Đánh giá kết quả phục hồi chức năng khớp gối sau phẫu thuật nội soi gỡ dính
Tác giả: Lương Thu Hằng*, Phạm Văn Minh*
Tóm tắt
Cứng khớp gối là một biến chứng phức tạp tiềm ẩn sau mỗi phẫu thuật hoặc chấn thương khớp gối. Có nhiều phương pháp điều trị biến chứng này trong đó phẫu thuật nội soi gỡ dính đang ngày càng được ưa chuộng. Nhiều nghiên cứu trên thế giới và Việt Nam đều chỉ ra rằng bệnh nhân cần một chương trình phục hồi chức năng toàn diện sau phẫu thuật nội soi gỡ dính khớp gối. Vì vậy chúng tôi tiến hành nghiên cứu nhằm mục tiêu: (1) Đánh giá kết quả phục hồi chức năng vận động khớp gối sau phẫu thuật nội soi gỡ dính. (2) Tìm hiểu một số yếu tố ảnh hưởng tới khả năng phục hồi chức năng vận động khớp gối sau phẫu thuật nội soi gỡ dính khớp gối.
Đối tượng: 25 bệnh nhân được chẩn đoán cứng khớp gối sau chấn thương đã phẫu thuật nội soi gỡ dính tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức từ tháng 9/2020 đến tháng 7/2021.
Phương pháp: tiến cứu, đánh giá trước và sau can thiệp, không có nhóm chứng.
Kết quả: Tai nạn giao thông là nguyên nhân hàng đầu gây chấn thương ban đầu
(76%). Gãy xương khác ngoài xương đùi và đứt dây chằng là 2 tổn thương thường gặp nhất, 52% bệnh nhân trong 2 nhóm trên có tổn thương phối hợp. Nhóm BN cứng gối sau phẫu thuật (23 BN) nhiều hơn nhóm điều trị bảo tồn (2 BN), tổn thương nội khớp (gãy xương nội khớp 40%, tổn thương phần mềm 60%) nhiều hơn tổn thương ngoại khớp (16%). Tầm vận động trung bình sau tập phục hồi chức năng 8 tuần (118,92± 14,06 độ) tăng 56 độ so với trước mổ (62,2±26,38 độ). Tỷ lệ bệnh nhân đạt kết quả phục hồi chức năng rất tốt tăng rõ rệt từ 8% (trước phẫu thuật) lên 92% và không có bệnh nhân loại trung bình và kém sau 8 tuần điều trị. Nhóm tổn thương ngoại khớp có điểm HSS trung bình sau điều trị cao nhất (95,5±3,11). Nhóm gãy xương khác có điểm HSS trung bình sau điều trị cao nhất (93,62±4,72). 52% bệnh nhân được phẫu thuật gỡ dính sau chấn thương 3-6 tháng và không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê trong kết quả điều trị giữa các nhóm thời gian phẫu thuật gỡ dính.
Kết luận: Phẫu thuật nội soi gỡ dính khớp gối kết hợp với một chương trình phục hồi chức năng toàn diện đem lại hiệu quả lớn trong gia tăng tầm vận động và cải thiện chức năng khớp gối. Một số yếu tố có ảnh hưởng đến kết quả phục hồi chức năng khớp gối là chấn thương ban đầu gây tổn thương nội khớp hay ngoại khớp, chấn thương gây xơ dính nội khớp hay ngoại khớp, điều trị chấn thương bằng phẫu thuật hay bảo tồn, thời gian phẫu thuật nội soi là yếu tố cần nghiên cứu thêm.
