Hướng dẫn chụp x-quang niệu đồ tĩnh mạch – UIV
Hướng dẫn chụp x-quang niệu đồ tĩnh mạch – uiv áp dụng cho các khoa Chẩn đoán hình ảnh trong toàn hệ thống Vinmec.
- Người thẩm định: Trưởng tiểu ban chẩn đoán hình ảnh
- Người phê duyệt: Phùng Nam Lâm
- Ngày phát hành: 10/06/2020 Ngày hiệu chỉnh: 20/01/2020
1. Mục đích
Nội dung bài viết
- Khảo sát hình thái và chức năng của hệ tiết niệu gồm thận, niệu quản, bàng quang.
- Xác định một số tổn thương hệ tiết niệu như sỏi, lao, u đường bài xuất…
- Đánh giá mức độ giãn đài bể thận niệu quản và tình trạng lưu thông đường tiết niệu.
2. Định nghĩa chụp x-quang niệu đồ tĩnh mạch
- Chụp x-quang niệu đồ tĩnh mạch là phương pháp chụp x-quang hệ tiết niệu có chuẩn bị, với thuốc cản quang tiêm tĩnh mạch tan trong nước, có chứa i-ốt, nồng độ 300-370 mg/ml. UIV là chữ viết tắt tiếng Pháp của Urographie Intraveineuse.
- Thuốc cản quang được tiêm vào đường tĩnh mạch sẽ đến thận, thận lọc và bài tiết giúp thuốc ngấm vào toàn bộ hệ tiết niệu theo thời gian và được ghi hình lại trên phim chụp x-quang.

3. Đối tượng thực hiện
- Bác sĩ và Kỹ thuật viên chuyên ngành Chẩn đoán hình ảnh.
4. Chỉ định và chống chỉ định chụp x-quang niệu đồ tĩnh mạch
4.1. Chỉ định
- Đái ra máu, tắc nghẽn đường bài xuất chưa rõ nguyên nhân.
- Sỏi hệ tiết niệu.
- Cơn đau quặn thận không điển hình.
- Nghi u đường tiết niệu, U sau phúc mạc.
- Chấn thương thận.
- Nhiễm trùng tiết niệu.
- Khảo sát các dị dạng của đường tiết niệu.

4.2. Chống chỉ định
- Nhìn chung không có chống chỉ định tuyệt đối, một số trường hợp cần cân nhắc kỹ trước khi chỉ định:
- Tiền sử dị ứng với thuốc cản quang tĩnh mạch.
- Tiền căn dị ứng nặng với: Thức ăn, mỹ phẩm…
- Đang mang thai.
- Suy thận nặng.
- Hội chứng thận hư.
- Xơ gan mất bù.
- Suy tim và suy hô hấp nặng.
- Tăng huyết áp.
- Đái tháo đường.
- Đa u tủy.
- Hen suyễn.
- Mất nước nặng, xuất huyết.
- Bệnh nhân có biểu hiện cơn đau quặn thận điển hình.
5. Chuẩn bị
6. Phiếu xét nghiệm
Cần ghi rõ chỉ định chụp kèm thuốc cản quang đường tĩnh mạch.
7. Phương tiện
Máy chụp X quang tổng hợp, máy in phim X quang, hệ thống lưu trữ hình ảnh.
8. Vật tư tiêu hao
- Bơm tiêm 50ml.
- Kim lấy thuốc 18G.
- Kim luồn 20-22G.
- Thuốc cản quang quang tĩnh mạch tan trong nước.
- Bông cồn sát khuẩn.
- Nước cất hoặc nước muối sinh lý.
- Bộ khay quả đậu, kẹp phẫu thuật.
- Bông, gạc phẫu thuật, dây garo.
- Hộp thuốc và dụng cụ cấp cứu tai biến thuốc cản quang.
9. Người bệnh
- Trước khi hẹn chụp niệu đồ tĩnh mạch phải hỏi người bệnh, xem bệnh án để: Tìm hiểu tiền sử dị ứng, xem có chống chỉ định không.
- Ba ngày trước khi thăm khám, không dùng các loại thuốc có chất gây cản quang.
