MỚI

Giảm cân bền vững ở bệnh nhân béo phì đã qua phẫu thuật giảm béo có thể làm giảm nguy cơ ung thư

Ngày xuất bản: 02/06/2023

Mặc dù nhiều người chấp nhận rộng rãi rằng béo phì là một yếu tố nguy cơ gây ung thư, tuy nhiên có rất ít nghiên cứu chứng minh rằng giảm cân và duy trì sự giảm cân đó sẽ làm giảm nguy cơ ung thư và có thể giảm tỷ lệ tử vong do một số bệnh ung thư. Một nghiên cứu mới của các nhà khoa học thuộc Hệ thống phòng khám sức khoẻ Cleveland (CCHS) đã được công bố trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ (doi:10.1001/jama.2022.9009) được tiến hành trên các bệnh nhân đã từng trải qua phẫu thuật giảm béo.

Mặc dù các cơ chế sinh học vẫn chưa được giải thích đầy đủ, tuy nhiên nhiều người cho rằng béo phì có liên quan đến sự phát triển và tăng trưởng của ung thư: bằng cách gây ra tình trạng viêm tăng, bằng cách thay đổi hệ vi sinh vật, bằng cách gây ra tình trạng kháng insulin và bằng cách tăng mức độ lưu thông của yếu tố tăng trưởng bao gồm insulin, estrogen và adipokine.

Đồng tác giả, TS. Steven E. Nissen, giám đốc khoa học của Viện Tim & Mạch máu Gia đình Sydell và Arnold Miller kiêm giáo sư y khoa tại phòng khám Cleveland thuộc Đại học Y khoa Lerner cho biết: “Bệnh nhân thường cố giảm cân để giảm nguy cơ bị bệnh tiểu đường hoặc đau tim. Nhưng điều không chắc chắn hơn là giảm cân có phòng ngừa ung thư không? Chúng ta biết rằng béo phì làm gia tăng nguy cơ mắc 13 loại ung thư và chiếm 40% tổng số ca ung thư mới phát hiện hàng năm ở Hoa Kỳ. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng giảm cân cũng có thể làm giảm nguy cơ mắc ung thư.”

Tác giả chính của nghiên cứu TS. Ali Aminian, giáo sư phẫu thuật tại Đại học Y khoa Lerner và giám đốc Viện Chuyển hóa & Giảm béo của Phòng khám Cleveland, nói rằng các nhà nghiên cứu tập trung vào phẫu thuật giảm béo vì đây là cách giảm cân hiệu quả và lâu dài cho bệnh nhân béo phì. 

Để tìm hiểu rõ thêm về việc giảm cân có làm giảm nguy cơ ung thư và tử vong hay không, nghiên cứu CCHS SPLENDID (Quy trình phẫu thuật và Hiệu quả lâu dài đối với tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh ung thư) so sánh bệnh nhân trưởng thành mắc bệnh béo phì đã phẫu thuật giảm béo tại CCHS với một nhóm đối chứng gồm những người trưởng thành mắc bệnh béo phì nhưng không phẫu thuật giảm cân trong khoảng thời gian 17 năm.

Những phát hiện chính:

  • Nguy cơ phát triển 13 loại ung thư khác nhau, chiếm 40% trong tổng số các ca ung thư hàng năm ở Hoa Kỳ, tăng lên cùng với bệnh béo phì.
  • Bệnh nhân sau phẫu thuật béo phì có tỷ lệ mắc ung thư liên quan đến béo phì thấp hơn 32% và nguy cơ tử vong vì ung thư thấp hơn 48% so với bệnh nhân trong nhóm đối chứng không phẫu thuật.

Nghiên cứu chi tiết:

Trong nghiên cứu này, tiêu chí chính để kết thúc quan sát là khi bệnh nhân lần đầu được phát hiện một trong 13 bệnh ung thư liên quan đến béo phì: ung thư biểu mô tuyến thực quản; ung thư biểu mô tế bào thận; ung thư vú sau mãn kinh; ung thư tâm vị, đại tràng, trực tràng, gan, túi mật, tuyến tụy, buồng trứng, tử cung hoặc tuyến giáp; và đa u tủy. Tiêu chí phụ để kết thúc quan sát khi bệnh nhân tử vong liên quan đến ung thư.

Nghiên cứu SPLENDID bao gồm 5053 bệnh nhân trưởng thành bị chứng béo phì đã từng trải qua phẫu thuật bắc cầu dạ dày (Roux-en-Y) hoặc cắt vạt dạ dày tại các bệnh viện của Cleveland Clinic từ năm 2004 đến năm 2017. Mỗi bệnh nhân phẫu thuật được ghép đôi với năm bệnh nhân không trải qua phẫu thuật giảm béo. 25.265 bệnh nhân đối chứng không phẫu thuật này đã được đánh giá qua mô hình hồi quy logistic dựa trên 10 yếu tố gây nhiễu tiềm ẩn tự báo cáo, bao gồm: chủng tộc (Da đen, Da trắng hoặc khác), chỉ số khối cơ thể BMI (35–39,9, 40–44,9, 45– 49,9, 50–54,9, 55–59,9 hoặc 60–80 kg/m2), tiền sử hút thuốc lá (chưa bao giờ, đã từng hoặc hiện đang hút), có mắc bệnh tiểu đường loại 2 không, Elixhauser Comorbidity Index, Charlson Comorbidity Index và nơi cư trú. Tuổi trung bình của bệnh nhân là 46 tuổi. Hầu hết là nữ (77%) và 73% là người da trắng. Khoảng thời gian theo dõi trung bình là 5,8 năm đối với nhóm phẫu thuật giảm béo và 6,1 năm đối với bệnh nhân trong nhóm chứng không phẫu thuật.

