MỚI

Giới thiệu về cường giáp trong thai kỳ

Ngày xuất bản: 13/05/2023

Cường giáp trong thai kỳ chiếm tỷ lệ 0,1 – 1% (0,4% lâm sàng và cận lâm sàng 0,65%) và phần lớn là kết quả của bệnh Graves. Cường giáp ảnh hưởng lên quá trình mang thai, kết quả thai kỳ và biến chứng thường gặp nhất là thai chậm phát triển trong tử cung, ngược lại quá trình mang thai làm thúc đẩy các rối loạn chức năng tuyến giáp.

1. Giới thiệu về cường giáp trong thai kỳ

Cường giáp trong thời kỳ mang thai là bệnh lý không phổ biến và ghi nhận với tỷ lệ thấp trong những trường hợp mang thai. Việc chẩn đoán lâm sàng và phân biệt nguyên nhân cường giáp có thể gặp khó khăn ở phụ nữ mang thai, do các triệu chứng và dấu hiệu cường giáp như căng thẳng, đổ mồ hôi, khó thở, nhịp tim nhanh và tiếng thổi tâm thu ở tim cũng được ghi nhận trong hầu hết các sản phụ bình thường. Tuy nhiên các dấu chứng cụ thể hơn như giảm cân, bướu giáp và lồi mắt có thể gợi ý cường giáp Graves. Ngoài ra, sự xuất hiện của cường giáp thoáng qua của chứng nôn nghén ở sản phụ có thể làm phức tạp cho chẩn đoán. Việc chẩn đoán cường giáp luôn luôn được xác định bằng cách đo nồng độ FT4 và TSH. Nồng độ FT3 và FT4 thường thay đổi trong thời gian mang thai bình thường và giá trị bình thường của nồng độ FT4, FT4 và T3 cũng như TSH cần được khảo sát cho mỗi quý thai. Khẳng định bệnh có ảnh hưởng xấu đến tiên lượng thai kỳ. Vì vậy, mặc dù hiếm gặp bệnh, việc nhận biết và điều trị đặc hiệu của bệnh trong thời kỳ mang thai là quan trọng.


Cường giáp trong thai kỳ

2. Nguyên nhân của nhiễm độc giáp trong thai kỳ

Nhiễm độc giáp được định nghĩa là “hội chứng lâm sàng của tăng chuyển hóa và tăng hoạt động quá mức khi gia tăng nồng độ FT4 và/hoặc FT3”. Bệnh Graves là nguyên nhân phổ biến nhất của cường giáp tự miễn dịch trong thời kỳ mang thai, xảy ra ở 0,1% -1% (0,4% lâm sàng và 0,65% cận lâm sàng) của tất cả các trường hợp mang thai. Bệnh có thể được chẩn đoán lần đầu tiên trong thời kỳ mang thai hoặc có thể biểu hiện như là một giai đoạn tái phát ở sản phụ có tiền sử cường giáp.

Nguyên nhân nhiễm độc giáp không do bệnh tự miễn thường ít phổ biến bao gồm bướu giáp độc đa nhân, u tuyến độc, nhiễm độc giáp do thuốc. Viêm giáp bán cấp đau hoặc viêm giáp im lặng hoặc u quái buồng trứng là nguyên nhân hiếm gặp của nhiễm độc giáp trong thai kỳ.

Một nguyên nhân cường giáp trong thời kỳ mang thai thường gặp hơn so với bệnh Graves là hội chứng cường giáp do thai (gestational hyperthyroidism syndrome) được xác định là cường giáp thoáng qua, xảy ra trong nửa đầu thai kỳ, được đặc trưng bởi sự gia tăng FT4 hoặc FT3 và nồng độ TSH huyết thanh giảm hoặc không định lượng được nhưng không có sự hiện diện các dấu chỉ điểm huyết thanh của bệnh tự miễn tuyến giáp. Tỷ lệ hội chứng này từ 1-3% của người mang thai, tùy thuộc vào vùng địa lý và thứ phát do tăng nồng độ hCG.

Bên cạnh đó hội chứng này có thể được kết hợp với chứng ốm nghén với đặc trưng như buồn nôn và ói mửa nghiêm trọng trong giai đoạn sớm của thai kỳ, sản phụ có thể giảm cân trên 5%, mất nước và xuất hiện ceton niệu. Chứng ốm nghén xảy ra trong 0,5-10 trên 1000 phụ nữ mang thai.

Nguyên nhân khác liên quan với nhiễm độc giáp do hCG bao gồm đa thai, thai trứng hoặc ung thư tế bào nuôi. Hầu hết các trường hợp hiện nay có tăng nồng độ hCG huyết thanh đáng kể. Ngoài ra một sự đột biến thụ thể TSH dẫn đến tăng nhạy cảm chức năng đối với hCG cũng đã được ghi nhận là một nguyên nhân hiếm gặp của cường giáp trong thai kỳ.

3. Phân biệt hội chứng cường giáp do thai (gestational hyperthyroidism) và cường giáp do bệnh Graves’ trong thai kỳ

Khi nồng độ TSH huyết thanh thấp hoặc không định lượng được và nồng độ FT4 huyết thanh cao, chẩn đoán phân biệt trong đa số trường hợp là giữa cường giáp Graves và cường giáp thai kỳ. Trong cả hai trường hợp, biểu hiện lâm sàng phổ biến bao gồm hồi hộp, lo âu, run tay và kém chịu nóng. Hỏi bệnh sử và khám lâm sàng cẩn thận rất quan trọng trong việc tìm kiếm bệnh nguyên. Sản phụ không có tiền sử về bệnh tuyến giáp trước đó và không có dấu hiệu lâm sàng của bệnh Graves (bướu cổ, bệnh mắt nội tiết) cần ưu tiên chẩn đoán cường giáp thai kỳ. Trong tình huống nghi ngờ chẩn đoán lâm sàng, cần xác định bằng TSHR-Ab.

Khi hiện diện một bướu giáp nhân, FT3 huyết thanh được xác định là hữu ích trong việc thăm dò khả năng của hội chứng “nhiễm độc T3’’. Xác định FT3 cũng có thể hữu ích trong việc chẩn đoán nhiễm độc giáp T3 gây ra bởi bệnh Graves’.

Theo khuyến cáo được phân loại theo hướng dẫn của Ban công tác các dịch vụ y tế dự phòng Hoa Kỳ (United States Preventive Services Task Force= USPSTF), nếu TSH huyết thanh thấp trong thai kỳ đầu tiên (TSH < 0.1 mIU/L), có chỉ định khám lâm sàng và hỏi tiền sử. Định lượng FT4 nên được thực hiện trên tất cả các bệnh nhân. Định lượng TT3 và TSHR-Ab có thể hữu ích trong việc thiết lập một chẩn đoán cường giáp (mức B-USPSTF).

Hiện không có đủ bằng chứng để khuyến cáo hay chống lại việc sử dụng của siêu âm tuyến giáp phân biệt nguyên nhân gây ra cường giáp trong thai kỳ (mức I-USPSTF).

Không nên thực hiện xạ hình iod phóng xạ (RAI) và xác định sự hấp thu iode phóng xạ trong thời kỳ mang thai (mức D-USPSTF).

Tìm hiểu thêm >>> Sốt trong khi mang thai: các nguyên nhân thường gặp

Nguồn tham khảo: Tạp chí phụ sản

facebook
23

Bài viết liên quan

Bình luận0

Đăng ký
Thông báo về
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận

Bài viết cùng chuyên gia