Từ khóa: Cứng khớp gối sau chấn thương, sau phẫu thuật nội soi gỡ dính
*Trường Đại học Y Hà Nội
Chịu trách nhiệm chính: Lương Thu Hằng
Email: luongthuhanghb1210@gmail.com
Ngày nhận bài: 2.8.2021
Ngày phản biện khoa học: 1.10.2021
Ngày duyệt bài: 7.10.2021
- Đặt vấn đề
Khớp gối là một trong những khớp đóng vai trò quan trọng trong quá trình vận động của con người. Cứng khớp gối là một biến chứng phức tạp tiềm ẩn sau mỗi phẫu thuật hoặc chấn thương khớp gối. Theo ghi nhận tại các nước phát triển tỉ lệ gặp biến chứng này là 11% và có thể cao hơn ở các nước đang phát triển3. Bệnh thường gặp sau chấn thương như gãy xương, bất động bột kéo dài, sau phẫu thuật5. Bệnh nhân cứng khớp gối thường gặp tình trạng đau và hạn chế tầm vận động khớp cho nên ảnh hưởng lớn đến dáng đi và các hoạt động chức năng của khớp gối. Hiện nay, có nhiều phương pháp điều trị cứng khớp gối sau chấn thương trong đó phẫu thuật nội soi gỡ dính ngày càng được ưa chuộng bởi tính an toàn, ít xâm lấn, tỉ lệ biến chứng thấp và cho phép tập phục hồi chức năng sớm ngay sau mổ. Nhiều nghiên cứu trên thế giới và Việt Nam đều chỉ ra rằng các bệnh nhân sau phẫu thuật nội soi điều trị cứng khớp gối cần tham gia một chương trình phục hồi chức năng toàn diện1,5. Tuy nhiên, ở Việt Nam chưa có nhiều nghiên cứu về vấn đề này. Vì vậy chúng tôi thực hiện đề tài: “Đánh giá kết quả phục hồi chức năng khớp gối sau phẫu thuật nội soi gỡ dính” với hai mục tiêu (1) Đánh giá kết quả phục hồi chức năng vận động khớp gối sau phẫu thuật nội soi gỡ dính. (2) Tìm hiểu một số yếu tố ảnh hưởng tới khả năng phục hồi chức năng vận động khớp gối sau phẫu thuật nội soi gỡ dính khớp gối.
- Đối tượng và phương pháp nghiên cứu
- Đối tượng và cỡ mẫu.
Bệnh nhân có tiền sử chấn thương/ bệnh lý khớp gối đã điều trị bằng phẫu thuật nội soi/ mổ mở/ bất động. Sau đó bị cứng khớp gối và được tiến hành phẫu thuật nội soi gỡ dính tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Chọn mẫu thuận tiện, nghiên cứu trên 25 bệnh nhân.
- Phương pháp nghiên cứu
- Tiến cứu, đánh giá trước và sau can thiệp, không có nhóm chứng.
- Tất cả các bệnh nhân cứng khớp gối sau chấn thương được phẫu thuật nội soi gỡ dính khớp gối tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức từ 9/2020 đến 7/2021 thỏa mãn các tiêu chí lựa chọn, đồng ý tham gia nghiên cứu được đưa vào nhóm nghiên cứu.
- Đánh giá BN theo Thang điểm khớp gối của bệnh viện phẫu thuật đặc biệt- The Hospital for Special Surgery Knee Score (viết tắt là HSS) tại 2 thời điểm: trước phẫu thuật, sau phẫu thuật 8 tuần.
- Các bài tập dựa theo Hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyên ngành Phục hồi chức năng do Bộ y tế ban hành năm 2014 kết hợp với Quy trình phục hồi chức năng sau phẫu thuật nội soi khớp gối của Đại học Chấn thương chỉnh hình, Đại học Y khoa Brown Alpert, Rhode Island, Mỹ.
