay chỉ sử dụng trong buồng cách ly/ dùng một lần, khẩu trang ngoại khoa, kính bảo hộ/ tấm che mặt, mũ ngoại khoa được để tại phòng đệm của mỗi phòng/ khu cách ly phù hợp với đường lây truyền.
- Có biển hiệu trên cửa quy định chế độ cách ly:
- Màu đỏ: cách ly theo đường không khí.
- Màu xanh lá cây: Cách ly theo đường giọt bắn.
- Màu vàng: Cách ly theo đường tiếp xúc.
- Màu xanh dương: Cách ly bảo vệ
- Hộp chứa hóa chất làm sạch dụng cụ sau khi sử dụng cho người bệnh cách ly.
- Thùng thu gom chất thải.
3.4.2. Ghi chép chỉ định cách ly và giáo dục sức khỏe cho người bệnh
- Đối với người bệnh nội trú
- Bác sĩ phải ghi rõ vào kế hoạch chăm sóc chỉ định cách ly theo đường nào.
- Điều dưỡng phải thực hiện giáo dục sức khỏe cho người bệnh cách ly về nội dung KSNK phù hợp (lý do người bệnh phải cách ly; thời gian cần cách ly; cách mang và tháo phương tiện phòng hộ cá nhân mà người nhà/người bệnh cần lưu ý khi vào thăm/ chăm sóc người bệnh; hướng dẫn rửa tay,…) và ghi chép lại vào “Phiếu giáo dục sức khỏe cho người bệnh và thân nhân”.
- Vệ sinh tay: Là biện pháp đơn giản nhưng tốt nhất để phòng bệnh. Người bệnh, người nhà và nhân viên bệnh viện đều cần phải rửa tay: trước khi đụng chạm vào người bệnh, sau khi chăm sóc người bệnh, trước khi ra khỏi phòng bệnh. Rửa tay đúng cách theo 7 bước.
- Cách ly theo đường tiếp xúc: Biện pháp phòng ngừa quan trọng nhất là rửa tay thường xuyên, đi găng mỗi khi chăm sóc tiếp xúc với máu, dịch, chất nôn, chất thải người bệnh. Cần mặc áo choàng khi tiếp xúc gần gũi với người bệnh. Đồ dùng nên dùng riêng cho người bệnh.
- Cách ly theo đường giọt bắn: Người bệnh hạn chế ra ngoài phòng bệnh. Khi cần thiết phải ra ngoài, cần đeo khẩu trang kín mũi, miệng. Người nhà và khách thăm nên đeo khẩu trang khi vào phòng bệnh.
- Cách ly theo đường không khí (đối với bệnh lao phổi, lao thanh quản, sởi, thủy đậu, đậu mùa): Người bệnh cần nằm trong phòng áp lực âm, vì vậy nên thường xuyên đóng cửa phòng. Người bệnh hạn chế ra ngoài. Trường hợp phải ra ngoài, người bệnh cần đeo khẩu trang kín mũi, miệng. Người nhà và khách thăm nên đeo khẩu trang N95 khi vào phòng bệnh.
- Đối với người bệnh ngoại trú
- Bác sĩ cần hướng dẫn người bệnh truyền nhiễm các biện pháp phòng ngừa bệnh và phòng ngừa cách ly trong trường hợp người bệnh không cần thiết nhập viện.
- Đối với các bệnh lây truyền theo đường không khí và giọt bắn: Hướng dẫn người bệnh cách ly tại nhà, hạn chế tiếp xúc, cách đeo và tháo khẩu trang đúng khi tiếp xúc với mọi người. Người nhà nên đeo khẩu trang khi chăm sóc người bệnh và rửa tay thường xuyên.
- Đối với các bệnh lây truyền đường tiếp xúc: Sử dụng đồ dùng cá nhân riêng cho người bệnh, hướng dẫn cách rửa tay thường quy, cách ly với các trường hợp dễ cảm nhiễm như trẻ nhỏ hoặc phụ nữ có thai.
