Đột quỵ não – khi nào nên bắt đầu phục hồi chức năng?
Đột quỵ não là nguyên nhân gây ra khuyết tật trầm trọng thường gặp nhất của người lớn trên thế giới. Trên toàn cầu, chỉ có 15-30% người bệnh sống sót sau đột quỵ độc lập về chức năng và khoảng 40-50% độc lập một phần (Ủy ban Sáng kiến Đột quỵ Châu Âu, 2003).
1. Sự phổ biến của đột quỵ não
Nội dung bài viết
Theo Thông tư số 05/2017/TT-BYT của Bộ Y tế, tần suất đột quỵ não trên thế giới là khoảng 150-200 trường hợp/100.000 dân/năm. Tuy nhiên, tần suất đột quỵ có thể khác nhau tùy thuộc vào các yếu tố như độ tuổi, giới tính, nhóm dân tộc và các yếu tố rủi ro khác.
Tại Việt Nam, theo nghiên cứu của Viện Tim mạch Việt Nam công bố năm 2020, tần suất đột quỵ đối với người Việt Nam là khoảng 250-300 trường hợp/100.000 dân/năm. Nghiên cứu này cũng cho thấy rằng đột quỵ phổ biến hơn ở nam giới và người cao tuổi. Từ năm 2010 đến 2016, tần suất đột quỵ não tại Việt Nam tăng lên, đặc biệt là ở nhóm người trẻ tuổi từ 35-54 tuổi.
2. Hồi phục sau đột quỵ não
Sự hồi phục phần lớn diễn ra trong những ngày đầu tiên đến những tháng đầu tiên. Quá trình hồi phục bao gồm bốn giai đoạn. Những giai đoạn này diễn ra kết hợp với nhau và không phân định rõ ràng.
- Giai đoạn (rất) cấp tính: 0-24 giờ
- Giai đoạn phục hồi chức năng sớm: 24 giờ – 3 tháng
- Giai đoạn phục hồi chức năng muộn: 3 – 6 tháng
- Phục hồi chức năng trong giai đoạn mạn tính: > 6 tháng
3. Thời điểm phục hồi chức năng sau đột quỵ não
Theo khuyến cáo của Hiệp hội Đột quỵ Hoa kỳ (American Stroke Association – ASA) năm 2005: phục hồi chức năng nên được bắt đầu sớm nhất có thể.
Tập đi cho bệnh nhân sau đột quỵ não
Thông thường không khuyến cáo hoạt động đưa bệnh nhân ra khỏi giường quá sớm (trong vòng 24h sau khi khởi phát đột quỵ). Trong 24h đầu, nên để cho não được nghỉ ngơi, chỉ nên vận động thụ động cho bệnh nhân như xoa bóp chi, lăn trở mình,.. nhằm tránh huyết khối và tổn thương do loét tì đè.
Tất cả bệnh nhân đột quỵ cấp nên được bắt đầu vận động sớm (trong vòng 24 – 48 giờ sau khi khởi phát đột quỵ) nếu không có chống chỉ định.
Chống chỉ định vận động sớm bao gồm:
- Làm các thủ thuật can thiệp có đâm kim vào động mạch
- Tình trạng nội khoa không ổn định
- Độ bão hoà oxy thấp
- Gãy hoặc chấn thương chi dưới
Khả năng phục hồi tốt nhất của bệnh nhân từ 1 đến 6 tháng sau khi bị liệt, trong quá trình tập luyện cần phát huy tính tích cực và chủ động của người bệnh và gia đình, hướng dẫn người bệnh và gia đình để họ có thể tự thực hiện được các bài tập.
4. Khái niệm “dịch chuyển sớm”
Định nghĩa: Là ngồi dậy hoặc đứng sớm trong vòng 24 đến 48 giờ sau đột quỵ với thời gian tối thiểu 20 phút. Có thể cho bệnh nhân ngồi trên giường hoặc mép giường vài lần trong ngày.
Chỉ cho bệnh nhân lăn trở hoặc tập vận động thụ động không gọi là dịch chuyển sớm.
Theo đồng thuận của các chuyên gia Việt Nam: dịch chuyển sớm chủ yếu được áp dụng vào ngày thứ 2 sau đột quỵ.
Các tư thế nằm cho bệnh nhân liệt nửa người
5. Phục hồi chức năng cho bệnh nhân ở giai đoạn hoà nhập – sau bệnh viện
- Tư vấn cho bệnh nhân và gia đình: phòng ngừa di chứng và tai biến tái phát.
- Cải tạo nhà ở và môi trường xung quanh cho phù hợp với bệnh nhân
- Các dụng cụ trợ giúp cần thiết cho giai đoạn này: trợ giúp đi lại, trợ giúp sinh hoạt, trợ giúp làm việc.
- Tham gia các hoạt động hoà nhập cộng đồng: nhóm trợ giúp, hội người tàn tật, tiếp cận các dịch vụ công cộng, các hoạt động của cộng đồng.
- Hỗ trợ bệnh nhân và gia đình về tâm lý sau tai biến: Chấp nhận những chức năng không thể phục hồi, người bệnh trở thành người khuyết tật.
- Việc làm và thu nhập: khả năng tiếp tục nghề cũ, hoặc bệnh nhân phải học một nghề mới hoặc có những hoạt động tạo thu nhập
Đột quỵ não là tình trạng mất khả năng điều khiển các chức năng của cơ thể do sự cố về mạch máu ở não. Việc bắt đầu phục hồi chức năng sau đột quỵ là rất quan trọng để tăng cường khả năng phục hồi, giảm thiểu tình trạng khuyết tật và nâng cao chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
>>> Xem thêm: Đột quỵ não: Những lưu ý quan trọng khi điều trị bệnh nhân