- BN được điều trị PHCN nội trú/ ngoại trú hằng ngày tại bệnh viện bắt đầu từ ngày thứ 1 sau mổ, liên tục trong 2 tháng, >1h/buổi/ngày. Chương trình tập được chia thành 4 giai đoạn. Giai đoạn 1 (1- 7 ngày sau mổ) nhằm kiểm soát đau và sưng nề, đạt TVĐ 0- 90 độ, sử dụng nạng và nẹp duỗi gối. Sử dụng bài tập gồng cơ tĩnh, vận động khớp háng, khớp cổ chân, chườm lạnh, điện kích thích cơ tứ đầu đùi. Giai đoạn 2 (1- 3 tuần sau mổ) mục tiêu đạt TVĐ và dáng đi bình thường. Tập vận động chủ động có trợ giúp, chủ động khớp gối, tập vận động có kháng trở tăng dần khớp háng, cổ chân. Giai đoạn 3 (3- 6 tuần sau mổ) mục tiêu đi bộ được 3 km với vận tốc 6km/h, đi cầu thang không đau hay khó chịu. Tập vận động có kháng trở tăng dần khớp gối, tập chạy, tập thăng bằng. Giai đoạn 4 (6- 10 tuần) nhằm trở lại sinh hoạt hàng ngày, tập chạy, rèn luyện sự nhanh nhẹn.
- Số liệu được nhập và xử lý theo chương trình SPSS 15.0. Dùng McNemar test, T Test ghép cặp, ANOVA test tính giá trị p để so sánh sự khác biệt có ý nghĩa thống kê.
III. Kết quả nghiên cứu
- Đặc điểm đối tượng nghiên cứu
- Nguyên nhân chấn thương: tai nạn giao thông chiếm 76%, tai nạn sinh hoạt chiếm 12%. Các nguyên nhân khác là tai nạn thể thao, tai nạn lao động, thoái hóa khớp đều chiếm tỉ lệ 4%.
- Các biện pháp điều trị sau chấn thương: 2 BN bảo tồn (8%), 12 BN PT nội soi (48%), 11 BN mổ mở (44%)
- Thời gian trung bình từ khi chấn thương đến khi PT nội soi gỡ dính: nhóm phẫu thuật nội soi TB 6 tháng (3- 19 tháng), nhóm mổ mở TB 11 tháng (2- 31 tháng), nhóm bảo tồn TB 4 tháng.
- Đánh giá tầm vận động trung bình trước và sau điều trị
Bảng 1. So sánh TVĐ trung bình trước và sau điều trị
Kết quả | Trước phẫu thuật | Sau PHCN 8 tuần | Trong phẫu thuật | p1 | p2 |
TVĐ trung bình | 62,2±26,38 | 118,92±13,77 | 117,6±16,08 | 0,000 | 0,8112 |
Nhận xét: TVĐ trung bình trước phẫu thuật (62,2±26,38 độ) nhỏ hơn so với sau PHCN 8 tuần (118,92±13,77) với sự khác biệt có ý nghĩa thống kê p1=0,0000<0.01. TVĐ trung bình sau PHCN 8 tuần và trong phẫu thuật xấp xỉ bằng với sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê p2=0,8112> 0,01 (sử dụng Ttest ghép cặp)
- Đánh giá kết quả PHCN trước và sau điều trị
Bảng 2: Đánh giá kết quả PHCN trước và sau điều trị
Xếp loại | Thời điểm | Trước phẫu thuật | Sau PHCN 8 tuần |
Rất tốt | 8% | 92% | |
Tốt | 40% | 8% | |
Trung bình | 24% | 0% | |
Kém | 28% | 0% | |
Tổng số | 100% | 100% |
Nhận xét: Trước phẫu thuật có 8% bệnh nhân đạt kết quả rất tốt, 40% tốt, 24% trung bình, 28% kém. Sau PHCN 8 tuần, chỉ có 2 nhóm là rất tốt 92% và tốt 8%.