- Hai lần tiêm thuốc cản quang mạch máu cách nhau ít nhất 5 ngày (Có xét nghiệm lại chức năng thận trước khi tiêm thuốc cản quang lần thứ 2).
- Chế độ ăn: Không có chất bã, có thể uống thuốc nhuận tràng nhẹ, kiêng uống nước sinh hơi.
- Ngay trước khi tiến hành: Chuẩn bị tâm lý cho người bệnh, được giải thích về quy trình chụp và ký giấy đồng ý chụp X quang, người bệnh cần đi tiểu trước khi lên bàn chụp X quang.
- Nhịn ăn uống: Ít nhất 4 giờ trước khi tiêm thuốc cản quang mạch máu, có thể uống ít nước < 50 ml.
10. Dự phòng
- Với người bệnh có tiền sử dị ứng: tiến hành điều trị dị ứng trước theo quy trình chống dị ứng.
- Người bệnh có yếu tố nguy cơ:
- Tuổi cao (> 60 tuổi), có các chống chỉ định.
- Tiến hành tại bệnh viện có đủ phương tiện hồi sức.
- Dùng thuốc cản quang không ion hóa, độ thẩm thấu thấp.
- Thuốc dự phòng: Theo phác đồ chống sốc của Bộ Y tế.
11. Các xét nghiệm cần có trước chụp UIV
- Xét nghiệm creatinin máu / độ thanh lọc cầu thận để đánh giá chức năng thận.
12. Các bước tiến hành
12.1. Tư thế người bệnh
- Nằm ngửa ngay ngắn trên bàn chụp X quang, bóng X quang phía trên bàn chụp theo tư thế trước sau.
12.2. Chụp X quang hệ tiết niệu không chuẩn bị
- Đặt kim luồn tĩnh mạch
- Tốt nhất là tĩnh mạch nếp khuỷu tay.
- Cố định và lưu kim luồn trong suốt thời gian làm thủ thuật.
- Tiêm thuốc cản quang tĩnh mạch:
- Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh giám sát tiêm tĩnh mạch.
- Bác sĩ lâm sàng giám sát cùng đối với người bệnh có tiền sử dị ứng hay có yếu tố nguy cơ.
- Thông báo cho người bệnh biết trước cảm giác nóng tạm thời khi tiêm thuốc vào tĩnh mạch (20-30 giây).
- Làm ấm thuốc cản quang để giảm độ nhớt (Thường từ 32-37°C).
- Liều lượng tiêm: 1,5ml-2ml/kg cân nặng. Tốc độ tiêm 3-4 ml/giây.
12.3. Các phim chụp
- Một số nguyên tắc
- Ít phim nhưng nhiều thông tin.
- Với mục đích tiết kiệm và giảm liều chiếu xạ cho người bệnh có thể chỉ cần chụp vài phim miễn là đủ để chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh.
- Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh quyết định số lượng phim và thời gian chụp niệu đồ tĩnh mạch tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể.
- Sơ đồ tổng quát tiến trình chụp phim, đối với chức năng thận bình thường:
- Thời điểm 1 phút để xem thì nhu mô: Chỉ cần chụp khu trú hai thận, tư thế trước sau bệnh nhân nằm ngửa.
- Phim 5 phút (3 phút đối với thuốc có độ thẩm thấu cao, tính từ lúc bắt đầu tiêm): Để xem đài bể thận có thể chỉ cần chụp khu trú hai thận, tư thế trước sau bệnh nhân nằm ngửa.
- Chụp 1-2 phim tiếp trong 15 phút đầu: Chụp toàn bộ hệ tiết niệu để xem đài bể thận, niệu quản, bàng quang, tư thế trước sau bệnh nhân nằm ngửa, lấy toàn bộ hai thận và xuống hết khớp mu.
- Nếu cần khảo sát kỹ bàng quang hơn: Người bệnh nhịn tiểu chụp lúc bàng quang căng và ngày sau đi tiểu lúc bàng quang xẹp, tư thế trước sau người bệnh nằm ngửa, đứng hoặc chếch phải, chếch trái.
12.4. Một số kỹ thuật bổ sung
- Có thể chụp cắt lớp vi tính hệ tiết niệu để kiểm tra thêm, nếu chức năng bài tiết kém (Không đánh giá được trên X-quang).