- Nội dung giáo dục sức khỏe trên cần được ghi vào mục “Lời dặn” trong đơn thuốc ngoại trú, gửi cho người bệnh và lưu vào hồ sơ bệnh án.
- Bác sĩ cần hướng dẫn người bệnh truyền nhiễm các biện pháp phòng ngừa bệnh và phòng ngừa cách ly trong trường hợp người bệnh không cần thiết nhập viện.
3.4.3. Sắp xếp người bệnh cách ly
- Bố trí người bệnh vào buồng cách ly đã được chuẩn bị. Hạn chế người ra vào buồng cách ly.
- Không bố trí các nhân viên có miễn dịch kém (ví dụ: phụ nữ có thai) chăm sóc và hạn chế qua lại phòng hoặc khu vực chăm sóc người bệnh cách ly.
- Người bệnh nghi ngờ hoặc chẩn đoán mắc bệnh đường không khí (lao phổi, lao phế quản, sởi, thuỷ đậu, đậu mùa, hoặc các bệnh mới nổi), NB cần được đưa vào phòng cách ly áp lực âm.
- Lưu ý:
- Phòng cách ly áp lực âm phải đảm bảo 12 luồng không khí trao đổi trong 1 giờ (12 ACH), không khí được hút trực tiếp ra bên ngoài. Trường hợp không đưa trực tiếp không khí bên ngoài thì không khí hút ra có thể tuần hoàn vào hệ thống hoặc ra khu vực xung quanh nếu được lọc qua màng HEPA. Các phòng áp lực âm được phòng Kỹ thuật và các khoa/ phòng quản lý theo “Quy trình quản lý kiểm tra, vận hành phòng áp lực âm; áp lực dương”. Cửa phòng bệnh luôn đóng kín. Sau khi người bệnh chuyển đi/ ra viện, vệ sinh và không sử dụng phòng áp lực âm trong thời gian tối thiểu 1 giờ để không khí trong phòng trao đổi hết.
- Người bệnh sẽ được thăm khám/lưu tạm thời tại phòng áp lực âm ở khoa Cấp cứu/ Phòng khám Truyền nhiễm.
- Đối với các bệnh được phép của Bộ Y tế/ Sở Y tế điều trị/ cách ly tại bệnh viện Vinmec, người bệnh được điều trị/cách ly tại các phòng áp lực âm khu vực nội trú.
- Đối với các bệnh không được phép của Bộ Y tế/ Sở Y tế điều trị/ cách ly tại bệnh viện Vinmec, người bệnh sẽ được sắp xếp chuyển sang cơ sở y tế được chỉ định tiếp nhận điều trị/ cách ly.
- Trường hợp bùng phát dịch hoặc phơi nhiễm số lượng lớn người bệnh cần cách ly đường không khí thì cần:
- Thảo luận với bộ phận KSNK trước khi chuyển người bệnh đến khu vực thay thế các phòng áp lực âm, tham khảo văn bản “Chương trình ứng phó khẩn cấp phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm”.
- Sắp xếp các người bệnh cùng triệu chứng vào khu vực cách biệt người bệnh khác, đặc biệt người bệnh có nguy cơ nhiễm khuẩn cao (ví dụ: người bệnh suy giảm miễn dịch).
- Sử dụng máy tạo áp lực âm di động tạm thời để tạo môi trường áp lực âm cho khu vực/ phòng cách ly người bệnh, lọc khí thải qua màng HEPA trước khi đưa ra ngoài hoặc gắn hệ thống quạt hút và màng lọc HEPA bổ sung vào hệ thống hút của phòng để tạo áp lực âm tạm thời.
- Người bệnh nghi ngờ hoặc chẩn đoán mắc bệnh lây truyền đường tiếp xúc (vi khuẩn đa kháng, rotavirus, v.v.) hoặc bệnh lây theo đường giọt bắn cần được đưa vào phòng cách ly thường tại các khoa được bố trí ở cuối dãy.
- Trong trường hợp hết phòng cách ly, cần bố trí phương tiện phòng hộ và cách ly ngay tại phòng bệnh.
