Đánh giá tính chất âm thổi trong khám tim mạch
Tính chất âm thổi là âm thanh được tạo ra bởi sự chuyển động hỗn loạn của dòng máu. Trong trường hợp bình thường, máu chảy trong hệ thống mạch máu một cách êm dịu. Tuy nhiên, khi có sự thay đổi về động học và hoặc cấu trúc, dòng chảy sẽ trở nên hỗn loạn và tạo nên âm thanh có thể nghe được.
1. Đánh giá tính chất âm thổi
Nội dung bài viết
Tính chất âm thổi được mô tả qua các đặc điểm: thời gian xuất hiện, cường độ, tần số, hình dáng, vị trí, hướng lan và sự đáp ứng với các nghiệm pháp.
– Thời gian xuất hiện: vào kì tâm thu hay tâm trương, hay liên tục (từ tâm thu kéo dài qua tâm trương
– Cường độ của âm thổi: đánh giá theo phân độ
Đối với âm thổi tâm thu được phân 6 độ:
Độ 1/6: âm thổi rất nhỏ, khó nghe được
Độ 2/6: âm thổi nhỏ nhưng có thể nghe được
Độ 3/6: âm thổi dễ nghe
Độ 4/6: âm thổi dễ nghe, đi kèm với rung miêu
Độ 5/6: âm thổi rất lớn, vẫn nghe được với ống nghe đặt chếch nhẹ trên thành ngực Độ 6/6: âm thổi rất lớn, nghe được dù ống nghe vẫn còn cách thành ngực 1 khoảng nhỏ
Đối với âm thổi tâm trương được phân 4 độ:
Độ 1/4: âm thổi rất nhỏ, khó nghe được
Độ 2/4: âm thổi nhỏ nhưng có thể nghe được
Độ 3/4: âm thổi dễ nghe
Độ 4/4: âm thổi rất lớn và có rung miêu
– Tần số: cao hay thấp. Âm thổi tần số cao thường gây ra bởi sự chênh lệch áp lực lớn giữa các buồng tim (vd hẹp van động mạch chủ) và được nghe tốt nhất bằng phần màng của ống nghe. Âm thổi tần số thấp khi sự chênh lệch áp lực giữa các buồng tim không nhiều (vd hẹp van 2 lá) và nghe tốt nhất bằng phần chuông.
– Hình dạng âm thổi: biểu lộ sự thay đổi về cường độ của âm thổi từ lúc bắt đầu đến khi kết thúc. Ví dụ, âm thổi tăng dần-giảm dần (hình quả trám), âm thổi giảm dần, âm thổi đơn dạng (cường độ âm thổi không đổi)
– Vị trí: là nơi nghe được âm thổi có cường độ lớn nhất
– Hướng lan: từ vị trí âm thổi nghe được rõ nhất, âm thổi thường lan đến những vùng khác ở ngực, liên quan đến phương hướng của dòng chảy hỗn loạn.
– Các nghiệm pháp: sẽ làm thay đổi cường độ các âm thổi để giúp phân biệt các âm thổi với nhau.
Xem thêm: Vì sao người Nam Á có nguy cơ mắc bệnh tim mạch tăng?
2. Tâm thu
Âm thổi tâm thu được chia thành: âm thổi đầu tâm thu, toàn tâm thu và cuối tâm thu.
Âm thổi đầu tâm thu thường điển hình cho hẹp van động mạch phổi hoặc hẹp van động mạch chủ. Âm thổi này bắt đầu sau tiếng T1 và chấm dứt trước khi xuất hiện T2, phụ thuộc vào mức độ hẹp van. Âm thổi có dạng tăng dần – giảm dần.
