Can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con
Ngày xuất bản: 03/01/2023
Can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con theo chương trình áp dụng cho Bác sĩ và điều dưỡng Khoa phụ sản Bệnh viện ĐKQT Vinmec.
Tác giả: Vũ Duy Thái
Người thẩm định: Nguyễn Đức Hinh
Người phê duyệt: Phùng Nam Lâm
Ngày phát hành: 24/06/2020
1. Khái niệm
Nội dung bài viết
- HIV (Human immunodeficiency virus) là virus gây suy giảm miễn dịch ở người, tấn công hệ thống miễn dịch của cơ thể, tiêu hủy dần các tế bào miễn dịch tạo thuận lợi cho các nhiễm trùng cơ hội, rối loạn thần kinh, và các khối u gây tử vong cho người bệnh.
- AIDS (acquired immunodeficiency syndrom): hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải là hội chứng nặng nề, giai đoạn muộn của bệnh do HIV gây nên.
- Các phương thức lây truyền:
- Quan hệ tình dục: quan hệ đồng giới và khác giới.
- Đường máu: truyền máu bị nhiễm (95%), nghiện ma túy dùng cùng bơm tiêm (0,67%), cán bộ y tế bị kim châm (0,4%).
- Từ mẹ sang con: lây truyền HIV từ mẹ sang con (LTMC) là sự lây truyền từ người mẹ bị nhiễm HIV sang trẻ sơ sinh trong các giai đoạn mang thai (trong tử cung), quá trình chuyển dạ, cho con bú. Nếu không được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, tỷ lệ lây truyền là khoảng 25-40%.
2. Can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đối với phụ nữ mang thai
- Phụ nữ mang thai chưa biết tình trạng HIV
- Tư vấn dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con trước xét nghiệm.
- Thực hiện càng sớm càng tốt ngay trong lần khám thai đầu tiên
- Tư vấn trước xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai cần cung cấp đầy đủ các thông tin về nguy cơ lây truyền HIV cho con; lợi ích của việc sớm phòng tránh lây truyền HIV từ mẹ sang con và cho sức khỏe của mẹ; khuyến khích xét nghiệm sàng lọc HIV và các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục (viêm gan B, giang mai…) cùng với các xét nghiệm thường quy khác trong khi khám thai
- Thực hiện xét nghiệm sàng lọc HIV cho tất cả phụ nữ mang thai đồng ý làm xét nghiệm
- Xét nghiệm khẳng định HIV: Đối với các trường hợp có kết quả phản ứng với xét nghiệm sàng lọc HIV, lấy và chuyển gửi mẫu máu ngay đến cơ sở được Bộ Y tế công nhận đủ điều kiện để làm xét nghiệm khẳng định HIV. Thời gian thông báo kết quả xét nghiệm khẳng định HIV dương tính cho phụ nữ mang thai càng sớm càng tốt (không quá 72 giờ) ngay sau khi nhận được kết quả chính thức từ cơ sở xét nghiệm
- Tư vấn dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sau xét nghiệm HIV:
- Thực hiện tư vấn sau xét nghiệm HIV theo quy định hiện hành
- Đối với những phụ nữ mang thai xét nghiệm khẳng định HIV dương tính cần tư vấn về tâm lý; cách chăm sóc và xử trí thích hợp; các can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; cách chăm sóc, điều trị và nuôi dưỡng trẻ; thông báo kết quả xét nghiệm khẳng định HIV và tư vấn xét nghiệm HIV cho chồng/bạn tình
- Chuyển gửi phụ nữ mang thai có kết quả xét nghiệm khẳng định HIV dương tính tới cơ sở chăm sóc và điều trị HIV/AIDS để đăng ký theo dõi, quản lý, điều trị suốt đời càng sớm càng tốt (trong vòng 3 ngày) sau khi có kết quả xét nghiệm khẳng định HIV dương tính.
- Phụ nữ mang thai đã biết nhiễm HIV.
- Khám và quản lý thai theo quy định
- Nếu phụ nữ mang thai mới phát hiện nhiễm HIV nhưng chưa điều trị ARV hoặc điều trị ARV gián đoạn, chuyển tiếp đến cơ sở chăm sóc và điều trị HIV/AIDS để được chăm sóc, điều trị theo quy định.
- Phụ nữ nhiễm HIV đang điều trị ARV được phát hiện có thai:
- Khám và quản lý thai theo quy định
- Chuyển đến cơ sở chăm sóc và điều trị HIV/AIDS để tiếp tục điều trị thích hợp.
- Tiếp tục theo dõi điều trị ARV tại cơ sở chăm sóc, điều trị HIV/AIDS.
- Tư vấn về việc chọn lựa nơi sinh và cách thức đảm bảo điều trị ARV liên tục sau khi sinh.
3. Can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đối với phụ nữ khi chuyển dạ
- Phụ nữ chưa biết tình trạng HIV.
- Tư vấn và xét nghiệm sàng lọc HIV: cung cấp thông tin ngắn gọn về lợi ích của can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, lợi ích cho mẹ và con khi xét nghiệm HIV và cách thức tiến hành xét nghiệm.
- Đối với các trường hợp có kết quả phản ứng với xét nghiệm sàng lọc HIV:
- Tư vấn dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con và kê đơn ARV ngay cho mẹ và con sau sinh.
- Tư vấn về lợi ích và nguy cơ của việc nuôi con bằng sữa mẹ và nuôi bằng sữa thay thế sữa mẹ để người mẹ lựa chọn cách nuôi dưỡng.
- Lấy và chuyển gửi mẫu máu đến cơ sở được Bộ Y tế công nhận có đủ điều kiện để làm xét nghiệm khẳng định HIV sớm và trả kết quả cho sản phụ trong vòng 3 ngày (trước khi sản phụ xuất viện).
- Thực hành can thiệp sản khoa an toàn: Tuân thủ các nguyên tắc phòng chống nhiễm khuẩn và thực hành sản khoa an toàn để bảo đảm một cuộc chuyển dạ và sinh con an toàn; Hạn chế tối đa các thủ thuật có thể gây tổn thương đường sinh sản người mẹ hoặc tổn thương cho con như cắt tầng sinh môn (giữ đầu ối đến cùng, chỉ cắt tầng sinh môn khi đầu lọt thấp), giác kéo, Forceps, lấy máu da đầu trẻ.
- Lưu ý trường hợp phụ nữ có kết quả xét nghiệm khẳng định HIV âm tính trên 3 tháng: Tư vấn xét nghiệm sàng lọc HIV để dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con nếu phát hiện có yếu tố nguy cơ.
- Phụ nữ đã biết tình trạng nhiễm HIV và đang điều trị ARV:
- Tư vấn tiếp tục điều trị ARV theo chỉ định trước đó.
- Thực hành can thiệp sản khoa an toàn: Xử trí như mục 3.1.
- Phụ nữ đã biết tình trạng nhiễm HIV nhưng hiện đang không điều trị ARV
- Tư vấn dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con và kê đơn ARV ngay theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
- Thực hành can thiệp sản khoa an toàn: Xử trí như mục 3.1.
Tài liệu tham khảo/tài liệu liên quan:
- Hướng dẫn triển khai dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tại các cơ sở y tế – Bộ Y Tế. 2017.
- Hướng dẫn tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng – Bộ Y Tế. 2018.
- Hướng dẫn điều trị và chăm sóc HIV/AIDS – Bộ Y Tế. 2017.
3
Bài viết liên quan
Bình luận0
Đăng ký
0 Comments