- So sánh kết quả điều trị giữa các nhóm chấn thương
Bảng 3. So sánh kết quả PHCN giữa các nhóm chấn thương
Nội dung bài viết
Tổn thương Kết quả | Tổn thương nội khớp | Tổn thương ngoại khớp | |
Gãy xương nội khớp | Tổn thương phần mềm | ||
Số lượng | 10 (40%) | 15 (60%) | 4 (16%) |
Điểm HSS trung bình | 92,6±4,43 | 92,93±5,15 | 95,5±3,11 |
Nhận xét: 10 BN gãy xương nội khớp (40%) điểm HSS trung bình 92,6±4,43; 15 BN tổn thương phần mềm (60%) điểm HSS trung bình 92,93±5,15; 4 BN tổn thương ngoại khớp (16%) điểm HSS trung bình 95,5±3,11.
- So sánh kết quả điều trị giữa các nhóm cấu trúc tổn thương
Bảng 4. So sánh kết quả điều trị giữa các nhóm cấu trúc tổn thương
Kết quả | Gãy xương đùi | Gãy xương khác | Đứt dây chằng | Rách sụn chêm | Thoái hóa |
Số lượng | 4 (16%) | 13 (52%) | 13 (52%) | 4 (16%) | 1 (4%) |
Điểm HSS trung bình | 93,5±2,65 | 93,62±4,72 | 92,77±5,15 | 90±3,37 | 84 |
Nhận xét: Sau 8 tuần PHCN điểm HSS trung bình của 4 BN gãy xương đùi (16%) là 93,5±2,65; 13 BN gãy xương khác (52%) là 93,62±4,72; 13 BN đứt dây chằng (52%) là 92,77±5,15; 4 BN rách sụn chêm (16%) là 90±3,37; 1 BN thoái hóa khớp gối (4%) là 84.
- So sánh kết quả điều trị giữa các nhóm thời gian từ lúc chấn thương đến khi phẫu thuật gỡ dính
Bảng 5. So sánh kết quả điều trị giữa các nhóm thời gian từ lúc chấn thương đến khi phẫu thuật gỡ dính
Kết quả | < 3 tháng | Từ 3-6 tháng | >6 tháng | p |
Số lượng | 3 (12%) | 13 (52%) | 9 (36%) | 0,7147 |
Điểm HSS trung bình | 90,67±1,15 | 93,15±5,19 | 92,78±4,49 |
Nhận xét: 3 BN phẫu thuật gỡ dính trong vòng 3 tháng sau chấn thương có điểm HSS trung bình là 90,67±1,15 điểm; 13 bệnh nhân nhóm 3- 6 tháng đạt 93,15±5,19 điểm; 9 bệnh nhân nhóm trên 6 tháng đạt 92,78±4,49 điểm. Không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê trong kết quả điều trị giữa các nhóm thời gian phẫu thuật gỡ dính với p=0,7147>0,01 (ANOVA test).
- Bàn luận
- Đặc điểm đối tượng nghiên cứu.
Nguyên nhân hàng đầu gây chấn thương ban đầu cho các bệnh nhân cứng khớp gối sau chấn thương là tai nạn giao thông (chiếm 76%), lý giải bởi tại Việt Nam tai nạn giao thông là nguyên nhân hàng đầu gây chấn thương chi dưới.
Gãy xương khác ngoài xương đùi (13 bệnh nhân) và đứt dây chằng (13 bệnh nhân) là 2 tổn thương thường gặp nhất, 52% bệnh nhân trong 2 nhóm trên có tổn thương phối hợp. Điều này cho thấy cứng khớp gối sau chấn thương thường gặp sau các tổn thương nặng và phối hợp.
Sau chấn thương, số BN phẫu thuật (12 BN phẫu thuật nội soi, 11 BN mổ mở) nhiều hơn hẳn số BN điều trị bảo tồn (2 BN), như vậy cứng khớp gối thường gặp ở các BN đã phẫu thuật khớp. Thời gian TB từ khi chấn thương đến khi PT nội soi gỡ dính: nhóm PT nội soi TB 6 tháng (3 – 19 tháng), nhóm mổ mở TB 11 tháng (2 – 31 tháng), nhóm bảo tồn TB 4 tháng.