- Trường hợp chỉ có một số phòng riêng thì ưu tiên dành cho người bệnh có ho hoặc khạc đờm hoặc người bệnh có điều kiện thuận lợi lây truyền tác nhân gây bệnh (ví dụ: Không kiểm soát được dẫn lưu, đại tiện không tự chủ), sắp xếp những người bệnh cùng tác nhân gây bệnh vào cùng một phòng, nhưng đảm bảo các giường bệnh cách nhau tối thiểu 1 m.
- Trường hợp người bệnh cần cách ly nằm chung phòng với người bệnh không cần cách ly:
- Tuyệt đối không sắp xếp người bệnh cần cách ly cùng người bệnh có nguy cơ dễ lây nhiễm (ví dụ: người bệnh suy giảm miễn dịch hoặc người bệnh nằm viện kéo dài).
- Đảm bảo các giường bệnh cách nhau tối thiểu 1m, nhân viên y tế phải thay trang phục phòng hộ và vệ sinh tay giữa các lần tiếp xúc với người bệnh.
3.4.4. Tăng cường vệ sinh tay
- Thực hiện vệ sinh tay theo đúng các thời điểm mà WHO khuyến cáo và chú ý vệ sinh tay trong các trường hợp sau:
- Trước khi vào và ra khỏi buồng cách ly.
- Trước khi mang găng và sau khi tháo găng.
- Trước mang và sau khi tháo bỏ các phương tiện phòng hộ cá nhân.
- Cần thực hiện đầy đủ các bước của quy trình vệ sinh tay thường quy.
3.4.5. Sử dụng găng tay
- Đối với trường hợp lây truyền theo đường tiếp xúc, đeo găng tay khi tiếp xúc với người bệnh hoặc các bề mặt thiết bị tiếp xúc gần người bệnh (giường bệnh, tủ đầu giường, thiết bị dùng cho người bệnh, v.v):
- Đeo găng tay khi vào phòng cách ly.
- Tháo găng trước khi ra khỏi buồng cách ly.
- Thực hiện vệ sinh tay trước khi đi găng và sau khi tháo găng.
- Sau khi tháo găng và vệ sinh tay không được sờ vào bất cứ bề mặt môi trường hay vật dụng nào trong buồng bệnh.
3.4.6. Khẩu trang
- Sử dụng khẩu trang ngoại khoa đối với các bệnh lây truyền qua giọt nhỏ. Không khuyến cáo đeo mặt nạ bảo vệ khi tiếp xúc gần với người bệnh này.
- Sử dụng khẩu trang có hiệu lực lọc cao (N95) đối với các bệnh lây truyền theo không khí và khi thực hiện thủ thuật can thiệp đường thở có nguy cơ văng bắn hạt nhỏ trên người bệnh mắc/ nghi ngờ bệnh lây truyền theo đường giọt bắn:
- Mang khẩu trang N95 hoặc khẩu trang có hiệu lực lọc cao khi chăm sóc người bệnh nghi ngờ hoặc mắc các bệnh sau:
- Người bệnh lao phổi hoặc lao thanh quản hoặc làm thủ thuật tại tổn thương da do lao (ví dụ: rạch, dẫn lưu, v.v).
- Đậu mùa: khuyến cáo tất cả nhân viên (dù đã tiêm chủng, đã từng mắc bệnh hoặc chưa tiêm chủng) phải mang khẩu trang N95 khi tiếp xúc người bệnh vì nguy cơ vi rút biến đổi gen và vắc xin không thể bảo vệ khi phơi nhiễm số lượng lớn vi rút khi tiếp xúc với người bệnh.
- Mang khẩu trang N95 khi chăm sóc người bệnh nghi ngờ hoặc mắc sởi, thủy đậu dù nhân viên đã có miễn dịch trước đó.