– Âm thổi đầu tâm thu của hẹp van động mạch chủ bắt đầu sau tiếng T1. Khoảng cách từ T1 đến khi xuất hiện âm thổi là giai đoạn co đồng thể tích của thất trái (là khoảng thời gian sau khi van 2 lá đóng nhưng van động mạch chủ chưa mở). Do áp lực thất trái ngày càng tăng nên âm thổi tăng cường độ khi dòng máu đi qua van động mạch chủ. Sau đó áp lực trong thất trái giảm dần khi thất trái giãn 🡪 cường độ âm thổi giảm và chấm dứt trước khi thành phần A2 của tiếng tim thứ 2 bắt đầu. Tiếng click tống máu có thể xuất hiện ngay trước âm thổi đầu tâm thu, đặc biệt khi hẹp van động mạch chủ còn nhẹ.
– Âm thổi toàn tâm thu gây ra do dòng máu phụt trở lại qua van 2 lá hay van 3 lá đóng không kính hoặc khi có thông liên thất. Những âm thổi này có cường độ không thay đổi trong suốt thời kì tâm thu. Ở những trường hợp hở van 2 lá và van 3 lá, khi áp lực tâm thu thất vượt quá áp lực trong nhĩ ( khi tiếng T1 xuất hiện), sẽ có dòng phụt ngược từ tâm thất vào tâm nhĩ qua van nhĩ thất hở. Không có sự ngắt quãng giữa T1 và bắt đầu âm thổi, khác với âm thổi đầu tâm thu có sự ngắt quãng với T1. Tương tự trong thông liên thất cũng không có sự ngắt quãng giữa T1 và âm thổi toàn tâm thu, vì áp lực trong thất trái vượt quá áp lực trong thất phải rất nhanh khi 2 thất bắt đầu co.
Âm thổi cuối tâm thu thường bắt đầu từ giữa hay cuối tâm thu và chấm dứt khi thời kì tâm thu kết thúc. Thường gặp nhất là hở van 2 lá do sa van, làm cho lá van bị sa vào tâm nhĩ trái trong suốt thời kì thất trái co.
3. Tâm trương
Âm thổi tâm trương được chia thành: âm thổi đầu tâm trương và âm thổi giữa đến cuối tâm trương.
– Âm thổi đầu tâm trương do hở van động mạch chủ hoặc văn động mạch phổi, trong đó hở van động mạch chủ thường gặp hơn. Âm thổi do hở van động mạch chủ bắt đầu cùng thời điểm thành phần A2, hình dạng giảm dần và chấm dứt trước tiếng T1 tiếp theo. Vì giai đoạn giãn ra của thất trái trong thì tâm trương diễn ra rất nhanh, ngay lập tức có sự chênh lệch áp lực giữa động mạch chủ và thất trái (áp lực thấp hơn động mạch chủ), do đó âm thổi ngay từ ban đầu sẽ đạt cường độ lớn nhất.
– Âm thổi giữa đến cuối tâm trương: gây ra do dòng máu đi qua van 2 lá hoặc van 3 lá bị hẹp, hoặc đôi khi có tình trạng tăng bất thường dòng máu qua van 2 lá hoặc van 3 lá bình thường.
4. Tính chất âm thổi liên tục
Âm thổi liên tục được nghe trong suốt chu kì tim. Âm thổi liên tục được tạo ra khi có sự chênh lệch áp lực giữa 2 cấu trúc trong suốt thì tâm thu và thì tâm trương. Một ví dụ của âm thổi liên tục là bệnh còn ống động mạch – một bất thường bẩm sinh khi còn sự thông nối giữa động mạch chủ và động mạch phổi. Trong thì tâm thu, máu sẽ từ động mạch chủ xuống là nơi có áp lực cao qua ống động mạch đổ vào nơi áp lực thấp là động mạch phổi. Trong thì tâm trương, áp lực trong động mạch chủ vẫn cao hơn và máu vẫn chảy qua động mạch phổi. Âm thổi còn ống động mạch bắt đầu ngay khi tiếng T1 đạt cường độ tối đa khi đến T2 rồi sau đó giảm dần đến T1 kế tiếp.
Tài liệu tham khảo:
- BÀI GIẢNG NỘI TỔNG QUÁT, ĐHYK Phạm Ngọc Thạch
Xem thêm: Bệnh tim mạch – Nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho thai phụ