Các tổn thương nội khớp (gãy xương nội khớp 40%, tổn thương phần mềm 60%) dễ gây cứng khớp hơn các tổn thương ngoại khớp (16%). Điều trị tổn thương nội khớp thường bằng phẫu thuật, trong khi chấn thương và PT can thiệp vào khớp là nguyên nhân trực tiếp gây xơ dính nội khớp. Chấn thương ngoại khớp gây cứng khớp chủ yếu do bất động lâu ngày. 12% BN phẫu thuật gỡ dính trong 3 tháng sau chấn thương (2 tháng 12 ngày- 2 tháng 26 ngày), 52% phẫu thuật gỡ dính sau chấn thương 3-6 tháng (3 tháng- 6 tháng 15 ngày). 36% phẫu thuật sau chấn thương trên 6 tháng (7 tháng- 2 năm). Hơn một nửa (52%) BN phẫu thuật gỡ dính sau chấn thương 3- 6 tháng, phù hợp với nghiên cứu của Abhishek Vaish và CS năm 2020, N. Pujol và CS năm 2014 đều cho rằng PT gỡ dính đạt hiệu quả nhất khi thực hiện sau chấn thương 3-6 tháng 6 7.
- Đánh giá kết quả.
TVĐ trung bình sau PHCN 8 tuần (118,92 ± 14,06 độ) tăng 56 độ so với trước mổ (62,2 ± 26,38 độ) và xấp xỉ bằng TVĐ trong mổ 117,6 ± 16,08. Tương đồng với số liệu trong nghiên cứu của Liu SH và CS năm 2016 (117 ± 13,4)4. Chương trình tập PHCN trong 8 tuần giúp cải thiện rõ rệt TVĐ khớp gối và đạt mục tiêu như trong mổ.
Sau điều trị PT và PHCN, tỉ lệ BN đạt kết quả rất tốt tăng rõ rệt từ 8% (trước phẫu thuật) lên 92%, không có BN loại trung bình và kém. Chỉ 1 BN thoái hóa khớp đã phẫu thuật thay khớp gối có điểm HSS là 84 thuộc nhóm tốt, 24 BN còn lại đều đạt kết quả rất tốt. Từ đó cho thấy chương trình điều trị đem lại hiệu quả cao trong phục hồi vận động khớp gối.
- Các yếu tố liên quan.
Nhóm tổn thương ngoại khớp có điểm HSS trung bình sau điều trị cao nhất (95,5±3,11). Nhóm này không có chấn thương hay can thiệp trực tiếp vào khớp mà cơ chế cứng khớp là do bất động lâu ngày nên tình trạng xơ dính thường không nặng nề, hiệu quả hồi phục cao hơn nhóm tổn thương nội khớp 6.
Các BN nhóm gãy xương khác có điểm HSS trung bình sau điều trị cao nhất (93,62±4,72). Do chấn thương không liên quan đến xương đùi nên không gặp tình trạng xơ dính gân cơ tứ đầu đùi và mô mềm vùng đùi, hiệu quả phục hồi sẽ tốt hơn6.
Các BN ở cả 3 nhóm thời điểm phẫu thuật gỡ dính đều có điểm trung bình HSS rất cao tuy nhiên sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p=0,7147), khác với kết quả nghiên cứu của Lena Alm và CS năm 2019 cho rằng nhóm phẫu thuật gỡ dính muộn có kết quả kém hơn nhóm gỡ dính sớm. Nguyên nhân của sự khác biệt này do cỡ mẫu chưa đủ lớn8.
- Kết luận
PT nội soi gỡ dính khớp gối kết hợp với chương trình PHCN toàn diện đem lại hiệu quả lớn trong gia tăng TVĐ và cải thiện chức năng khớp gối. Chương trình PHCN bao gồm các bài tập gia tăng TVĐ, cải thiện sức mạnh cơ, kiểm soát đau và sưng nề trong giai đoạn đầu kết hợp với bài tập thăng bằng, cải thiện sự linh hoạt, các bài tập chuyên biệt giúp BN trở lại hoạt động thể thao trong giai đoạn sau.