- Mang khẩu trang N95 hoặc khẩu trang có hiệu lực lọc cao khi chăm sóc người bệnh nghi ngờ hoặc mắc các bệnh sau:
3.4.7. Áo choàng Mặc áo choàng khi dự đoán có khả năng tiếp xúc với người bệnh hoặc bề mặt xung quanh người bệnh cách ly theo đường tiếp xúc. Mặc áo choàng khi vào phòng cách ly, cởi áo choàng khi ra phòng bệnh. 4.4.8. Phối hợp các phương tiện phòng hộ cá nhân
- Mọi nhân viên y tế khi vào buồng cách ly các bệnh lây truyền đặc biệt nguy hiểm gồm các bệnh mới nổi hoặc tái nổi có độc lực cao (SARS, MERS, Ebola, v.v.) cần phối hợp các biện pháp phòng ngừa, mang đầy đủ phương tiện phòng hộ tuỳ thuộc mức độ nguy hiểm của bệnh: bao giày/ thay dép, mặc áo choàng, mũ, khẩu trang, kính/mạng che mặt và mang găng tay sạch.
- Khi thực hiện thủ thuật xâm nhập trên người bệnh cần mang đầy đủ các phương tiện phòng hộ như khẩu trang ngoại khoa, găng tay vô khuẩn, áo choàng giấy, mũ, kính bảo hộ.
- Các phương tiện phòng hộ cá nhân được mang theo “Hướng dẫn sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân phòng chống dịch bệnh Covid-19”.
3.4.9. Các biện pháp vệ sinh môi trường
- Quản lý chất thải:
- Chất thải phát sinh từ phòng cách ly bệnh lây theo đường tiếp xúc được coi là chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao và cần được thu gom trong túi nilon kín màu vàng.
- Chất thải phát sinh từ phòng cách ly bệnh mới nổi hoặc tái nổi nguy hiểm thu gom theo nguyên tắc sau:
- Nhân viên thu gom chất thải mang găng tay dùng một lần và vệ sinh tay sau tháo găng.
- Chất thải cần được gói kín vào túi nilon màu vàng ngay trong buồng cách ly, sau đó đặt túi chất thải đó vào một túi màu vàng khác có dán nhãn ghi rõ “Chất thải lây nhiễm đặc biệt” trước khi mang ra khỏi khu vực cách ly. Chất thải phát sinh từ buồng cách ly cần được chuyển tới nơi tập trung chất thải và bàn giao cho đơn vị được cấp phép xử lý chất thải theo quy định của bộ Y tế.
- Đối với các bệnh viện có máy khử khuẩn chất thải, các vật dụng nuôi cấy, lưu giữ, cấy chuyển bệnh phẩm (của khoa Xét nghiệm) được cô lập vào túi kín, không có khả năng thấm và được hấp ướt ở 121 độ C/ 30 phút, sau đó thu gom vào túi nilon kín màu vàng trước khi chuyển cho đơn vị xử lý.
- Đồ vải y tế:
- Đồ vải sạch được lưu giữ ngoài buồng cách ly, chỉ được mang vào buồng cách ly khi cần sử dụng.
- Đồ vải phát sinh từ phòng cách ly theo đường tiếp xúc cho vào túi nilon màu vàng. Đồ vải phát sinh từ phòng cách ly các bệnh nguy hiểm phải được thu gom ngay vào túi kín, không thấm nước tại buồng cách ly và được thu gom vào thùng/ túi riêng. Túi vận chuyển đồ vải cách ly phải buộc kín và dán nhãn hoặc ghi rõ “Đồ vải người bệnh cách ly”. Đồ vải người bệnh cách ly được giặt như những đồ vải lây nhiễm khác.
- Không giữ/ phân loại đồ vải bẩn tại khu vực chăm sóc, điều trị người bệnh.
- Mang găng tay và áo choàng, khẩu trang khi tiếp xúc trực tiếp đồ vải bẩn.
- Mang găng tay khi vận chuyển đồ vải bẩn và vệ sinh tay sau tháo găng.
- Dụng cụ, thiết bị y tế:
- Dụng cụ sau khi sử dụng cho người bệnh cách ly các bệnh nguy hiểm phải được ngâm trong dung dịch khử khuẩn/làm sạch sơ bộ tại buồng bệnh ngay sau khi sử dụng. Sau đó, dụng cụ được vớt ra và đóng gói trong túi nilon kín màu vàng trong buồng cách ly, và cho vào vào một túi nilon vàng khác ở ngoài buồng cách ly có dán nhãn “Dụng cụ người bệnh cách ly” trước khi chuyển đến Trung tâm tiệt khuẩn.