Kết quả nghiên cứu:

Các nhà nghiên cứu CCHS đã tìm thấy những kết quả khá ấn tượng: Những bệnh nhân phẫu thuật béo phì có tỷ lệ mắc ung thư liên quan đến béo phì thấp hơn 32% và nguy cơ tử vong do ung thư thấp hơn 48% so với những bệnh nhân trong nhóm đối chứng không phẫu thuật.

Ở mốc 10 năm, nhóm phẫu thuật giảm cân đã giảm được 19,2% trọng lượng cơ thể so với nhóm đối chứng; tương đương với sự khác biệt 24,8 kg. 

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng 96 bệnh nhân trong nhóm phẫu thuật giảm cân và 780 bệnh nhân trong nhóm chứng không phẫu thuật đã phát triển ung thư liên quan đến béo phì vào năm 2021 (thời gian theo dõi 17 năm; điều này có nghĩa là tỷ lệ tích lũy trong 10 năm của tiêu chí chính là 2,9% ở nhóm phẫu thuật giảm béo và 4,9% ở nhóm chứng không phẫu thuật. 

Ngoài ra, 21 bệnh nhân trong nhóm phẫu thuật giảm béo (0,41%) và 205 bệnh nhân trong nhóm chứng (0,81%) chết vì các nguyên nhân liên quan đến ung thư.

Ý nghĩa của nghiên cứu:

Tiến sĩ Aminian cho biết trong một thông cáo chính thức từ Phòng khám Cleveland: “Những gì chúng tôi tìm thấy thật đáng kinh ngạc. “Giảm cân càng nhiều, nguy cơ ung thư càng thấp.”

Tiến sĩ Nissen cho biết thêm: “Phát hiện của chúng tôi cũng cho thấy rằng giảm cân bằng phẫu thuật giảm béo có thể làm giảm nguy cơ phát triển các tổn thương tiền ung thư, chẳng hạn như tăng sản nội mạc tử cung, ung thư biểu mô ống tại chỗ của vú, polyp đại trực tràng và Barret thực quản.”

Tiến sĩ Marji McCullough, giám đốc khoa học cấp cao về nghiên cứu dịch tễ học tại Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (ACS) ở Kennesaw, Georgia, người không tham gia vào nghiên cứu, chỉ ra rằng nghiên cứu đã có thêm bằng chứng cho thấy việc giảm cân ở những người béo phì có thể làm giảm nguy cơ phát triển ung thư, đặc biệt là các ung thư liên quan đến béo phì. “Mặc dù vẫn còn nhiều câu hỏi tồn tại như: Mối liên hệ này có thực sự là nhân quả không? Các cơ chế là gì? Một số bệnh nhân có nên được ưu tiên phẫu thuật giảm cân không? Cần giảm bao nhiêu cân để thấy hiệu quả?” Tiến sĩ McCullough cũng lưu ý rằng mặc dù quá trình giảm cân không phẫu thuật thường kéo dài và hiệu quả thường không cao, nhưng các nghiên cứu quan sát khác cho thấy rằng việc giảm cân vừa phải cũng có thể làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư liên quan đến béo phì.

Tiến sĩ Lauren R. Teras, đồng nghiệp của Tiến sĩ McCullough tại ACS và là giám đốc khoa học cấp cao về dịch tễ học tại Khoa Khoa học Dân số của ACS, lưu ý rằng nghiên cứu không thấy nguy cơ ung thư vú thấp hơn khi phẫu thuật giảm béo. “Điều này có thể là do độ tuổi trẻ của những người tham gia, trung bình là 46 tuổi khi tham gia nghiên cứu, với thời gian theo dõi trung bình khoảng sáu năm. Tăng nguy cơ ung thư vú do béo phì chỉ giới hạn ở ung thư vú sau mãn kinh.” Do đó, một nghiên cứu trên những bệnh nhân lớn tuổi hoặc có thời gian theo dõi lâu hơn có thể cho thấy kết quả tin cậy hơn, bao gồm giảm tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong do ung thư vú.

Tiến sĩ Teras cho biết thêm: “Khi xem xét ý nghĩa rộng hơn của nghiên cứu, điều quan trọng cần lưu ý là kết quả từ các nghiên cứu về phẫu thuật giảm béo có thể không áp dụng được cho tất cả mọi đối tượng”. Ngoài ra, “Các bệnh nhân phẫu thuật béo phì được kiểm tra sức khỏe trước phẫu thuật, có trọng lượng cơ thể cực kỳ cao trước khi phẫu thuật, giảm cân rất nhiều trong một thời gian ngắn và trải qua những thay đổi về nội tiết tố và trao đổi chất sau phẫu thuật tạo ra các phản ứng sinh học rõ rệt hơn.”

Bác sĩ McCullough lưu ý rằng các tiêu chí để đánh giá ai là ứng cử viên sáng giá cho phẫu thuật giảm béo có từ nhiều nguồn, bao gồm Hiệp hội Phẫu thuật Chuyển hóa và Giảm béo Hoa Kỳ và Viện Quốc gia về Bệnh tiểu đường, Tiêu hóa và Bệnh thận: “Để có hướng dẫn chung về phòng chống ung thư, các bác sĩ lâm sàng có thể tham khảo Hướng dẫn của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ về Chế độ ăn uống và Hoạt động Thể chất để Phòng ngừa Ung thư

facebook
13372

Bình luận0

Đăng ký
Thông báo về
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận

Bài viết cùng chuyên gia