Một số yếu tố có ảnh hưởng đến kết quả phục hồi chức năng khớp gối là chấn thương ban đầu là tổn thương nội khớp hay ngoại khớp, chấn thương chỉ gây xơ dính nội khớp (đứt dây chằng, rách sụn chêm, gãy xương khác, thoái hóa) hay còn gây xơ dính ngoại khớp ở mô mềm vùng đùi (gãy xương đùi), sau chấn thương BN được điều trị phẫu thuật hay bảo tồn. Trong nghiên cứu này thời điểm phẫu thuật nội soi gỡ dính không ảnh hưởng đến kết quả PHCN khớp gối, tuy nhiên cần nghiên cứu với cỡ mẫu lớn hơn.
Tài liệu tham khảo
- Nhân, Đỗ Trọng. Đánh giá kết quả phẫu thuật nội soi điều trị hạn chế vận động khớp gối sau chấn thương. Đại học Y Hà Nội, 2019.
- Bonutti PM, McGrath MS, Ulrich SD, McKenzie SA, Seyler TM, Mont MA. Static progressive stretch for the treatment of knee stiffness. The Knee. 2008;15(4):272-276.
- Liu K, Liu S, Cui Z, Han X, Tang T, Wang A. A less invasive procedure for posttraumatic knee stiffness. Arch Orthop Trauma Surg.2011;131(6):797-802.
- Liu Sh, Liu km, Wang aq, Gui zg, Han xz, Wang f. Management strategies for post- traumatic knee stiffness. Biomedical. 2016.
- Parisien JS. The role of arthroscopy in the treatment of postoperative fibroarthrosis of the knee joint. Clin Orthop. 1988;(229):185-192.
- Pujol N, Boisrenoult P, Beaufils P. Post- traumatic knee stiffness: Surgical techniques. Orthop Traumatol Surg Res. 2015;101(1, Supplement):S179-S186.
- Vaish A, Vaishya R, Bhasin VB. Etiopathology and Management of Stiff Knees: A Current Concept Review. Indian J Orthop. 2021;55(2):276-284.
- Alm L, Klepsch L, Akoto R, Frosch K-H. Arthrofibrosis of the knee: clinical result after early vs. late arthroscopic arthrolysis of 100 patients. Orthop J Sports Med. 2020;8
Bản quyền và thương hiệu: Thông tin và hình ảnh trên website thuộc quyền sở hữu của Vinmecdr. Việc sao chép, sử dụng phải được Vinmecdr chấp thuận trước bằng văn bản.
Miễn trừ trách nhiệm: Tất cả những tư liệu được cung cấp trên website này đều mang tính tham khảo. Do đó, nội dung và hình ảnh sẽ được thay đổi, cập nhật và cải tiến thường xuyên mà không phải thông báo trước. Vinmecdr không bảo đảm về độ chính xác cũng như sự hoàn thiện về thông tin. Chúng tôi không chịu trách nhiệm pháp lý cho những thiệt hại xuất hiện trực tiếp hay gián tiếp từ việc sử dụng hoặc hành động dựa theo những thông tin trên hoặc một số thông tin xuất hiện trên website này. Vinmecdr không chịu trách nhiệm pháp lý về những sai sót, lỗi chính tả… do nhập liệu cùng với những sự cố khách quan khác như: nhiễm virus, hành vi phá hoại, ác ý… xảy ra trên website này cũng như các website liên kết, nếu có.
Đường link liên kết
Vinmecdr sẽ không chịu trách nhiệm hay có nghĩa vụ pháp lý dưới bất kỳ hình thức nào về nội dung của những website không thuộc Vinmecdr được liên kết với website www.vinmecdr.com, bao gồm các sản phẩm, dịch vụ và những mặt hàng khác được giới thiệu thông qua những website đó.