- Mang găng tay khi tiếp xúc hoặc vận chuyển dụng cụ đã sử dụng.
- Đồ dùng, vật dụng của người bệnh:
- Đồ dùng, vật dụng của người bệnh lây truyền theo đường tiếp xúc nguy hiểm hoặc bệnh mới nổi nguy hiểm sử dụng dùng riêng cho người bệnh. Bát, đĩa, cốc, chén v.v sử dụng 1 lần.
- Làm sạch và khử khuẩn các bề mặt môi trường
- Bố trí nhân viên Housekeeping chuyên trách đã được tập huấn về các nội dung: Quy trình làm sạch bề mặt, quy trình sử dụng/ loại bỏ phương tiện phòng hộ cá nhân và tầm quan trọng của vệ sinh tay để làm vệ sinh các phòng cách ly.
- Nhân viên khi làm vệ sinh phải mang đầy đủ phương tiện phòng hộ cần thiết khi vào buồng cách ly.
- Phương tiện làm vệ sinh được sử dụng riêng cho khu buồng bệnh, nhà vệ sinh và được thu gom vào túi nilon riêng để giặt sạch.
- Không lưu giữ những đồ dùng, vật dụng không cần thiết trong buồng bệnh để có thể vệ sinh dễ dàng buồng bệnh hàng ngày. Không để bình hoa, cây cảnh trong phòng bệnh.
- Bề mặt tại khu vực chăm sóc điều trị người bệnh (sàn nhà, tủ, điện thoại, tivi, bề mặt máy móc, thiết bị v.v) phải được làm sạch và khử khuẩn hàng ngày hoặc ngay khi dây bẩn, bằng hóa chất tẩy rửa trung tính và hoá chất khử khuẩn bề mặt theo quy định. Rèm cửa cần được giặt khử khuẩn sau khi người bệnh ra viện. (Tham khảo văn bản Quy định vệ sinh môi trường bề mặt bệnh viện)
- Sàn nhà cần được lau theo quy định, không quét khô hoặc sử dụng máy hút bụi trong khi làm sạch/ khử khuẩn bề mặt.
- Tuân thủ hướng dẫn vệ sinh vết máu/dịch cơ thể trên bề mặt.
- Trường hợp vận chuyển người bệnh sang bệnh viện khác, thực hiện vệ sinh xe cứu thương theo “Hướng dẫn vệ sinh khử khuẩn xe cứu thương” trong văn bản “Quy định vệ sinh môi trường bệnh viện”
- Thực hiện khử khuẩn các buồng bệnh điều trị người bệnh cách ly
- Vệ sinh phòng bệnh cách ly theo “Hướng dẫn vệ sinh phòng cách ly lưu viện” và “Hướng dẫn vệ sinh phòng cách ly ra viện” trong văn bản “Quy định vệ sinh môi trường bệnh viện”.
3.4.10. Vận chuyển người bệnh
- Hạn chế chuyển người bệnh ra khỏi buồng cách ly. Tốt nhất là thực hiện lấy các mẫu xét nghiệm và thực hiện chẩn đoán hình ảnh tại giường. Nếu cần thiết vận chuyển người bệnh:
- Đối với người bệnh cách ly theo đường tiếp xúc thì các vùng nhiễm khuẩn hoặc mang vi khuẩn đa kháng trên người bệnh phải được che phủ. Nhân viên vận chuyển cần mang phương tiện phòng hộ khi vận chuyển người bệnh.
- Đối với người bệnh cách ly theo đường giọt bắn hoặc không khí: người bệnh cần mang khẩu trang trong quá trình vận chuyển, được hướng dẫn biết cách vệ sinh khi ho. Các tổn thương trên da người bệnh do thủy đậu, đậu mùa hoặc lao cần được che phủ trong quá trình vận chuyển. Nhân viên vận chuyển không cần đeo khẩu trang ngoại khoa hay khẩu trang N95 nếu người bệnh đã mang khẩu trang hoặc che phủ vùng tổn thương trên da.