- Ép niệu quản:
- Tùy theo bệnh cảnh lâm sàng mà áp dụng, không ép khi người bệnh chấn thương, mở thông bàng quang, cơn đau quặn thận, mang thai, mới phẫu thuật ở bụng, hội chứng tắc đường dẫn niệu, túi phình động mạch chủ, u ổ bụng, thận ghép. Tư thế đầu dốc đôi khi có thể thay được ép niệu quản.
- Nên ép từ phút thứ 5-7 để thấy rõ đài bể thận niệu quản trên phía quả ép, tìm các tổn thương lao hay u đường bài xuất cao.
- Chụp tư thế trước sau, người bệnh nằm ngửa.
- Chụp phim muộn sau 24 giờ để đánh giá thận câm.
- Thận ghép: Không ép, chụp chếch sau bên thận ghép.
13. Nhận định kết quả
- Nhận định về chức năng bài tiết, chức năng bài xuất.
- Hình thái thận, đài bể thận, niệu quản, bàng quang.
- Hình ảnh bất thường đường dẫn niệu gồm giãn, hẹp, tắc, hình lồi, hình khuyết, đè đẩy, các hình tăng cản quang bất thường…
14. Tai biến và xử trí
- Tai biến liên quan thuốc cản quang đường tĩnh mạch:
- Xử trí tai biến: Xem thêm quy trình chẩn đoán và xử trí tai biến thuốc cản quang đường tĩnh mạch.
- Sốc phản vệ: Xử trí theo phác đồ chống sốc của Bộ Y Tế.
- Tai biến không liên quan thuốc cản quang đường tĩnh mạch:
- Cường phế vị: Atropin tiêm tĩnh mạch.
- Co giật: Gardenal hay Valium tiêm tĩnh mạch.
- Cơn co thắt cơ (tétanie): Calcibronat 0.5g/ống 5ml, tiêm tĩnh mạch chậm.
- Hạ đường huyết: cho uống nước đường hoặc dùng Glucagon.
Tài liệu tham khảo
- Bài giảng Chẩn đoán hình ảnh, Nhà xuất bản Y học, 2007.
- Kỹ thuật chụp X quang, Nhà xuất bản Y học, 2012.
- Hướng dẫn quy trình kỹ thuật Chẩn đoán hình ảnh và Điện quang can thiệp, Bộ Y tế ban hành ngày 03/01/2013.
Từ viết tắt
- UIV: Urographie Intra Veineuse
Ghi chú
- Văn bản sửa đổi lần thứ 01, bổ sung cho văn bản “Hướng dẫn chụp X-quang niệu đồ tĩnh mạch – UIV” – Mã 01675/6 phát hành ngày 10/02/2018.
Bản quyền và thương hiệu: Thông tin và hình ảnh trên website thuộc quyền sở hữu của Vinmec. Việc sao chép, sử dụng phải được Vinmec chấp thuận trước bằng văn bản. Miễn trừ trách nhiệm: Tất cả những tư liệu được cung cấp trên website này đều mang tính tham khảo. Do đó, nội dung và hình ảnh sẽ được thay đổi, cập nhật và cải tiến thường xuyên mà không phải thông báo trước. Vinmec không bảo đảm về độ chính xác cũng như sự hoàn thiện về thông tin. Chúng tôi không chịu trách nhiệm pháp lý cho những thiệt hại xuất hiện trực tiếp hay gián tiếp từ việc sử dụng hoặc hành động dựa theo những thông tin trên hoặc một số thông tin xuất hiện trên website này. Vinmec không chịu trách nhiệm pháp lý về những sai sót, lỗi chính tả… do nhập liệu cùng với những sự cố khách quan khác như: Nhiễm virus, hành vi phá hoại, ác ý… xảy ra trên website này cũng như các website liên kết, nếu có. Đường link liên kết: Vinmec sẽ không chịu trách nhiệm hay có nghĩa vụ pháp lý dưới bất kỳ hình thức nào về nội dung của những website không thuộc Vinmec được liên kết với website www.vinmec.com, bao gồm các sản phẩm, dịch vụ và những mặt hàng khác được giới thiệu thông qua những website đó