- Phương tiện vận chuyển phải được khử khuẩn sau khi kết thúc. Nơi tiếp nhận người bệnh cần được thông báo chuẩn bị đón tiếp trước khi vận chuyển.
3.4.11. Quản lý nhân viên sau phơi nhiễm với một số bệnh đường không khí Tiêm chủng hoặc tiêm kháng huyết thanh cho nhân viên có miễn dịch kém càng sớm càng tốt sau khi tiếp xúc với người bệnh sởi, thủy đậu hoặc đậu mùa mà không mang phương tiện phòng hộ (phơi nhiễm). Tham khảo văn bản “Quy trình quản lý nhân viên phơi nhiễm nghề nghiệp”.
3.5. Cách ly bảo vệ
3.5.1. Đối tượng áp dụng Người bệnh ghép tủy, người bệnh sau ghép tạng trong giai đoạn hồi sức, người bệnh giảm bạch cầu trung tính nghiêm trọng kéo dài (số lượng bạch cầu trung tính < 500 tế bào/ml). 4.5.2. Các biện pháp
- Đưa người bệnh vào khu vực phòng áp lực dương: tường, trần và sàn của phòng đảm bảo trơn nhẵn, dễ vệ sinh, không có vết nứt; cửa nên đóng tự động; luồng gió duy trì ≥12 ACH, theo dõi và ghi chép áp suất phòng hàng ngày khi có người bệnh (Tham khảo văn bản “Quy trình quản lý kiểm tra, vận hành phòng áp lực âm; áp lực dương”). Trường hợp người bệnh cần cách ly đường không khí vừa cần áp dụng cách ly bảo vệ, đưa người bệnh vào phòng áp lực âm, và sử dụng thiết bị tạo khí sạch di động trong phòng bệnh.
- Nhân viên y tế và khách thăm mang mặc quần áo riêng của khu vực cách ly khi chăm sóc, điều trị người bệnh.
- Người bệnh hạn chế ra ngoài phòng áp lực dương. Trường hợp phải ra ngoài phòng bệnh, người bệnh đeo khẩu trang N95.
- Hạn chế người ra, vào.
- Biển báo màu xanh dương.
- Không để thảm và đồ dùng bọc vải/ nhung trong phòng áp lực dương.
Phụ lục 1: Tóm tắt các biện pháp thực hiện cách ly Phụ lục 2: Danh mục các bệnh lây nhiễm và biện pháp phòng ngừa cần áp dụng Bản quyền và thương hiệu: Thông tin và hình ảnh trên website thuộc quyền sở hữu của VinmecDr. Việc sao chép, sử dụng phải được VinmecDr chấp thuận trước bằng văn bản. Miễn trừ trách nhiệm: Tất cả những tư liệu được cung cấp trên website này đều mang tính tham khảo. Do đó, nội dung và hình ảnh sẽ được thay đổi, cập nhật và cải tiến thường xuyên mà không phải thông báo trước. VinmecDr không bảo đảm về độ chính xác cũng như sự hoàn thiện về thông tin. Chúng tôi không chịu trách nhiệm pháp lý cho những thiệt hại xuất hiện trực tiếp hay gián tiếp từ việc sử dụng hoặc hành động dựa theo những thông tin trên hoặc một số thông tin xuất hiện trên website này. VinmecDr không chịu trách nhiệm pháp lý về những sai sót, lỗi chính tả… do nhập liệu cùng với những sự cố khách quan khác như: nhiễm virus, hành vi phá hoại, ác ý… xảy ra trên website này cũng như các website liên kết, nếu có. Đường link liên kết VinmecDr sẽ không chịu trách nhiệm hay có nghĩa vụ pháp lý dưới bất kỳ hình thức nào về nội dung của những website không thuộc VinmecDr được liên kết với website www.vinmecdr.com, bao gồm các sản phẩm, dịch vụ và những mặt hàng khác được giới thiệu thông qua những website đó.